Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 5)


                  
              NGŨ  QUỶ
               Truyện dài của Trọng Bảo

           

            Rời nhà bà Thuân, anh Thưởng tạt qua nhà cô Liên ở giữa làng. Liên là cô bạn gái duy nhất trong nhóm “ngũ quỷ”. Liên có chồng là cán bộ quân đội đang tại ngũ hiện công tác ở bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Anh Thưởng muốn nhờ Liên hỏi chồng xem có cách nào giúp Phương không. Phương trở về làng cụt một tay, người đầy thương tích của chiến tranh mà không có lấy một thứ giấy tờ gì có thể chứng minh cho bản thân mình thế này. Nhưng khi anh đến thì Liên vắng nhà. Bà mẹ chồng cho biết cô đang đưa con gái út lên tỉnh tham dự cuộc thi học sinh giỏi rồi ở lại chơi với chồng mấy hôm nên chưa về làng. Anh Thưởng đành quay về. Lúc đi qua cổng nhà ông Nghĩa-bố thằng Hiệp, anh tạt vào ngồi nói chuyện với ông khá lâu. Anh cũng muốn vào nhà ông Nghĩa để thắp cho Hiệp một nén hương, báo tin cho nó biết một người bạn thân vừa mới trở về.
           Khi về đến nhà anh Thưởng giật mình thấy cửa ngõ mở toang. Lúc mờ sáng tuy vội chạy ra bến sông nhưng anh vẫn nhớ đóng cổng, cài cửa rất cẩn thận cơ mà. Chợt nghĩ đến kẻ trộm vào nhà anh suýt phì cười. Vì nhà anh chả có thứ gì đáng giá để kẻ trộm mất công đến thăm viếng. Cái ti vi đen trắng cắm điện mãi mới chịu lên hình, khi có hình thì không có tiếng, lúc có tiếng thì lại vô hình là tài sản lớn nhất của anh thì quá cũ kỹ, chẳng đáng tiền. Hơn nữa tên trộm nào mà dại dột lấy cái ti vi ấy đem đi bán thì còn gặp họa, lộ tẩy ngay. Có lẽ cả làng, cả xã này không nhà nào có cái thứ hai giống như thế.
           Anh Thưởng bước vào sân. Hoá ra chẳng phải là kẻ trộm nào đến mà là cái Sương-con gái anh vừa mới về. Nó đang hát véo von ngoài sân giếng. Cái Sương đang đi thực tập ở huyện bên. Nó đi chuyến xe sáng sớm về thăm nhà. Vừa trông thấy bố đi vào cổng, cái Sương đã toe toét:
           - Chết! Bố bỏ nhà cửa toang hoang thế này nhỡ kẻ trộm nó mà vào khênh hết của cải mất thôi!
           Anh Thưởng cười bảo con:
           - Nhà ta có cái quái gì đáng giá mà lo. Kẻ trộm nó mò vào thấy thế nó còn mắng thêm cho chủ nhà nữa đấy!
          Cái Sương hỏi:
          - Thế bố đi đâu sớm thế ạ?
          Anh Thưởng vừa ngồi xuống bậc thềm vừa nói:
          - Bố đưa chú Phương về nhà rồi sang nhà cô Liên, lại tạt qua nhà chú Hiệp!
          - Chú Phương nào thế hả bố?
          - Chú Phương cùng học, cùng đi bộ đội với bố hồi đầu năm 1972 ấy!
          Cái Sương thắc mắc:
          - Sao con không biết chú ấy nhỉ?
          - À quên, chưa nói cho mày biết! Chú Phương là con bà Thuân, chú ấy vừa mới trở về sáng nay, bao nhiêu năm rồi còn gì!
          Cái Sương ngạc nhiên:
          - Ơ… nhưng con tưởng chú ấy đã…
          - Đúng thế! Chú ấy đã có giấy báo tử, là một liệt sĩ đã bao nhiêu năm nay rồi. Nhưng hoá ra chú ấy chưa chết, chỉ bị thương nặng, thần kinh bị ảnh hưởng, lúc nhớ, lúc quên, bị lạc mất đơn vị. Sau chiến tranh chú sống lang thang vất vưởng ở trong miền Nam. Lần mò mãi chú ấy mới tìm về được quê đấy. Gần sáng hôm nay, chú ấy về đến bến sông làng ta. Bố và mọi người vừa mới đưa chú ấy về nhà xong…
           Nghe anh Thưởng kể lại, cái Sương nói sáng nay nó sẽ tranh thủ vào làng thăm bà Thuân và chú Phương ngay. Nó cũng nhớ bà Thuân lắm. Nó bảo có mấy khúc rễ ăn trầu xin được khi đi thực tập ở miền núi dành mang về biếu bà. Anh Thưởng nhìn cái Sương. Nó quả là một đứa con gái hiếu thảo. Anh thấy cuộc đời mình thật là hạnh phúc vì đã có được một đứa con gái ngoan như thế. Hoá ra cuộc đời của người ta nhiều lúc trong nỗi bất hạnh vẫn có được những niềm vui an ủi. Có đứa con gái như cái Sương quả là cuộc đời anh không còn mong gì hơn thế nữa.
           Anh Thưởng chợt nhớ lại những chuyện về cái Sương.
           Ngày ấy, anh Thưởng phục viên về làng đã lâu nhưng chả thấy nói gì đến chuyện vợ con. Nhiều người rỉ tai nhau bảo hồi ở chiến trường anh hoạt động ở vùng nhiễm chất độc da cam rất nặng nên bị ảnh hương. Anh không muốn sẽ đem lại cho một người khác nỗi bất hạnh giống mình. Thực ra câu chuyện tình của đời anh còn có một lý do khác. Ngày còn ở nhà anh cũng yêu một người con gái rất đẹp. Hai người đã thề non, hẹn biển, trao kỷ vật cho nhau. Nhưng rồi duyên cũng chẳng thành. Anh Thưởng vào miền Nam chiến đấu trong đáy ba lô còn giữ cái vỏ gối do người yêu thêu tặng có bốn chữ “mãi mãi đợi anh” và hai con chim bồ câu trắng ngậm mỏ vào nhau. Nhưng trong khi ở chiến trường gian khổ, ác liệt anh cố tìm cách viết thư gửi về hậu phương thì ở nhà người thêu áo gối tặng cho anh đã đến với một người đàn ông khác. Ngày chiến thắng anh Thưởng háo hức trở về với bến sông xưa, nhưng bến cũ, con đò vẫn còn đó mà chẳng còn người năm nao đứng đợi.
           Hợp tác xã bố trí cho anh Thưởng làm một chân trong đội bảo nông. Từ ngày anh làm bảo vệ, tình hình an ninh trong làng, ngoài xóm yên hẳn, ít xảy ra các vụ ăn cắp vặt, hoa màu ngoài ruộng không bị phá hoại và mất trộm như trước. Cũng có nhiều người hỏi anh chuyện vợ con nhưng anh chỉ cười trừ. Lúc còn sống mẹ anh cũng giục và nhờ người mai mối một hai đám nhưng đều không thành. Khi mẹ chết, anh Thưởng trả cái chức tổ trưởng tổ bảo nông cho hợp tác xã rồi trở về bến sông với con đò của người mẹ để lại. Anh trở thành người chờ đò sang ngang thay mẹ. Nhưng con đò của anh không còn đông khách như ngày xưa khi mẹ còn sống nữa vì bây giờ đã có một cây cầu xi-măng kiên cố bắc qua dòng sông Đáy con phía hạ lưu.
           Một buổi sáng mùa đông rét như cắt thịt da. Sương mù giăng kín mặt sông.
           Có một người đàn bà xuống bến gọi đò sang sông. Đó là người khách đầu tiên của một ngày mùa đông lạnh giá. Chị ta chùm khăn kín mặt tay xách cái làn to bước xuống thuyền. Người đàn bà ngồi xuống ở đầu mũi thuyền. Anh Thưởng xoa xoa hai bàn tay cho đỡ cóng rồi lịch kịch đẩy con thuyền rời bến. Tiếng mái chèo khoả nước ràn rạt. Càng ra đến giữa sông sương mù càng dày đặc. Người lái đò và khách chỉ nhìn thấy nhau lờ mờ. Người khách ngồi yên lặng. Anh Thưởng cũng không có thói quen bắt chuyện với khách lạ. Anh khéo léo lựa tay chèo cho con thuyền rẽ nước qua sông trong sương mù vẫn định vị cập đúng vào bến bên kia. Sang đến bến sông, người đàn bà vội vã bước lên bến đi ngay. Tiếng chị ta ấp úng, hẹn buổi chiều quay về sẽ trả tiền đò luôn cả thể. Anh Thưởng quay mũi thuyền trở về. Đến giữa dòng sông thì trời đột ngột nổi gió. Một cơn gió mạnh ào ào thổi dọc lòng sông. Mặt nước dềnh lên. Con thuyền nhỏ bị sóng xô mạnh chòng chành. Anh Thưởng gò mình ghìm mái chèo giữ cho con thuyền thăng bằng. Chợt anh nghe tiếng trẻ con khóc “oe… oe… oe…”. Tiếng khóc hình như rất gần. Vụt nghĩ đến chuyện ma đi đò mà mẹ và mọi người vẫn thường kể, anh Thưởng hơi rùng mình. Nhưng vốn là một chiến sĩ trinh sát, anh trấn tĩnh lại ngay. Anh dừng tay chèo dỏng tai nghe. Anh nhận ra tiếng khóc “oe oe” ở ngay mũi con thuyền của mình. Anh buông mái chèo lần tới và phát hiện ngay ra cái làn của người nữ khách lúc nãy đang còn để ở mũi thuyền. Anh lần túi tìm cái bật lửa. Xoèn xoẹt mãi bật lửa mới cháy. Anh giơ cái bật lửa lên soi. Trong cái làn to có một đứa trẻ con đang quẫy đạp rối rít. Thấy ánh lửa bật sáng nó liền nín khóc ngay. Hai bàn tay nhỏ xíu của đứa bé huơ huơ giơ lên như muốn túm lấy ngón tay anh. Đôi mắt nó sáng long lanh như hai viên ngọc. Đó là một bé gái bụ bẫm, xinh xắn.
           Anh Thưởng thọc tay vào cái làn vỗ vỗ dỗ đứa bé. Bàn tay lạnh cóng của anh chạm vào một bình sữa còn nóng ấm. Thì ra người mẹ này đã có ý định để lại đứa con của mình cho người lái đò trên sông.
           Anh Thưởng bế đứa bé lên bờ.
           Suốt ngày hôm ấy anh ngóng đợi. Nhưng người đàn bà bỏ con ấy không thấy quay lại trả tiền đò như đã hẹn. Mấy ngày sau cũng không thấy chị ta trở lại. Anh Thưởng đành nhận nuôi đứa bé. May anh có cô em gái họ mới sinh nên giúp việc cho con bé bú mớm, thay tã. Con bé lớn lên cùng anh trên bến sông cùng con thuyền rách. Anh địu nó trên lưng chèo đò đưa khách qua sông. Bao nhiêu người khách là phụ nữ đang nuôi con mọn qua đò đã cho con bé bú nhờ khi khát sữa. May mà con bé ít quấy khóc, ít ốm đau. Anh Thưởng đặt tên cho nó là cái Sương để ghi nhớ việc đã nhặt được nó trong một buổi sáng mùa đông sương mù dày đặc.
           Anh Thưởng rất yêu quý bé Sương.
           Hai bố con anh quấn quýt bên nhau.
           Năm bé Sương hai tuổi, đột nhiên anh nhận được một lá thư từ nước ngoài gửi về. Bức thư ấy là của một người đàn bà mà đối với anh chẳng xa lạ gì. Đó chính là người mà ngày xưa đã thêu tặng anh cái vỏ gối có hai con chim bồ câu ngậm mỏ nhau cùng dòng chữ “mãi mãi đợi anh”. Người mà khi anh đi B chiến đấu thì chị ta cũng bỏ đi với người khác.
           Đọc thư, anh mới biết bé Sương chính là con đẻ của chị ta. Hoá ra, chị ta đã có chủ định để đứa con mình dứt ruột đẻ ra ở lại trên thuyền cho người yêu cũ để khỏi vướng bận khi làm thủ tục xuất cảnh đi theo một người đàn ông giàu có ra nước ngoài định cư. Người đàn ông này cũng không phải là chồng của chị ta. Trong thư, chị ta tỏ ra hối hận, xin anh Thưởng tha thứ vì đã phụ tình còn để lại thêm gánh nặng cho anh là phải nuôi dưỡng đứa con đẻ của mình. Chị ta hứa sẽ gửi tiền về chu cấp cho bé Sương.
           Cầm lá thư tay anh Thưởng run bần bật, mặt anh tái xám đi vì vô cùng giận dữ. Đúng là đồ vô liêm sỉ. Anh lập tức viết cho chị ta một bức thư. Trong thư, anh yêu cầu chị ta nếu còn một chút lương tâm thì hãy để cho bé Sương được yên. Anh sẽ nuôi nó lớn khôn thành người mà không cần những đồng tiền của một người mẹ như chị ta.

                                                                                           Hà Nội, tháng 4-2013
         (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét