Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Tập truyện thiếu nhi CHIẾC LÁ BIẾT BAY

 

                    
          Chiếc lá biết bay
         Tập truyện thiếu nhi đầu tiên của Trọng Bảo
          
          Chiếc là biết bay là tập truyện ngắn thiếu nhi của Trọng Bảo do Nhà xuất bản Dân trí ấn hành quý III năm 2012. Với 16 truyện ngắn nho nhỏ viết cho thiếu nhi, tập truyện chia làm hai phần. Phần thứ nhất là những truyện đồng thoại rất ngắn viết về thiên nhiên, cây cỏ và loài vật, phần thứ hai là những truyện ngắn viết về số của phận trẻ em trong cuộc sống thường nhật hiện nay.
          Trong phần viết về thiên nhiên và các loài vật là 10 câu chuyện nhỏ nhưng hàm chứa ý nghĩa giáo dục. Đó là câu chuyện về một chiếc lá non vừa nhú ra trên cành cây cao. Chiếc lá non vì khát vọng ngông cuồng muốn bay lên như những đám mây nên đã cố nhô ra trước trận gió lớn. Cơn gió mạnh đã bứt đứt cuống chiếc lá non ấy đưa nó bay vút lên cao. Chiếc lá non bay lên được trên trời cao nhưng đã mất nguồn nhựa sống để tồn tại và bị rơi xuống dòng suối sâu, rách tả tơi héo rũ, bị nước cuốn đi. Khi nó hối hận thì đã quá muộn. Truyện "Chiếc lá biết bay" được tác giả chọn làm tựa đề của tập sách. Truyện “Bài học trong rừng” viết về một chú nhím con theo mẹ đi hái nấm trong rừng gặp lão lợn rừng hung tợn. Câu chuyện muốn đem đến cho các em một chân lý dễ hiểu là “đừng thấy những kẻ to lớn mà vội nghĩ mình là yếu đuối, nhỏ bé rồi buông xuôi, khuất phục, nhưng cũng đừng nhìn những kẻ nhỏ bé mà cho mình là vĩ đại, lên mặt hống hách”. Trong truyện “Ve sầu đi học” thì lại kể câu chuyện một chú ve sầu con, một chú dế con ham chơi chỉ học được mỗi một chữ đã nghĩ là mình biết chữ, là người “có học” mà kênh kiệu, lên mặt khinh người. Truyện “Một cuộc thi tài” kể về một cuộc thi nhảy cao để chọn ứng viên đi dự đại hội đầm sen. Tại cuộc thi, bọn ếch mới có chút thành tích ban đầu đã vội khoe khoang, ăn mừng chiến thắng ầm ĩ, không chịu tiếp tục rèn luyện nên cuối cùng phải thua lũ chẫu chuộc, nhái bén nhờ khổ luyện mà thành công. Những chuyện như “Bầu lãnh đạo”, “Lời thề chó sói”, "Đời lươn chạch” lại cho các bạn đọc nhỏ một sự hiểu biết, nhìn nhận về cuộc sống xung quanh ta. Có độc giả đã nhận xét đây là những chuyện “viết cho thiếu nhi nhưng người lớn nên đọc”. Hai truyện “Tại sao trâu đen, bò vàng” và “Chuyện của loài ngỗng” chỉ là giải thích vui vui về màu lông của trâu, bò và loài ngỗng nhưng lại ẩn chứa trong đó một ý nghĩa, đem lại cho các em hiểu biết về cuộc sống và sự đối nhân, xử thế ở đời. Có tính ngụ ngôn đó là truyện “Thi lại”. Đây lại là một cuộc thi chạy giữa rùa và thỏ. Với mánh khoé gian lận của mình, lão rùa già vẫn thắng được thỏ trong cuộc thi lại này mà không cần phải sử dụng nhiều lực lượng rùa ẩn nấp ở dọc con đường chạy thi để đánh lừa thỏ như lần trước nữa. Và đây cũng là một bài học cho sự cảnh giác của loài thỏ ngốc nghếch, cậy tài mà chủ quan trước mánh lới của loài rùa.
          Phần thứ hai gồm 6 truyện ngắn tác giả viết về những số phận trẻ em hiện tại. Đó là cuộc sống lầm lũi của thằng Mẫn trong “Chân trời xa”. Do tác động của cơ chế thị trường mà gia đình nó lâm vào hoàn cảnh khốn khổ. Thằng Mẫn ra đi tìm “một chân trời xa” với ước mơ nhỏ bé là kiếm đủ tiền mua cho em gái một cái váy để em được vào đội múa của lớp mẫu giáo. Đó là những tháng ngày lang thang trên đường phố của cô bé nhặt rác trong “Dòng sông chảy ngược”, của chú bé bán báo trong truyện “Chiếc đèn ông sao”. Niềm vui và ước mơ của các em thật nhỏ bé và trong sáng khiến người lớn chúng ta cũng thấy nao lòng. Cô bé Nhiên khi bới rác bất ngờ nhặt được một con vịt nhựa cụt mỏ sung sướng nghĩ ngay đến em gái đang ngồi nghịch cát ở nhà. Chú bé Tùng bán báo được bà bán hàng đồ chơi trung thu cho chiếc đèn ông sao bị hỏng của một thằng bé nhà giàu vứt đi mà mừng vui đến thế. Trong các truyện ngắn “Đêm sao sa” và “Chuồn chuồn bay thấp” lại là những trăn trở, nỗi buồn, nghĩ suy về số phận các em bé trong cuộc sống thường ngày quanh ta với những bất hạnh của các em khi gia đình lâm vào hoạn nạn. Nhưng qua các truyện ngắn này tác giả mong muốn các em luôn có một niềm tin vươn lên trong cuộc sống. Riêng truyện ngắn “Tiếng sáo diều” là viết về một kỷ niệm thời ấu thơ của tác giả. Kỷ niệm ấy gắn với tiếng sáo diều dìu dặt trên bầu trời quê hương. Trong truyện có nhân vật lão Câm - một người thả diều. Lão Câm không nói được nhưng tiếng sáo diều của lão thật tuyệt vời. Nhân vật lão Câm cho bạn đọc nhỏ tuổi một suy nghĩ, một sự thương cảm xa xót.
          Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc, nhất là độc giả nhỏ tuổi tập truyện thiếu nhi Chiếc lá biết bay nhân dịp tết Trung thu 2012 sắp đến. 
                                                                            Hà Nội, ngày 12/9/2012
                                                                               Trọng Bảo
Đọc toàn bộ tác phẩm qua 2 link dưới đây:
http://vandanvn.net/vi/news/Truyen-thieu-nhi/Chiec-la-biet-bay-Tap-truyen-thieu-nhi-cua-Trong-Bao-Phan-1-545/
http://vandanvn.net/vi/news/Truyen-thieu-nhi/Chiec-la-biet-bay-Tap-truyen-thieu-nhi-cua-Trong-Bao-Phan-2-546/

2 nhận xét:

  1. Chúc mừng anh Trọng Bảo, chúc mừng sách mới!
    Anh Trọng Bảo ơi,
    "Đọc toàn bộ tác phẩm qua 2 link dưới đây:"
    để khỏi phải tặng sách?

    Trả lờiXóa
  2. Gửi Trần Nhã My: Đọc vẫn đọc mà tặng sách thì vẫn tặng chứ!
    Cảm ơn lời chúc mừng của TNM.

    Trả lờiXóa