NGŨ QUỶ
Truyện dài của Trọng Bảo
Ông chủ tịch và ông trưởng công an xã cùng tiếp người “liệt sĩ” làng Vực vừa mới trở về đêm qua. Câu chuyện của anh Phương cả làng, cả xã đều đã biết. Ấy vậy mà khi anh đạp xe đến trụ sở uỷ ban xã vẫn có rất nhiều người tò mò kéo đến xem có phải là thật hay không. Có đích thị là người hay là ma. Đang đi làm đồng, họ vác luôn cả cày cuốc, gồng gánh ồn ào kéo vào trụ sở uỷ ban xã. Ông chủ tịch xã phải kêu bảo vệ xua đuổi đám người hiếu kỳ ra khỏi khu vực làm việc của chính quyền tránh sự nhốn nháo nơi công sở. Ông chủ tịch xã tuy vẫn còn rất trẻ nhưng đã có dáng vẻ bệ vệ. Ông ngồi đĩnh đạc trên chiếc ghế bọc da giả có bánh xe quay ngang, quay ngửa đều được. Là người đứng đầu một xã nghèo thuần nông nhưng trông con người ông chủ tịch không có chút gì xuất thân từ nông dân. Mặc dù ông có bằng kỹ sư nông nghiệp, thuộc vào hàng trí thức mới, nhưng gia thế nhà ông cũng phải đến mấy đời chuyên cầm cày theo đít con trâu. Có lẽ khi anh Phương lên đường nhập ngũ hành quân ra mặt trận đánh giặc thì ông chủ tịch vẫn chỉ là một đứa trẻ mục đồng còn cởi truồng cưỡi trâu nhông nhông lội xuống sông tắm.
Sau khi xem kỹ tờ giấy của Phương và nghe anh trình bày, ông chủ tịch xã trịnh trọng nói:
- Trước hết thay mặt lãnh đạo chính quyền xã, tôi xin nhiệt liệt chào mừng đồng chí đã trở về với quê hương. Đồng chí cùng lớp thanh niên quê ta lên đường đánh giặc Mỹ và tay sai ngày ấy đã góp phần làm rạng danh truyền thống hào hùng của xã nhà. Mong rằng giờ đây khi trở về địa phương, đồng chí sẽ tiếp tục phát huy bản chất cao quý của người quân nhân, góp phần cống hiến xây dựng quê hương, làng xóm ngày càng giàu đẹp…
- Vâng! Tôi… tôi… sẽ cố gắng… - Anh Phương đáp và trình bày tiếp chuyện của mình: - Nhưng bây giờ tôi muốn xã giúp đỡ việc làm thủ tục để tôi được hưởng trợ cấp thương bệnh binh hoặc mất sức…
Ông chủ tịch nhã nhặn:
- Thế này đồng chí Phương ạ! Lãnh đạo xã sẽ lập tức làm văn bản báo cáo ngay việc của đồng chí lên trên đề nghị thu hồi lại bằng “Tổ quốc ghi công” của đồng chí, tạm dừng khoản trợ cấp vẫn chi trả hàng tháng cho thân nhân gia đình liệt sĩ để đồng chí yên tâm sinh sống tại quê nhà. Nhưng còn việc làm thủ tục đề nghị công nhận đồng chí là thương bệnh binh, hay mất sức thì phải có đủ các loại giấy tờ cần thiết mới làm được.
- Giấy tờ gì… mà tôi biết lấy ở đâu ra bây giờ?
Ông chủ tịch xã giải thích:
- Đồng chí phải về đơn vị cũ xin lại các loại giấy tờ như chứng nhận là quân nhân, chứng nhận vào chiến trường, tham gia trực tiếp hay phục vụ chiến đấu, giấy chứng thương, giấy giám định sức khoẻ, các loại bằng khen, giấy khen, huân huy chương đem về đây thì chúng tôi mới có thể tiến hành làm thủ tục đề nghị lên trên nghiên cứu, xem xét được!
- Nhưng bây giờ tôi biết đơn vị cũ của mình đang ở đâu mà xin?
- Thế thì thật là khó quá đồng chí Phương ạ! Việc đồng chí còn sống trở về người thực, việc thực rõ ràng thế này thì chúng tôi có thể xác nhận và sẽ đề nghị ngay lên trên gạch bỏ tên trong danh sách các liệt sĩ. Nhưng còn việc làm đề nghị để đồng chí được hưởng chế độ chính sách ưu đãi của nhà nước thì quả là rất nan giải, phức tạp.
- Vậy thì tôi biết làm thế nào?
Ông chủ tịch xã đành bảo:
- Có lẽ đồng chí cứ về nhà nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng lấy lại sức khỏe đã. Lãnh đạo xã sẽ báo cáo lên trên, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo và phòng lao động thương binh xã hội huyện xem thế nào đã nhé!
- Vâng…
Anh Phương chán nản đứng dậy. Anh có trình bày thêm thì mọi việc cũng không đi đến đâu. Đầu anh bỗng thấy u u chống rỗng. Ông chủ tịch xã giơ tay phải ra bắt tay người “liệt sĩ” làng Vực. Anh Phương giơ cánh tay trái còn lại ra. Ông chủ tịch lúng túng mãi mới nắm được bàn tay trái đầy những vết sẹo của anh Phương. Ông nói thêm:
- Bây giờ, xã sẽ cho người xuống nhà đồng chí thu hồi lại cái bằng “Tổ quốc ghi công” để nộp theo cùng bản báo cáo lên cấp trên nhé!
Anh Phương “ừ hữ” trong cổ họng rồi gật gật đầu.
Anh chào các lãnh đạo xã rồi tập tễnh bước ra sân trụ sở uỷ ban. Trụ sở uỷ ban xã bây giờ khang trang khác hẳn ngày nào anh còn ở làng. Một toà nhà hai tầng đồ sộ cột to ốp đá xẻ láng bóng thay chỗ cho căn nhà cấp bốn lợp lá cọ lụp sụp ngày xưa. Anh chỉ còn nhận ra cây bàng già sù sì còn sót lại ở góc sân. Ở chỗ gốc cây bàng già này anh đã chia tay Hoà trước khi lên đường nhập ngũ. Hôm ấy Phương, anh Thưởng và thằng Hiệp cùng lên đường nhập ngũ đợt đầu năm 1972. Anh Thưởng là người già dặn nhất bọn. Anh sinh vào đầu năm. Liên là con gái nên không được đi bộ đội. Năm sau thì Liên xin vào thanh niên xung phong đi mở đường Trường Sơn. Thế là mùa xuân năm ấy nhóm “ngũ quỷ” có bốn người ra trận, chỉ còn một người còn ở lại quê nhà. Đó chính là cái thằng ít tuổi nhất bọn. Nó sinh vào cuối năm nên tính tháng chưa đủ tuổi nhập ngũ. Nhưng thực ra thằng Hiệp cũng chỉ sinh trước nó hai tháng, chưa đủ mười tám tuổi song nó vẫn viết đơn bằng máu xung phong đi chiến đấu.
Phương về đến nhà thấy mẹ đang đứng thờ thẫn trước bàn thờ.
Mùi hương nhang thơm thoang thoảng.
Anh nhìn lên bàn thờ. Tấm bằng Tổ quốc ghi công của anh đã được xã cử người đến đem đi rồi. Ông xã đội trưởng có xe máy nên phóng đến nhà anh nên nhanh hơn rất nhiều anh đạp chiếc xe cũ kỹ lọc cọc lại bị tuột xích mấy bận. Khi ông xã đội trưởng đến để gỡ tấm bằng Tổ quốc ghi công mẹ anh đã thắp mấy nén hương khấn vái, kính cáo tổ tiên. Chiếc khung ảnh viền đen đặt sau bát nhang cũng được hạ xuống. Tấm bằng Tổ quốc ghi công và cái ảnh bỏ đi khiến cái bàn thờ bỗng trở nên trống trải, ngơ ngác. Bà Thuân lau đám bụi rơi xuống bàn thờ khi ông xã đội nạy cái đinh để bóc lấy tấm bằng. Bà dự định chiều nay sẽ thịt con gà mái đang đẻ làm mâm cơm cúng, mời lão Vận quét chợ là bạn thân của chồng, anh Thưởng chèo đò và cô Liên là những người bạn cũ cùng thời với con đến uống chén rượu mừng cho thằng con vừa từ cõi chết vừa mới trở về. Còn chuyện “phải mổ lợn khao cả làng vì con đã báo tử lại sống trở về” như nhiều người nói lúc ban sáng thì bà không bao giờ dám nghĩ đến. Bà làm gì có điều kiện mà làm như thế. Trong lòng bà ngổn ngang bao suy nghĩ. Không hiểu sao sau niềm vui mừng bất ngờ đến nghẹn ngào vì thằng con “liệt sĩ” đột nhiên sống lại tìm về nhà trong bà lại vẩn vơ một nỗi âu lo vô cớ.
Phương hỏi mẹ:
- Họ mang cái bằng ghi công đi rồi hả mẹ?
- Ừ! Mà chuyện của con xã họ bảo sao?
- Họ bảo phải chờ để trên còn thẩm tra, xem xét!
Phương nói quấy quá cho mẹ yên tâm. Bà Thuân thở dài:
- Không hiểu sao mẹ cứ thấy lo lo là…
- Mẹ cứ yên tâm! Không có gì phải lo cả. Con còn khỏe làm gì chả được, cần gì mấy đồng tiền trợ cấp bọ ấy!
Bà mẹ lo lắng:
- Làng ta làm gì ra tiền, ruộng nương bây giờ đã chia khoán hết, ao vườn cũng không còn, sông ngày càng ít cá, con thì chỉ còn một tay thế này…
Phương cười khì khì:
- Mẹ yên tâm! Mấy chục năm trời một mình con đất khách quê người còn sống được nữa là nay có mẹ, có con thì lo gì?
Bà Thuân se sẽ thở dài:
- Ấy là mẹ thấy lo lo thì nói thế thôi.
Bà nói xong liền cầm cái liềm ra đồng cắt cỏ về cho con bò già còi cọc. Vừa ra đến sân, chợt nhớ bà nói vọng vào:
- Con nghỉ ngơi đi, có bát cháo trứng mẹ nấu để trên bàn. Còn nóng đấy ăn luôn đi cho khoẻ. Chiều nay có rỗi thì con nhớ sang bên nhà ông Nghĩa chơi. Ông ấy vừa mới ở đây về xong. Ông Nghĩa cứ đợi mãi chờ mày về. Mẹ nói mày lên làm việc trên xã không biết lúc nào mới xong nên ông ấy đành về. Ông ấy hỏi thăm mày đấy!
- Ông… Nghĩa nào hả mẹ?
- Chán cho anh quá! Ông Nghĩa nhà ở cuối làng, là bố đẻ của thằng cu Hiệp, cùng học, cùng nhập ngũ một đợt với mày mà không nhớ à?
- Con nhớ… nhớ ra rồi! Thế thằng Hiệp bây giờ thế nào rồi hả mẹ! Nó vẫn khỏe và vẫn hay có những trò nghịch ngầm như ngày xưa chứ ạ. Con phải sang ngay gặp nó mới được!
Bà Thuân thốt lên:
- Ôi giời… đúng là mày chả biết cái gì rồi! Mày muốn gặp thằng Hiệp thì lên trên nghĩa trang liệt sĩ mà gặp… Mộ của nó đang nằm cạnh mộ của mày ở trong ấy đấy. Cũng chả cái nào có cốt cả đâu. Ông Nghĩa sang chơi là hỏi thăm mày xem có biết thằng Hiệp được chôn cất ở chỗ nào không để còn nhờ người đi đem hài cốt nó về đấy con ạ!
Hà Nội, tháng 4-2013
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét