NGŨ QUỶ
Truyện dài của Trọng Bảo
Bà Thuân bước vào trạm y tế xã Đồng Nhân.
Bà nhận ngay ra mấy bà, mấy ông quen biết trong xã đang ngồi ở băng ghế chờ đến lượt khám bệnh. Anh y sĩ đang khám bệnh cho một cụ ông buông cái ống nghe nghểnh mặt lên nhìn bà Thuân. Anh ta tròn mắt vẻ rất ngạc nhiên rồi nói:
- Cụ ơi! Hôm nay trạm xá xã ta chỉ tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí định kỳ hàng tháng cho thân nhân các gia đình liệt sĩ và thương, bệnh binh thôi, không khám bệnh cho nhân dân. Nếu cụ cần khám bệnh thì mời sang bên phòng khám dịch vụ cụ nhé!
Bà Thuân sững người lại khi nghe anh y sĩ nói như vậy. Bà lúng túng. Thôi chết, bà quên mất. Bây giờ bà đã không còn là mẹ liệt sĩ nữa sao lại đến đây. Bà vẫn cứ giữ nếp quen từ bao năm nay rồi là cứ đúng ngày mùng mười hàng tháng lên trạm xá để khám bệnh, nhận thuốc như mọi lần theo quy định của xã. Hôm nay cũng vậy. Không kịp chào mấy ông bà quen biết đều là thân nhân liệt sĩ đang ngồi chờ đến lượt khám bệnh ở băng ghế, bà Thuân vội quay ngoắt lại lập cập bước ra cửa phòng khám. Bà kéo cái nón rách sụp xuống che mắt. Bà cảm thấy nóng ran cả mặt. “Mình lẩn thẩn mất rồi!” - Bà nghĩ. Bà đâu còn được hưởng chế độ khám bệnh, cấp thuốc miễn phí nữa mà lại đến đây cơ chứ. Bà bước vội ra phía cổng. Bước chân bà thập thõm, vấp mấy lần chúi người lao về phía trước, suýt ngã.
Mặc dù việc khám xét, chữa bệnh cho thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh hàng tháng chỉ là chiếu lệ. Thuốc cấp cho họ thì chỉ là mỗi người hai lọ B1, hai lọ VitaminC, một vỉ thuốc bổ, một hộp cao sao vàng. Ai có bệnh mãn tính gì thì thêm một vỉ hoặc một lọ thuốc loại rẻ tiền dùng điều trị loại bệnh ấy. Trị giá tất cả độ mười lăm nghìn đồng một xuất. Nhưng những người dân nghèo như bà Thuân có viên thuốc bổ, hộp cao sao vàng là quý hóa lắm rồi. Mỗi lần nhận thuốc ở trạm xá xã về bà cứ hay giở ra, gói vào, xem xét nâng niu mãi mấy hộp thuốc được cấp.
Anh Thưởng vừa đạp xe vào cổng trạm xã xã thì gặp bà Thuân đang bước thập, bước cao hớt hải đi ra. Anh liền dừng xe lại hỏi:
- Bà đã khám bệnh xong rồi ạ?
- Tôi... tôi... không. Anh vào khám đi! Họ đang cấp thuốc đấy!
Nói chưa dứt câu bà Thuân đã rảo bước đi luôn. Bà rẽ ngang luôn xuống cánh đồng đi tắt theo bờ ruộng về nhà. Anh Thưởng ngạc nhiên. Anh băn khoăn không hiểu tại sao hôm nay bà Thuân lại vội vã như thế. Những lần trước lên trạm xã khám bệnh lấy thuốc bà ấy đều ngồi nấn ná trò chuyện mãi với mấy bà ở làng bên rồi chia nhau miếng trầu không. Nhìn theo bóng Thuân bà đang khuất dần sau những đám ruộng trồng ngô đông anh Thưởng mới chợt giật mình sực nhớ ra. Từ khi thằng Phương trở về, bà Thuân đâu còn là mẹ liệt sĩ nữa mà được hưởng chế độ khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí. Chắc là bà ấy quên nên hôm nay đã lỡ lên trạm xá, vào nơi mà bao năm nay vẫn đến... Anh Thưởng thở dài nhìn theo bóng bà Thuân trên cánh đồng. Cái dáng người gầy yếu nhỏ bé liêu xiêu của bà đã mờ lẫn hẳn trong đám ruộng ngô non đang lên xanh.
Anh Thưởng thấy buồn quá. Anh không muốn vào trạm xá khám bệnh, lấy thuốc nữa. Anh quay xe lững thững đạp trở về làng Vực. Đôi chân anh rã rời. Tiếng xích xe đạp khô dầu kêu ken két, ken két.
Vừa uể oải đạp xe, anh Thưởng vừa nghĩ đến những câu chuyện cùa bà Thuân đã phải trải qua trong cuộc đời.
Bà Thuân lấy chồng khi chưa đầy mười tám tuổi. Ông chồng trông lù đù, chuyên cày thuê cuốc mướn thế mà khi cách mạng tháng Tám nổ ra dám cầm mã tấu cùng đám đông người biểu tình xông vào nhà công sứ trên tỉnh treo cờ đỏ sao vàng. Rồi ông tham gia du kích suốt chín năm kháng chiến chống Pháp. Hoà bình lập lại ông trở về cùng bà nuôi con. Ông chồng mất chưa lâu, con đi bộ đội rồi bặt tin tức, bà Thuân như chết nửa con người. Thông tin về làng mỗi lúc mỗi khác. Khi nghe tin anh Phương hy sinh làm lòng bà tan nát vì thương con. Nhưng thời gian sau lại có tin đồn bay về làng như sét đánh ngang tai bà. Đó là tin Phương chạy theo giặc, phản bội Tổ quốc.
Bà Thuân suy sụp hẳn. Tin con bỏ quân ngũ đi theo giặc khiến bà lúc nào cũng phải cúi gằm mặt xuống đất, không dám nhìn bà con làng xóm láng giềng nữa. Chính quyền, hàng xóm luôn đề phòng bà, như thể bà cũng đang làm việc cho địch. Nhưng sống thì vẫn cứ phải làm ăn. Không ai muốn làm chung với bà Thuân. Ngày xưa lao động tập thể mà không được làm chung với mọi người thì thật khốn khổ, khốn nạn. Suốt vụ cấy bà phải lầm lũi cắm từng cây mạ ở một góc ruộng. Mùa gặt, bà thui thủi cắt lúa ở cuối cánh đồng.
Bà Thuân cứ lầm lũi vượt qua năm tháng mà sống như thế. Trong sâu thẳm trái tim người mẹ, bà vẫn không tin là thằng con mình rứt ruột đẻ ra phản bội Tổ quốc, đi theo giặc. Vậy mà sáng nào thức dậy bà thường phải dọn những gói phân trâu, phân bò lũ trẻ con và cả người lớn nữa đêm qua đã ném vào sân nhà có kẻ phản bội.
Một hôm, khi bà đang cặm cụi cấy lúa ở mảnh ruộng đầu thừa đuôi thẹo gần cây cầu sắt bắc qua sông thì chợt giật nảy mình bởi tiếng quát rất to:
- Này! Bà kia... bà kia! Bà định làm ám hiệu cho máy bay Mỹ ném bom xuống cầu hả?
Bà Thuân giật mình thảng thốt ngẩng lên. Một người một bên sườn đeo xà-cột bạt màu ghi, một bên sườn là chiếc đài Xiêng-mao, lưng trùm tấm vải dù ngụy trang loang lổ đang phóng xe đạp lao xuống bờ ruộng. Bà nhận ra anh công an xóm nhà ở gần nhà mình. Anh công an xóm vứt “oạch” cái xe Phượng hoàng xuống vệ đường rồi xăm xăm lội xuống ruộng. Anh ta xông đến giật cái nón bà Thuân đang đội trên đầu. Cái quai nón vướng vào cằm khiến bà ngã dúi dụi xuống ruộng bùn. Anh công an ném cái nón của bà lên bờ ruộng rồi nhảy lên dùng chân dẫm mạnh cho bẹp rúm. Vừa dẫm đạp cái nón vô tội, anh ta vừa gầm gừ:
- Này thì... làm ám hiệu cho máy bay Mỹ ném bom, này... thì…
Khi anh công an đạp xe đi xa rồi, bà Thuân mới lần lên bờ ruộng. Bà nhặt cái nón bẹp rúm lên cố nắn nắn lại. Cái nón bị đạp gẫy vành méo mó không thể tròn lại được nữa. Trước khi úp lên dầu, bà Thuân vốc bùn non xoa lên nón. Bà lại cắm mặt xuống ruộng tiếp tục cấy lúa. Nước bùn, nước mắt và mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt. Bà khóc cho đời bà, khóc cho con bà. Dù có theo giặc thì thằng Phương vẫn là đứa con bà đã rứt ruột đẻ ra. Bà nhớ khi còn bé, mỗi lần bú no nó đều cắn mạnh vào núm vú bà một cái đau điếng rồi mới chịu nhả ra. Lúc vừa biết đi nó đã lon ton đòi chạy theo mẹ ra đồng. Khi cu cậu biết chăn trâu, cắt cỏ thì xốc vác chăm chỉ, đỡ đần cho bố mẹ. Đang học lớp cuối cấp 3, nó bảo với bà: “Con phải đi bộ đội đánh Mỹ xong về lại học tiếp mẹ ạ!”. Nó làm đơn xung phong tòng quân. Nó bảo mẹ: “Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực!”. Rồi nó cùng đám bạn bè ra đi. “Thế mà tại sao mày lại đi theo giặc Phương ơi!”. - Bà Thuân thầm gọi tên con. Bà kéo vạt áo lên chùi mặt. Nước mắt, nước bùn chảy ròng ròng xuống ngực áo của bà.
Một ngày cuối thu. Hôm ấy, có một chiếc xe quân sự rẽ vào làng Vực. Nghe tiếng ồn ào đầu ngõ, bà Thuân vội ra khép cổng. Bà đoán là họ có việc đi ngang qua ngõ. Nhưng đoàn người lại rẽ vào nhà bà. Có cả ông bí thư, ông chủ tịch xã đi cùng mấy anh cán bộ huyện đội.
Vừa ngồi xuống định thái nốt nắm rau lợn ở góc sân, bà Thuân lập cập đứng dậy lùi lại. Trong lòng bà thoáng lo sợ khi nghĩ đến con mình - “cái thằng theo giặc” - chắc lại phạm thêm tội gì đây nên hôm nay họ về để bắt bỏ tù bà. Hóa ra không phải. Họ đến là để báo tử con bà. Anh Phương là liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu chứ không phải là kẻ bỏ ngũ chạy theo giặc như người ta vẫn đồn đại lâu nay. Bà Thuân cứ như tỉnh, như mê. Bà đứng ngơ ngác nhìn mọi người. Người làng xúm lại giúp bà dọn dẹp bàn thờ. Rồi người đem chuối, bưởi, hương nhang đến. Kẻ đưa xôi oản, bánh kẹo vào làm cỗ cúng liệt sĩ. Lão Vận quét chợ bưng đến một cái thủ lợn vừa luộc xong còn đang bốc khói đặt lên bàn thờ. Hương khói nghi ngút. Tất cả dân làng Vực đều đến thắp nén hương cho người đã chết vì đất nước. Trong đám người đến lễ vái trước bàn thờ liệt sĩ có cả những kẻ đã từng ném phân trâu vào nhà bà, hoặc từng vạch than đen ngòm lên cánh cổng nhà bà dòng chữ: “Đả đảo quân theo giặc, bán nước, bưng đít Mỹ ngụy”.
Anh công an xóm, người đã từng bao năm theo dõi, quản lý bà mẹ của “kẻ theo giặc”, từng dẫm bẹp cái nón trắng của bà ngày nào để bà khỏi sử dụng làm ám hiệu cho máy bay Mỹ ném bom thì không thể đến để viếng người liệt sĩ của làng được nữa. Hơn chục năm trước, xã Đồng Nhân mở một con đường mới chạy giữa trung tâm xã. Đường làm đến đầu làng Vực thì vướng phải một ngôi miếu nhỏ trên một gò đất. Ngôi miếu này chẳng biết có tự bao giờ, không có bia đá, sắc phong. Gia tự mấy dòng họ trong làng cũng không thấy ghi chép gì về ngôi miếu nhỏ này. Nhiều người bảo ngôi miếu này thờ thực thần, tức là người có công với nước, với xóm làng. Có người lại nói cái miếu này chỉ là thờ hư thần, tức là yêu tinh, ma quỷ. Lão Bản chuyên nghề mổ lợn ở chợ Niễu thì khẳng định là ngày xưa có một lão ăn mày không biết từ đâu đến đói quá nằm chết ở đây, qua một đêm kiến mối đã đùn lên thành mộ. Ngôi mộ lão ăn mày càng ngày càng to lên trở thành một cái gò đất nhỏ đầu làng Vực. Đời sau người ta lập miếu thờ. Thờ gì cũng mặc, vướng vào con đường đang mở thẳng băng là không được. Đám thanh niên sợ không dám phá cái miếu để làm đường. Anh công an xóm hò hét mãi không được cáu tiết rẽ đám thanh niên xông bừa vào trong miếu. Anh ta nhảy lên ban thờ túm luôn pho tượng đất nhỏ lôi ra ném luôn xuống mương nước. Anh còn dọa đái cả vào bát nhang nữa. Đám thanh niên bấy giờ mới dám đập phá tan tành cái miếu.
Khi con đường khánh thành thì anh công an xóm đột ngột ngã bệnh. Anh ta ốm liệt giường, chả rõ là bệnh gì mà cứ hết sốt lại lạnh, hết tỉnh lại mê, chạy chữa đến ba bốn tháng ròng mới khỏi. Nhưng lạ thay từ ấy hạ bộ của anh ta cứ to dần, to dần lên như cái ấm tích, không đau, không nhức, nhưng không kiểm soát được việc tiểu tiện. Nước giải cứ tự nhiên chảy ra quần lúc nào mà anh ta cũng không hay. Giờ thì anh ta đã lên tuổi ông, có cháu nội, cháu ngoại đủ cả. Nhưng ông ta luôn phải đeo một cái gáo dừa để hứng nước tiểu nên chẳng khi nào dám ló mặt ra khỏi nhà. Bà vợ của ông ta len lén cẩm thẻ nhang đi vào nhà bà Thuân. Khi bà ta vừa cắm mấy nén hương vào cái bát nhang thì một trận gió từ bên ngoài cửa đột ngột thổi thốc vào. Tàn hương bay tung lên đỏ lập loè như đom đóm. Cái bát nhang nhỏ lại cắm quá nhiều hương bung ra, một nén hương bay vèo qua mặt, tóc bà ta bén lửa cháy sèo sèo. Bà ta hoảng sợ vái lạy như tế sao.
Nhớ lại những chuyện của bà Thuân, anh Thưởng lại thở dài. Anh thấy thương bà Thuân quá. Người mẹ ấy khi con ra mặt trận chiến đấu đã phải chịu đựng biết bao đau thương, khốn khổ. Bây giờ con còn sống trở về cũng sẽ vẫn còn bao nhiêu khốn khổ, đau thương. Đúng là chiến tranh cái sống cái chết đều chung một hướng, niềm vui nỗi buồn đều về cùng một đích và sự khổ đau bao giờ cũng dành phần hơn cho những người đàn bà…
(còn nữa) Hà Nội, tháng 4-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét