NGŨ QUỶ
Truyện dài của Trọng Bảo
Lão Vận đang mải mê thu hồi các loại “chiến lợi phẩm” ở cổng chợ. Hôm nay, lão kiếm được khá nhiều những thứ có thể bán được như túi ni-lông, vỏ chai nhựa, lon bia, hộp các tông. Bọn buôn chuyến từ Hà Nội lên còn quẳng cho lão cả mấy cái thùng bằng gỗ thông đựng hàng vải vóc, quần áo may sẵn sau khi đã xuất hết hàng cho người bán lẻ ở chợ.
Vừa cúi xuống nhặt mảnh một ni-lông thì lão nhận ra anh Phương đang tập tễnh đi phía ngoài đường ngang qua chợ Niễu. Lão Vận vội đặt cái bao tải rách xuống đất ngoảnh ra hỏi:
- Đi đâu đấy hả Phương?
Anh Phương không trả lời. Hình như anh không nghe thấy tiếng của lão Vận hỏi. Anh vẫn bước đi như vô định. Lão Vận phải gọi to hơn, anh mới giật mình nhìn vào phía cổng chợ. Nhận ra lão Vận, anh vội chào:
- Ông ạ!
- Mày đi đâu mà ngơ ngơ, ngác ngác thế?
- Con lên xã có chút việc ông ạ!
Lão Vận nhìn anh Phương lắc đầu:
- Chả ăn thua gì đâu con ơi!
- Ông nói thế nghĩa là thế nào ạ?
- Thì chả phải mày lên xã để đề nghị xác nhận là thương binh, thương tật chứ gì?
- Vâng…
- Mày giấy tờ chả có, tiền bạc cũng không, đi lại làm gì nhiều cho tốn thời gian, lại còn rước thêm cái bực vào thân?
- Thế ông bảo con biết làm thế nào bây giờ?
Lão Vận nhìn Phương - thằng con của người bạn già năm xưa lòng ngổn ngang bao suy nghĩ. Lão Vận nhớ lại thời lão và bố đẻ của cái thằng Phương này một thời cùng cảnh bần cố nông, chuyên đi cày thuê, cuốc mướn cho địa chủ, vất vả đói rét cùng cực mà vẫn không lúc nào đủ ăn. Lão Vận vẫn nhớ như in một bận đi cày thuê cho địa chủ Kiền, một người nổi tiếng là mưu mô, keo kiệt và ác bá trong vùng. Hôm ấy, cày xong mấy sào ruộng trời mới sáng, lão Vận thả con trâu cho nó gặm cỏ rồi nằm vật ra bờ ruộng. Lão đói quá. Sức trai đinh lực điền như lão mà bữa tối hôm qua chỉ có lưng bát cháo loãng và mấy củ sắn đắng ngắt. Vậy mà hôm nay làm quần quật từ nửa đêm đến sáng nên lão lại càng đói. Đói đến bủn rủn cả chân tay, hoa cả mắt. Lão chống tay ngồi dậy nhìn xung quanh. Trông thấy phía rìa cánh đồng có một đám ruộng trồng khoai lang, lão bèn đứng dậy lần tới. Lão đặt cái cày trên bờ bước xuống ruộng thò tay móc được một củ khoai lang khá to. Lão chùi củ khoai vào vạt áo rồi ngấu nghiến ăn sống. Củ khoai lang sống ấy sao mà ngon đến thế, cứ ngọt lừ trong cổ họng.
Đang nhồm nhoàm nhai miếng khoai lang sống thì lão Vận bỗng giật nảy người nghe tiếng người quát:
- Bắt lấy quân ăn cắp!
Lão Vận ngơ ngác nhìn quanh. Hai người tuần phiên từ phía rặng tre ven làng cầm gậy gộc hùng hổ lao ra. Lão đứng như trời trồng. Một thằng tuần phiên xông tới vung cây gậy tre đực vụt luôn một gậy vào ngang thắt lưng lão đau điếng. Lão Vận khụy xuống. Thằng còn lại lập tức dùng cây gậy chụp vào cổ lão Vận dùng hai tay ghì chặt. Lão Vận hốt hoảng ú ớ cố kêu lên:
- Tôi… tôi… không phải là kẻ cắp! Tôi đang đi cày ruộng thuê cho cụ chánh Kiền…
- Không phải à! Mày vừa mới đào trộm khoai lang ruộng nhà cụ chánh mà lại vẫn còn lớn tiếng chối cãi à? Theo chúng tao về đình để xem cụ chánh sẽ xử tội ăn cắp của mày ra sao!
- Tôi… tôi… xin các anh tha… tha… cho…
Lão Vận đang ấp úng van xin hai thằng tuần phiên tha cho, một củ khoai lang chả đáng là bao thì lại có tiếng quát to:
- Hai thằng tuần phiên chúng bay cứ đánh chết mẹ nó đi cho chừa hẳn cái thói trộm đạo quen thân!
Lão Vận nhận ra tiếng cụ Chánh Kiền. Thì ra cụ chánh đã đứng khuất trong rặng tre đầu làng từ lúc nãy xem bắt trộm. Lão Vận sụp xuống chắp tay vái lạy cụ chánh xin tha tội. Nhưng cụ Chánh Kiền quyết không tha. Cụ trợn mắt phẩy tay ra hiệu cho hai thằng tuần phiên rồi bỏ đi. Thế là một trận đòn bằng gậy tre lập tức tới tấp giáng xuống đầu, xuống cổ và thân thể lão Vận-một kẻ bần cố nông đói rách, khốn khổ. Khi lão ngã gục xuống góc ruộng khoai lang hai thằng tuần phiên mới bỏ đi. Bị đánh đau quá lão Vận ngất đi. Lão nằm úp mặt xuống cái rãnh ruộng khoai đầy nước. Đúng lúc ấy ông Hường, bố thằng Phương vác cày đi qua. Chợt bắt gặp lão Vận đang sặc nước giẫy giụa, ông Hường vội lao đến bế xốc lão lôi lên bờ ruộng. Chỉ chậm một chút nữa thôi nếu mà không có người đến kịp thì lão Vận sặc nước, ngạt thở mà chết. Ông Hường ráng sức cõng lão Vận chạy về làng gọi người cứu chữa. Lão Vận chỉ là bị đánh đau nên mới ngất đi. May mà lão không bị đòn trúng vào chỗ hiểm. Sau khi được mọi người dùng nước gừng xoa bóp, lau mặt mũi tay bằng khăn lạnh lão Vận dần dần tỉnh lại. Sau bận hút chết ấy, tình bạn giữa lão Vận và ông Hường càng thêm gắn bó. Họ chia sẻ cho nhau cái đói, cái no. Sau cách mạng tháng Tám, ông Hường vào du kích tham gia kháng chiến, lão Vận vẫn là một nông dân làm ruộng trên đồng, đánh cá trên sông. Song tình thân của hai người vẫn thân thiết như thuở hàn vi. Hòa bình lập lại họ được chia ruộng của địa chủ rồi cùng vào hợp tác xã. Ông Hường mất được mấy năm thì thằng Phương xung phong đi bộ đội. Vậy mà cũng đã mấy chục năm rồi. Lão Vận càng bùi ngùi nhớ tới người bạn cũ khi nhìn thấy thằng con của bạn như thế này. Lão bảo anh Phương:
- Kiếm lấy việc gì mà làm, đừng trông đợi gì ở họ con ạ!
- Con biết làm việc gì bây giờ, ruộng đất thì không có, không được nhận khoán, nhận thầu?
- Thế trước kia ở trong Nam mày làm những việc gì để sống?
- Thì… con toàn đi làm thuê, làm mướn. Ai thuê việc gì con làm việc ấy.
- Bây giờ cũng cứ thế mà làm, ở đâu chả thế.
- Nhưng ai người ta thuê mướn cái thằng như con chứ!
- Ngày mai cứ ra đây! Ở chợ thì thiếu gì việc làm, gánh nước, vác hàng, rửa xe, chẻ củi… Cứ làm là sẽ có cái ăn con ạ! Cốt là ở sự chăm chỉ, chịu khó…
- Nhưng… con ra đây, người ta thuê mướn con, không thuê ông nữa, thế chả làm cho ông bị… mất việc làm à?
Lão Vận bật cười:
- Tao có việc làm gì đâu mà lo bị mất! Với lại mày cứ yên tâm, tao đã có khoản “lương quét chợ” hàng tháng của xã trả cho rồi, dững mười cân thóc đấy, ăn làm sao mà hết được. Mày không việc gì mà phải lo cho tao đâu.
Anh Phương nhìn lão Vận. Tự dưng anh nhớ tới bố mình. Anh nhớ khi mình chưa đi bộ đội lão Vận hay vào trong làng chơi với bố anh. Họ là những người bạn tốt của nhau. Hai người thích ngồi nhâm nhi chén rượu cùng vài hạt lạc rang, miếng bánh đa rồi cùng ôn lại những chuyện ngày xưa khi họ còn trẻ cuộc đời đầy những lao lung, sóng gió. Anh Phương cũng rất quý lão Vận, một con người tốt bụng, thật thà nhưng cuộc đời biết bao trắc trở, bất hạnh, gian lao.
Lão Vận bảo anh Phương:
- Bây giờ về nhà tao đi. Tối hôm qua tao câu được một con cá chép ở xoáy Vực nặng phải đến gần hai cân, béo lắm, đang nhốt ở cái chum góc nhà. Về nhà tao làm nồi cháo ăn cho bổ.
Anh Phương đi theo lão Vận. Không phải vì nồi cháo cá mà anh chợt nhớ ra là từ hôm về làng, anh chưa đến chơi nhà lão Vận.
Trời đã sâm sẩm tối. Mùa đông trời âm u, nhiều mây nên ngày thường ngắn hơn mùa hè nên tối sớm. Lão Vận và anh Phương cùng nhau đi trên con đường đê gập ghềnh lồi lõm đầy những dấu chân trâu. Gió bắc thổi về ù ù. Hai cái bóng xiêu xiêu lúc thì chập vào, lúc thì ngả ra bởi vì chân của hai người đều tập tễnh…
(còn nữa) Hà Nội, tháng 4-2013
Truyện dài của Trọng Bảo
Lão Vận đang mải mê thu hồi các loại “chiến lợi phẩm” ở cổng chợ. Hôm nay, lão kiếm được khá nhiều những thứ có thể bán được như túi ni-lông, vỏ chai nhựa, lon bia, hộp các tông. Bọn buôn chuyến từ Hà Nội lên còn quẳng cho lão cả mấy cái thùng bằng gỗ thông đựng hàng vải vóc, quần áo may sẵn sau khi đã xuất hết hàng cho người bán lẻ ở chợ.
Vừa cúi xuống nhặt mảnh một ni-lông thì lão nhận ra anh Phương đang tập tễnh đi phía ngoài đường ngang qua chợ Niễu. Lão Vận vội đặt cái bao tải rách xuống đất ngoảnh ra hỏi:
- Đi đâu đấy hả Phương?
Anh Phương không trả lời. Hình như anh không nghe thấy tiếng của lão Vận hỏi. Anh vẫn bước đi như vô định. Lão Vận phải gọi to hơn, anh mới giật mình nhìn vào phía cổng chợ. Nhận ra lão Vận, anh vội chào:
- Ông ạ!
- Mày đi đâu mà ngơ ngơ, ngác ngác thế?
- Con lên xã có chút việc ông ạ!
Lão Vận nhìn anh Phương lắc đầu:
- Chả ăn thua gì đâu con ơi!
- Ông nói thế nghĩa là thế nào ạ?
- Thì chả phải mày lên xã để đề nghị xác nhận là thương binh, thương tật chứ gì?
- Vâng…
- Mày giấy tờ chả có, tiền bạc cũng không, đi lại làm gì nhiều cho tốn thời gian, lại còn rước thêm cái bực vào thân?
- Thế ông bảo con biết làm thế nào bây giờ?
Lão Vận nhìn Phương - thằng con của người bạn già năm xưa lòng ngổn ngang bao suy nghĩ. Lão Vận nhớ lại thời lão và bố đẻ của cái thằng Phương này một thời cùng cảnh bần cố nông, chuyên đi cày thuê, cuốc mướn cho địa chủ, vất vả đói rét cùng cực mà vẫn không lúc nào đủ ăn. Lão Vận vẫn nhớ như in một bận đi cày thuê cho địa chủ Kiền, một người nổi tiếng là mưu mô, keo kiệt và ác bá trong vùng. Hôm ấy, cày xong mấy sào ruộng trời mới sáng, lão Vận thả con trâu cho nó gặm cỏ rồi nằm vật ra bờ ruộng. Lão đói quá. Sức trai đinh lực điền như lão mà bữa tối hôm qua chỉ có lưng bát cháo loãng và mấy củ sắn đắng ngắt. Vậy mà hôm nay làm quần quật từ nửa đêm đến sáng nên lão lại càng đói. Đói đến bủn rủn cả chân tay, hoa cả mắt. Lão chống tay ngồi dậy nhìn xung quanh. Trông thấy phía rìa cánh đồng có một đám ruộng trồng khoai lang, lão bèn đứng dậy lần tới. Lão đặt cái cày trên bờ bước xuống ruộng thò tay móc được một củ khoai lang khá to. Lão chùi củ khoai vào vạt áo rồi ngấu nghiến ăn sống. Củ khoai lang sống ấy sao mà ngon đến thế, cứ ngọt lừ trong cổ họng.
Đang nhồm nhoàm nhai miếng khoai lang sống thì lão Vận bỗng giật nảy người nghe tiếng người quát:
- Bắt lấy quân ăn cắp!
Lão Vận ngơ ngác nhìn quanh. Hai người tuần phiên từ phía rặng tre ven làng cầm gậy gộc hùng hổ lao ra. Lão đứng như trời trồng. Một thằng tuần phiên xông tới vung cây gậy tre đực vụt luôn một gậy vào ngang thắt lưng lão đau điếng. Lão Vận khụy xuống. Thằng còn lại lập tức dùng cây gậy chụp vào cổ lão Vận dùng hai tay ghì chặt. Lão Vận hốt hoảng ú ớ cố kêu lên:
- Tôi… tôi… không phải là kẻ cắp! Tôi đang đi cày ruộng thuê cho cụ chánh Kiền…
- Không phải à! Mày vừa mới đào trộm khoai lang ruộng nhà cụ chánh mà lại vẫn còn lớn tiếng chối cãi à? Theo chúng tao về đình để xem cụ chánh sẽ xử tội ăn cắp của mày ra sao!
- Tôi… tôi… xin các anh tha… tha… cho…
Lão Vận đang ấp úng van xin hai thằng tuần phiên tha cho, một củ khoai lang chả đáng là bao thì lại có tiếng quát to:
- Hai thằng tuần phiên chúng bay cứ đánh chết mẹ nó đi cho chừa hẳn cái thói trộm đạo quen thân!
Lão Vận nhận ra tiếng cụ Chánh Kiền. Thì ra cụ chánh đã đứng khuất trong rặng tre đầu làng từ lúc nãy xem bắt trộm. Lão Vận sụp xuống chắp tay vái lạy cụ chánh xin tha tội. Nhưng cụ Chánh Kiền quyết không tha. Cụ trợn mắt phẩy tay ra hiệu cho hai thằng tuần phiên rồi bỏ đi. Thế là một trận đòn bằng gậy tre lập tức tới tấp giáng xuống đầu, xuống cổ và thân thể lão Vận-một kẻ bần cố nông đói rách, khốn khổ. Khi lão ngã gục xuống góc ruộng khoai lang hai thằng tuần phiên mới bỏ đi. Bị đánh đau quá lão Vận ngất đi. Lão nằm úp mặt xuống cái rãnh ruộng khoai đầy nước. Đúng lúc ấy ông Hường, bố thằng Phương vác cày đi qua. Chợt bắt gặp lão Vận đang sặc nước giẫy giụa, ông Hường vội lao đến bế xốc lão lôi lên bờ ruộng. Chỉ chậm một chút nữa thôi nếu mà không có người đến kịp thì lão Vận sặc nước, ngạt thở mà chết. Ông Hường ráng sức cõng lão Vận chạy về làng gọi người cứu chữa. Lão Vận chỉ là bị đánh đau nên mới ngất đi. May mà lão không bị đòn trúng vào chỗ hiểm. Sau khi được mọi người dùng nước gừng xoa bóp, lau mặt mũi tay bằng khăn lạnh lão Vận dần dần tỉnh lại. Sau bận hút chết ấy, tình bạn giữa lão Vận và ông Hường càng thêm gắn bó. Họ chia sẻ cho nhau cái đói, cái no. Sau cách mạng tháng Tám, ông Hường vào du kích tham gia kháng chiến, lão Vận vẫn là một nông dân làm ruộng trên đồng, đánh cá trên sông. Song tình thân của hai người vẫn thân thiết như thuở hàn vi. Hòa bình lập lại họ được chia ruộng của địa chủ rồi cùng vào hợp tác xã. Ông Hường mất được mấy năm thì thằng Phương xung phong đi bộ đội. Vậy mà cũng đã mấy chục năm rồi. Lão Vận càng bùi ngùi nhớ tới người bạn cũ khi nhìn thấy thằng con của bạn như thế này. Lão bảo anh Phương:
- Kiếm lấy việc gì mà làm, đừng trông đợi gì ở họ con ạ!
- Con biết làm việc gì bây giờ, ruộng đất thì không có, không được nhận khoán, nhận thầu?
- Thế trước kia ở trong Nam mày làm những việc gì để sống?
- Thì… con toàn đi làm thuê, làm mướn. Ai thuê việc gì con làm việc ấy.
- Bây giờ cũng cứ thế mà làm, ở đâu chả thế.
- Nhưng ai người ta thuê mướn cái thằng như con chứ!
- Ngày mai cứ ra đây! Ở chợ thì thiếu gì việc làm, gánh nước, vác hàng, rửa xe, chẻ củi… Cứ làm là sẽ có cái ăn con ạ! Cốt là ở sự chăm chỉ, chịu khó…
- Nhưng… con ra đây, người ta thuê mướn con, không thuê ông nữa, thế chả làm cho ông bị… mất việc làm à?
Lão Vận bật cười:
- Tao có việc làm gì đâu mà lo bị mất! Với lại mày cứ yên tâm, tao đã có khoản “lương quét chợ” hàng tháng của xã trả cho rồi, dững mười cân thóc đấy, ăn làm sao mà hết được. Mày không việc gì mà phải lo cho tao đâu.
Anh Phương nhìn lão Vận. Tự dưng anh nhớ tới bố mình. Anh nhớ khi mình chưa đi bộ đội lão Vận hay vào trong làng chơi với bố anh. Họ là những người bạn tốt của nhau. Hai người thích ngồi nhâm nhi chén rượu cùng vài hạt lạc rang, miếng bánh đa rồi cùng ôn lại những chuyện ngày xưa khi họ còn trẻ cuộc đời đầy những lao lung, sóng gió. Anh Phương cũng rất quý lão Vận, một con người tốt bụng, thật thà nhưng cuộc đời biết bao trắc trở, bất hạnh, gian lao.
Lão Vận bảo anh Phương:
- Bây giờ về nhà tao đi. Tối hôm qua tao câu được một con cá chép ở xoáy Vực nặng phải đến gần hai cân, béo lắm, đang nhốt ở cái chum góc nhà. Về nhà tao làm nồi cháo ăn cho bổ.
Anh Phương đi theo lão Vận. Không phải vì nồi cháo cá mà anh chợt nhớ ra là từ hôm về làng, anh chưa đến chơi nhà lão Vận.
Trời đã sâm sẩm tối. Mùa đông trời âm u, nhiều mây nên ngày thường ngắn hơn mùa hè nên tối sớm. Lão Vận và anh Phương cùng nhau đi trên con đường đê gập ghềnh lồi lõm đầy những dấu chân trâu. Gió bắc thổi về ù ù. Hai cái bóng xiêu xiêu lúc thì chập vào, lúc thì ngả ra bởi vì chân của hai người đều tập tễnh…
(còn nữa) Hà Nội, tháng 4-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét