Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 12)

         
      Chuyện đời hắn
  Truyện của Trọng Bảo 


       Đi bộ hơn một ngày đường mệt bở hơi tai, mỏi rã rời cả chân cẳng bọn hắn mới đến được một điểm đào đãi vàng tận trong rừng sâu. Trước khi vào bãi, cả bọn ngồi nghỉ ở bên bờ con suối đục ngầu đỏ vì hoạt động đào đãi, sàng lọc vàng ở phía thượng nguồn. Những con suối thế này chảy ra sông làm dòng nước cũng đục ngầu như máu. Thằng Lân vừa gỡ một con vắt bám trên bắp chân vừa căn dặn cả bọn. Nó có vẻ khá thông thạo mọi chuyện về đào đãi vàng.
         - Những bãi khai thác vàng vùng này đều do bọn chủ bưởng cai quản. Chúng gọi khu bãi vàng do mình bảo kê quản lý là “doanh trại”. Muốn đào đãi vàng ở đây đều phải tuân thủ quy định của các “chỉ huy” từng “doanh trại”. Phải được bọn này cho phép thì dân “phu vàng” mới có thể đến làm thuê cho các chủ hầm vàng hoặc đãi tự do, mót vảy vàng, cám vàng sa khoáng ở ngoài sông suối.
          - Thế bọn mình phải xin phép chúng nó hả?
          Hắn bực bội hỏi. Thằng Lân gật đầu:
          - Bây giờ chúng mình phải đi tìm bọn “lính gác”, chúng là những thằng tay chân của tên “chỉ huy”. Bọn “lính gác” sẽ dẫn đi gặp các “sĩ quan”, và những thằng cai thầu hầm vàng. Bọn “sĩ quan” và lũ cai thầu sẽ quyết định sẽ tuyển chọn hoặc không chọn thêm nhân công làm vàng.
          - Mẹ kiếp! Thế nếu chúng nó không nhận thì cánh ta mất toi công trèo đèo lội suối mò đến tận cái xứ khỉ ho cò gáy này à?
          - Anh đừng có lo! Dân làm phu vàng ở đây thiếu lắm, chỉ lo thiếu người chứ không lo thiếu việc. Nếu không được bọn chủ các hầm vàng thu nhận thì chúng ta hãy tạm đãi vàng tự do ngoài sông suối vậy.
          - Thế thì cứ đi đãi vàng tự do cho sướng, đếch phải phụ thuộc vào thằng nào!
          - Cũng không hẳn thế! Đào đãi tự do phải tự mua sắm lấy dụng cụ lao động, thu nhập rất thấp và cũng vẫn phải “nộp thuế” đầy đủ mới được làm vàng ở đây!
          - Ở giữa rừng sâu núi thẳm thế này còn phải nộp thuế cho ai?
          - Thì cho bọn “chỉ huy”, bọn bảo kê bãi vàng chứ còn ai nữa!
          - Tại sao lại phải nộp cho bọn chúng nó! Mỏ vàng sa khoáng là của tự nhiên, nhà nước không quản lý được thì thôi, ai đãi được thì lấy chứ của riêng bố con nhà chúng nó đâu mà chúng đòi “thu thuế” hả?
          - Chúng nó xưng hùng, xưng bá ở bãi vàng này, tự cho mình là chủ, có quyền cai quản, cho ai khai thác mới được khai thác, không nộp chúng nó không cho đào đãi, lôi thôi chúng nó xua đuổi, đánh chém, trấn cướp sạch hết tiền công làm được…
          - Mẹ kiếp cái bọn ăn chặn này…
          Hắn bắt đầu thấy nóng mặt. Thằng Lân bảo:
          - Đành phải thế thôi anh ạ! Bọn chủ bưởng, bọn “chỉ huy” bãi vàng này toàn là quân đầu trộm đuôi cướp, lưu manh, bọn trốn tù, tiền án, tiền sự đầy người nên anh em chúng ta phải hết sức cẩn thận, nhẫn nhịn, nhất định càng không được có ý định chống đối lại chúng nó sẽ không thể làm ăn gì được mà còn rất nguy hiểm đến tính mạng…
           Càng nghe thằng Lân nói, hắn càng thấy vô cùng ấm ức, tứ­c anh ách trong bụng. Nhưng thôi cố nén nhịn xem sao đã! Hắn nhủ thầm.
           Chặn bọn hắn lại ở cửa rừng là hai thằng trông đúng là những con nghiện có thâm niên. Đây chính là những tên “lính gác” bãi, là tay chân của bọn “chỉ huy” bảo kê bãi vàng này. Thằng Lân rút từ trong túi ra hai bao thuốc lá ba số đưa cho bọn chúng. Thì ra nó đã chuẩn bị từ bao giờ rồi. Hai thằng “lính gác” mắt sáng lên. Chúng vồ ngay lấy hai bao thuốc. Sau khi châm lửa hút điếu thuốc cho đã chúng mới bảo:
           - Chưa có hầm nào cần tuyển phu đâu! Bọn chúng mày hẵng cứ tạm thời­ đi đào đãi vàng tự do đã. Khi nào có chỗ cần phu chúng tao sẽ gọi ngay. “Thuế” nộp mỗi tuần là hai phân hiểu không!
           - Sao thu cao thế?
           Thằng Lân hỏi lại. Một thằng “lính gác” nhăn nhở:
           - Mỗi ngày kiếm được những mấy chỉ, nộp có hai phân bọ thì thấm tháp vào đâu mà cao với chả thấp!
           - Ở đây kiếm được khá thế cơ à?
           - Chúng mày cứ làm đi rồi sẽ biết! Ở đây vàng nhiều hơn cát ấy chứ! Hôm qua có thằng đã nhặt được một cục vàng to gần bằng củ khoai lang đấy!
          “Mẹ kiếp! Thế sao bọn chúng mày không đi bốc lấy vàng mà nhét đầy mồm việc gì phải thu thuế của chúng ông?” - Hắn làu bàu trong miệng. Thằng Lân khoát tay:
          - Bây giờ bọn ta vào chỗ nào hạ trại làm lán nghỉ đã rồi một người theo tôi đi tìm mua máng gỗ để ra bãi sông đãi vàng.
          Bốn thằng tạt vào một gờ núi đá vôi chìa ra như mái hiên ven suối để đồ dạc xuống. Hắn quan sát, xung quanh có rất nhiều lán trại của dân “phu vàng”. Những mái lều che bằng ni-lông, lợp cỏ gianh, lá cọ lụp sụp, nhếch nhác bẩn thỉu. Mọi người chắc đang đi làm trong hầm vàng hay đãi tự do dưới suối, ngoài bãi sông nên khu lán trại vắng người.
          Thằng Lân phân công:
          - Anh Lỗi và thằng Bất ở lại căng ni-lông làm lán, em và chú Cần đi tìm mua xẻng cuốc và máng gỗ để đãi vàng!
          Hắn băn khoăn hỏi lại:
          - Giữa chốn rừng núi âm u thế này mua cuốc xẻng và máng đãi ở đâu được?
          - Anh yên trí! Có “cầu” là sẽ có “cung”, cứ ra ngoài bãi vàng là có hết! Rồi anh sẽ thấy, ở bãi vàng nơi “thâm sơn tùng cốc” này cái gì cũng có, đem đến tận miệng, phục vụ tận nơi chẳng khác gì như đang ở giữa thành phố ấy! Hi…
          Nó nháy mắt cười cười vẻ rất thông thạo. Hai thằng đi rồi, hắn và thằng Bất bắt đầu chặt cây để làm lán trú chân. Hắn chọn một bãi đất khá bằng phẳng đủ chỗ cho bốn thằng nằm ngủ để hạ trại. Vừa làm hắn vừa nghĩ: “Phen này may mắn chỉ cần ông vớ được một cục vàng bằng nắm tay thôi thì đã hơn cả trăm, cả ngàn gánh củi ở Lạng Sơn”. Hắn chợt thấy vui vui trong lòng. Hắn huýt sáo một điệu chèo cổ. Thằng Bất cười hiền lành:
          - Anh có chuyện gì vui thế? Chắc nhớ bà xã ở nhà hả?
          - Tao tứ cố vô thân, làm quái gì có gia đình vợ con mà nhớ với chả nhung!
          - Thế chắc là nhớ người yêu! Thôi anh đào hố chôn cột lán, em xuống suối múc ít nước về đun để uống nhé!
          - Ừ! Mày cứ đi đi…
          Thằng Bất vớ cái can nhựa rồi tụt xuống dốc. Hắn ôm mấy đoạn cây lên chỗ nền lán và dùng con dao tông đào lỗ chôn cột. Vừa cúi xuống moi đất trong cái lỗ đang đào ngẩng lên hắn giật mình sửng sốt thấy một cặp giò con gái trắng nhởn ngay trước mặt. Hắn ngạc nhiên ngước lên nhìn. Một đứa con gái mặc cái quần soóc màu trắng ngà, áo ba lỗ đứng sát ngay trước mặt hắn. Hắn thấy hơi lạnh sống lưng tưởng là có con ma rừng bất ngờ xuất hiện. Hắn bật ngay dậy, tay nắm chặt con dao. Cô gái nhìn hắn chăm chăm mấy giây rồi hỏi:
          - Anh là bọn mới từ xuôi lên hả?
          - Cô… cô là ai?
          Hắn không trả lời mà hỏi lại. Cô gái hơi nhếc mép:
          - Đúng là anh mới lên chưa biết rồi! Em là nhân viên… “phục vụ” cho cánh dân phu vàng ở đây đấy!
          - Phục vụ cái gì?
          Hắn hỏi vẻ rất ngu ngơ. Đúng là hắn vốn từng trải trong cuộc đời nhưng nhiều khi còn rất ngu ngơ trước thực tại. Cô gái phì cười:
          - Thì phục vụ cánh “phu vàng” các anh giải trí mỗi khi­ nhớ­ vợ­ ấy mà!
          Hắn chợt vỡ lẽ. Thì ra lại là dân bán chôn nuôi miệng. Nhưng sao giữa chốn sơn cùng thuỷ tận mà cũng có bọn bươm bướm này nhỉ. Hắn chợt nhớ tới lời thằng Lân nói lúc nãy. Thì ra bất cứ ở đâu mà có vàng thì ở đó ắt sẽ có gái.
          Cô gái điếm khoanh tay ôm xiết lấy ngực ẩy chồi cặp vú to tròn bật gần hết ra khỏi cái cổ áo ba lỗ khoét rộng rồi bảo:
          - Bây giờ anh đi với em ngay chứ! Về lán của em hay vào ngay chỗ bụi cây bên kia đồi cũng được. Phu mới đến mỏ muốn kiếm được nhiều vàng thì nhất định phải làm một cái để lấy vận may anh ạ!
          Hắn liếc nhìn bộ ngực căng phồng của cô gái nuốt ực một cái. Nhưng chợt nhớ đến lời dặn của thằng Lân, hắn liền xua xua tay:
          - Vừa mới lên làm đếch gì có tiền mà…
          - Không cần! Lần đầu anh mới lên em sẽ cho… ghi sổ nợ. Khi nào có tiền hoặc đãi được vàng sa khoáng thanh toán trả sau cho em cũng được.
          Hắn khéo léo nhưng kiên quyết:
          - Thôi để hôm khác em ạ! Anh còn ở đây lâu…
          Chợt có tiếng thằng Bất ho húng hắng dưới chân dốc. Hắn bảo cô gái:
          - Cô đi đi để tôi còn làm lán ở tạm, các anh em của tôi sắp về rồi!
          Biết không thể dụ được hắn đi theo, cô gái liền dấn đến ấn cặp vú tròn c­ăng nây nẩy day day vào cánh tay trần của hắn. Bàn tay phải của cô ta hạ xuống rất nhanh xoa xát mạnh vào chỗ kín của hắn. Hắn giật mình co rúm người lại. Giọng cô gái lả lơi:
          - Nhớ là khi nào cần thì cứ đến tìm em nhé! Bất cứ­ lúc nào cũng được. Lán của em ở bên kia suối, chỗ gốc cây sung già sù sì rất nhiều quả ấy!
          Cô gái bán hoa vừa đi khỏi thì thằng Bất xách can nước leo lên. Nó vừa lau mồ hôi vừa thở hổn hển hỏi:
          - Em vừa nhác thấy có bóng con gái ở đây phải không anh?
          - Gái điếm đến tận nơi phục vụ đấy, mày có dám chơi một cái cho biết l... sơ­n nữ thế nào không?
          - Eo ôi em sợ lắm! Bọn này toàn là bệnh tật, si-đa đầy mình đấy anh ạ!
          - Ừ…
          - Anh cẩn thận đấy! Bọn này nó ghê lắm, không khéo làm được đồng nào cống cho nó hết!
          - Ừ…
          Nóng quá, hắn cởi cái áo ném lên bụi cây lúp súp. Thằng Bất trố mắt hoảng sợ khi nhìn thấy cái mặt hổ xăm gớm ghiếc trên ngực và cái đầu lâu xương chéo xăm trên lưng hắn. Nó sợ hãi lùi lại mặt cắt không còn giọt máu, hai chân run lẩy bẩy. Giữa lúc ấy chú Cần và thằng Lân đi mua sắm dụng cụ cũng vừa về đến nơi. Cả ba đứng túm tó lại bên nhau và cùng sững sờ nhìn hắn, không ai thốt lên lời.
           Như chợt hiểu rõ mọi chuyện hắn bảo:
           - Chúng mày đừng sợ! Tao vì cuộc đời xô đẩy nên từng là một thằng tù, từng đánh nhau,  từng đâm chém. Nhưng tao chỉ đánh những thằng đáng đánh. Và, tao cũng chỉ là một thằng khố rách áo ôm, đi làm thuê, làm mướn kiếm ăn như chúng mày thôi. Rồi tao sẽ kể cho chúng mày biết mọi chuyện…
           Thằng Lân lấy lại bình tĩnh bảo:
           - Qua mấy ngày đi cùng nhau, bọn em tin anh! - Nó nhặt cái áo đưa cho hắn và nói tiếp: - Nhưng ở chốn này anh phải hết sức cẩn thận. Anh mặc ngay áo vào đi, đừng để ai nhìn thấy…
           Hắn nghe lời thằng Lân khoác cái áo lên người.
           Buổi tối hôm ấy sau bữa cơm đạm bạc giữa rừng sâu hắn đã kể lại cho ba thằng làm thuê nghe về chuyện của đời hắn…
           (hết phần 12                                                              Hà Nội, tháng 2-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét