Lời hẹn đêm giao thừa
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Sắp đến giao thừa, trời như bỗng ấm hơn. Núi rừng biên giới đang chuyển sang xuân. Sương rắc nhẹ trên cành cây mặt đất những hạt nước li ti, rầm rì kiên nhẫn gọi những mầm xanh. Những bản làng trên lưng chừng núi lung linh ánh đèn mong chờ, cảnh giác. Đất nước đang sang xuân, trên điểm tựa những người lính chúng tôi không ngủ.
Trong căn lán của tổ sửa chữa đường dây lên điểm tựa chỉ còn có tôi và Vinh. Những ngày cuối năm này, chiếc bánh chưng, hộp mứt xếp vào ba lô, tiểu đội hữu tuyến của chúng tôi chia nhau thường trực ở các trục đường dây, quyết tâm giữ vững liên lạc trong dịp tết. Tuy chỉ còn có hai người nhưng tôi và Vinh vẫn tíu tít sắm sửa để đón giao thừa. Trong căn lán nhỏ vẫn có một cành hoa đào rừng nho nhỏ, có mứt kẹo chờ mùa xuân đến. Và, điều quan trọng là đúng giao thừa chúng tôi sẽ có khách, mà lại là khách con gái nữa nhé. Hai cô y tá ở trường hậu cần quân khu về thực tập tại trạm quân y trung đoàn hẹn sẽ đến "xông nhà" chúng tôi đúng phút đầu tiên của năm mới. Vì vậy, chúng tội khẩn trương chuẩn bị nơi tiếp khách. Vinh thì hý hoáy ghép mấy quả pin cũ để thắp những chiếc bóng đèn pin xanh đỏ trên cành đào, tôi thì cẩn thận dán mấy tờ tranh và cái lốc lịch mới lên vách. Tờ lịch ngày cuối năm hồng lên trong ánh "điện" của Vinh. Chúng tôi rất vừa ý với căn lán của mình. Giữa lúc đó, tiếng chuông máy điện thoại bỗng reo lên gấp gáp. Vinh cầm ống nghe mặt xịu xuống buồn thiu. Tôi hỏi:
- Có chuyện gì thế?
- Mất giao thừa rồi! - Vinh lẩm bẩm: - Đường dây lên vị trí chỉ huy tiểu đoàn đứt rồi!
- Thế hả? - Tôi cũng ngẩn người ra. Đường dây lên điểm tựa, lên sở chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi đã củng cố rất cẩn thận mấy ngày liền sao lại xảy ra tình huống này. Tôi bảo Vinh:
- Chắc là tại bị đứt ở đoạn qua "thung lũng cảnh giác" rồi. Biết làm thế nào bây giờ, hai cô bạn sắp đến chúc tết, hay là chờ giao thừa xong ta hãy đi...
Vinh lắc đầu:
- Không được! Chúng mình phải đi ngay thôi. Cậu lấy giấy ghi mấy chữ đặt trên bàn để các cô ấy biết, thông cảm.
Vừa nói, Vinh vừa khoác khẩu súng lên vai. Tôi vội xé tờ lịch ngày cuối năm lật mặt sau ghi vội mấy chữ xin lỗi hai vị nữ khách rồi để trên mặt bàn. Đoạn, tôi vơ lấy chiếc máy điện thoại và cuộn dây rồi bảo Vinh: "Nào thì đi!".
Chúng tôi bước ra ngoài cửa. Gió lạnh táp vào mặt, con đường ngược lên điểm tựa hun hút giữa sương đêm. Chúng tôi lần theo từng mối dây, lòng dạ bồn chồn vì lỡ hẹn với những người bạn gái. Chắc các bạn sẽ thông cảm nhưng sao tôi cứ thấy băn khoăn, áy náy. Cứ nghĩ đến lúc hai khuôn mặt xinh xắn của Thu và Yến buồn thiu khi thấy chúng tôi vắng nhà, tôi cứ thấy nao nao trong lòng. Mải suy nghĩ, tôi vấp luôn vào một mô đá ngã chúi xuống mặt đường, chiếc máy điện thoại văng ra xa. Vinh quay lại gắt:
- Cậu đi đứng thế hả? Đang ở trên miệng vực đấy!
- Đau quá! - Tôi xuýt xoa.
Vinh soi đèn cho tôi tìm lại cái máy điện thoại và nhắc:
- Cẩn thận, sắp đến "thung lũng cảnh giác" rồi!
Chúng tôi tiếp tục kiểm tra tuyến đường dây. Tới "thung lũng cảnh giác" gió thổi mạnh hơn. Cái tên "thung lũng cảnh giác" là do chính anh em đường dây chúng tôi đặt. Bởi vì cái thung lũng nhỏ không tên này sát với đường biên, bọn địch thường hay luồn sang cắt phá hoại đường dây. Cách đây mấy tuần tổ sửa chữa đường dây chúng tôi đã chạm súng với một toán thám báo địch. Cái tên "thung lũng cảnh giác" ra đời từ đó. Thung lũng khá xa lán chúng tôi. Có lẽ đã đến giao thừa. Có tiếng pháo hay tiếng súng nổ lẻ tẻ, xa xôi. Đêm biên giới, gió thổi cồn cào trên vách đá. Cái rét tái tê xát xiết vào da thịt. Chúng tôi vẫn lần theo đường dây lên điểm tựa. Ánh đèn pin bịt giấy bóng lờ mờ của Vinh soi từng mối nối. Thỉnh thoảng, tôi lại mắc máy vào đường dây quay thử. Đến giữa thung lũng thì phát hiện ra chỗ đứt. Vinh ra hiệu cho tôi nối dây. Đường dây đã thông, tôi cầm ống nghe, tiếng chuông máy reo rộn rã, chỉ huy tiểu đoàn báo cáo về phía sau: "Đơn vị đón giao thừa cảnh giác". Từ sở chỉ huy trung đoàn thông báo ngày mồng một tết sẽ có đoàn đại biểu và văn công từ hậu phương lên vui xuân với chiến sĩ. Tín hiệu cứ truyền đi, truyền lại ríu rít...
Chúng tôi tiếp tục kiểm tra tuyến đường dây. Tới "thung lũng cảnh giác" gió thổi mạnh hơn. Cái tên "thung lũng cảnh giác" là do chính anh em đường dây chúng tôi đặt. Bởi vì cái thung lũng nhỏ không tên này sát với đường biên, bọn địch thường hay luồn sang cắt phá hoại đường dây. Cách đây mấy tuần tổ sửa chữa đường dây chúng tôi đã chạm súng với một toán thám báo địch. Cái tên "thung lũng cảnh giác" ra đời từ đó. Thung lũng khá xa lán chúng tôi. Có lẽ đã đến giao thừa. Có tiếng pháo hay tiếng súng nổ lẻ tẻ, xa xôi. Đêm biên giới, gió thổi cồn cào trên vách đá. Cái rét tái tê xát xiết vào da thịt. Chúng tôi vẫn lần theo đường dây lên điểm tựa. Ánh đèn pin bịt giấy bóng lờ mờ của Vinh soi từng mối nối. Thỉnh thoảng, tôi lại mắc máy vào đường dây quay thử. Đến giữa thung lũng thì phát hiện ra chỗ đứt. Vinh ra hiệu cho tôi nối dây. Đường dây đã thông, tôi cầm ống nghe, tiếng chuông máy reo rộn rã, chỉ huy tiểu đoàn báo cáo về phía sau: "Đơn vị đón giao thừa cảnh giác". Từ sở chỉ huy trung đoàn thông báo ngày mồng một tết sẽ có đoàn đại biểu và văn công từ hậu phương lên vui xuân với chiến sĩ. Tín hiệu cứ truyền đi, truyền lại ríu rít...
Tôi và Vinh thu máy trở về. Đã gần sáng. Con đường mòn hiện mờ mờ trong sương sớm. Khi chúng tôi đến lán thì ở bình minh đang bừng dậy. Dưới bản nhỏ Nà Liền nhộn nhịp. Cây nêu đã dựng, màu cờ đỏ hòa trong màu hoa đào rạng rỡ.
Bước vào lán, chúng tôi ngạc nhiên vì hộp mứt, gói kẹo đặt trên bàn mời khách vẫn còn nguyên. Tờ lịch tôi ghi vẫn cài ở góc bàn. Tôi buồn rầu nói với Vinh.
- Chắc các cô ấy lên, thấy chúng mình đi vắng nên bỏ về luôn.
- Có thể như vậy. Bây giờ chúng mình xuống chỗ các bạn ấy đi.
- Ừ, thì xuống xin lỗi các cô ấy một câu cậu ạ!
Thế là tôi và Vinh đem mứt kẹo xuống nhà quân y. Tôi còn cẩn thận cầm theo cả tờ lịch cuối năm. Xuống tới chỗ của hai cô gái, chúng tôi ngạc nhiên thấy nhà vắng người mà cửa vẫn để mở. Tôi và Vinh bước vào nhà. Trên một chiếc bàn nhỏ bày sẵn bánh kẹo, có một cành hòa đào tươi rói. Tôi cầm tờ giấy nhỏ màu hồng được chèn bằng một bao thuốc lá đặt ở giữa bàn lên xem. Cũng là một tờ lịch ngày cuối năm. Phía sau tờ lịch là những dòng chữ: "Hai anh thân mến! Vì ở dưới bản Nà Liền có ca cấp cứu đột xuất, chúng em phải xuống đó ngay nên không lên đón giao thừa với các anh như đã hẹn được. Nếu các anh xuống thăm mà không gặp, rất mong các anh thứ lỗi. Năm mới kính chúc sức khỏe các anh". Tôi và Vinh nhìn nhau. Hóa ra lúc giao thừa tất cả chúng tôi đều phải đi làm nhiệm vụ, không giữ được lời hẹn cùng nhau vui đón năm mới. Nhưng có lời hẹn ước nào quan trọng hơn là nhiệm vụ của người chiến sĩ.
Cao Bằng, tháng 1-1979
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét