Đầm Hạc
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Thế là lão Sỏi trúng thầu đầm Hạc với số tiền phát giá gần gấp đôi người khác. Máu mặt nhất nhì xã như anh Hải cũng chỉ dám phát giá mười hai triệu. Thế mà lão Sỏi đặt giá những hai mươi triệu đồng. Hai mươi triệu đồng một năm! Nhiều người thè lưỡi, rụt cổ, cứ nghĩ tới đã sợ. Cái đầm rộng chưa đầy ba mẫu, thả cá, nuôi tôm gì để thu hoạch và nộp sản lượng khoán hai mươi triệu đồng mỗi năm.
Sau cuộc đấu thầu, mọi người ra về. Nhiều người lo cho lão Sỏi phá sản, vỡ nợ. Lại có người chợt hỏi:
- Lão ấy lấy tiền ở đâu mà nhiều thế nhỉ?
- Nghe nói hồi làm cán bộ trên tỉnh, lão ấy ở ban kinh tế, kinh toi gì ấy, kiếm được khá phết.
Một ngưòi nói vẻ khẳng định:
- Lão ấy là dân buôn thuốc phiện "giải nghệ" đấy!
- Tôi nghe đồn hình như lão ấy đào được vàng khi làm vườn...
Mỗi người một chuyện. Thực thực, hư hư mà vẫn chẳng biết lão Sỏi ấy đào đâu ra số tiền lớn để đặt cọc ngay tại buổi đấu thầu đầm Hạc. Trong tâm trí mọi người hình ảnh lão Sỏi bắng nhắng khi còn là cán bộ thanh niên, lưng đeo xà cột hô hào thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang ngày nào. Ngày ấy, có lẽ là những năm sáu mươi. Lão làm phó bí thư đoàn xã rồi được "cơ cấu" vào đảng uỷ. Chân đất, quần nâu thế mà chả biết tự lúc nào lão đã là cán bộ huyện. Mỗi lần lão về làng, cái xà cột đều căng phồng, cái đài Xiêng-mao hát xoe xóe bên hông khiến lũ trẻ con rồng rắn chạy theo cái xe đạp phượng hoàng của lão reo hò ầm ĩ vẻ khâm phục. Rồi sau đó lại nghe tin lão được đề bạt lên làm cán bộ cấp tỉnh. Lão làm cán bộ đoàn chuyên trách, rồi khi đã hết cái tuổi hăng hái thì được chuyển sang ngành nông nghiệp, rồi là cán bộ chỉ đạo kinh tế. Đấy là chuyện lão tự nói ra. Nhưng có người còn nghe nói lão hay bồ bịch bị vợ bỏ, rồi tham ô công quỹ bị kỷ luật nữa. Nghỉ hưu, lão Sỏi về làng. Lão xây nhà trên cái nền đất của bố mẹ để lại. Con cái chẳng thấy đứa nào về ở với lão. Nghe nói, chúng đều đã định cư cả ở bên Tây rồi.
Khi hợp tác xã có chủ trương khoán quản, giao đất, giao hồ ao cho người lao động, lão nhảy ra đấu thầu đầm Hạc thả cá. Thấy lão bỏ thầu với giá cao ai cũng khiếp. Có người bảo đầm Hạc nước trong leo lẻo thả cá chậm lớn khéo mà lỗ vốn, nhưng lão bỏ ngoài tai.
Sau hôm thắng thầu, lão Sỏi đi một vòng quanh đầm Hạc xem xét, tính toán. Cũng chả biết tự bao giờ người ta đã gọi cái đầm này là đầm Hạc. Hình dáng của nó trông hao hao như con hạc đang bay. Có lẽ vì thế mới gọi như vậy. Các cụ kể rằng ngày xửa, ngày xưa, đây chính là một khúc sông Hồng nước rất sâu và trong veo, thường có một đàn hạc từ trên trời bay xuống tắm. Đó chính là những nàng tiên nữ hoá thân. Một chàng trai nghèo làm nghề chài lưới bất ngờ chứng kiến cảnh những nàng tiên đẹp tuyệt trần khoả thân trong dòng nước như ngọc ngà. Chàng bèn bí mật giấu đôi cánh hạc của nàng tiên đẹp nhất vào bụi cây. Mất đôi cánh để trở về trời, nàng tiên ở lại cùng chàng trai trần thế thành vợ, thành chồng. Chuyện đến tai Ngọc Hoàng. Ngài nổi giận liền giáng họa lên đầu họ. Và, một cú sét đánh rền vang giữa ban trưa khi trời nắng chang chang, giết chết đôi uyên ương khi họ đang kéo lưới trên sông. Máu của họ làm cho nước sông Hồng còn đỏ đến ngày nay. Dòng sông bị sét đánh đứt đoạn đổi dòng. Nơi nàng tiên ngã xuống còn in hình con Hạc, trở thành đầm Hạc bây giờ.
Nghĩ đến câu chuyện truyền thuyết, lão Sỏi chợt bật cười sằng sặc. Lão thì cần đếch gì những câu chuyện hoang đường ấy. Lão chỉ thấy cái nguồn lợi lớn sẽ thu từ cái đầm này. Lão sẽ thả cá, nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Những chân ruộng ngập nông ven bờ lão sẽ cấy lúa, thu hoạch một năm cũng vài tấn thóc, đủ lương ăn và cả tiền công thuê người trông coi đầm cá.
Quả là những toan tính của lão không sai. Ngay năm đầu tiên lão đã thu hoạch được hơn bốn tấn cá gần một tấn rưỡi thóc. Suýt soát thành tiền cũng gần năm mươi triệu, trừ chi phí và tiền công thuê hai lao động đi, lão cũng lãi được hơn hai mươi triệu đồng. Năm thứ hai rút kinh nghiệm, lão thuê hẳn một cậu kỹ sư chăn nuôi mới ra trường chưa có việc làm chuyên lo việc chăn thả cá, nên năng suất tăng vọt lên thu hoạch hơn sáu, bảy tấn cá một năm.
Thế rồi vận may lại đến tiếp. Trung ương quyết định cho tách tỉnh. Tỉnh lỵ mới xây dựng ngay ở thị trấn huyện, gần đầm Hạc. Đường xá mở rộng, dân cư tăng vọt. Đầm Hạc của lão trở thành một trung tâm cung cấp thực phẩm cá tươi, rau muống bè cho các cơ quan tỉnh. Cũng có một vài cơ quan nhòm ngó, quan tâm đến cái đầm của lão.
Một hôm, lão từ ngoài đầm về thì anh kỹ sư giúp việc hớt hải chạy về gọi:
- Bác ra ngay ngoài đầm có người hỏi.
- Ai vậy! Sao không dẫn họ vào đây?
- Dạ! Họ nói ở sở thương mại của tỉnh ạ! Họ muốn bàn với ta việc đầu tư để giúp phát triển khu đầm Hạc trở thành nơi cung cấp thực phẩm chủ yếu cho cơ quan tỉnh ạ!
- Thế hả?
Lão tong tả ra gặp đoàn cán bộ tỉnh. Nhưng cái "kế hoạch đầu tư" ấy bất thành. Vì lão nhận ra vị trưởng đoàn thương mại lại chính là người đã từng kiểm điểm, kỷ luật lão hồi đương vị vì tội bớt xén của công. Thực ra hồi ấy vì ăn chia không đều nên hắn ta mới hại lão, chứ hắn cũng chẳng tốt đẹp gì. Thôi, cũng đếch cần, lão tự nhủ. Thời buổi kinh tế thị trường này làm ăn tự do vẫn rộng cẳng hơn, trói buộc vào những cơ sở liên doanh nhiều khi bất lợi.
Thời gian sau, sự tính toán của lão lại đúng. Khi tỉnh lỵ mới hình thành, các cơ quan đã yên vị. Nhà cửa xây xong thì mới thấy cả cái thị xã đồ sộ toàn bê tông là bê tông nằm trơ trụi ở nơi không một bóng cây, ngọn cỏ. Mùa hè tới chẳng khác nào giữa sa mạc. Khu đầm Hạc của lão ở cuối thị xã cây cối quanh bờ um tùm trở thành nơi chiều chiều trai gái, kể các gia đình cán bộ, vợ chồng, con cái đèo nhau phóng xe máy xuống ngồi hứng gió...
Quan sát cảnh ấy lão Sỏi nảy ra một hướng làm ăn mới.
Lão bỏ tiền mua lá cọ, tre nứa làm một loạt lều câu cá xung quanh bờ ao cho đám người rỗi việc, thừa tiền đến giải trí, hóng mát. Quả đúng như lão tính toán, hơn ba chục cái lều của lão lúc nào cũng có người ngồi câu. Trai gái, bồ bịch vào đấy "câu nhau" là chính chứ còn thiết gì đến câu cá. Lão vừa không mất cá lại được tiền thuê lều câu và bán đồ giải khát với giá cắt cổ. Thế là tiền của cứ tự nhiên đổ vào túi lão. Giàu thì sang. Cái vẻ tất bật ở lão mất dần. Bây giờ thì lão khác hẳn. Lão mặc quần soóc, giày thể thao trắng, chiều chiều đi bộ dọc bờ đầm Hạc vẻ thư thái. Thỉnh thoảng lại thấy chiếc xe con bóng lộn của một đại gia nào đó đến đón lão đi đánh quần vợt. Tất cả mọi công việc kinh doanh, chăn thả ở khu vực đầm Hạc, lão đều giao cho anh kỹ sư chăn nuôi. Anh kỹ sư ngày nào còn đi chiếc xe đạp lọc cọc bây giờ cũng đã xe máy vè vè. Mấy cô làm thuê cắt cỏ cho cá sau vài năm cũng thấy quần hoa, váy ngắn phơi phới.
Nắm bắt được xu hướng phát triển, lão Sỏi tiếp tục suy nghĩ, tính toán. Lão đi đi, lại lại ngắm nghía mãi đoạn vệt nước hình cổ Hạc sát con đường vào thị xã. Đôi mắt ti hí của lão nheo nheo, cái sẹo giữa trán giãn ra như kẻ đôi khuôn mặt. Có tiếng con gái eo éo:
- Anh Sỏi ơi! Có đi đánh quần vợt không?
- Sỏi với đá cái gì! Hôm nay bận...
- Bận thì bận cũng đừng có quên tụi em nhé!
Tiếng cười phe phé. Rồi tiếng xe máy rồ lên phóng đi. Lão Sỏi nhìn kéo theo hai cái váy hồng lat lướt vẻ ngẫm nghĩ. Cái đầu hói tròn như quả bí của lão gật gù, gật gù tưởng sắp rơi xuống.
Hôm sau, lão bảo anh kỹ sư chăn nuôi:
- Từ hôm nay, cậu giao tất cả việc cá mú cho cô Mận rõ chưa...
- Thế... thế... cháu làm gì ạ, sao bác nỡ... - Anh kỹ sư tái mặt.
- Làm gì mà cậu hoảng thế! Ai đuổi việc cậu đâu mà sợ. Từ hôm nay, cậu chuyển sang phụ trách công trường rõ chưa?
- Công trường gì ạ?
- Xây dựng...
Lão Sỏi lấp lửng. Anh kỹ sư chăn nuôi thấp thỏm theo lão ra ngoài bờ đầm Hạc. Rồi anh cũng hiểu ý định của lão. Đó là cái công trình lấp một phần đầm Hạc sát mé đường để xây dựng một loạt các ki-ốt, hàng quán cho ngưòi thuê kinh doanh.
Khi những chiếc xe ben ào ào trút đất đá xuống hồ thì dân làng mới sửng sốt bảo nhau: "Lão Sỏi lấp đầm Hạc rồi, lão ấy làm hại cả làng ta rồi!". Các cụ già thì chép miệng: "Tiếc quá! Cái đầm nước trong mát thế mà lấp đi". Có kẻ độc miệng còn bảo: "Lão ấy trêu trời khéo mà sét đánh". Những lời ấy đều đến tai lão Sỏi. Lão nhổ toẹt một cái đứng trên bờ vạch quần xả một bãi xuống nước rồi lẩm bẩm: "Mẹ kiếp! ông cứ làm đấy sợ gì! Nếu có người thuê nhà, thuê đất, ông còn lấp luôn cả cái đầm này nữa chứ".
Dải đất lão lấp xây được cả một dãy ki-ốt, nhà hàng cho thuê hết. Những quán ăn, quán Karaôkê nhô ra ngoài mặt hồ trông sơn thủy hữu tình ra phết. Quả là lão Sỏi tính toán như thần. ở khu ngoại vi thị xã cây cối xum xuê, mát mẻ lại nằm trên trục đường quốc lộ nên các nhà hàng lúc nào cũng đông khách. Các ông chủ từ trong thị xã ra thuê nhà kinh doanh đều thu hoạch khá. Thấy vậy, lão Sỏi dựng thêm một số quán nữa theo kiểu nhà sàn của người dân tộc, cắm cọc bê tông xuống đầm, làm nhà lên trên để cho thuê. Lão cũng rời luôn ra ở tại một căn nhà nổi như thế, vừa gần thị xã, tiện giao lưu. Đêm đêm khu đầm Hạc sôi động hẳn lên, trở thành một trung tâm thư giãn, giải trí, ánh đèn xanh, đỏ nhấp nháy, khuyến rũ. Những đoàn xe tải đậu dài hai bên đường, cánh lái xe Bắc-Nam có chỗ xả hơi sau những ngày gian khổ trên đường trường.
Đầm Hạc bây giờ bị thu lại, con Hạc như bị thắt ở cổ...
Lão Sỏi thu từ hồ cá đã bộn tiền, giờ lại thêm nguồn lợi kếch xù từ lều câu, quán xá, nhà hàng cho thuê nữa, thật chả để đâu hết tiền. Lão ăn tiêu, chơi bời thoải mãi. Cao hứng lên lão tài trợ cho các giải thể thao của tỉnh, cho các trường trẻ em nghèo, khuyết tật nên tên tuổi lão được ghi trong nhiều "sổ vàng" các loại. Đến hội nghị, hội thao nào lão cũng được mời lên hàng ghế danh dự.
Nhưng rồi hình như vẫn còn có luật "nhân - quả" ở trên đời.
Đột nhiên, tất cả cá của lão đem bán ở các chợ thị xã và trong vùng không ai mua nữa. Có một tin đồn lan nhanh rằng nhiều người mua cá đầm Hạc, khi mổ ra đã thấy những chiếc bao cao su sử dụng rồi ở trong bụng cá. Từ lâu, người ta đã biết trong những dãy quán bia ôm, cà phê đèn mờ bên bờ đầm Hạc có nhiều chuyện mờ ám. Đầm Hạc ngày xưa nước trong xanh leo lẻo là thế mà bây giờ đục lờ lờ, bao ni lông, vỏ côcacôla, rác rưởi trôi lềnh phềnh khắp mặt hồ. Rồi cái mùi hôi hôi bốc lên mỗi khi trời nắng to, khiến lượng người đến hóng mát bên bờ hồ giảm hẳn.
*
Lão Sỏi ngồi trầm ngâm trong căn nhà sàn nhô ra giữa đầm ngẫm nghĩ. Lão vẫn tự hào là cuộc đời lão những lúc "bĩ" nhất thì lại tìm thấy sự "thái lai". Đận này làm ăn sa sút có khi lại là tiền đề cho đận sau.
Màn đêm đã buông xuống. Những trận mưa rền rĩ suốt mấy ngày đã ngớt hẳn. Mới đầu mùa hạ sao năm nay mưa nhiều thế.
Tiếng ếch nhái sau mưa râm ran khắp mặt đầm nước. Điện mất nên dãy quán hàng ven hồ mập mờ bởi ánh nến leo lét. Có tiếng lảm nhảm của mấy gã say rượu ngoài đường.
Lão Sỏi ngả người, hai ngón tay nhón ly rượu.
Đêm dần về khuya. Bỗng "ùm" một tiếng. Rồi tiếng thét gào thất thanh:
- Cứu... cứu... nhà... sập... rồi!
Lão Sỏi mở cửa lao ra. Có tiếng người lao xao: "Sập nhà ở đâu vậy". Ánh đèn pin loang loáng. Lão Sỏi kinh hoàng khi nhìn thấy cái nhà sàn bên cạnh đang từ từ chìm xuống dưới mặt nước đầm Hạc. Giữa đám hỗn độn của vôi vữa, tôn, gỗ ấy chồi lên một đôi trai gái trần như nhộng. Thì ra họ đang vào đoạn "cao trào" thì nhà bị sập.
Mọi người vội vã kéo hai người lên. Vớ được cái quần ai đưa cho, họ che người rồi vội lủi mất. Giữa lúc đó lại "ùm" một tiếng, căn nhà sàn mà lão Sỏi vừa ngồi uống rượu cũng lộn xuống đầm Hạc. Lão Sỏi gào lên:
- Cứu... c... ứ... u... với...
- Cứu cái gì! Đấy là nhà của ông, còn ai trên đó không mà cứu?
- Cứu cái gì! Đấy là nhà của ông, còn ai trên đó không mà cứu?
- Cứu... cứu... - Lão vẫn gào lên và định lao xuống nước. Một anh túm lấy tay lão kéo lại quát:
- Ông muốn chết à! Nhà đang sập lại lao vào làm gì!
- Trời ơi... - Lão Sỏi rên rỉ, chân tay lão run run. Lão khụy xuống, mặt trắng bệch, mồm há ra, tiếng kêu ú ớ, tắt dần.
Hai cái nhà làm thò ra giữa đầm như hai chiếc thuyền bị đánh đắm, chìm dần xuống đáy nước sâu. Đầm Hạc vốn nước rất trong. Đáy hồ là một lớp bùn lầy bùng nhùng "thụt chó". Khi mới nhận thầu đầm Hạc, lão Sỏi đã có ý định bơm hết nước để vét bùn, trước khi thả cá. Nhưng bốn máy bơm công suất lớn chạy suốt ngày đêm cạn được bao nhiêu thì nước lại đùn lên bấy nhiêu. Lão đành bỏ ý định vét đầm mà cứ cho thả cá giống xuống. Cá thả lớn nhanh, kéo lưới đánh bắt rất dễ. Đầm Hạc có rất nhiều các loại cá tự nhiên. Có người khẳng định nhiều đêm đi soi ếch còn nhìn thấy cả đàn cá to như người nổi lên vờn nhau giữa đầm, ánh vảy loang loáng. Thế nhưng lạ thay, cánh kéo lưới thuê cho lão dùng đến cả lưới vây, lưới vét cũng không bắt được con cá nào ngoài các loại cá thả và mấy con cua, con tép lẫn vào.
*
Sau cái đêm bị chìm mất hai căn nhà nổi xuống đáy đầm Hạc, lão Sỏi đâm ra ngơ ngẩn. Lão thuê cánh thợ chuyên lặn ở cảng Phà Đen ngoài sông Hồng đến đeo cả bình ô-xy lặn xuống trục vớt đồ đạc. Nhưng bọn họ lặn xuống ngoi lên ngay, lắc đầu bảo dưới lòng đầm sạch trơn chẳng thấy có nhà cửa hay gạch ngói gì. Lạ nhỉ? Chả lẽ cả hai cái nhà nổi to như hai toa tàu hoả mà bị hút xuống lớp bùn sâu đáy đầm Hạc.
Dân làng đồn lão Sỏi đóng hòm cả chục ki-lô-gam vàng và két tiền chứa đầy đô-la để ở căn nhà nổi bị chìm mất nên tiếc của quá đâm ra ngớ ngẩn, điên điên, khùng khùng. Lại có người bảo đầm Hạc là do ông trời đào. Nó chính là cái huyệt dùng để mai táng nàng tiên dám bỏ cả thiên đàng để lấy người trần tục. Thế mà lão Sỏi dám lấp cái huyệt ấy xây nhà hàng bia ôm, quán Karaokê, để vỏ chai, túi ni lông, bao cao su vứt đầy mặt đầm chả trách trời nổi giận là phải.
Lão Sỏi hóa điên thật. Bây giờ thì lão chẳng còn biết ngày, đêm là gì. Lão cứ đi vòng quanh hồ, hết vòng này đến vòng khác, mắt đăm đăm nhìn xoáy xuống mặt nước. Mỏi chân, lão lại ngồi xuống gốc cây phượng vĩ già, rút từ trong cái túi áo cáu bẩn ra ổ bánh mỳ nhai ngấu nghiến. Những người làm thuê cho lão đều đã bỏ đi. Anh kỹ sư chăn nuôi tếch vào tận Lâm Đồng. Cô cháu gái họ xa vẫn cắt cỏ cho cá ăn thương lão, nấn ná ở lại chăm sóc lão và trông coi đầm cá cũng hoảng hồn bỏ đi nốt. Trước khi đi cô ấy còn kể lại cho dân làng nghe chuyện đang trưa lội xuống đầm vớt bèo thì bỗng có một bàn tay túm lấy chân mãi mới gỡ ra được để chạy lên bờ.
Chuyện đầm Hạc cứ hư hư, thực thực, kẻ tin, người ngờ...
Còn chuyện lão Sỏi suốt ngày cười, nói vô thức đi vòng quanh đầm Hạc thì ngày nào ai cũng thấy. Đêm đêm còn nghe cả tiếng lão hú lên ở bên kia đầm, nơi có cái miếu cô hồn bỏ hoang. Dân làng có người thương lão, ơn lão từng cưu mang, gặp lão tồng ngồng chỉ khoác mỗi cái chăn chiên rách thì khuyên lão về làng. Nghe xong, lão cười sằng sặc bảo: "Ta sắp được làm vua, sắp có ngai vàng, phải ở triều đình chứ, về làng làm gì!". Mấy hôm sau, lão lại bảo lão là nô lệ. Mà nô lệ thì cũng không thể về làng, còn mặt mũi nào mà gặp bà con nữa.
Thế rồi lão Sỏi bỗng biến mất từ sau một buổi trưa có đám mây đen bay qua đầm và một tiếng sét nổ vang ngang trời. Có người nói lão vào tận Lâm Đồng để tìm anh kỹ sư chăn nuôi. Vì chính anh này đã cuỗm toàn bộ số vàng, đô-la lão tích cóp cả đời chứ chẳng phải nó bị chìm xuống nước. Lại có người thì khẳng định lão lặn xuống đầm tìm của bị hút luôn xuống đáy bùn...
Thời gian sau, hợp tác xã ra quyết định thu hồi lại đầm Hạc. Các hàng quán bị dỡ bỏ. Chi đoàn thanh niên nhận thầu thả cá gây quỹ hoạt động và làm học bổng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. Cánh thanh niên đào vét chỗ đất lão Sỏi lấp đầm làm hàng quán, trả lại hình dáng xưa của cánh Hạc đang bay. Họ trồng nhiều loại cây ăn quả và hoa xung quanh đầm.
Nước đầm Hạc dần trong trở lại.
Hà Nội, 3-2001
Truyện hấp dẫn lắm anh Bảo ơi! LÃo Soi tưởng gặp thời ấy thế mà 2 căn nhà nỗi sập xuống thuê cả thợ lặn ở bến Phà Đen đến lặn tìm của mà chẳng còn gì. Chi tiết này hơi điêu nhưng lại có hơi hướng liêu trai, kỳ bí giống như đầu truyện có chi tiết tiên nữ hóa thần, sông Hồng hóa đầm Hạc. Quả báo chăng?
Trả lờiXóaChúc mừng anh với truyện ngắn hay này nha.
Cám ơn Xuân Thu. Khi Vĩnh Phú tách làm hai tỉnh thì thị xã Vĩnh Yên thành tỉnh lị của Vĩnh Phúc. Ở đây có một cái đầm Vạc rất đẹp, nước rất trong bị lấp mất một phần để làm nhà, làm đường... Truyện ngắn này viết khi đầm Vạc bị lấp đấy! Nhân vật lão Sỏi hình như là có thật trong cuộc đời này đấy.
Trả lờiXóaChúc XT một ngày vui, có sáng tác mới.