Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Truyện ngắn HƯƠNG THỊ (phần 3)


      


Hương thị
Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Từ sau buổi trưa hôm ấy ở Thái Nguyên vào đến chiến trường tôi và thằng Thân không gặp lại nhau lần nào nữa. Chúng tôi cũng chẳng có thư từ gì cho nhau được vì đơn vị luôn luôn cơ động. Đơn vị của thằng Thân tham gia nhiều chiến dịch từ Đà Nẵng đến Sài Gòn. Tôi thì ở một đơn vị dự bị, luôn luôn di chuyển phía sau đội hình tác chiến, chuyên giải quyết hậu quả các trận đánh. Vì thế có nhiều người vẫn nói đùa bảo chúng tôi là loại lính chuyên “nhặt ống bơ”, thu chiến lợi phẩm.
          Tôi gặp được thằng Thân trong một tình huống không ngờ tới.
          Đó là mấy ngày sau ngày giải phóng Sài Gòn. Hôm ấy, tiểu đội của chúng tôi nhận nhiệm vụ đến trạm phẫu tiền phương đưa đi mai táng một chiến sĩ vừa hy sinh do vết thương quá nặng sau trận đánh ở Xuân Lộc. Chúng tôi đưa thi hài người chiến sĩ ấy vào khu vực nghĩa trang của mặt trận. Ở đây đã có nhiều chiến sĩ hy sinh trong trận đánh để công phá Xuân Lộc - “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn. Sau khi chôn cất người lính vừa hy sinh xong, chúng tôi chia nhau nắm hương đi cắm trên các nấm mộ những anh em chôn trước xung quanh ngôi mộ mới. Đến một nấm mộ còn tươi màu đất tôi chợt trố mắt khi nhìn thấy dòng chữ viết bằng sơn đen trên tấm bia tạm làm bằng gỗ: “Hà Văn Thân, sinh năm 1956, quê quán Lập Thạch, Vĩnh Phú, hy sinh ngày 29-4-1975”. Đúng là thằng Thân bạn của tôi rồi. Tôi thấy tim mình nhói lên, cổ đắng ngắt. Khổ thân mày quá Thân ơi, sao mày lại nằm ở cái nơi xa quê này. Tôi gần như khụy xuống. Tôi lập cập cắm mấy nén nhang lên nấm đất còn mới. Tôi cứ ngồi vốc từng nắm đất đắp thêm lên mộ thằng Thân cho đến khi mấy anh em giục mãi mới loạng choạng đứng dậy. Sau này trước khi trở về Bắc, tôi còn cố đến thăm thằng Thân thêm một lần nữa. Thằng Thân hy sinh chỉ trước ngày toàn thắng một ngày. Nó đã chiến đấu rất dũng cảm. Nó ngã xuống khi dùng thân mình che đạn cho một thương binh.
          Sau này thằng Thân cũng được trở về quê hương vào một mùa thị chín sau hơn hai mươi năm ra đi. Nó nằm trong nghĩa trang liệt sĩ. Cạnh nghĩa trang liệt sĩ có một cây thị già. Cái cây có lẽ phải đến trăm tuổi, năm nào cũng sai hoa, lắm quả. Mùa thị chín hương thị bay thơm ngan ngát khắp cả khu nghĩa trang.
          Một lần về quê, tôi gặp cái Thu, lớp trưởng 10B ngày nào. Thu đang học trường cao đẳng sư phạm tỉnh. Thủ kể lại chuyện sau khi tôi và Thân nhập ngũ, các bạn học sinh Hà Nội sơ tán lên cũng chuyển về thủ đô. Thằng Phú và Linh đều trúng tuyển đại học. Khi hai người cưới nhau, Linh có gửi một cái thiếp mời về nơi sơ tán cho lớp trưởng Thu nhờ báo tin cho các bạn. Nhưng Thu cũng không đi Hà Nội dự đám cưới của họ được.
          Khi chiến tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng, đơn vị tôi hành quân lên tuyến trước. Khi chiến tranh nổ ra tôi có gặp lại thầy giáo chủ nhiệm lớp 10B tại mặt trận. Thầy đã chiến đấu và hy sinh rất dũng cảm. Tôi đã viết một truyện ngắn về thầy. Đó là cái truyện ngắn “Thầy ơi” đăng trên báo Văn nghệ Trẻ. Những lần sau về quê, bạn học cũ chẳng mấy khi gặp lại. Mỗi người giờ đã ở một phương trời, có rất ít thông tin về nhau. Riêng các học sinh Hà Nội sơ tán lên quê tôi thời chiến tranh chống Mỹ thì chả gặp lại ai cho đến khi gặp Linh ngoài chợ rau ngoại thành.

*

          Một ngày nghỉ, theo địa chỉ Linh dặn, tôi tìm đến nhà của Linh và Phú.
          Đi đến cuối cái ngõ nhỏ ngoằn nghoèo, tôi tới một ngôi nhà nhỏ hai tầng cũ kỹ ở cuối con đường. Ngày xưa thấy bọn học sinh thành phố về quê quần áo bảnh bao cứ nghĩ là họ sống khá giả lắm. Nhưng thành phố cũng có những vùng ngoại ô giống như nông thôn thế này.
          Linh mở cổng đón tôi. Cô đưa tôi vào nhà đến bên một ngoài đàn ông đang ngồi trên một chiếc xe lăn. Người đàn ông nghểnh cổ lên nhìn khách. Đoạn, ông ta ú ớ mãi mà không thốt lên thành tiếng. Riêng tôi thì do biết trước nên tôi nhận ngay ra đó chính là thằng Phú của gần bốn mươi năm trước. Tôi nói:
          - Nhận ra tao không hả Phú? Tao là Hà… thằng Hà “nghiện sách” của lớp 10B đây!
          - Nhận… nhận ra rồi! - Phú cũng reo lên mừng rỡ.
          - Sao mày lại… bị như thế này hả?
          Tôi nắm tay thằng Phú hỏi, nó im lặng không trả lời.
          Linh rót cốc nước lọc mời tôi. Phú bảo vợ:
          - Có gói càphê Ban Mê Thuột hôm qua bà tổ trưởng dân phố mới cho đấy, pha mời anh Hà…
          - Thôi… tôi uống nước lọc cũng được!
          Tôi ngồi xuống cái ghế. Thằng Phú lăn cái xe đến cạnh ghế của tôi.  Ba chúng tôi cùng ngồi ôn lại quãng đời học sinh xa xưa. Qua câu chuyện của Phú và Linh, chắp nối thông tin lại tôi hiểu được phần nào về chuyện của hai người bạn cũ.
          Ngày ấy, khi tôi và thằng Thân đi bộ đội thì Linh và Phú trở về Hà Nội và cùng vào trường đại học bách khoa. Tốt nghiệp ra trường cả hai đều nhận công tác tại Hà Nội. Phú đã lên đến chức trưởng phòng của một bộ lớn. Tai họa xảy ra với Phú khi nó bị tai nạn sáu năm trước đây. Hôm đó trời mưa to, gió lớn nó đi làm về muộn. Hôm ấy nó được thông báo ngày hôm sau lên gặp lãnh đạo bộ để nhận quyết định bổ nhiệm chức cục phó. Nó rời cơ quan rất muộn. Đang phóng xe máy trên đường thì nó bị một cái cây gãy đổ xuống trúng người. May mà không chết. Nó bị chấn thương cột sống nặng nằm liệt giường tại bệnh viện cả năm trời. Hai vợ chồng đã phải bán căn nhà mặt phố ở trung tâm để lấy tiền chạy chữa. Thế là con đường công danh của nó đang lên như diều thì bị đứt phựt. Hai thằng con trai thì một thằng lại vướng vào chuyện ăn chơi, nghiện hút, nhà có thứ gì bán được đều tìm cách lấy trộm đem bán. Khi nhà hết của thì nó đi ăn trộm của hàng xóm phải đưa vào trại cải tạo và cai nghiện. Linh phải xin nghỉ hưu non trước mấy năm để chăm sóc chồng. Họ chuyển nhà ra ngoại thành ở. Linh thả đám rau muống ở cái ao gần nhà thỉnh thoảng cắt gánh ra chợ bán kiếm thêm tiền mua thức ăn cho chồng. Phú thì suốt ngày ngồi trên xe lăn trông nhà. May mà gần đây bà tổ trưởng dân phố kiếm được cái nghề làm hoa giả, hoa lụa  bảo nó tham gia cùng làm với các anh chị trong tổ hưu cho vui. Nó cũng có thêm chút thu nhập và một niềm vui.
          Tôi tìm lời động viên chia sẻ với vợ chồng Phú-Linh hứa sẽ thường xuyên đến thăm hai người. Căn hộ chung cư của tôi cũng không xa ngôi nhà của họ lắm. Khi thấy tôi có ý muốn về Linh đứng dậy bảo:
          - Anh đi theo em! - Linh nói rồi leo lên cầu thang. Tôi ngơ ngác hỏi lại:
          - Đi đâu vậy?
          Phú cũng bảo:
          - Thì ông cứ đi theo Linh khắc biết!
          Tôi đắn đo nhưng cũng theo Linh lên gác.
          Vừa lên đến tầng hai tôi đã ngửi thấy mùi hương thị chín thơm ngát.
          Linh đưa tôi đến trước cái bàn thờ ở giữa gian nhà. Tôi nhìn thấy ảnh của hai ông bà già treo chính giữa bàn thờ. Tôi nhận ra đó là ảnh bố mẹ của Phú mặc dù khi cùng cơ quan sơ tán về quê tôi họ trẻ hơn trong ảnh rất nhiều. Khi Linh đang bật lửa đốt mấy nén hương thì tôi lại giật mình nhận ra một bức ảnh nhỏ bằng bàn tay trong một cái khung bé xíu đặt ở bên phải bàn thờ ngay phía sau cái đĩa có một quả thị chín vàng ươm. Đó là ảnh của thằng Thân. Thì ra Phú và Linh thờ thằng Thân cùng bố mẹ mình.
          Tôi cắm mấy nén hương vào bát nhang.
          Mùi hương thơm và mùi thị chín quyện vào nhau có mùi thơm rất lạ, rất khác.
          Hương thị thơm khiến tôi thấy nhớ quê hương da riết với bao kỷ niệm ngày xưa một thời tuổi trẻ ồn ào, nông nổi.
          Vậy là đã lại đến mùa thu…
                                                                                  Hà Nội, 10-2011
          (hết) 

1 nhận xét:

  1. Simply wish to say your article is as astounding.
    The clarity for your submit is just excellent and that i can assume
    you're an expert in this subject. Well with your permission let me to grasp your feed to keep updated with drawing close post. Thanks one million and please carry on the enjoyable work.
    Also visit my homepage ; perfumes baratos

    Trả lờiXóa