Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 32)

      
         Ảnh: Cây sanh "mâm xôi con gà" có giá 100 tỷ đồng.
       
Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo

          Hữu xạ tự nhiên hương. Trang trại Ma Gà ngày càng thêm nổi tiếng bởi là nơi có nhiều loại cây cảnh, cây thế, bon-sai dáng lạ, quý hiếm và rất phong phú các giống loài phong lan rừng đặc biệt. Lại thêm ông bà chủ là những người lởi xởi, tính tình phóng khoáng, rộng rãi. Khách đến tham quan, mua bán hàng ngày rất đông. Tự dưng hắn được mọi người tôn trọng và thán phục bởi cái đầu giàu trí tưởng tượng, sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa. Nhiều loại phôi cây cảnh mua về với giá rất thấp qua bàn tay hắn tỉa tót, uốn nắn chỉ một thời gian sau trở nên có giá trị tăng vọt. Có một chuyện tưởng như không thể tin. Đó là một gốc cây hóc cá mà khi làm nên đường dạo trước đám công nhân đã dùng máy ủi xô xuống khe núi hắn nhìn thấy gọi người đào đem về trồng và chăm sóc. Khi gốc cây hóc cá chắc chắn sống khoẻ, hắn bắt đầu tạo dáng cho nó. Sau vài năm cây hóc cá được hắn đặt cho cái tên là “mãnh thú” ấy được đưa trồng vào một chiếc chậu khá lớn đặt ngay giữa sân. Ai đến tham quan trang trại cũng ngạc nhiên và trầm trồ bởi cái dáng lạ của nó, trông giống hệt như một con sư tử đực đang tung bờm vồ mồi.
          Bữa nọ, có một ông tự lái chiếc xe con bóng lộn đến trang trại xem cây. Hắn nhận ra ngay chính là cái lão đã mua cây lộc vừng “Phật Di lặc” và cây si cổ thụ dạo nào.
          Sau khi gật gù ngắm nghía khá lâu cái cây hóc cá cổ thụ mang tên “mãnh thú” lão ta liền lân la gạ hắn bán. Nhớ tới lời thằng Hạnh lái xe đã dặn, để khỏi bị hớ và cũng vì không muốn bán đi một cái cây mà mình rất thích nên hắn bèn nói vống lên:
          - Thằng hóc cá mang dáng “mãnh thú” này có giá không thường đâu nhé! Hơn 500 triệu đồng đấy!
          Lão ta trợn tròn mắt thè lưỡi, lắc đầu ra vẻ kinh ngạc rồi bảo:
          - Làm quái gì mà ông “hét” kinh khủng thế!
          Nghe lão ta lủng bủng như vậy, hắn đắc ý cười thầm trong bụng và nghĩ: “Mình quát giá cao gấp cả trăm lần thế này chắc lão sẽ sợ chết khiếp luôn!”. Không ngờ, lão ta rút ví moi ra mấy tờ giấy và bảo:
          - Cái xe ô tô này của tôi vừa mới mua 520 triệu đấy! Đây là giấy tờ xe. Bây giờ tôi sẽ viết giấy sang tên, gán chiếc xe cho ông để đổi lấy cái cây “mãnh thú” này. Xong việc, tôi sẽ theo xe tải chở cây đi luôn.
           Đến lượt hắn há hốc mồm vì kinh ngạc. Sao lại có một chuyện kinh thiên động địa thế nhỉ! Hay là lão này bị thần kinh. Đến khi lão ta leo lên chiếc xe vận tải chở cây hóc cá “mãnh thú” đi rồi mà hắn vẫn còn bán tín, bán nghi. Hắn cứ sờ mó mãi chiếc xe con của lão mua cây để lại mà vẫn chưa tin hẳn đó là chuyện thật. Mãi mấy hôm sau, thằng Hạnh mới gọi điện về. Nó thông báo cho hắn biết là lão mua cái cây hóc cá “mãnh thú” rồi bán sang tay ngay cho người khác được gần bảy trăm triệu đồng. Khi ấy thì hắn mới thôi nghĩ lão mua cây bị bệnh thần kinh, chập mạch. Và, cũng mãi đến khi được kết nạp vào hội cây cảnh của tỉnh, được đi tham quan đây đó hắn mới hiểu còn có những cái cây cảnh, cây thế trị giá cả tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Mà những cái cây ấy có cây hắn thấy không hơn gì những cây hắn đang có trong trang trại của mình.
           Đoạn này tác giả viết thêm, không có trong truyện: Cũng phải mãi thời gian sau này hắn mới biết trong thế giới cây cảnh Việt Nam còn có những cái cây trị giá bằng tổng thu nhập một năm của cả một huyện giàu có. Cây sanh “mâm xôi con gà” của ông Nam Thành, một đại gia buôn vàng bạc, đá quý tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ đem đến trưng bày ở bảo tàng Hà Nội có giá là 5 triệu đô-la xấp xỉ khoảng 100 tỷ Việt Nam đồng. Bộ bốn cây thế có tên "chiến thắng Bạch Đằng" của hội sinh vật cảnh thành phố Hải Phòng cũng có giá khoảng 40 tỷ đồng. Cây sanh có dáng rồng bay của một ông tên là Hoàng Quân ở Thái Bình có người trả tới 60 tỷ đồng nhưng ông ấy không bán. Không thuộc dạng “đỉnh nhất” nhưng nhắc đến tốp những cây cảnh đẹp và đắt nhất Việt Nam, không một tay chơi cây cảnh nào ở thủ đô Hà Nội dám bỏ qua cây sanh trên một trăm năm tuổi của ông Nguyễn Gia Hiền ở Triều Khúc, Hà Nội. Đã có người trả giá đến 10 tỷ đồng nhưng ông không bán. Cây sanh này đã trải qua bốn đời và được gia chủ chăm sóc như một con người. Đồn rằng khi nhà có tang cây cũng được quệt vôi chịu tang cùng gia chủ. Theo ông Hiền vì vậy khi chuyển bán cho ai không hẳn chỉ là chuyện tiền nong mà phải có “duyên” mới “gả bán”. Hắn đã lần mò đến tận nơi để xem những cái cây trị giá bạc tỷ ấy.
          Thế là tự dưng nhờ một cái gốc cây già cỗi tình cờ nhặt dưới bờ suối khe núi đem về mà hắn có hẳn một chiếc ô tô con của riêng mình. Cái xe vẫn còn rất mới. Thằng Tâm kỹ sư có bằng lái xe ô tô khi cần trở thành tài xế riêng chở hắn, đưa Thu đi đây đi đó tham quan, giao dịch, ký kết hợp đồng rất oai. Hắn không phải suốt ngày cưỡi trên cái xe máy Trung Quốc giá rẻ kêu phành phạch đến nhức óc và rất tốn xăng nữa.

 *
           Một ngày đầu mùa hạ, đột nhiên trang trại Ma Gà có đoàn khách đặc biệt đến thăm. Đó là đoàn cán bộ từ quê hương hắn. Thì ra danh tiếng của hắn cũng đã bay về đến tận quê hương. Ngày xưa hắn khi làm thuê bốc vác ở ga có công liều mình lao vào đám cháy tham gia cứu toa xe chở đạn và quân trang đã được chỉ huy đơn vị quân đội về tận quê trao tặng giấy khen chung cho thanh niên toàn xã. Lúc hắn vướng vào chuyện thuốc phiện của thằng oắt con ở nhà ga cũng có công an hình sự về tận làng để thu thập tài liệu, hoàn chỉnh hồ sơ để truy tố bị can. Nhờ vậy mà cán bộ xã biết đến hắn. Bây giờ hắn làm ăn kinh tế giỏi thì chẳng cần ai về quê thông báo mà tin tức cũng đến tận tai lãnh đạo của xã rất đầy đủ, chi tiết. Đoàn cán bộ do anh chủ tịch xã dẫn đầu. Họ thuê một chiếc xe du lịch mười bốn chỗ ngồi hành trình qua một đoạn đường khá dài lên thăm trang trại của hắn. Hắn hơi ngạc nhiên. Hơn mười năm không về thăm quê hương nên khi có người từ quê đến hắn chợt thấy xốn xang trong lòng. Các cán bộ xã bây giờ toàn là lớp trẻ nên hắn không biết ai. Hắn chỉ mang máng nhận ra chị chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã chính là cái con bé Tèo hay khóc nhè khi bị hắn véo mũi những lần sán đến để nghe hóng hắn kể chuyện kiếm hiệp nhưng không bao giờ nộp đủ cỏ non cho con bò mộng của hắn. Hắn vui vẻ dẫn mọi người đi thăm trang trại và cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng của mình. Đoàn cán bộ xã nhà rất thích thú với mô hình làm ăn kinh tế khác đặc biệt của hắn. Họ kinh ngạc khi thấy những cái cây cảnh, cây thế đẹp và nghe anh kỹ sư nông nghiệp nói giá trị mỗi cây hàng chục đến cả trăm triệu đồng. Đến tham quan khu nhà lưới trồng phong lan họ càng thích thú với những giò phong lan rừng đang nở hoa rất đẹp, rất thơm.
          Sau khi dẫn đoàn cán bộ quê hương đi tham quan khắp khu trang trại rộng lớn, xem đủ các loại cây cảnh và phong lan, hắn đưa họ trở về phòng khách. Hắn gọi người đem nước mát giải khát và đưa vải thiều đầu vụ hái từ những cây trồng được trong trang trại ra mời khách. Xong xuôi, hắn lẻn ra phía đầu nhà nháy máy điện thoại gọi Thu từ cửa hàng về lo cơm trưa đãi khách.
          Anh chủ tịch xã sau khi trịnh trọng phát biểu nhiệt liệt chúc mừng mô hình làm ăn kinh tế rất thành công của hắn liền chuyển sang thông báo về tình hình của quê hương và mục đích của việc đoàn đến thăm trang trại. Thực ra, ngay từ khi đoàn khách này mới đến hắn đã phần nào đoán được mục đích của họ. Anh chủ tịch cho biết xã Quang Lâm-cũng tức là quê hắn vừa mới được phong tặng danh hiệu anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Xã đang chuẩn bị đón nhận danh hiệu cao quý này. Để tiến tới ngày hội lớn của toàn thể nhân dân trong xã, chính quyền đang gấp rút xây dựng các công trình kinh tế, văn hóa, công trình dân sinh để chào mừng. Anh chủ tịch trải ra bàn một bản sơ đồ quy hoạch của xã Quang Lâm và mời hắn xem. Anh chuyển cho hắn tờ giấy màu hồng in lời kêu gọi của cấp ủy, chính quyền và mặt trận tổ quốc xã gửi đến những người con ở xa quê hương lời kêu gọi đóng góp xây dựng “nơi chôn rau cắt rốn” ngày càng giàu đẹp.
          Hắn nhận tờ giấy in “Lời kêu gọi” có đóng dấu đỏ chót cẩn thận cất vào tủ rồi nói:
          - Tôi xin hứa sẽ xem xét đóng góp kinh phí để góp xây dựng nhà thư viện của xã và ủng hộ một số sách cho thư viện. Riêng về buổi lễ đón anh hùng tôi xin góp mười triệu đồng vào kinh phí tổ chức. Còn bây giờ, xin mời đoàn ăn bữa cơm rau với anh em công nhân trong công ty chúng tôi.
          - Thế thì quý hóa quá!
          Anh chủ tịch và đoàn cán bộ xã Quang Lâm vô cùng hỉ hả ngồi vào bàn tiệc. Bữa “cơm rau” có lợn mán, gà nuôi thả đồi, ba ba nấu chuối, đặc sản măng rừng, khoai môn lệ phố, bia chai Hà Nội và rượu ngô núi đá. Cả khách và chủ vừa chẵn hai mâm. Mọi người ăn uống chúc tụng vui vẻ. Bữa tiệc càng vui, hào hứng hơn sau khi hắn tranh thủ “hội ý” nhanh với phó giám đốc và công bố quyết định số tiền sẽ ủng hộ quê hương. Công ty TNHH Hoàng Thu sẽ “tài trợ không hoàn lại” cho xã Quang Lâm 300 triệu đồng để xây nhà thư viện và thêm 100 triệu đồng tiền mua sách cho phòng đọc của thư viện.
          Anh chủ tịch xã vô cùng phấn khởi và xúc động, tay run run nâng cốc bia lên:
          - Em xin thay mặt toàn xã chân thành cảm ơn anh chị và công ty đã nhiệt tình ủng hộ xây dựng quê hương. Chúng em sẽ ghi tên công ty ta vào trang nhất cuốn sổ vàng của xã. Trân trọng kính mời anh chị về thăm quê và dự lễ động thổ khởi công xây dựng nhà thư viện của xã. Mong anh chị sẽ nhận lời…
          - Nhất định chúng tôi sẽ về… - Hắn đáp.
          - Vậy thì xin mọi người cùng chạm cốc chúc mừng xã ta anh hùng…
          - Anh hùng… anh… hùng… Nào… một… hai… ba… zô…
          - 100%... 100%... 100%...
          - Zô… zô… z…ô… ô… ô…
          Hắn và mọi người trong công ty liên tục chạm cốc với anh chủ tịch và các cán bộ xã nhà. Hắn vừa tiếp khách vừa nghĩ đến chuyện sẽ thu xếp đưa cả nhà về thăm quê hương. Từ khi lấy Thu hắn cũng chưa đưa cô về thăm quê và thắp hương ở mộ mẹ. Khi đoàn cán bộ chuẩn bị ra về, phó giám đốc Thu cho chuyển lên xe sáu túi quà. Mỗi túi có dăm lạng chè, một cân măng khô, một thang thuốc bổ để ngâm rượu và một chiếc phong bì nho nhỏ xinh xinh.
          (hết phần 32)                                         Hà Nội, tháng 2-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét