Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 34)

    
    
Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo

        Bất ngờ thấy có một chiếc xe ô tô con tiến vào cổng, đang rẫy cỏ ngoài vườn, vợ và con gái thằng Đang vội buông cái cuốc chạy về nhà. Hai mẹ con đứng rúm ró trên thềm mà không dám ra đón khách. Có lẽ họ sợ và ái ngại điều gì chăng. Nhìn người đàn bà và đứa con gái hắn chợt thấy chạnh lòng. Hắn nhớ ngày nào cả hai tả tơi trong đám ma của chồng, của bố. Bây giờ sau bao nhiêu năm mà họ vẫn tơi tả như thế. Đứa con gái đã lớn rồi mà vẫn phải mặc quần áo cũ kỹ, vá vai.  
         Vợ thằng Đang vẫn chưa nhận ra hắn là ai. Vì hắn diện com-lê lại đi bằng xe ô-tô con đến họ không thể ngờ. Hắn lừ lừ bước vào cổng nhà. Vợ thằng Đang ớ người khi chợt nhận ra người quen. Chị ta chào:
         - Bác mới về làng ạ!
         - Ừ! Cô và cháu vẫn khoẻ chứ?
         - Vâng… - Vợ thằng Đang đáp nhưng lại húng hắng ho.
         Hắn lại hỏi:
         - Tại sao cô và cháu lại chuyển ra ở ngoài rừng… À mà bây giờ họ gọi đây là xóm Mới à?
         - Chuyện lâu lắm rồi bác ạ! Mời hai bác và cháu vào nhà đã!
         Người đàn bà mở cánh cửa gỗ mộc cũ kỹ. Khi chị ta đẩy cánh cửa thì bụi mọt bay rơi trắng cả nền nhà. Hắn và Thu bước vào căn nhà thấp lè tè lợp bằng lá cọ, thoang thoảng mùi phân gà. Đứa con gái chủ nhà khẽ vẫy vẫy bé Lan Hương bảo:
         - Em ra vườn với chị không! Chị sẽ hái cho em một quả khế ngọt rất to!
         Con bé có vẻ thích, nó hỏi:
         - Chị có bắt được con bươm bướm trắng không! Lúc nãy em nhìn thấy nó bay vút qua sân… - Đoạn nó quay sang mẹ: - Mẹ cho con ra vườn với chị nhé!
         Thu gật đầu, con bé hớn hở đi theo người chị mà nó vừa quen. Người đàn bà chủ nhà dặn với theo:
         - Đừng để em bị muỗi đốt Giang nhé!
         - Vâng ạ! - Từ ngoài sân, tiếng đứa con gái đáp lại.
         Vợ thằng Đang mời hai vợ chồng hắn ngồi xuống một cái phản ghép bằng mấy tấm ván kê ở giữa nhà. Hắn đảo mắt nhìn xung quanh. Ba gian nhà trống huếch, chả có thứ tài sản gì đáng giá cả. Góc nhà bên trái còn có cả một cái cày, cái bừa và mấy cái cuốc, xẻng để ở đấy nữa. Thấy hắn cứ nhìn vào chỗ mấy thứ nông cụ cũ kỹ, vợ thằng Đang bảo:
         - Nhà em ở ngoài này nên mọi thứ đều phải để trong nhà không thì mất hết. Tối đến khi mấy con gà đi ăn ở ngoài vườn về cũng phải nhốt vào bu đưa vào trong nhà đấy bác ạ!
         - Ngôi nhà hai tầng chỗ nhà cô cũ là nhà ai vậy?
         - Đó là nhà bác cả của cái Giang đấy!
         - Thế tại sao cô và cháu lại chuyển ra đây? - Hắn nhắc lại câu hỏi lúc nãy.
         - Chuyện dài lắm bác ạ… - Vợ thằng Đang giơ tay lên chùi mặt. Chị ta có vẻ ngần ngừ không muốn nói. Còn hắn thì lại rất muốn biết tại sao vợ con của một thằng lính chiến mà đã bao nhiêu năm sau chiến tranh rồi vẫn phải lầm than, khốn khổ thế này.

*
         Ngày ấy, sau đám ma thằng Đang mấy tháng thì xảy ra một chuyện.
         Có một anh bộ đội khoác ba-lô vào làng hỏi thăm đến nhà thằng Đang. Anh ta tên là Tuyến, đồng đội cũ của Đang đóng quân ở Lạng Sơn. Anh ta cũng chính là người đã giúp đưa xác của người chiến hữu cũ về quê. Nhân dịp được nghỉ phép, anh về thăm gia đình thằng Đang và ra viếng mộ người bạn chiến đấu năm xư­a.
         Việc anh bộ đội cùng đơn vị cũ của thằng Đang về thăm nhà và viếng mộ nó khiến mấy ông anh, bà chị của thằng Đang suy nghĩ. Nhất là khi biết anh sĩ quan ấy vẫn chưa có vợ. Ông anh cả thằng Đang quyết định triệu tập gấp ngay một cuộc “họp kín” với mấy ông em trai và mấy bà em gái. Khi mọi người đến đầy đủ, ông ậm è hắng giọng rồi nói:
         - Hôm nay, tôi mời các cô chú đến đây vì một việc rất hệ trọng! - Quan sát một lượt nét mặt chú ý lắng nghe của các em rồi ông nói tiếp: - Chú Đang là con út. Khi còn sống chú ấy đi bộ đội. Lúc về phục viên chú ấy lấy vợ và ở với bố mẹ tại ngôi nhà và mảnh đất hương hoả, có bàn thờ của tổ tiên, họ tộc. Bây giờ bố mẹ đã mất rồi, chú ấy cũng đã chết. Chú ấy lại chỉ sinh con một bề, có mỗi một mống con gái. Nếu mà thím ấy lấy chồng, đưa chồng về ở đây có phải cả chi họ ta mất chỗ thờ tiên tổ không?
         - Đúng vậy! - Một bà lên tiếng: - Tôi thấy cái chú bộ đội hôm nọ về đây có vẻ quyến luyến thím Hiên lắm. Mà cái con Giang cũng suốt ngày lẵng nhẵng đi theo chú ấy trông cứ như hai bố con ấy…
         - Thế thì không được rồi! - Ông anh kế trên thằng Đang là một cán bộ ngành văn hoá trên huyện lên tiếng: - Thím ấy mà tái giá, chồng mới về đây ở thì chi họ nhà ta mất chỗ thờ tổ tiên thì chết cả nút. Động mồ động mả không bằng động đến bát nhang. Bàn thờ tổ tiên ông bà, bố mẹ mà không yên thì em là người “chết” đầu tiên đấy. Em đã được đưa vào nguồn cán bộ lãnh đạo, sắp sửa bỏ phiếu tín nhiệm chức phó chủ tịch huyện, sơ xuất một tý là hỏng bét hết!
          Một bà chị gái trên thằng Đang một đốt thì nói, giọng thảng thốt:
          - Chết! Em lấy chồng xa không biết rõ mọi chuyện ở nhà. Nhưng chuyện này là hệ trọng lắm. Các bác bá và chú Đãng phải tính toán cho chu đáo. Không được để mất hương hoả của tổ tiên, ông bà kẻo mà lụn bại cả họ đấy… Thôi đúng rồi, sắp có chuyện thế này xảy ra thảo nào mà dạo này em làm ăn buôn bán không được thuận lợi gì cả, buôn chuyến nào lỗ chuyến ấy…
          Sáu người mỗi người một ý kiến, ai cũng lo lắng sẽ bị lụn bại sự nghiệp, tan hoang cơ đồ, tiệt con đường làm ăn, buôn bán thất thiệt khi bàn thờ tổ tiên có nguy cơ bị chuyển rời, chấn động. Ông anh cả thằng Đang sốt ruột:
          - Vậy thì bây giờ các cô chú định tính toán thế nào đây?
          - Tính toán gì nữa! - Bà chị gái cả của thằng Đang lên tiếng: - Thím ấy muốn đi lấy chồng thì dứt khoát phải đi theo về nhà chồng. Thuyền theo lái, gái theo chồng. Việc ấy chả phải tính toán gì cả!
          - Chị tính thế nhưng mà chưa thấu đáo! - Ông Đáng, anh trên thằng Đang ba đốt giờ mới lên tiếng: - Giả thử thím ấy theo chồng, nhưng con gái thím ấy vẫn ở đây. Sau này nó lấy chồng, đưa chồng về ở tại căn nhà của bố mẹ để lại thì có phải chi họ nhà ta vẫn cứ mất chỗ thờ cúng tổ tiên không?
          - Đúng! Bác tính toán xa xôi thật! Bây giờ em có ý kiến thế này! - Lại bà chị gái trên thằng Đang một đốt phát biểu: - Theo em, bác cả phải chuyển về ở chỗ ngôi nhà của bố mẹ để lại giữ hương hoả của tổ tiên. Sau này bác chết thằng con cả nhà bác nó sẽ kế tục bác thắp hương cho ông bà. Thằng cả nhà bác cả nó cũng đã có con trai rồi nên không phải lo gì nữa…
           Ông anh cả thằng Đang nhăn mặt khi bà em gái tính toán xa đến cả sau khi ông ta bị… chết nữa. Ông nói có vẻ bực:
           - Tôi làm sao mà tự dưng chuyển về ở ngôi nhà của bố mẹ được?
           - Hay là bác đổi nhà cho thím Hiên!
           - Đổi là đổi thế nào! - Ông anh cả cắt lời cô em gái: - Đất nhà tôi đang ở rộng gấp hơn hai lần mảnh đất cũ của bố mẹ. Với lại nhà tôi làm bê-tông, mái bằng, móng chắc, chuẩn bị lên tầng hai. Căn nhà gỗ cũ kỹ của bố mẹ chả bằng cái nhà bếp của nhà tôi. Đổi là đổi thế nào!
           Bà chị gái cả thằng của Đang bảo:
           - Hay là chú Đáng đổi nhà cho thím Hiên vợ thằng Đang?
           - Không được! - Bà chị trên thằng Đang một đốt lên tiếng gạt phắt ngay đi: - Nhà bác Đáng cũng toàn là bọn thị mẹt. Sau này chúng nó lấy chồng có phải cũng mất luôn chỗ thờ cúng tổ tiên không!
           - Cô câm ngay cái mồm đi! - Ông anh trên thằng Đang ba đốt đùng đùng nổi cáu: - Nhà cô đấy, có một thằng con trai quý tử­ thì dính vào đề đóm, cờ bạc, nghiện hút, liệu có còn giữ nổi hương hoả hay không hả?
           - Bác không phải nhiếc móc em…- Bà chị gái trên thằng Đang một đốt gào lên: - Bác về mà xem con gái bác ấy, tý tuổi đầu đã mắt xanh, mỏ đỏ, cặp kè với đám con trai ngoài bờ, ngoài bụi cả đêm…
           - Câm ngay!
           Ông Đáng bật dậy giơ tay định tát cô em gái. Ông anh cả thằng Đang bực quá đập bàn quát tháo ầm ĩ:
           - Các cô, các chú có yên đi không! Tôi mời các cô, các chú đến đây để bàn việc gìn giữ hương hoả, bảo vệ nền nếp gia phong dòng tộc, không phải là mời các cô chú đến đây để cãi nhau, đánh nhau hiểu không!
           Mọi người im lặng, hạ hỏa. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Các cụ ngày xưa đã dạy thế rồi. Một lúc sau bà chị cả thằng Đang mới lại lên tiếng hỏi ông anh cả:
           - Vậy thì theo ý bác thế nào?
           Ông anh cả:
           - Tôi tính thế này! Khu nhà đất của bố mẹ để lại ta chia đều cho bảy anh em, mỗi người một phần!
           - Sao lại chia làm bảy phần! Chúng ta còn có sáu anh em thôi mà?
           Bà chị gái trên thằng Đang một đốt lại lên tiếng. Ông anh kế trên thằng Đang là cán bộ văn hoá huyện nói:
           - Thằng Đang tuy chết rồi nhưng nó vẫn phải có xuất chứ! Nó cũng là con của bố mẹ mà!
           - Đúng! - Ông anh trên thằng Đang hai đốt nói: - Thằng Đang vẫn phải có xuất. Xuất đất ấy chúng ta phải chia cho vợ con nó, không được cạn tàu ráo máng với người đã chết!
           Ông anh cả quyết định:
           - Thôi được! Chúng ta sẽ chia làm bảy xuất. Nhưng, khoảnh đất nhà bố mẹ ở cũ đã có sổ đỏ mang tên thằng Đang, bây giờ vợ nó đang giữ, làm sao mà anh em ta chia được?
           Ông anh thứ hai:
           - Việc này đề nghị chú Đãng là cán bộ huyện, chú hiểu rõ các quy định của luật thừa kế, luật đất đai, chú lại quen tuốt tuột các cán bộ từ xã đến huyện và cán bộ địa chính. Chú ấy mà ra tay thì mọi việc sẽ xong xuôi hết, đúng quy định hết, không ai cãi lại được!
           Thế là việc đảm bảo tính pháp lý của việc chia tài sản thừa kế được giao cho ông anh kế trên của thằng Đang. Sáu anh chị em ruột vui vẻ, hoà thuận lại sau những phút tranh cãi, xô xát, suýt nữa choảng nhau. Giữa lúc đó thì ông Đảng, anh trên thằng Đang hai đốt, là người lành hiền nhất chợt kêu lên:
           - Ơ… ơ… dưng mà hôm nay chúng ta bàn việc giữ lại mảnh đất và căn nhà hương hỏa làm nơi thờ phụng tổ tiên, thế mà lại đem chia mỗi người một phần thì làm chỗ thờ cúng thế nào được cơ chứ!
           - Ờ! Đúng vậy! - Ông Đáng, anh trên thằng Đang ba đốt cũng chợt nhớ ra: - Miếng đất của bố mẹ chiều ngang chỉ có hơn chục mét, chia làm bảy phần, mỗi phần chiều rộng chỉ chưa đầy hai mét thì làm nhà thế quái nào được?
           Ông anh cả lúc này mới cười và bảo rằng:
           - Đúng là các cô chú chỉ biết cãi nhau và tính chuyện chia phần thôi. Việc này tôi đã bàn kỹ trước với chú Đãng rồi (chú Đãng là anh kế trên của thằng Đang, người sắp lên chức phó chủ tịch huyện)! Chia ra như thế thì mới đúng luật, đúng cả lệ nữa và mới có thể giữ lại được mảnh đất hương hỏa của cha ông. Sau khi mỗi người nhận một phần rồi thì phải có nghĩa vụ đóng góp trở lại để xây dựng nhà thờ họ! Tôi tính vậy có đúng không?
           - Đúng… đúng… bác cả và chú Đãng tính toán kín nhẽ thật!
           Sau cuộc “họp kín” là một cuộc họp công khai có cả vợ thằng Đang tham dự. Tranh cãi. Giải thích. Khóc lóc. Rồi người hả hê, kẻ buồn bã. Cuối cùng, mảnh đất có ngôi nhà vợ con thằng Đang đang ở được chia ra làm bảy phần. Vợ thằng Đang đành đưa con ra ngoài đồi hoang ở, góp phần đất của mình được chia để xây nhà thờ họ. Phần đất ấy thực ra đó là phần của thằng Đang-nguời đã chết. Bác cả nhận trách nhiệm thờ cúng tổ tiên đã chi thêm tiền phá ngôi nhà gỗ nhỏ của bố mẹ xây hẳn một ngôi nhà hai tầng, thỉnh bát hương lên trên tum cao, các cụ ngồi trên bàn thờ tha hồ mát. Dân làng góp cây que, lá cọ giúp mẹ con thằng Đang làm một căn nhà nhỏ tường đắp bằng đất ngoài khu đồi hoang. Lâu dần trong làng cũng có nhiều gia đình tách hộ ra làm nhà ở gần nhà hai mẹ con. Xã đầu tư làm một con đường vào khu đồi hoang. Một cụm dân cư được hình thành mang tên xóm Mới.
*
          Câu chuyện của vợ thằng Đang tuy xảy ra cả chục năm rồi nhưng hắn vẫn thấy ấm ức trong bụng. Thu thì cứ cầm mãi hai bàn tay chai sạn và gầy nhẳng của người đàn bà quê chồng. Cô chợt thấy nỗi buồn xót xa dâng dâng lên trong lòng. Thì ra kiếp đàn bà ở đâu cũng luôn luôn phải chịu muôn nỗi thống khổ. Ba người ngồi im lặng lúc lâu trong căn nhà nhỏ.
          Có tiếng cười trong trẻo của hai cô bé ngoài vườn.
          Hắn chợt nhớ hỏi:
          - Con bé nhà cô học hành thế nào?
          - Cháu tuy vất vả, thiếu thốn nhưng vẫn học giỏi lắm. Cháu vừa thi đại học xong. Nó đã có giấy gọi vào đại học rồi nhưng hoàn cảnh em thế này không biết có nuôi nổi cho cháu đi học không!
          - Cô cứ cho cháu đi nhập học! Vợ chồng tôi sẽ giúp đỡ để cháu học hành đến nơi đến chốn. Mà cháu thi vào trường đại học nào nhỉ?
          - Trường đại học nông nghiệp ở Phúc Yên. Cháu bảo đi học nông nghiệp để sau này về giúp mẹ!
          - Thế thì tốt rồi! Công ty của tôi cũng có một kỹ sư từng học đại học nông nghiệp, quen biết nhiều thầy cô giáo của trường. Cậu ấy đang lái xe cho tôi. Để tôi ra cổng gọi cậu ấy vào đây dặn cậu ấy nhờ các thầy cô giáo ở trường quan tâm giúp thêm cho cháu…  
           Hắn bước ra sân. Trời đã về chiều. Khu xóm Mới phảng phất mùi khói đốt nương, hun cỏ. Hắn cố nhìn xem nơi ngày xưa mình vẫn chăn bò, đánh trận giả ở đâu nhưng quang cảnh đã thay đổi nhiều quá. Người ta xẻ đồi, xây dựng nhà cửa, mở đường làm biến dạng cả một vùng đồi núi ngày xưa.
           Khi hắn và kỹ sư Tâm kiêm lái xe vào nhà thì Thu và vợ thằng Đang đang ngồi bóc sắn để luộc. Thu kéo hắn ra ngoài góc sân bàn việc phải hỗ trợ xây cho vợ con thằng Đang một căn nhà thay cho ngôi nhà vách đất, lợp lá cọ đã xiêu xiêu muốn đổ này. Hắn gật đầu đồng tình.
           Mấy hôm sau, anh chủ tịch xã ngạc nhiên thấy có chiếc xe vận tải chở gạch, xi-măng, cát sỏi liên tục chạy về hướng làng hắn. Từ làng hắn có con đường độc đạo vào xóm Mới. Anh chủ tịch xã nghĩ: “Sao lão này chở nhiều vật liệu thế nhỉ. Lão định xây mộ mẹ thật hoành tráng à!”. Anh chủ tịch xã không biết ở khu xóm Mới còn có một căn nhà nhỏ liêu xiêu sắp đổ.
          (hết phần 34)                                                   Hà Nội, tháng 2-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét