Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Truyện vừa Chuyện lão Thực (3)

        
Chuyện lão Thực
Truyện của Trọng Bảo

Câu chuyện thứ 3: Lão Thực và tình yêu

          Từ hôm đọc cuốn lịch sử xã Quan Sơn khiến lão Thực cứ thấy trong lòng thấp thỏm, bất an. Không phải vì lão suy nghĩ về những đoạn sai lệch trong cuốn lịch sử. Cũng không phải lão buồn vì người ta đã quên hết công lao của những người như lão trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Đó chỉ là chuyện vặt trong cuộc đời mỗi con người. Công lao cũng chả là gì, sự sống mới là vĩnh cửu. Thế hệ lão đã bao nhiêu người đang nằm dưới cỏ rồi.
          Chiều nay lão Thực không ra hồ cắt cỏ nuôi cá nữa. Lão mặc một bộ quần áo tươm tất rồi đi ra cổng. Một thằng thanh niên đang ngồi ở cái quán đầu làng gọi vọng ra:
          - Cụ Thực ơi! Cụ lại lên xã để bàn về “công tác nhân sự” đấy à? Mời cụ vào làm chén nước chè đã ạ!
          Lão Thực lẩm bẩm:
          - Chỉ được cái bố láo! Tao già rồi còn nhân sự, nhân xiếc gì nữa!
          Có tiếng cười nhộn nhạo trong quán. Một thằng tếu táo: “Cụ cứ cách chức mẹ cái bọn chuyên ăn chặn, bớt xén tiền đền bù giải phóng mặt bằng khu công nghiệp đi cho dân làng nhờ cụ nhá!”. Lão Thực không thèm nói chuyện với bọn ranh con vô công rồi nghề. Tuy thế, lão vẫn rẽ vào quán. Mấy thằng thanh niên vội ngồi dịch ra nhường chỗ cho lão. Nhưng lão không uống nước. Lão mua một thẻ hương rồi đi luôn. Bọn thanh niên ngạc nhiên. Mấy thằng nháy nhau lập tức bám theo chân lão.
          Lão Thực đi về khu nghĩa trang của xã. Đến ngôi mộ tận góc nghĩa địa lão dừng lại. Lão xoè diêm đốt hương cắm lên ngôi mộ. Lão nhổ mấy búi cỏ mọc cao trên nấm mộ. Đoạn lão rì rầm khấn vái. Khi lão quay về thì bọn thanh niên nấp ở các ngôi mộ xung quanh bèn ập đến. Chúng đọc dòng chữ ghi trên bia mộ: “Vũ Thị Thoa, sinh năm…, hy sinh ngày 13 tháng 3 năm 1953”. Bọn chúng thắc mắc hỏi nhau: “Tại sao thế nhỉ! Hy sinh tức là liệt sĩ. Nếu bà Thoa mà là liệt sĩ thì phải chôn trong nghĩa trang liệt sĩ chứ? Tại sao lại chôn ở nghĩa địa nhân dân thế này?". Bọn chúng không thể hiểu nguyên nhân ra sao. Chỉ có lão Thực là rõ mọi chuyện. Câu chuyện của hơn năm mươi năm trước lại hiện về rất rõ trong tâm trí lão.
          Ngày ấy, cô Thoa là một nữ du kích xinh đẹp. Cô và anh Thực (tức lão Thực bây giờ) có tình ý với nhau. Họ cứ như đôi chim cu lúc nào cũng quấn quýt bên nhau, khi đi gài mìn trên quốc lộ 2, khi đi lên chiến khu Sơn Dương nhận súng. Họ quả là đẹp đôi. Nhưng việc một nữ chiến sĩ xinh đẹp yêu một anh bần cố nông trong đội du kích đều được cả đội vun vào thì anh đội trưởng lại thấy khó chịu. Anh đội trưởng đội du kích cũng bị cô chiến sĩ xinh đẹp hút mất hồn. Thế nhưng, tình yêu vẫn có những lối đi riêng của nó. Kẻ đẹp trai, lại có chức vụ chưa chắc đã có được tình yêu đẹp. Anh đội trưởng đội du kích vô cùng bực bội và tự ái khi thấy cô nữ du kích xinh đẹp cứ xoắn xuýt bên anh Thực mồ côi, nghèo khó. Từ đó, anh đội trưởng càng đâm ra ganh ghét người chiến sĩ dũng cảm của mình. Không biết là vô tình hay cố ý, anh đội trưởng thường giao cho chiến sĩ Thực nhiều nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, dễ chạm với bọn địch phục kích. Ngày ấy, sau khi đồn địch ở phố Miễu bị quân ta san phẳng, bọn giặc Pháp phải rút sang bên kia sông Đáy. Khu vực xã Quan Sơn trở thành vùng giáp gianh vùng Tề, cũng là vùng bọn địch hay vượt sông sang để phục kích bắt cóc cán bộ, bắn giết dân thường. Anh du kích Thực nhiều lần được đội trưởng đội du kích giao nhiệm vụ cải trang, vượt sông đột nhập vào vùng Tề để bắt liên lạc với cơ sở của ta hoặc thi hành mệnh lệnh xử tử những tên Việt gian bán nước. Vốn là một người liều lĩnh, dũng cảm lại vô tư nên anh du kích Nguyễn Công Thực chỉ nghĩ là cấp trên tin tưởng, thử thách mình vì anh đang là một đảng viên mới. Anh không hề biết là có một ý khác trong những nhiệm vụ mà người đội trưởng đã giao cho mình.
          Một hôm, anh du kích Nguyễn Công Thực được giao nhiệm vụ đặc biệt là vượt sông gặp một cơ sở bí mật tại chợ gốc gạo ven đê để nhận tài liệu từ vùng Tề gửi ra. Anh Thực không được mang theo vũ khí để nếu bị bọn địch khám xét thì cứ mạo nhận là người đi buôn trâu.
          Anh Thực vượt sông khi trời còn chưa sáng hẳn. Tháng ba, nước sông Đáy còn rất cạn. Nhiều chỗ nước sâu không quá đầu gối. Khi anh Thực vừa đi thì cô Thoa biết chuyện. Cô vội vã gặp anh đội trưởng đội du kích hỏi:
          - Theo tin từ vùng tạm chiếm bên kia sông báo ra là bọn địch đang rải quân phục kích dọc bên bờ sông, cơ sở của ta sẽ không thể ra chỗ hẹn được tại sao đội trưởng vẫn giao nhiệm vụ cho anh Thực sang sông?
          Anh đội trưởng du kích lúng túng:
          - Chuyện này anh cũng vừa mới biết!
          - Không đúng! Việc này ngay từ tối hôm qua anh đã biết rồi!
          - Anh… anh…
          Cô Thoa gằn giọng:
          - Anh có ý để anh ấy lọt vào ổ phục kích của bọn địch phải không?
          Cô Thoa nói xong vội chạy đi ngay. Anh đội trưởng hốt hoảng gọi với theo:
          - Không phải đâu… Thoa… anh bảo này… em định đi đâu đấy?
          Trong khi hai người đang tranh cãi với nhau thì du kích Thực đã vượt qua sông. Anh nằm ép vào một bụi cỏ sát mép nước để tìm cách vượt qua bãi ngô lên sườn đê. “Trời đã gần sáng rõ, phải lên được sườn đê, thay quần áo khô trà trộn vào đám người đi chợ mới che mắt được bọn địch” - Anh du kích trẻ Nguyễn Công Thực nghĩ vậy. Giữa lúc anh chuẩn bị chạy lên bờ đê thì phía dưới hạ lưu có tiếng súng nổ. Anh du kích Thực vội quay lại nhìn. Anh vô cùng sửng sốt thấy một người mặc áo trắng vừa lao sang sông vừa bắn loạn xạ. Khi người đó chạy ra đến giữa dòng sông cạn thì anh Thực hoảng hốt nhận ra đó chính là Thoa.
          Tại sao Thoa lại lao sang sông và bắn chỉ thiên bừa bãi như vậy nhỉ! Anh du kích Thực chưa hiểu ra sao thì trên bờ đê tiếng súng của bọn địch rộ lên bắn xuống dữ dội. Ngay trong bãi ngô trước mặt anh cũng có tiếng súng vang lên. Một toán địch lao qua ngay trước mặt anh vừa bắn chặn vừa chạy xuống đón đầu Thoa. Thoa bị trúng đạn khi vừa nhào đến bờ sông. Đến lúc này thì anh du kích Nguyễn Công Thực đã hiểu. Thoa đã quyết định nổ súng và chết để cứu anh khỏi lọt vào ổ phục kích của bọn giặc. Anh du kích cắn môi đến bật máu. Trong tay anh không có một thứ vũ khí gì để chi viện cho Thoa. Nhìn thấy bọn giặc lôi xác người con gái chạy ngược lên phía sườn đê anh chỉ muốn bật dậy lao vào bọn chúng. Nhưng không có vũ khí gì trong tay anh chưa đến được chỗ bọn chúng thì đã bị tiêu diệt rồi. Thoa đã hy sinh để cứu anh, anh không thể chết vô ích thế.
          Bọn địch lột hết quần áo rồi treo xác Thoa lên cành cây gạo chỗ dốc đê. Từ chỗ nấp của mình, chiến sĩ Thực nhìn rất rõ những vệt máu chảy thành vũng xuống mặt phù sa. Màu máu của người nữ chiến sĩ đỏ như màu hoa gạo trên cây.
          Quay về được chỗ đội du kích đang tập kết sát bờ sông, Nguyễn Công Thực vội đi tìm đội trưởng. Anh định túm cổ áo đập cho hắn một báng súng. Nhưng nghĩ đến chuyện xác Thoa còn đang bị treo trên cây gạo bên kia sông anh cố nhịn. Anh bàn với đội tìm cách đưa Thoa về. Cả đội đều lúng túng. Không ai nghĩ ra cách nào để lấy được xác người nữ du kích đang bị treo trên cây gạo bên kia sông. Bọn địch chắc chắn sẽ phục kích xung quanh gốc cây để đợi quân ta đến lấy xác đồng đội. Khi đội trưởng vẫn còn bàng hoàng, lo sợ vì chuyện đã xảy ra thì anh du kích Nguyễn Công Thực lên tiếng:
          - Đêm nay tôi sẽ sang sông trước. Khi nghe có tiếng nổ lớn ở phía đồn Và trên bờ đê bên kia thì một tổ nhanh chóng vượt sông sang đưa cô Thoa về. Lúc đó không còn sợ có phục kích nữa vì bọn địch sẽ phải co cụm về vì nghĩ ta công đồn.
          Nói xong, chẳng chờ đội trưởng cho phép, anh Thực đeo súng và ôm khối bộc phá lớn đi luôn. Trong đêm ấy, Nguyễn Công Thực đã vượt sông ở nơi mà bọn địch không ngờ nhất. Anh tiếp cận và đặt được khối bộc phá ở cổng đồn Và rồi điểm hoả. Khi tiếng nổ lớn vang lên khiến bọn địch trong đồn hoảng hốt bắn ra xung quanh như vãi đạn. Toán địch đang phục kích chỗ gốc cây gạo cũng vội vã rút ngay về đồn để cố thủ. Khi Nguyễn Công Thực bò ra đến mép nước thì gặp ba du kích đã đem được xác cô Thoa ra đến sông. Họ đưa Thoa sang bên kia bờ và dùng nước sông Đáy trong mát tắm rửa cho cô. Cô được chôn cất trên một mỏm đồi đầy hoa sim tím.
          Sau cái chết của Thoa, cấp trên tiến hành điều tra vụ việc. Tay đội trưởng đội du kích bị điều lên chiến khu làm việc khác. Nguyễn Công Thực cũng bị kỷ luật vì tội tự ý mang bộc phá sang đánh sập cổng đồn Và, khiến bọn địch đề phòng, tăng cường phòng thủ, suýt nữa làm hỏng kế hoạch trừ gian, phá Tề của ta. Riêng cô Thoa tự ý mang súng lao sang bên kia sông bắn chỉ thiên loạn xạ cũng là một hành động không có trong kế hoạch tác chiến của đội du kích. Việc Thoa bị bọn địch bắn chết trong tình huống ấy khiến cô không được công nhận ngay là liệt sĩ. Mãi sau này, khi xem xét lại cô mới được truy nhận là liệt sĩ thì mộ đã chôn gần mộ mẹ ở nghĩa địa nhân dân. Ông bố quyết định không đưa cô vào nghĩa trang liệt sĩ mà để Thoa mãi được nằm cạnh người mẹ yêu quý của mình.
          Còn anh đội trưởng đội du kích ngày ấy sau một thời gian lên chiến khu nhận công tác khác, anh ta lại quay về xã Quan Sơn. Khi trở về, anh ta vẫn là một đội trưởng. Song là đội trưởng đội cải cách ruộng đất. Nhưng đó là câu chuyện “Lão Thực và cải cách ruộng đất” phần sau mới kể đến.
                                                                                 Hà Nội, 21/7/2011
          (còn nữ­a)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét