Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Truyện ngắn NGÔI NHÀ SAU ĐỒI (phần 2)

 
Ngôi nhà sau đồi
Truyện ngắn của Trọng Bảo
          Sau cái đêm lạc rừng ấy, có một sinh linh đã hình thành. Khi cái thai đã đội kênh vạt áo lên, không thể giấu đồng đội được nữa, cô du kích xinh đẹp đành phải bỏ đội để trốn chạy vì không thể chịu được những cái nhìn khinh rẻ và sự truy xét của mọi người, không thể chịu những đêm ngồi kiểm thảo và ánh mắt săm soi của ông đội trưởng đội du kích.
    

        Bỏ trả lại cây mã tấu cho động đội, cô tìm đường lên vùng Na Hang, Chiêm Hoá tìm mẹ đã đi tản cư trước đó. Thằng Chiến đã ra đời trong vòng tay của một bà mẹ dân tộc Tày. Hai mẹ con sống nhờ gia đình bà mẹ người Tày ấy cho đến ngày hoà bình lập lại.
*
          Dắt con về làng cũ, bà Hân chờ đợi. Tuổi trẻ của bà qua đi rất nhanh trong những ngày tháng chờ đợi nặng nề ấy. Để trốn tránh sự chê bai là đào ngũ và chửa hoang, sau ngày mẹ mất, bà đã đưa con lên tận gần chân núi Sáng dựng lều, vỡ đất trồng sắn. Thương cảnh mẹ con côi cút những người dân tốt bụng mà phần lớn là ngụ cư, tứ xứ tụ lại do chiến tranh đã giúp bà dựng được ba gian nhà tre lợp lá cọ. Ngôi nhà khuất sau đồi có hai mẹ con côi cút. Bà đã phải tần tảo nuôi con, nuôi mình, bữa cơm, bữa sắn. Mỗi khi nghe ai đó mắng thằng con nghịch ngợm: "Đồ con hoang, thằng không cha" là bà Hân lại thấy đau nhói trong tim. Hàng ngày bà cứ ngóng trông ra ngoài cổng chờ đợi một người xuất hiện. Đó là người lính năm xưa. Nhưng hoà bình đã lâu rồi mà người đó vẫn không thấy về. Bà vẫn chờ đợi cho dù vô vọng...
          Bà Hân đâu có biết người lính ấy đã trở về tìm bà ngay sau ngày hoà bình lập lại trong khi bà và đứa con còn đang ở Tuyên Quang. Bà cũng đâu có biết người lính ấy lại nhận nhiệm vụ vào miền Nam chiến đấu cho đến gần ngày đại thắng 30-4-1975 thì hy sinh.
          Mấy lần được ra miền Bắc, ông đều lặn lội lên vùng Lập Thạch tìm nhưng không ai biết gì về câu chuyện của ông kể. Chiến tranh và những trận càn, trận bom của giặc Pháp đã xóa đi bao làng xóm, bao gia đình. Mãi sau những lần tìm kiếm ấy ông mới quyết định lấy vợ. Vợ ông là một người phụ nữ đã có tuổi. Đứa con gái duy nhất của ông là kết quả của lần cuối cùng ông đưa thương binh ra Bắc năm 1973, sau Hiệp định Pa-ri. Và người con gái của người lính không trở về ấy nhờ đồng đội của bố đã tìm được bà Hân...
Bà Hân hỏi:
          - Làm thế nào mà bố con có cái vòng bạc và ảnh của anh Chiến?
          - Khi bố con hy sinh, con mới hơn một tuổi. Di vật của bố con do đơn vị gửi về mẹ con cất rất kỹ trong hòm. Mãi khi con lớn lên mẹ mới đưa cho xem cuốn sổ ghi chép của bố. Con thấy có tấm ảnh anh Chiến và cái vòng bạc nhưng không biết là thế nào. Cứ mỗi lần đọc nhật ký của bố đến đoạn bố ghi: "Con gái ta đã hơn một tuổi mà ta chưa biết mặt..." là con lại khóc, không đọc tiếp được nữa. Phần cuối của cuốn nhật ký lại bị thấm nước nên mờ và rất khó đọc. Gần đây, có một bác cựu chiến binh cùng đơn vị cũ của bố con đến thăm, con đưa cái vòng và ảnh anh Chiến ra hỏi thì bác ấy kể lại là: Một hôm, khi kiểm kê đồ đạc trong ba lô của  liệt sĩ mới hy sinh ở mặt trận chuyển về, bố con tìm thấy cái vòng bạc và tấm ảnh của anh Chiến, xem lại quê quán, tên thân nhân của liệt sĩ thì bật khóc và kêu lên đau đớn: "Đúng là con trai của tôi rồi!". Nghe bác ấy kể, con cố đọc lại đoạn nhật ký bị mờ thấy bố có viết về việc tặng mẹ cái vòng bạc có khắc tên ở phía trong...
          - Cái vòng bạc ấy hôm chia tay bố con đã dùng dao găm khắc tên ông ấy và tên mẹ rồi dặn mẹ phải giữ thật cẩn thận. Mẹ đã đưa nó cho anh Chiến với hy vọng vào chiến trường anh ấy sẽ tìm được bố... - Bà thở dài: - Nào ngờ ông ấy chết mà không biết mặt cả hai đứa con đẻ của minh...
          - Bố con cũng ghi trong nhật ký là nhất định sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở về sẽ đi tìm mẹ... nào ngờ...
          - Thôi con ạ! - Bà nắm chặt tay Thu khi thấy cô lại sắp bật khóc: - Bây giừ gặp được con và cháu thế này là mẹ mừng lắm rồi.
          Rồi bà lẩm bẩm như nói với riêng mình: "Đúng là ông trời còn có mắt!".
*
          Thu và con gái ở chơi với bà Hân ba ngày. Cô định đón bà Hân về Hà Nội thăm mẹ và nhà mình nhưng bà có ý chưa muốn đi ngay. Mấy ngày liền bà Hân cứ như tỉnh như mơ. Bà con làng xóm kéo đến hỏi thăm, ngôi nhà nhỏ sau đồi lúc nào cũng chật người. Ai cũng mừng cho bà lão tưởng như suốt đời cô quạnh nay bỗng tự nhiên lại có con, có cháu. Bà Hân ứa nước mắt khi bé Hiền đột nhiên bảo mẹ:
 - Thế là từ nay con có hai bà ngoại mẹ Thu nhỉ!
 Thu nhìn con gật đầu.
          Bà Hân xúc động ôm lấy con bé. Những giọt nước mặt lăn trên khuôn mặt già nua, khắc khổ. Bà chợt nghĩ tới những đận nuôi con vất vả, thiếu thốn đủ bề. Cu Chiến lớn lên trong vòng tay của bà. Nó đã bao lần đánh nhau với lũ trẻ con trong làng vì bị chúng gọi là "thằng không cha, đứa con hoang". Bà chịu đựng bao nhiêu khó khăn, tủi nhục nhưng bà vẫn cắn răng chịu đựng. Nhưng nỗi đau lớn nhất của bà là mỗi lần thấy con trở về nhà với khuôn mặt thâm tím. Bà biết là nó vừa có một trận đánh nhau với bọn trẻ vì bị gọi là "thằng không cha, đứa con hoang...".
 Bà nhớ khi lớn lên, cu Chiến nhất định đòi đi bộ đội. Bà không cản. Hôm con lên đường bà làm mâm cơm cúng, cầu thần, khấn phật cho con ra mặt trận tránh được hòn tên, mũi đạn. Bà đưa cho con cái vòng bạc và dặn con vào chiến trường tìm bố. Nhưng rồi cả đứa con duy nhất của bà cũng không bao giờ trở về nữa.
           Thu đặt tấm ảnh của bố lên bàn thờ cạnh ảnh anh Chiến và thắp một nén hương. Khói hương thơm lan tỏa khắp ba gian nhà nhỏ.
           Chiều trung du lồng lộng gió. Bầu trời vẫn trong xanh ngăn ngắt như thuở nào...
                              Trại viết văn Nha Trang-2000
            (Hết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét