Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Truyện ngắn NGÕ NHỎ

 

                      
       Ngõ nhỏ
           Truyện ngắn của Trọng Bảo


           Tung nắm thóc cho đàn gà xong, bà Cần chống gậy đi ra đầu ngõ. Cái ngõ nhỏ sâu hun hút. Hai bức tường đá ong cao quá đầu người. Mưa gió, thời gian làm những viên đá ong lát đường, xây tường mòn lõm đi. Cái ngõ nhỏ này thuở bé bà vẫn nhảy tưng tưng mỗi khi đi về. Thế mà bây giờ, bà phải lần từng bước, tiếng gậy khua lọc cọc, lọc cọc. Qua cổng nhà bà Miên, bà Cần nhắc cây gậy lên tránh tiếng. Bàn chân bà bấm xuống mặt đường, hai tay hơi giang ra, bước đi như người làm xiếc trên giây để giữ thăng bằng.
           Bà Cần không muốn người bạn già biết mình đang đi ra đầu ngõ. Bà Miên đang ốm. Hôm qua bà Cần đã nấu cho người bạn già một nồi lá xông nên bà ấy đã đỡ. Hôm nay, bà ra đầu ngõ mua nửa cân đường. Người già khi ốm thường nhạt miệng, có một thìa đường cho vào bát cháo dễ ăn hơn là với muối.
           Thấy bà hỏi mua đường, anh phó chủ tịch xã đang ngồi uống bia hơi trong quán ngạc nhiên:
           - Nhà hết đường rồi hay sao mà cụ phải đi mua thế này?
           - Còn khối ra đấy ăn làm sao mà hết được!
           - Thế sao...?
           Bà Cần vừa gỡ cái kim băng mở túi lấy tiền vừa trả lời anh phó chủ tịch:
           - Bà Miên bà ấy ốm! Mua nửa cân đường cho bà ấy ăn cháo. Đường nhà còn cả mấy chum nhưng có mang sang lại mang về thôi, bà ấy không chịu nhận.
           Anh phó chủ tịch xã vẫn không hiểu. Bà Cần cũng không nói thêm nữa. Bà mua thêm hai cái bánh giò rồi lọc cọc chống gậy quay vào trong ngõ.
           Bà Cần rất hiểu tính tình của người bạn già. Bởi họ đã sinh ra và lớn lên cùng nhau ở cái ngõ nhỏ này. Thuở ấy, hai người như hình với bóng. Đi đâu, làm gì cũng có nhau, chăn trâu, nhảy dây, bắt cào cào, châu chấu, củ khoai, củ sắn chia đôi, quả khế, quả me mỗi người một nửa, đi cấy, đi cắt cỏ, lấy củi cứ ríu ran ngõ nhỏ. Mặt mũi lấm lem bùn đất, áo vá, nón mê thế mà thấp thoáng cả hai đã thành thiếu nữ.
            Có anh giáo học trên tỉnh về quê si tình đã viết cả một bài thơ dài về hai người mà bà còn nhớ được một câu: “Ai về làng Vũ, thôn Đoài/ Trông trong ngõ nhỏ có hai nàng Kiều...”. Hai người ngày ấy đẹp nhất làng mà cũng chăm chỉ, nết na nhất làng. Hai dáng kiều đã làm cho anh giáo si tình ngày ngày dạy chữ, đêm đêm làm thơ, ngơ ngơ ngẩn ngẩn đi trên con đường làng đầy rơm rạ.
            Nhưng, cuộc đời người con gái ở quê ngắn lắm. Bà Miên lấy chồng khi chưa đầy mười tám. Anh chồng trông lù đù thế mà khi cách mạng tháng Tám nổ ra dám ôm mã tấu xông vào nhà công sứ trên tỉnh treo cờ đỏ sao vàng, rồi tham gia du kích suốt chín năm. Còn bà Cần, ai ngờ lại bén duyên anh giáo si tình. Đám cưới của bà vui nhất làng. Anh giáo tứ cố vô thân. Ông chủ tịch uỷ ban hành chính kháng chiến đứng ra đại diện nhà trai. Nước nhà độc lập, làng xóm suốt ngày mít tinh, hội họp, có thêm một đám cưới càng thêm vui, tiếng cười nói, hát hò rộn trong ngõ nhỏ.
           Song, ngày vui thường chẳng tày gang. Cuộc kháng Pháp nổ ra. Anh giáo lên rừng theo bộ đội để lại cho bà Cần đứa con chưa đầy hai tuổi. Bà Miên cũng đã hai mặt con. Thằng Thông con cả sinh thiếu tháng quặt quẹo mãi. Thằng Thái là thứ hai cũng mới hơn một tuổi. Hai bà vẫn thường đổi nhau. Người này đi chợ, người kia ở nhà cho cả hai thằng bé bú luôn. Bà Cần vẫn nhớ cái lần thằng Tây từ vùng Tề càn lên. Bà Miên đi chợ vắng, một mình bà đưa cả ba thằng bé chạy vào trong núi. Một đôi quang gánh hai thằng bé hai bên thúng, thằng lớn thì dắt chạy dưới làm đạn của giặc. Khi bà Miên bỏ chợ chạy về thì bọn giặc đã rút. Bà dáo dác đổ đi tìm, khi thấy con, tháy bạn mới hết lo. Cứ thế, lũ trẻ lớn lên trong vòng tay của hai bà mẹ. Thằng Thái và thằng Quốc - con bà cùng tuổi nên chơi thân với nhau hơn cũng như mẹ của chúng ngày trước.
            Hòa bình lập lại, cả ba đứa đều được đi học. Anh giáo làng hy sinh ở thượng Lào, bà Cần ở vậy nuôi con. Cái ngõ nhỏ có ba thằng bé đi về, hò hét. Chúng cưỡi trâu, đánh trận giả ngoài đồi. Khi đã lớn lộc ngộc thì thằng Thái và thằng Quốc đều đi bộ đội, vào chiến trường đánh Mỹ. Thằng Thông lên huyện học tiếp cấp 3. Ông chồng bà Miên thì lênh đênh trên con thuyền ngoài sông kiếm cá. Thỉnh thoảng ông lại đáo về lấy thêm gạo muối, để lại mớ tép khô cho cả hai nhà.
            Rồi tin thằng Quốc hy sinh báo về làng. Bà Cần khóc ngất đi mấy lần. Bà Miên cũng khóc cạn cả nước mắt. Bởi từ lâu hai bà đã coi thằng Quốc và thằng Thái là con chung của cả hai người. Trong dòng máu mỗi đứa có cả dòng sữa và sự lam lũ, tảo tần của cả hai bà mẹ. Chiến tranh chưa kết thúc. Nỗi đau của hai người đàn bà chưa nguôi thì lại có tin đồn bay về làng như sét đánh ngang tai. Đó là tin Thằng Thái chạy theo giặc, phản bội Tổ quốc. Bà Miên suy sụp hẳn. Bà Cần cũng đâm ra ngơ ngơ, ngác ngác. Chuyện có con bỏ quân ngũ đi theo giặc khiến hai vợ chồng bà Miên lúc nào cũng phải cúi gằm mặt xuống đất, không dám nhìn bà con xóm giềng nữa. Nhưng sống thì vẫn cứ phải làm ăn. Không ai muốn làm chung với bà Miên. Ngày ấy làm ăn tập thể mà không được làm chung với mọi người thì thật khốn khổ, khốn nạn. Suốt vụ cấy bà phải lầm lũi cắm từng cây mạ ở một góc ruộng. Mùa gặt, bà thui thủi bó lúa ở cuối cánh đồng. Bà thấy như xát muối trong lòng mỗi lần nghe trẻ con rêu rao:
           “Bà ăn cơm ta,
            Bà ở đất ta
            Con bà theo giặc!
            Tắc đùng... tắc tắc...
            Tắc tắc đùng đùng,
             Súng bắn lung tung,
            Vào làng, vào xóm...”.
            Bà Cần thương bà Miên lắm. Thấy bạn lủi thủi là rất muốn sang chia xẻ như hồi trước nhưng anh công an xóm đe: “Bà là mẹ liệt sĩ không được sang nhà có người theo giặc!”. Khổ thân bà cho Miên. Ông Được, chồng bà ấy nghe tin con trai theo giặc thì ở tịt luôn trên con thuyền giữa sông chẳng mấy khi về làng. Thằng Thông làm cán bộ ở trên tỉnh đang vào “nguồn lãnh đạo” liền làm đơn xin từ cả bố mẹ và em trai để lý lịch sạch sẽ thơm tho còn thăng tiến.
            Bà Miên cứ lủi thủi qua năm tháng mà sống. Trong sâu thẳm trái tim người mẹ, bà vẫn không tin là thằng con mình rứt ruột đẻ ra đã phản bội Tổ quốc đi theo giặc. Mỗi sáng thức dậy bà thường phải dọn những gói phân trâu, phân bò lũ trẻ con đêm qua ném vào sân. Ông lão Được sa vào rượu chè vì chán cảnh gia đình, con cái. Ông thường chèo thuyền ngược lên phía thượng nguồn, bắt được con tôm, con cá nào là đổi ngay lấy rượu uống cho khuây khỏa.
            Một sáng, người ta thấy con thuyền rách của ông trôi về bến sông đầu làng. Trên thuyền không thấy bóng ông lão đâu. Hai ngày sau người ta mới vớt được xác ông lập lờ nổi lên cạnh đám lau sậy bên bãi bồi. Ông lão ngồi uống rượu trên mũi thuyền say ngã lộn cổ xuống sông. Ông chết mà bụng vẫn lép kẹp không có một hột cơm. Đám ma ông chỉ có cánh công nhân khai thác cát sỏi và hai người đàn bà đi đưa. Bất chấp lời can ngăn của anh công an xóm, bà Cần cứ chống gậy ra tận cánh đồng, tiễn người quá cố về nơi chín suối.
            Ông lão Được chết được vài hôm thì máy bay Mỹ ném bom vào làng. Thực ra đó chỉ là một quả bom máy bay Mỹ định ném xuống cây cầu sắt nhưng quá đà rơi vào làng. Quả bom lạc rơi trúng nhà mụ Thiết. Mụ Thiết là dân buôn bán, phe phẩy. Mụ chuyên buôn tem phiếu, là đường dây móc ngoặc tuồn hàng trong mậu dịch quốc doanh ra ngoài bán ăn chênh lệch giá. May mà cả làng đã đi sơ tán vào trong núi nên không ai việc gì. Căn nhà gỗ lim năm gian cùng những thứ của chìm, của nổi của mụ Thiết tan tành. Một cái hố sâu hoắm tưởng tới tận âm phủ.
            Mụ Thiết đi chợ về tiếc của gào khóc inh ỏi. Gào khóc chán, mụ ta bắt đầu tru tréo, xỉa xói:
            - Cha tiên nhân quân bán…. nước… hại…. dân… theo giặc, chỉ điểm máy bay ném bom vào nhà bà…. Bà thì… móc mắt… moi gan… xé xác cái quân tay sai ấy ra... Cha… tiên… nhân… bố… nhà… mày... Sao này không bỏ làng, bỏ xóm mà đi cho mất tăm, mất tích, mất tông, mất giống nhà mày đi… Mày ở đây để làm hại cả làng à?
             Bà Miên nuốt nước mắt. Bà biết mụ Thiết gào thét, ám chỉ, chửi rủa mình nhưng vẫn im lặng. Bà đã phải chịu đựng quá nhiều những lời chưởi đổng, nói xa, nói gần như vậy rồi.
            Một hôm, khi bà đang lụi cụi cấy lúa ở mảnh ruộng đầu thừa đuôi thẹo gần cây cầu sắt bắc qua sông thì chợt giật nảy mình bởi tiếng quát:
            - Này, bà kia... bà kia! Bà định làm ám hiệu cho máy bay Mỹ ném bom xuống cầu hả?
             Bà Miên giật mình thảng thốt ngẩng lên. Anh công an xóm vứt “oạch” cái xe Phượng hoàng xuống vệ đường rồi xăm xăm lội xuống ruộng. Anh ta giật cái nón bà Miên đang đội trên đầu. Cái quai nón vướng vào cằm khiến bà ngã dúi dụi xuống ruộng bùn. Anh công an ném cái nón của bà xuống bờ ruộng rồi dẫm mạnh cho bẹp rúm. Vừa dẫm đạp cái nón vô tội, anh ta vừa gầm gừ:
            - Này thì... làm ám hiệu cho máy bay ném bom này...
            Khi anh công an đạp xe đi xa rồi, bà Miên mới lần lên bờ ruộng. Bà nhặt cái nón bẹp lên cố nắn lại. Cái nón bị gẫy vành nên méo mó. Trước khi úp lên dầu, bà vốc bùn non xoa lên nón. Bà lại cắm mặt xuống ruộng cấy lúa. Nước bùn, nước mắt và mồ hôi bà chảy ròng ròng trên mặt. Bà khóc cho đời bà, khóc cho con bà. Dù có theo giặc thì thằng Thái vẫn là đứa con bà rứt ruột đẻ ra. Bà nhớ khi còn bé, mỗi lần bú no nó đều cắn mạnh vào núm vú bà một cái đau điếng rồi mới chịu nhả. Lúc vừa biết đi nó đã lon ton đòi chạy theo mẹ ra đồng. Khi cu cậu biết chăn trâu, cắt cỏ thì xốc vác chăm chỉ, đỡ đần cho bố mẹ hơn hẳn thằng anh lười biếng, lẩn việc. Đang học lớp cuối cấp 2, nó bảo bà: “Con phải đi bộ đội đánh Mỹ, xong về lại học tiếp mẹ ạ!”. Nó rủ thằng Quốc làm đơn xung phong tòng quân. Hai thằng bảo nhau: “Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”. Rồi hai thằng ra đi. “Thế mà tại sao mày lại đi theo giặc Thái ơi!” - Bà Miên thầm gọi tên con và kéo vạt áo chùi mặt, nước mắt, nước bùn chảy ròng ròng xuống ngực áo.
*
           Bà Cần về đến cổng nhà bà Miên. Một cơn gió chợt ào đến khiến khóm tre xô nghiêng sàn sạt. Chợt nghe như có tiếng trẻ con nhao nhao: “Mẹ ơi! Mẹ ơi...”. Bà giật mình, ngỡ như vừa mới ngày nào mỗi lần đi chợ về đến đầu ngõ là thằng Quốc và thằng Thái đã reo lên gọi mẹ rồi ùa ra lục tung cả mấy mớ rau trong thúng tìm kẹo vừng, gióng mía. Thế mà... Bà thở dài, hai đứa đã đi mất cả rồi. Những tiếng gọi mẹ giờ như tiếng gió, tiếng mưa, hư hư, ảo ảo.
            Nghe tiếng kẹt cổng, bà Miên nhỏm dậy, quơ chân tìm dép.
            Bà Cần vào đến sân. Vừa nhìn thấy bà Miên, bà Cần đã nói vẻ thanh minh:
            - Tôi mua cho bà gói đường với hai cái bánh giò.
            - Bà cứ hay bày vẽ...
            - Thôi bà ăn cái bánh đi, còn nóng đấy.
            Bà Cần ngồi xuống bậu cửa.
            Bà Miên cầm hai cái bánh, gỡ lạt đưa lại cho bà Cần một cái. Hai người cùng ăn. Bà Miên bảo:
            - Còn nắm đỗ đen đấy, ta nấu bát chè ăn cho mát bà ạ!
            - Phải đấy! Sắp đến ngày hai bảy tháng bảy rồi, ta thắp hương cho các con luôn.
            Bà Miên lọ mọ xuống bếp tìm cái lọ đựng đỗ đen. Đỗ đen được trộn lẫn với tro bếp cho khỏi mọt. Bà đổ đỗ ra sàng bỏ tro bếp, đem ngâm rồi xả nước cho sạch. Khi nồi chè đã chín, bà Miên bảo: “Để tôi múc vài bát bà đem về thắp hương cho cu Quốc”. Bà Cần gạt đi: “Chúng nó ở đây cả rồi bà ạ!”. Bà Miên nhìn lên bàn thờ. ảnh hai đứa chụp chung khi mới nhập ngũ đặt trong khung viền tang đen mà vẫn cười toe toét.
            Bà Miên đặt mấy bát chè đỗ đen lên bàn thờ. Bà thầm gọi tên hai đứa con. Một cơn gió thổi bùng làm lửa cháy chân nhang. Có tiếng trẻ con reo hò văng vẳng ngoài ngõ.
            Bà Miên chợt nhớ lại cái ngày bà được đặt tấm ảnh của đứa con lên bàn thờ.
            Đó là một ngày cuối thu. Hôm ấy, có một chiếc xe quân sự rẽ vào làng. Nghe tiếng ồn ào đầu ngõ, bà Miên ra khép cổng. Bà nghĩ chắc lại có đoàn đại biểu nào đó đến thăm bà Cần. Từ ngày bà Cần được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì thường có khách đến thăm luôn. Bà ấy còn được đón đưa đi tận Hà Nội viếng Lăng cụ Hồ, thăm nhà sàn, ao cá của Cụ và lên tận Hoà Bình xem cái nhà máy thuỷ điện to nhất nước.
            Nhưng đoàn người lại rẽ vào nhà bà. Có cả ông bí thư, ông chủ tịch xã đi cùng. Bà đang ngồi thái rau lợn ở góc sân. Bà lập cập đứng dậy lùi lại. Bà thoáng lo sợ khi nghĩ đến con mình - “cái thằng theo giặc” - chắc lại phạm thêm tội gì đây nên hôm nay họ về bắt bà. Anh bộ đội có mái tóc đốm bạc bước lại cầm tay bà nói: “Chúng tôi ở đơn vị đồng chí Thái. Hôm nay về thăm gia đình”. Bà hốt hoảng: “Thế nó lại gây ra tội lỗi gì thế...”. Anh bộ đội già nói tiếp: “Không… không phải... Đồng chí Thái là một chiến sĩ tình báo, chiến đấu, lập được nhiều chiến công và hy sinh rất dũng cảm”. Bà Miên buột miệng: “Thế sao người ta vẫn bảo là nó đi theo giặc?”. Anh bộ đội trẻ giờ mới lên tiếng: “Không phải theo giặc mà chui vào hàng ngũ của giặc hoạt động, nắm tin tức để đánh thắng nó mẹ ạ! Hôm nay chúng con đến báo tin anh ấy hy sinh...”.
             Mọi người vỡ lẽ, ồn ào. Có người chạy vội ra ngõ loan tin, kẻ từ ngoài cổng háo chuyện kéo vào. Chả mấy chốc nhà bà Miên đã chật cứng người. Lễ truy điệu cho liệt sĩ tình báo Lê Nguyên Thái được tổ chức. Cả làng bây giờ mới biết chuyện anh Thái không đi theo giặc mà là một chiến sĩ tình báo, hoạt động và hy sinh trong lòng địch. Bà Miên cứ như tỉnh, như mê. Mọi người xúm lại dọn dẹp bàn thờ. Người đem chuối, bưởi, hương nhang đến. Kẻ đưa xôi oản, bánh kẹo vào. Lão Hoàn chuyên nghề giết mổ ngoài chợ đem đến cả một cái thủ lợn vừa luộc chín còn đang bốc khói đặt lên bàn thờ. Hương khói nghi ngút. Trong đám người đến lễ vái trước bàn thờ liệt sĩ có cả những kẻ đã từng ném phân trâu vào nhà bà, hoặc đã từng vạch than lên cánh cổng nhà bà dòng chữ đen ngòm: “Đả đảo quân theo giặc, bán nước, ôm đít Mỹ ngụy”.
             Mụ Thiết cầm thẻ nhang len lén đi vào. Thời nào cũng vậy, dân buôn gian bán lận bao giờ cũng giàu. Chỗ căn nhà gỗ lim của mụ trúng bom Mỹ tan tành đã mọc lên ngôi nhà ba tầng đúc bê tông to nhất làng. Mụ Thiết vừa cắm nén nhang vào bát nhang thì đột nhiên có một cơn gió thổi thốc vào nhà. Bát nhang nhỏ lại cắm quá nhiều nên những nén nhang bung ra rơi xuống lả tả. Một nén nhang phóng vèo qua mặt mụ Thiết. Tóc mụ cháy xèo xèo. Mụ Thiết hoảng quá vái lạy như tế sao.
            Anh công an xóm, người đã từng bao năm theo dõi, quản lý mẹ của “kẻ theo giặc”, từng dẫm bẹp cái nón trắng của bà ngày nào để bà khỏi sử dụng làm ám hiệu cho máy bay Mỹ ném bom thì không đến được nữa.
             Hơn chục năm trước, xã mở một con đường mới. Đường làm đến đầu làng Vũ thì vướng phải một ngôi miếu nhỏ. Ngôi miếu này chẳng biết có tự bao giờ. Gia tự mấy dòng họ trong làng cũng không thấy ghi chép gì. Nhiều người bảo ngôi miếu này thờ thực thần, tức là người có công với nước, với làng. Có người lại nói cái miếu chỉ thờ hư thần, tức là yêu tinh, ma quỷ. Lão Hoàn mổ lợn thì khăng khăng khẳng định có một người ăn mày bị chết ở đây, qua một đêm kiến mối đã đùn lên thành mộ. Đời sau người ta lập thành miếu thờ. Thờ gì cũng mặc, vướng vào con đường đang mở thẳng băng là không được. Đám thanh niên sợ không dám vào phá cái miếu. Anh công an xóm hò hét mãi không được cáu tiết xông vào túm pho tượng nhỏ trên ban thờ ném xuống mương nước còn dọa đái vào bát nhang nữa. Đám thanh niên bấy giờ mới dám đập phá miếu.
             Khi con đường khánh thành thì anh công an xóm ngã bệnh, ốm liệt giường, chạy chữa ba bốn tháng mới khỏi. Nhưng lạ thay từ ấy hạ bộ của anh ta cứ to dần lên như cái ấm tích, không đau, không nhức, nhưng không kiểm soát được việc tiểu tiện, thải ra quần lúc nào cũng không hay. Giờ thì anh ta đã thành ông, có cháu nội, cháu ngoại. Nhưng lúc nào ông ta cũng phải đeo một cái gáo dừa để hứng nước tiểu nên chẳng dám ló mặt ra khỏi nhà.
             Đoạn đường đi qua nền cái miếu cổ ấy thường hay xảy ra tai nạn. Con gái thấy tháng đi qua về thế nào cũng ốm. Đàn bà có thai dè chừng bị xẩy. Đám đàn bà con gái sợ không dám đi qua đoạn đường này, toàn phải lội vòng con mương mỗi lần ra đồng. Có thằng cướp giật đồ, giết người ở đâu phóng xe máy chạy qua, đường trống trơn mà tự dưng ngã oạch một cái, nằm há mồm ra chờ người đến bắt.
*
            Buổi lễ truy điệu liệt sĩ Thái kết thúc. Chị cán bộ thương binh xã hội xã đưa cho bà Miên một cục tiền tuất. Hai anh bộ đội trước khi trở về đơn vị cũng trao tặng bà cuốn sổ tiết kiệm ba trăm nghìn đồng. Có ai đó nói: “Bà Miên phải được phong là bà mẹ anh hùng mới đúng!”. Một người vặn lại: “Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng chỉ tặng cho các mẹ có ba con liệt sĩ trở lên hoặc có một con duy nhất nhưng là liệt sĩ thôi...”. Lại một người nữa cãi: “Thì bà Miên cũng chỉ có một con duy nhất đã hy sinh”, “Thế còn ông Thông không tính à?”, “Ông ấy đã từ bỏ gia đình, bố mẹ và em rồi, coi như không tính!”. Thêm một người tranh luận lại: “Mấy lần ông ấy vẫn gửi tiền cho bà Miên đấy!”, “Nhưng bà ấy đều không nhận”. Có ai đó chêm vào: “Mấy hôm trước, tôi thấy ông ta đi chiếc xe con bóng lộn về sân vận động huyện ta phát biểu, động viên cánh thanh niên xung phong tình nguyện mùa hè xanh đấy! Nói năng hùng hồn lắm…”.
            Cuối chiều, mọi người đến dự lễ truy điệu đều về cả, chỉ còn lại bà Cần. Lúc này, hai bà mới đốt một nắm nhang cắm lên bàn thờ. Và cũng đến lúc này hai người mới khóc. Suốt buổi lễ truy điệu, mắt họ ráo hoảnh. Vịn tay lên mép bàn thờ, nhìn tấm bằng “Tổ quốc ghi công” và cái khung kính gài đỏ những huân, huy chương của con, bà Miên chợt kêu lên:
            - Thôi chết! Chả còn giữ được cái ảnh nào của thằng Thái cả!
            Bà Cần lập cập:
            - Còn… vẫn còn đây! - Bà rút từ túi áo ra một tấm ảnh tày ba ngón tay. Thằng Thái chụp chung với thằng Quốc khi mới nhập ngũ. Hai thằng mặc quần áo bộ đội rộng thùng thình, miệng cười toe toét. Bà Cần bảo:
            - Bà đem lên phố truyền thần riêng ảnh cu Thái ra để đặt lên bàn thờ. Cái ảnh này tôi tìm thấy trong ba lô di vật của cu Quốc khi báo tử đơn vị họ đem về đấy.
            Bà Miên biết ngày trước cu Thái hay chụp ảnh, trước khi đi B cũng gửi về mấy cái. Khi có tin đồn em “theo giặc”, thằng anh đã về lấy hết cả ảnh, thư từ của em đem đi đốt để khỏi dính dáng gì tới kẻ phản bội nữa.
            Run run đỡ lấy tấm ảnh, bà Miên nói:
            - Mai tôi sẽ đem đi thuê chụp lại. Mà cứ để nguyên hai đứa chúng nó đứng với nhau, phóng lấy hai cái đặt cả bàn thờ bên tôi và bàn thờ bên nhà bà. Để chúng nó luôn có nhau và khi đói khát nhớ mẹ về đến nhà nào cũng có cơm ăn, nước uống...

*
            Câu chuyện tôi ghi lại được về hai bà mẹ ở cái ngõ nhỏ làng tôi là như thế đấy. Có người nói đời có luật nhân quả. Có kẻ lại bảo quá khứ nhắc lại mãi làm gì, bơn bớt ôn nghèo, kể khổ đi, cuộc đời ai biết trước rồi sẽ ra sao, sông cũng có bên bồi, bên lở, nhân vô thập toàn. Còn tôi thì cứ suy nghĩ mãi về câu chuyện của hai bà mẹ liệt sĩ và những gì họ đã phải trải qua, nghĩ về những điều còn trăn trở, khuất khúc của chiến tranh.
            Người làng tôi từ lâu vẫn nổi tiếng khái tính. Bà Cần là Bà mẹ Việt Nam anh hùng được thường xuyên thăm hỏi, tặng quà. Đường sữa, quà bánh cứ để đấy ăn thế nào được hết, đem cho, đem biếu người ta cung ngại nhận. Còn bà Miên, kể từ khi có tin đồn “nuôi con theo giặc” đã sống co mình lại như một con sâu, cái kiến. Bà từ chối mọi sự thương hại, ban ơn cũng như chai sạn dần với sự khinh ghét của xóm giềng. Khi trở thành mẹ liệt sĩ, bà cũng bình thường như hàng ngàn vạn bà mẹ khác có con hy sinh trong các cuộc kháng chiến mà thôi. Có lần bà Cần được người ta biếu nhiều quà cáp mang sang cho, bà cũng không nhận, không muốn ăn ké vào phần của bạn. Đọc đến đây chắc bạn đọc đã hết thắc mắc vì sao trong nhà có cả mấy chum đường, hàng chục hộp sữa mà bà Cần vẫn phải ra đầu ngõ để mua nửa cân đường đi thăm bạn ốm.
            Đó là câu chuyện trong cái ngõ nhỏ làng tôi. Cái làng với những con người nổi tiếng là khái tính...
                                                                                                               Làng Thượng, 7-2001

2 nhận xét:

  1. "“Thế còn ông Thông không tính à?”, “Ông ấy đã từ bỏ gia đình, bố mẹ và em rồi, coi như không tính!”. “Mấy lần ông ấy vẫn gửi tiền cho bà Miên đấy!”, “Nhưng bà ấy đều không nhận”"
    Chiều cuối tuần đi vào ngõ nhỏ thăm anh Trọng bảo và hai bà mẹ anh hùng. Ra về mà lòng miên man, miên man...

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn Xuân Thu! Đó là một câu chuyện trong thời hậu chiến, là số phận của con người trong chiến tranh. Thật bao suy nghĩ, trăn trở…
    Chúc XT những ngày nghỉ vui vẻ!

    Trả lờiXóa