Một ngày ở quê
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Một ngày ở quê. Đang đi lang thang trên con đường mới mở ven đồi, tôi chạm trán lão Vụ đang cố đạp cần khởi động chiếc xe máy Trung Quốc cũ kỹ. Vừa nhìn thấy tôi, lão Vụ liền reo lên mừng rỡ:
- May quá! Anh xem giúp cái xe… Tự dưng nó giở chứng không chịu đi nữa!
- Bố kiểm tra lại xem hay là hết xăng?Tôi nhắc lão. Lão càu nhàu:
- Hết là hết thế nào! Vừa đổ xăng lúc sáng, mất mẹ nó cả chục lít rượu sắn đấy!
Tôi đặt khóm cây dương xỉ vừa nhổ được xuống vệ đường để giúp lão Vụ. Tôi đạp liền mấy cái. Chiếc xe máy cũ kỹ chỉ hừ hự rú lên rồi lại im bặt. Tôi mở nắp bình xăng. Đúng là bình xăng còn đầy ắp. Tôi rút bu-ri ra lau kỹ rồi lắp vào. Đạp cần khới động. Chiếc xe vẫn không chịu nổ máy. Tôi lại xem xét chiếc xe rồi kêu lên:
- Bố khoá đường dẫn xăng lại thế này có mà đạp đến Tết nó chả nổ!
Tôi mở khoá xăng rồi nhún nhẹ cần khởi động mấy cái chiếc xe đã rú lên bành bạch. Lão Vụ nghiến răng ken két:
- Mả bố anh em nhà thằng Ngan, Ngỗng. Lúc nãy hai anh em nó xúm xít vào khen lấy, khen để chiếc xe này còn mới, máy còn ngon rồi lén khoá lại đấy. Chúng nó định chơi xỏ tao phải dắt bộ về nhà. Tý nữa mà gặp tao sẽ tẩn cho hai thằng trời đánh ấy một trận…
Lão Vụ lại càu nhàu nói rồi bảo tôi:
- Mới về thăm quê à! Lên đây tao đèo về luôn…
Thấy tôi ngần ngừ vì muốn kiếm mấy cái cây mọc hoang dại ven rừng. Lão giục:
- Vứt mẹ nó mấy thứ cây vớ vẩn này đi. Về nhà tao leo lên cây de già mà gỡ lấy mấy khóm phong lan. Có một khóm đang nở hoa đẹp lắm.
Nghe lão nói vậy tôi thích quá. Tôi vội leo lên ngồi sau lão. Lão loạng choạng phóng xe đi. Chợt tôi hốt hoảng:
- Không có mũ xe máy công an tóm được phạt chết.
- Công an nào thèm vào con đường rừng này mà sợ! Đứng trong đường rừng để họ ăn cháo à?
- Nhưng bố có biết đi xe máy không đấy, sao cứ loạng choạng thế?
- Hề… hề… biết hết! Cả làng này ai mà chẳng biết đi xe máy. Tháng nào làng ta chả có thằng chết, thằng vỡ đầu, thằng gãy chân, què tay vì ngã xe máy… Ngày mới tập đi xe máy mấy lần tao phải phóng vào cây rơm ở cổng mới dừng lại được đấy! Hôm qua, bà Mía còn lao tõm luôn cả xe lẫn người xuống ao, uống no nước suýt chết, phải nhờ người buộc dây thừng khiêng xe lên bờ đấy!
Nghe lão nói tôi phát hoảng. Tôi bảo lão để cho mình cầm lái cho nhưng lão nói: “Không cần, sắp về đến nhà rồi”.
Nhà lão Vụ ở cuối xóm Trại. Ngày xưa khi tôi còn bé. Tôi nhớ chỗ này là một khu rừng già, cây cối um tùm, có nhiều loại gỗ quý. Bây giờ chỉ còn sót lại hai cây lim to, vài cây bứa già, mấy cây ngát, cây de, cây thành ngạnh ở một góc đồi rộng độ hai mẫu. Đấy là công lao của lão Vụ. Lão đã bảo vệ được góc đồi cây nguyên sinh cạnh nhà khi xung quanh người ta đã chặt phá hết để làm nương trồng sắn, trỉa ngô.
Tuy không phải lao vào cây rơm để dừng xe nhưng lão Vụ cũng loạng choạng suýt ngã vì chiếc xe máy chở nặng leo lên dốc. Để xe máy ở sân, lão Vụ kéo tôi ra khu rừng nguyên sinh nhỏ bé của mình. Lão leo lên cây de sù sì định nhổ một khóm địa lan to. Tôi vội ngăn:
- Bố chỉ tách cho tôi vài nhánh thôi nhé! Để yên ở trên cây nó mới tốt!
- Hừ… để tao lấy cho đem về mà trồng. Bọn thằng Ngan, thằng Ngỗng mấy lần nhòm ngó định nhổ trộm rồi đấy!
Lão Vụ leo cây như con sóc. Một loáng lão đã tụt xuống đưa tôi một bụi lan kiếm, một nắm giả hành lan lọng và bốn nhánh thuỷ tiên. Tôi bảo lão thôi đừng lấy nữa để trên cây cho lan phát triển. Với số phong lan lão đưa tôi ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội cũng đến mấy trăm ngàn đồng chứ chẳng phải chơi.
Lão Vụ kéo tôi vào nhà. Lão lôi chai rượu ra. Từ chối chả được, tôi đành làm một chén nhỏ. Nhăn mặt nuốt ngụm rượu sắn đắng ngắt, tôi vừa bảo:
- Nông thôn bây giờ khá quá nhỉ,! Nhà nào cũng có xe máy, ti vi, tủ lạnh...
- Thì... cứ bán đất đi là có tất! Mà phải cám ơn cái anh Tàu khựa. Nó đánh mình vỡ đầu mẻ trán nhưng cũng nhờ nó mà cả làng ta ai cũng có xe máy phóng vù vù. Tao mua lại cái xe này của thằng Lẫm, có năm triệu đồng, chả bằng nửa con trâu, thêm năm trăm ngàn nữa mua lấy cái bằng lái thế là phóng luôn ra đường...
- Nhưng nông dân bán mất ruộng thì biết làm gì?
- Mất ruộng thì đi làm thuê! Tiền làm thuê một ngày bằng hơn hai yến thóc, ăn đủ!
- Thế khu công nghiệp họ không tuyển công nhân à?
- Có chứ! Nhưng họ dự định tuyển loại U70 như tao vào bộ phận chuyên chế tạo vũ khí hạt nhân thì chúng tao làm thế quái nào được chứ? May mà tao còn một sào ruộng thụt chó trong thung lũng và bãi nương trồng sắn gần nhà nên vẫn đủ gạo ăn và rượu uống ngày ngày…
Lão Vụ cười phô cả hàm răng đã bị khuyết mất mấy cái. Tôi lại hỏi:
- Thế bọn thanh niên làng làm gì?
- Chúng nó là công nhân chính hiệu chứ còn làm gì nữa. Chúng nó còn là những "trí thức" nữa đấy. Anh xem! Chúng nó suốt ngày, suốt đêm ngồi trong quán Internet chơi "gêm" trông có giống những cán bộ đang nghiên cứu khoa học không chứ?
Tôi ậm ừ và định chào lão để về thì chợt nghe có tiếng kêu khóc ầm ĩ ở giữa xóm. "Giết... nó giết... tôi rồi... ". Tôi hốt hoảng bảo lão Vụ:
- Bố phải sang ngay xem có chuyện gì...
- Tiếng con mụ Hoát đấy!
- Hình như có đánh nhau to, chúng ta cùng đến xem thế nào?
- Kệ mẹ mụ ta! Ngày nào chả thế. Ông chồng nã tiền để đi mát-xa, tắm hơi rồi uống rượu về đòi chi thêm để đi tiếp. Mụ ta không chịu nên bị xơi vài cái bạt tai ấy mà… Chỉ tý nữa thôi trúng con đề mụ ấy lại cười xoe xóe cho mà xem! Ngày nào cũng thế mà, nhiều tiền thì sinh chuyện…
- Nhà bà ấy ngày xưa nghèo nhất xóm cơ mà, lấy đâu ra tiền?
- Ôi dào… mấy sào ruộng nhà mụ ấy sát đường được đền bù nhiều tiền nhất xóm. Nhận cả bao tải tiền đền bù đấy. Cả nhà ăn chơi thoải mái, hả hê… nhưng cũng chỉ được thời gian thằng con trai duy nhất vướng vào nghiện hút phải đi cai rồi, ông chồng thì sa vào cờ bạc, thích vui vẻ tươi mát, suốt ngày nã tiền vợ…
Nghe lão Vụ nói kể chuyện xóm làng tôi thấy lòng mình trống chếnh. Rời nhà lão Vụ tôi đi dọc con đường mới mở ven xóm Trại. Vừa đi tôi vừa ngắm nhìn những căn nhà hai bên đường. Nông thôn miền núi đất rộng thế mà hai bên con đường liên xã cũng chia lô, xây nhà ống chen chúc như ở thành phố, cũng có những quán cà phê vách ngăn, những tiệm cắt tóc, gội đầu thư giãn, những nhà nghỉ cửa kính tối màu. Thành phố có gì bây giờ làng quê có nấy. Ra đường trẻ con mẫu giáo cũng “hê-lô”, “gút-bai” ríu rít, bà già cũng điện thoại di động cầm tay vừa gánh phân ra ruộng vừa í ới gọi nhau hẹn đi lên đồng, áp vong, lễ phật…
Một ngày ở quê để lại trong tôi một sự cảm nhận có những cái đang hình thành và bao điều đang dần dần tàn phai sau lũy tre làng ngàn đời yên ả.
VP, ngày 20/11/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét