QĐND - Chủ nhật, 19/08/2012, 23:33 (GMT+7)
QĐND - Quê tôi ở vùng trung du Vĩnh Phúc. Từ thuở bé chúng tôi đã gắn bó thân thiết với cây cọ. Lớp học dưới tán lá cọ xanh. Chúng tôi ngồi tập viết những chữ cái đầu tiên trong lớp học lợp bằng lá cọ. Cây cọ cho lá lợp nhà, cho chổi quét sân, cho thân làm cống ao, máng nước, củi đun. Ngay cả cái cuống lá cọ hai cạnh gai góc như răng cưa cũng dùng làm mành che, chiếu trải.
Cọ là loài cây của người nghèo. Quê tôi ngày trước nghèo lắm. Xóm làng với những căn nhà lợp lá cọ thấp lụp xụp. Lá cọ dùng lợp mái nhà vừa kín, vừa bền, vừa mát. Những thân cây cọ già còn được chẻ ra làm rui mè rất bền. Ngày hè nóng nực, chiếc quạt lá cọ phành phạch suốt đêm. Cơn mưa rào bất ngờ ập xuống chỉ cần bẻ một tàu lá cọ che lên đầu là khỏi ướt. Quả cọ ỏm chín tới ăn thơm ngậy, nhớ mãi. Khi giặc Mỹ đem bom đánh phá miền Bắc, trường học sơ tán khỏi thị trấn, lớp của chúng tôi nửa chìm nửa nổi trong rừng cọ. Xưởng sửa chữa xe tăng, súng pháo của bộ đội cũng nằm dưới tán lá cọ xanh. Chúng tôi đến trường, những người chiến sĩ hành quân ra trận từ miền đất trung du chỉ cần một tàu lá cọ trên lưng là thành vòng ngụy trang vừa che mắt giặc, vừa che mưa nắng.
Tôi còn nhớ nhà tôi ngày ấy có sáu mẫu rừng lá cọ, gồm hai khoảnh gần nhau do chính tay bố tôi trồng. Ông thường kể cho tôi nghe chuyện khai phá đất đai, "đâm" (tức là trồng) từng cây cọ con và chăm sóc như thế nào để có được hai khoảnh rừng ấy. Cây cọ như cũng biết thương người nông dân nghèo. Tự nó bám rễ vào đất đồi cằn khô mà vươn lên. Cọ là loại cây rễ chùm như cây dừa, cây cau, cây tre. Rễ cọ bám vào đất đồi lan toả, kiếm tìm từng chút dinh dưỡng để nuôi cây lớn lên từng ngày, nuôi lá tốt xanh cho con người lợp nhà, chằm nón. Nhưng cây cọ khác với cây tre. Dưới tán cây tre đất đai bị hút kiệt chất màu mỡ đến xơ xác, cỏ không mọc nổi. Còn dưới tán cây cọ vẫn có thể trồng sắn, trồng chè. Cọ là loại cây của tự nhiên, phục vụ con người một cách tự nhiên với những thứ con người khai thác được của cây mà nó vốn có. Cây cọ không phải thuần dưỡng, cải tạo và không cần chăm sóc gì. Mỗi năm một lần người ta dùng con dao quắm có cán dài (quê tôi gọi là dao phát rừng) phát quang những khóm guột, bụi tế, những cây sim, cây mua dưới gốc cọ. Những cây ấy sẽ khô mục trở thành phân bón cho cọ.
Bố tôi rất quý hai khoảnh rừng lá cọ của nhà mình. Không kể khi thu hoạch lá cọ, hầu như độ vài ngày ông lại vác con dao cán dài lên vai đi thăm rừng, sờ vỗ từng gốc cây thân thiết như những người bạn. Những năm đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước, phong trào hợp tác xã ra đời, sáu mẫu rừng lá cọ nhà tôi được "công hữu hóa", trở thành tài sản chung của tập thể. Dù không còn là tài sản riêng của mình nhưng bố tôi vẫn cứ giữ thói quen đi "thăm rừng" như trước. Hình như ông chưa quen được ngay với cái khái niệm "sở hữu tập thể" đối với hai mảnh rừng trồng cọ của mình. Ông rất bực mỗi khi thăm rừng thấy những cây cọ bị khai thác triệt để cả lá già, lá non, chỉ còn để lại mỗi cái búp. Ông là người suốt đời vất vả lam lũ, từ khi lên sáu, lên bảy mồ côi cha mẹ cho đến lúc qua đời ở tuổi 101. Ông không hiểu thế nào là quy trình quang hợp, trao đổi chất của cây cối. Nhưng ông hiểu cây muốn tồn tại, xanh tốt thì phải có lá. Mỗi khi cùng tôi lên rừng cọ ông thường dặn: "Chặt lá cọ dao phải sắc, phải chặt từ trong ra ngoài, một nhát là đứt cuống lá". Ông rất ghét đám thanh niên trong đội sản xuất khi khai thác lá cọ cho hợp tác xã thường tiện tay chém từ ngoài vào trong vừa dễ, vừa mạnh, vừa nhanh nhưng lưỡi dao thường làm đứt cả những cuống lá non của cây.
Cây cọ sống với bao thế hệ người dân trung du quê tôi như những người bạn, thân thiết và trọn vẹn nghĩa tình.
Bây giờ thì quê tôi ít thấy những mái nhà còn lợp lá cọ. Làng quê bây giờ cũng nhà ống, mái bằng, mái ngói, cao tầng. Cây cọ hình như thu hẹp dần chức năng hơn nhưng không phải là vô dụng. Lá cọ được làm đồ thủ công mỹ nghệ. Mành cọ thành hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, khi giàu có, khá giả hơn là có những người xem thường hoặc nhạt tình với những thứ đã từng gắn bó, sẻ chia với mình khi khốn khó, bần hàn. Về quê, tôi gặp nhiều người chặt bỏ cây cọ để trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn hoặc bán cho những khu du lịch sinh thái, công viên, nhà nghỉ ở dưới xuôi trồng làm cây cảnh. Họ dùng máy xúc, cần cẩu có gầu ngoạm múc lên cả những cây cọ cao đến năm, sáu mét, xếp lên xe tải nặng chở về xuôi. Những cây cọ có cả hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm gắn bó với đồi rừng miền trung du nay được đưa về Hà Nội, đứng trơ trọi bên đường phố. Những tàu lá cọ xòe ra ngơ ngác giữa chốn thị thành. Nhưng phần lớn những cây cọ bị bứng khỏi rừng, bị xẻ tách khỏi đồng loại của chúng "di cư" về xuôi cũng đều bị chết. Tôi đã từng thấy tại một khu nhà ở, biệt thự cao cấp bên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài người ta đưa từ rừng về hàng trăm cây cọ trồng chi chít, tạo thành cảnh quan rất đẹp. Họ còn cẩn thận đào cả đất nơi những cây cọ vẫn sống đem theo về đổ vào gốc cho cây đỡ nhớ rừng và dần thích nghi với môi trường mới. Nhưng tất cả những cây cọ ấy đều sống lay lắt một thời gian rồi chết lụi dần. Người ta phải trồng thay thế bằng chủng loại khác là cây sữa và cây keo lá chàm.
Có thể rồi cây cọ quê tôi sẽ mất dần giá trị sử dụng khi đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Song, trong niềm vui mỗi khi thấy ở miền quê trung du những ngôi nhà cao tầng, ngói đỏ vượt lên lũy tre làng thì tôi vẫn không bao giờ quên và luôn yêu quý hình ảnh "rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt" của quê hương.
Tản văn của Trọng Bảo
Trong đời TNM đã được tận mắt thấy nhiều cọ (nhưng không là rừng cọ) một lần duy nhất lúc ra Bắc. Hy vọng sẽ được nhìn thấy nhiều lần nữa những ô cọ xòe! Tản văn anh TB hay, làm TNM nhớ quá những ngày ở Bắc.
Trả lờiXóaGửi Trần Nhã My: Bao giờ ra Bắc về quê anh Vĩnh Phúc thì tha hồ ngắm cọ. Mùa này quả cộ sắp chín, ăn rất bùi và ngon lắm...
Trả lờiXóa