Ngày Thơ Việt Nam lần thứ X
tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội
Trời mưa nhẹ. Lạnh se se. Đường phố Hà Nội 9 giờ ngày chủ nhật (5-2) vắng xe. Chúng tôi đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội dự Ngày Thơ Việt Nam lần thứ X. Ngày thơ năm nay xem chừng hơi “vắng vẻ” hơn những năm trước. Có lẽ là do trời còn mưa rét hay là dân ta đã quá “bội thực” thơ rồi chăng. Ngày thơ năm nay không đúng “Nguyên tiêu” mà tổ chức vào 14 tháng giêng, nhằm đúng chủ nhật để nhiều người không vướng bận việc công sở có thể đến dự nhưng vẫn không đông như vài năm trước. Ông phó chủ tịch Hội Nhà văn và là một nhà thơ nổi tiếng đã nói “Việt Nam là một cường quốc về thơ”. Tức là một nước mạnh về thơ, ai cũng làm được thơ, ra ngõ gặp nhà thơ vì vậy thì việc đến dự ngày thơ cũng không có ý nghĩa gì ghê gớm lắm.
Phần đông những người đến dự ngày thơ là để giao lưu gặp gỡ bạn bè sáng tác là chính hoặc họ là những người đến để đọc thơ của mình, của các nhà thơ khác. Cả mấy trăm năm kể từ khi vua Lê Thánh Tông cho lập Khuê Văn Các để nghe và đọc thơ, bình thơ bằng tiếng Việt thì lần đầu tiên năm nay có thêm cả các nhà thơ quốc tế đến để đọc thơ bằng ngoại ngữ hoặc dịch thơ nước ngoài ra tiếng Việt, dịch thơ từ tiếng Việt ra ngoại ngữ để trình diễn. Khách nước ngoài có rất ít thành thử dân ta lại nghe thơ ta bằng ngoại ngữ. Thời hội nhập quốc tế thì phải như vậy thôi. Trên sân Văn Miếu có những sạp bán những trang thơ phôtôcpy giá 10 nghìn đồng một tờ, nhưng cũng chỉ cần 10 nghìn đồng có thể mua được một tập thơ in rất đẹp trên các sạp sách bày dọc lối đi. Ở đây họ ghi giá bán sách văn thơ giảm từ 50 đến 70%. Trên các sạp sách cùng với các tác phẩm văn học còn có cả sách học toán và sách tử vi nữa.
Trước khi khai mạc ngày thơ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám tại Quảng Ninh đã diễn ra Liên hoan Thơ quốc tế Châu Á-Thái Bình dương lần thứ nhất, có gần 70 nhà thơ của 26 nước và vùng lãnh thổ đến dự. Tối hôm qua là dạ hội Thơ: "Mùa Xuân đất nước". Sáng nay, trước khi chính thức khai mạc Ngày thơ lần thứ X đã khai mạc triển lãm 80 năm thơ mới, buổi chiều là lễ trao giải thưởng văn học 2010, 2011.
Tôi đáo qua cả hai “sân thơ” mấy vòng để nghe thơ và gặp gỡ bạn bè nhất là các anh em từng biết tên, giao lưu với nhau trên mạng Internet. Tôi gặp anh Lê Trường Hưởng trên đường vào sân thơ trăm miền. Sân thơ trăm miền còn chưa khai mạc, còn thưa thớt khán giả và vắng các thi nhân. Tại đây tôi gặp Hoài Khánh, Thy Nguyên, Cát Biển (Hải Phòng), Nguyễn Đình Phúc, Xuân Thu (Phú Thọ)… Có những người lần đầu biết mặt nhưng thật vui và thân thiết. Tôi tranh thủ chụp một vài kiểu ảnh đưa lên blogs khi các nhà thơ Giang Nam, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Hữu Quý, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Phan Quế Mai và một số nhà thơ nước ngoài lên đọc thơ. Những bài thơ rất hay về nhân sinh, về tình yêu, về chiến tranh và hoà bình. Những câu thơ, tứ thơ thật tình tứ, sâu xa nhưng đọc ở giữa đất trời bao la đang râm ran khi mùa Xuân về như thế này cũng bị chìm lắng đi mất nhiều cái hay, cái đẹp của thơ. Nhưng không sao, ngày thơ thì tất phải như thế thôi. Và vì thế, Ngày thơ Việt Nam tổ chức hàng năm ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) nên gọi là “hội thơ” hoặc “liên hoan thơ” thì đúng hơn.
Hà Nội, ngày 14 tháng Giêng
Trọng Bảo
Anh nhanh quá. Nhà em còn đang mệt phờ người mà anh đã xong tin bài đưa cho cả thế giới biết rồi. Lần đầu gặp nhau mà bận rối rít chưa kịp nói chuyện gì. Tiếc thật. Mong lần sau thư thái hơn.
Trả lờiXóaGửi Xuân Thu: Hôm nào lên Phú thọ gặp nhau sẽ nói chuyện dài dài, còn ở hội thơ thế này thì gặp được nhau là vui rồi. Hôm nay bác Cầm Sơn cũng có xuống mà mình không gặp được, tiếc quá!
Trả lờiXóa