Ngôi nhà sau đồi
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Khách hỏi thăm vào nhà bà Hân là một cô gái độ hai sáu, hai bảy dẫn theo một cô bé đang tuổi mẫu giáo. Họ là hai mẹ con. Cả hai vừa xuống xe. Chuyến xe ca cà khổ, chật ních người, chạy chậm rì rì trên con đường đất đỏ, gập ghềnh từ thị xã Vĩnh Yên lên Lập Thạch.
Xuống xe, hai mẹ con lần mò hỏi đường. Ở quê hỏi đường thì dễ nhưng đi thì xa. Cả hai mẹ con phải đi bộ hơn hai cây số mới tìm được đến nhà bà Hân. Lũ trẻ chăn trâu quần áo bẩn thỉu, lôi thôi đang đánh khăng cãi nhau ỏm tỏi nghe hỏi thăm liền ào đến. Nghe chúng hỏi nhau: "Có phải bà Hân là mẹ anh Chiến đi bộ đội hy sinh ở miền Nam không?", thì cô biết là đã tìm đến đúng địa chỉ. Hai mẹ con theo bọn trẻ chăn trâu ra ngôi nhà nhỏ phía sau đồi. Tuy mệt nhưng cô gái vẫn giữa được nét duyên dáng và vẻ đẹp hiền thục. Còn đứa bé thì từ lúc đi vào lối mòn trên đồi thì mắt nó sáng lên, không còn nhõng nhẽo đòi mẹ cõng nữa. Thỉnh thoảng nó lại reo lên: "Hoa gì đẹp quá mẹ ơi!". Và, mỗi khi nó chỉ tay, lũ trẻ chăn trâu dẫn đường nhiệt tình lại bẻ ngay cho nó bông hoa ấy. Chả mấy chốc nó đã ôm trong tay một bó hoa rừng lớn.
Đến ngôi nhà nhỏ phía sau đồi, thằng bé lớn nhất bọn vừa mở cánh cửa khép hờ vừa bảo:
Đến ngôi nhà nhỏ phía sau đồi, thằng bé lớn nhất bọn vừa mở cánh cửa khép hờ vừa bảo:
- Cô và em vào nhà đi!
- Nhưng... - Cô gái ngập ngừng: - Bà không ở nhà, cô vào có được không?
- Cô cứ vào đi! Chắc là bà chỉ loanh quanh ngoài vườn thôi. Bà vẫn để cửa cho chúng cháu khi nào khát vào tìm nước uống đấy.
Đoạn, nó chỉ một đứa bé gái tóc buộc túm đuôi gà nói như ra lệnh:
- Cái Ngọc chạy đi gọi bà về ngay, có khách!
Con bé gật đầu rồi chạy đi.
Cô gái chưa vào nhà. Cô nắm chặt tay con gái, trong lòng trào lên một nỗi niềm khó tả. Cô bỗng thấy ngôi nhà ba gian nhỏ bé giữa miền quê bình yên này trở nên thân thiết như nhà mình. Cô lặng lẽ nhìn xung quanh. Mấy cây cau, cái chum đựng nước, cái chuồng gà nhỏ, hàng dâm bụt, phía ngoài là nương sắn với những cây sắn đã rụng hết lá. Tất cả gần đúng như hình dung của cô - một cô giáo dạy văn hay liên tưởng - trên đường tìm về đây.
Hồi lâu, con bé giật giật tay cô:
- Vào nhà đi mẹ, con mỏi chân lắm rồi.
Lúc này cô mới nhận ra lũ trẻ đã tản đi đâu hết. Cô dắt con bước vào nhà. Đập ngay vào mắt cô trên bàn thờ là tấm bằng "Tổ quốc ghi công" và ảnh một người lính. Cô buột miệng khẽ kêu lên: "Đúng là anh Chiến rồi!".
*
Bà Hân vừa về đến cửa. Bà ngạc nhiên khi thấy một người con gái đứng trước bàn thờ nhà mình. Đang hái chè mãi ngoài mé đồi thì bọn trẻ chăn trâu chạy ra tìm nói là bà có khách, lại là khách lạ từ xa đến. Bà ngạc nhiên. Bởi vì khách của bà chủ yếu là bọn trẻ chăn trâu và bà con hàng xóm. Một năm đôi bận, ngày 27-7 và dịp tết nguyên đán có thêm khách của xã đến thăm đưa quà vì bà là mẹ liệt sĩ. Những năm gần đây xã xây được một cái hội trường lớn thì những dịp ấy họ mời bà lên để gặp gỡ, thăm hỏi, chúc tết, tặng quà luôn. Thành thử, khách của bà bây giờ ai đến, đến vào lúc nào bà đều nhớ hết. Bà Mẫn, bà Sửu cứ phiên chợ là rẽ vào biếu bà lá trầu, quả cau tươi. Bà Mơ thì giữa tháng lên lĩnh tiền trợ cấp thân nhân liệt sĩ là lại theo bà về nhà. Chị em mua vài bìa đậu nấu cơm cùng ăn. Còn ông lão Công nhận cái đầm hoang để nuôi cá thì cứ cuối tháng là đến khi thì cho bà mớ tép khô, khi thì cho một con cá trôi còn vẫy đuôi ngoay ngoảy vừa vớt ở đầm lên. Bà Nhân thì nhà gần, tối nào cũng dò dẫm sang cùng bà chia nhau miếng trầu, ngồi nhớ lại cái đận chạy giặc, tản cư lên mãi vùng Chiêm Hoá, Na Hang, Tuyên Quang.
Thế mà chiều nay bà lại có khách lạ. Bà đánh tiếng:
- Nào! Xem khách nào đến thăm nhà bà lão này đây!
Cô gái quay lại. Cô nhìn bà Hân chăm chăm. Đôi môi mọng đỏ của cô run run rồi cô kêu lên:
- Mẹ! Mẹ... mẹ ơi...
Cô cầm lấy tay bà Hân và bật khóc. Bà Hân ngạc nhiên và thấy hoang mang quá. Bà không hiểu tại sao lại có một cô gái lạ tìm đến nhà, gọi bà là mẹ thế này? Con bé đang tha thẩn ngoài sân thấy mẹ khóc cũng chạy vào oà khóc theo. Bà Hân bối rối:
- Cháu... cháu... là...
Cô gái vừa chùi nước mắt vừa nghẹn ngào nói:
- Con... con tên là Thu, là con gái của bố Thắng ạ!
- Thắng nào?
Bà Hân buột miệng. Đường đột quá, trong đầu bà chưa nhớ ra một điều gì cụ thể. Cô gái lập cập tìm cái túi xách. Kéo mãi cô mới mở được khoá túi. Cô rút ra một cái vòng bạc và hai tấm ảnh đen trắng đã ố vàng đưa cho bà Hân. Bà Hân run run đỡ lấy cái vòng và hai tấm ảnh. Bà sửng sốt nhận ra tấm ảnh của con trai mình. Nhưng bà càng sửng sốt khi nhận ra một khuôn mặt nữa trong tấm ảnh kia. Bà Hân thấy trời đất quay cuồng. Mãi sau bà mới tĩnh tâm lại được và hỏi:
- Thì ra... con là con gái bố Thắng?
- Vâng ạ!
- Nhưng sao con lại có tấm ảnh của anh Chiến?
- Dạ! Đây là những di vật của bố con để lại ạ...
- Thế... thế...
Bà Hân thấy mặt mũi sa sẩm. Cô gái vội đỡ bà ngồi xuống chõng và lại bật khóc:
- Bố... bố con cũng đã hy sinh ở miền Nam rồi...
Đất trời như lặng đi. Bà Hân nhìn như vô định ra phía cửa. Những cây cọ đứng im phăng phắc như những hàng quân lặng lẽ. Bà vẫn chưa hiểu hết mọi chuyện. Cuộc đời bà biết bao nhiêu sự bất ngờ, bao khó khăn, tủi nhục. Một mình bà nuôi con, đắng cay chồng chất nhưng vẫn dạy con nên người. Rồi đứa con duy nhất đi bộ đội hy sinh, bà tưởng mình không thể gượng dậy nổi sau nỗi đau thưong, mất mát to lớn ấy. Được bà con làng xóm đùm bọc, động viên chia sẻ, bà mới dần nguôi ngoai. Cứ ngỡ sau bao gập ghềnh, sóng gió, cuộc đời bà chẳng còn điều gì bất ngờ xảy ra nữa thì mẹ con Thu xuất hiện. Bà ngập ngừng hỏi:
- Sao con biết mà tìm đến đây?
- Dạ! Mẹ con bảo nhất định phải đi tìm bằng được mẹ. May nhờ có cuốn sổ ghi chép và những tấm ảnh, địa chỉ bố con để lại nên con mới tìm được về quê mẹ đấy ạ!
- Vậy nhà con ở tận đâu?
- Nhà con ở Hà Nội, phố Hàng Đường. Con dạy học ở ngoại thành. Chồng con cũng là bộ đội đang công tác ở Hải Phòng. Con cũng đã điện cho nhà con rồi. Vài hôm nữa nếu xin phép được nghỉ anh ấy cũng sẽ về thăm mẹ.
- Thế mẹ con có khoẻ không?
- Mẹ con yếu lắm, chân lại bị bệnh khớp nên không đi xa được. Mẹ con cũng rất muốn đi cùng con lên tìm mẹ đấy.
Bà con rất xúc động vị vì cuộc gặp gỡ bất ngờ. Ngót năm mươi năm rồi, những chuyện tưởng như đã đi vào quên lãng giờ lại dần hiện lên trong tâm khảm của bà.
*
Mùa đông năm ấy trời lạnh lắm. Cái rét làm héo khô cả những vạt cỏ tranh. Sương muối giăng dày như những cơn mưa bụi mà đất vẫn khô khát. Đêm đêm những người tản cư đốt lửa bập bùng ven rừng cho đỡ lạnh. Ban ngày ở vùng tự do nhưng sát vùng tề nên bộ đội, dân công đi lại cũng phải giữ bí mật. Đội du kích làng Xuân Trạch chủ yếu là con gái. Cánh thanh niên trai tráng đều xung phong vào quân chủ lực.
Có một thiếu nữ nổi trội nhất đội du kích. Người nữ chiến sĩ vừa xinh đẹp lại vừa hát hay khiến nhiều chàng trai mê mẩn. Cánh trai làng trước khi vào bộ đội lên chiến khu không ít anh nhăm nhe toan "dấm chỗ" nhưng cô du kích ấy chưa nhận lời với ai. Bởi lẽ cô còn rất trẻ.
Trận càn "chim giẽ giun" của giặc Pháp lên vùng tự do của ta bắt đầu vào tháng 12 năm 1950. Bộ đội kéo về chuẩn bị đánh giặc. Súng ống, xoong nồi lỉnh kỉnh. Đội du kích làng Xuân Trạch được giao nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chống càn. Du kích và bộ đội phục kích đánh giặc dọc con đường tỉnh lộ và quốc lộ 2C. Cô du kích xinh đẹp nhất đội được phân công giúp bộ phận cấp dưỡng của đại đội chủ công. Nói là bộ phận nhưng cũng chỉ có hai người. Một bác lính già và một chàng lính trẻ trạc tuổi cô gái. Họ hì hục suốt đêm đào bếp, nấu cơm, nắm cơm rồi đem ra trận địa cho bộ đội.
Cuộc tiến công của quân Pháp ngày càng ác liệt. Bọn giặc cắt đường từ Tam Dương qua Ba Làng sang Dương Chỉ tiến quân ngược lên Vân Trục. Một mũi toàn línnh Âu Phi từ Liên Hoà lên Liễn Sơn đánh thốc sang Tử Du. Bốn bề Lập Thạch đều có giặc. Đại đoàn 312 quần nhau với giặc, đánh chúng thua liểng xiểng và bao vây cô lập chúng ở cánh đồng Xuân Trạch.
Khi cô du kích đang cùng hai chiến sĩ nuôi quân nấu cơm ở một bìa rừng thì một toán lính Âu Phi thua trận tháo chạy qua phát hiện. Chúng bắn xối xả vào lán. Người lính già trúng đạn gục ngay xuống rổ sắn tươi đang gọt dở. Máu thấm đỏ những củ sắn trắng tinh. Chàng lính trẻ vội kéo cô gái chạy vào rừng lim già. Họ vừa bắn trả vừa rút sâu vào trong núi. Trời tối hẳn, hai người mới lần tìm về lán nuôi quân. Xác người lính già đã chết còn bị bọn giặc dùng lưỡi lê đâm nát. Xoong nồi bị đập bẹp dúm, gạo, sắn, rau đổ vung vãi khắp nơi. Những dấu giày đinh của bọn giặc chà sát dọc ngang trên nền đất.
Hai người vừa khóc vừa lựa một mảnh chăn còn lành để liệm cho người lính già. Họ hì hụi trong đêm chôn cất cho người đồng đội rồi dắt nhau đi tìm đơn vị.
Bọn địch bị đánh tan tác ở cánh đồng làng Xuân Trạch. Các đơn vị chủ lực được lệnh rút đi nhưng chàng lính trẻ và cô du kích vẫn không biết. Tiếng súng thưa dần khiến họ rất khó định hướng của quân ta. Họ bị lạc ngày càng xa đơn vị hơn.
- Dừng lại nghỉ một lát đã, em mệt và đói lắm rồi!
Cô gái nói. Chàng vệ quốc quân bảo:
- Em cứ ở đây để anh ra chỗ bãi cỏ tranh trống trải kia xác định hướng đi.
- Nhưng ở lại một mình em sợ lắm...
- Đừng sợ! Em cầm lấy quả lựu đạn này!
Đưa cho cô gái quả lựu đạn, anh xách súng rẽ cây thận trọng tiến ra khoảng trống quan sát, xác định phương hướng.
Ngồi lại một mình, cô du kích thấy tim mình đập thình thịch. Tiếng hai con sóc nhỏ đuổi cắn nhau trên cành cây cũng làm cô giật mình. Cô nghĩ đến cái chết của người lính già, lại lo lắng cho mình và anh lính trẻ. Đã gần nửa tháng họ ở cùng bộ phận nuôi quân. Mới đầu cô có vẻ hơi coi thường anh vì nghĩ anh chẳng hơn cô về tuổi tác lẫn sự từng trải. Mấy ngày lạc rừng cô mới nhận thấy vẻ "người lớn" và sự bình tĩnh ở anh. Cũng bởi sự rụt rè nên cả hai chẳng hiểu gì về nhau ngoài cái tên.
Chàng lính trẻ đã quay lại. Anh bảo:
- Xác định được phương hướng đi rồi. Cứ theo hướng Đông Bắc là sẽ tới Sơn Nam. Từ Sơn Nam sẽ tìm đường lên đèo Khế nhất định gặp lại đơn vị...
- Nhưng em phải về với đội du kích chứ!
- Ừ nhỉ... - Chàng lính trẻ có vẻ bối rối: - Thôi thế này! Ngày mai chúng mình sẽ về làng Xuân Trạch tìm đội du kích trước...
Đó là đêm cuối cùng họ ở bên nhau. Chiến tranh, cái lạnh lẽo của rừng sâu hay cái lạnh lùng của sự chia tay khiến họ nhích lại gần nhau hơn. Có thể chưa hẳn là đã chín của một tình yêu nhưng họ đã trao gửi, dâng hiến cho nhau tất cả trong cái đêm đông cuối cùng giữa rừng già ấy. Họ trao kỷ vật cho nhau, hẹn và tin ở ngày gặp lại sau chiến tranh. Họ có ngờ đâu chẳng bao giờ có một ngày như thế.
Đó là câu chuyện của bà Hân từ gần năm mươi năm trước...
Trại viết văn Nha Trang-2000
(Hết phần 1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét