Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (phần 23)

   Ảnh: Xe tăng địch bị bắn cháy ở Cao Bằng
 
  
Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo

         Một buổi trưa đi đào công sự về mệt, ăn cơm xong tôi lăn ra ngủ. Vừa chợp mắt được một lát thì có người lay gọi:
       - Dậy... dậy... ngay...
       - Dậy làm cái gì mà dậy! Đào công sự cả buổi mệt đứt hơi chưa ngủ đã gọi cái gì... - Tôi càu nhàu.
          - Dậy đi có việc gấp đây!
          Nghe rõ tiếng chính trị viên Hoàng, tôi ngồi bật dậy. Vốn là lính chiến, quen những tình huống chiến đấu bất ngờ nên nghe tiếng của cấp trên gọi là tôi tỉnh ngay. Tôi quờ tay với khẩu súng dựa cạnh chỗ ngủ nhảy xuống đất. Anh Hoàng phì cười:
          - Mày định đi đâu đấy?
          - Chắc lại có bọn thám báo nó mò sang ạ?
          - Thám báo nào! Cất súng đi ra đây tao bảo.
          Lúc này tôi mới nhìn kỹ chính trị viên Hoàng. Anh ăn mặc chỉnh tề, tay đang cầm một cuộn giấy, nét mặt vui vẻ. Anh cười vì cái tính hấp tấp của tôi, cứ có ai gọi việc đầu tiên là tìm ngay khẩu súng. Âu đó cũng là tác phong của người lính nơi đối diện với quân thù hàng ngày. Chúng tôi đã có mặt ở biên giới từ những ngày còn kéo nhau mặc quần áo dân thường đi rào đường ­­biên, tranh nhau từng tấc đất, ném đá, đánh nhau bằng tay và gậy gộc với bọn lấn đất, xâm lược cho đến lúc đấu súng, đấu pháo thật sự với chúng cho nên ai cũng có cái tác phong luôn luôn sẵn sàng ấy.
          Anh Hoàng bảo:
          - Đem cuốn sổ ghi chép của mày ra đây!
          - Cuốn sổ nào ạ?
          - Cuốn nhật ký mà mày vẫn ghi chép tình hình chiến sự hàng ngày trong thời gian đánh nhau ấy!
          - Cuốn sổ ấy em đốt nó theo lệnh của tiểu đoàn hôm trước khi phá vây rồi còn đâu nữa ạ!
          - Mày đừng có nói dối! Hôm ấy mày chỉ đốt cuốn sổ ghi chép thơ và truyện thôi, còn cuốn nhật ký ghi tình hình chiến sự thì mày vẫn luôn giấu trong người đem đi. Tao biết dù có chết thì mày cũng vẫn cố giữ cuốn sổ ghi chép ấy! Mang nó ra đây ngay...
          Tôi cười hì hì:
          - Làm sao anh lại biết em vẫn giữ cuốn sổ ấy ạ?
          - Hôm hủy tài liệu, giấy tờ để chuẩn bị cho buổi tối phá vây mở đường máu rút lui thằng Thọ dã trông thấy mày lén nhét cuốn sổ vào trong ngực áo. Đem nó ra đây có việc cần đấy!
          - Nhưng có việc gì mà lại liên quan đến cuốn nhật ký của em ạ?
          Chính trị viên Hoàng vừa đặt tập giấy xuống cái bàn ghép bằng mấy miếng ván giữa nhà vừa nói:
          - Tiểu đoàn mình được đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Do đó, phải chuẩn bị một bản báo cáo thành tích trong cuộc chiến đấu vừa qua. Mày văn hay, chữ tốt, lại ghi chép được toàn bộ diễn biến của các trận đánh nên chiều nay không phải đi đào công sự nữa mà ở nhà giúp chỉ huy tiểu đoàn viết báo cáo thành tích hiểu không.
          Tôi hiểu. Tôi rút trong túi cóc ba lô ra một cuốn sổ nhỏ tự đóng bằng loại giấy đen mặt nhẵn, mặt trơn lấm lem bùn đất. Tôi ngồi xuống bên cạnh anh Hoàng. Tôi đặt lên bàn trước mặt anh cuốn nhật ký của mình. Tay tôi run run lật từng trang nhật ký chiến đấu. Anh Hoàng cùng tôi đọc những trang ghi chép nguệch ngoạc đoạn bằng bút bi, đoạn bằng bút chì trong những ngày gian khổ ác liệt ấy.
           Ngày 17-2-79:
           - Địch nổ súng mở màn cuộc chiến tranh xâm lược VN vào lúc 3 giờ sáng
            - Hướng cửa khẩu Bình Mãng: Bọn địch tấn công đợt 1 lúc 5 giờ sáng. Đợt 2 lúc 8 giờ sáng, chúng chiếm mất 1/2 chốt cây đa thứ nhất. Đợt 3 chúng tấn công vào khoảng 11 giờ chiếm toàn bộ mỏm 1, chốt cây đa thứ nhất.
          - Ta: Xê 1 chỉ còn giữ được mỏm 2 chốt cây đa thứ nhất. Đại đội 1 diệt được 2 xe tăng, 300 tên địch.
          - Lúc 22 giờ đêm đại đội 1 phản kích chiếm lại được toàn bộ chốt cây đa thứ nhất.
          - Các đồng chí hy sinh trong ngày gồm: Thượng sĩ Trần Văn Ngọc, trung đội phó bắn cháy một xe tăng và diệt nhiều tên địch, hy sinh khi chuẩn bị bắn chiếc xe tăng thứ hai. Binh nhất Nguyễn Văn Nền bắn hết đạn đánh nhau bằng lưỡi lê bị địch đâm chết ở chốt cây đa thứ nhất. Chuẩn uý Dương Đình Hà, chính trị viên phó đại đội cùng Nguyễn Văn Lượng hy sinh khi phản kích chiếm lại chốt cây đa thứ nhất đêm 17-2...
          Ngày 18-2-79:
          - Hướng cửa khẩu: Địch tấn công 8 đợt cả ngày, bắt đầu từ 5 giờ sáng. Chúng chia làm 3 mũi: Một mũi từ trên sườn núi đá đánh xuống, một mũi từ phía bản Nà Sác đánh lên, một mũi từ bờ suối đánh vòng lên bên trái chốt cây đa thứ hai. Rút kinh nghiệm ngày đầu tiên, địch tấn công liên tục để tạo áp lực mạnh, tiêu diệt sinh lực quân ta phá vỡ tuyến phòng thủ của ta.
          - Ta: Đại đội 1 cùng 1 trung đội của đại đội 2 tăng cường đã dũng cảm chiến đấu giữ vững chốt, tiêu diệt 2 xe tăng, hơn 150 tên địch, bẻ gãy cả 8 đợt tấn công của quân địch. Chuẩn uý Lê Hồng Giang (đại đội 2) bắn hai quả đạn B41 diệt một xe tăng địch, bị thương mù một mắt, gãy một tay còn dùng AK bắn địch ngã tơi tả. Đồng chí Giang đã một mình, một súng lên đánh chiếm lại chốt cây đa thứ nhất.
          - Hy sinh ngày 18-2: Đại đội 1 có 8 đồng chí hy sinh, nhiều người khác bị thương, có 2 cán bộ hy sinh là đại đội phó Diệp Văn Năm và chính trị viên phó Nguyễn Mộng Lân. Đại đội 1 bị thiệt hại nặng nhưng vẫn kiên cường chiến đấu giữ vững trận địa.
          Ngày 19-2-79:
          - Địch tấn công liên tục cả ngày không thành đợt rõ ràng. 5 giờ sáng, chúng chiếm mỏm ĐK và mỏm chốt cây đa thứ nhất. 1 giờ chiều chúng chiếm mỏm chốt cây đa thứ hai. Đại đội 1 bị đánh bật ra khỏi trận địa. Cán bộ, chiến sĩ đại đội 1 chiến đấu rất dũng cảm, diệt khoảng 100 tên địch. Tối 19-2, đại đội 1 rút về khu vực trường cấp 2 Sóc Giang.
          - Đại đội 4 hoả lực dùng cối và 12ly7 chi viện cho các đơn vị chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch. Theo đại đội 4 báo cáo, đơn vị đã dùng cối 82 bắn sang bên kia biên giới trúng một kho xăng của địch cháy liên tục hai ngày liền.
          Ngày 20-2-79:
          - Địch có khoảng 2 tiểu đoàn đánh từ phía Đôn Chương lên Sóc Giang. Chúng chia làm 2 đợt tấn công. Buổi sáng từ 9 đến 10 giờ, chiều từ 3 đến 5 giờ, có 16 xe tăng trong đội hình tấn công.
          - Ta: Đại đội 2 cùng 1 tiểu đội của đại đội 1 tăng cường chiến đấu giữ vững chốt, bẻ gãy các đợt tấn công của địch, tiêu diệt 400 tên địch, 6 xe tăng. Bộ phận của đại đội 3 ở hướng UBND huyện chiến đấu diệt 2 xe tăng và 50 tên địch.
          - Sơ đồ trận đánh ngày 20-2-79.
          - Một số gương chiến đấu dũng cảm trong ngày 20-2:
          +Binh nhất Trần Xuân Quý, 20 tuổi, bắn 5 viên đạn B41 tiêu diệt 4 xe tăng và diệt nhiều tên địch.
          +Hạ sĩ tiểu đội trưởng Nguyễn Công Tâm dũng cảm xuống tận bụi tre sát mặt đường quốc lộ để bắn thẳng, tiêu diệt nhiều bộ binh địch, hy sinh cuối buổi sáng 20-2.
          +Trung uý Trần Văn Tương, học viên Trường sĩ quan Chính trị thực tập tại đại đội 2, vừa chỉ huy bộ đội vừa trực tiếp chiến đấu, bị thương gãy một tay, một chân vẫn kiên quyết ở lại trận địa, hy sinh sáng 20-2.
          +Thượng sỹ La Quang Tuyến, trung đội trưởng thuộc đại đội 3, bắn cháy 1 xe tăng địch. Binh nhất Hồ Sào Liền, dân tộc Mèo, Hà Giang tiêu diệt được 12 tên địch, đi lấy gạo gặp địch còn bắn chết được 2 tên địch...
          - Ngày 20-2, ta có 20 người chết, số bị thương là...
          - Ngày 21-2, ta chết 4 bị thương 5...
          - Ngày 22-2, ta chết 5, bị thương 3...
          - Ngày 23-2, ta chết...
          - Ngày...          
          Chính trị viên Hoàng lặng người đi khi đọc những con số ghi chép trần trụi trong cuốn nhật ký của tôi. Những thông tin này trong khi chỉ huy chiến đấu anh cũng như tôi đã biết rõ nhưng bây giờ sau một tháng đọc lại vẫn thấy nhói lên trong tim.
          Chúng tôi hoàn thành bản báo cáo thành tích trong cuộc chiến đấu để gửi lên cấp trên đề nghị phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng cho tiểu đoàn. Rồi đây tiểu đoàn tôi trở thành một đơn vị anh hùng, nhưng tự dưng tôi lại không thấy vui mừng mà chỉ thấy man mác một nỗi buồn. Chính trị vên Hoàng đi rồi, anh em trong tiểu đội vẫn chưa đi đào công sự về, chỉ còn một mình tôi. Tự dưng nỗi buồn cứ dâng dâng lên mãi trong tôi. Đó là nỗi buồn ảm đạm thê thảm của chiến tranh. Chỉ sau hơn một tháng thôi mà bao bạn bè, đồng đội của tôi đã có những người nằm sâu dưới cỏ. Hôm nay đọc lại cuốn nhật ký chiến tranh, tôi lại nhớ đến họ. Hình như họ vẫn còn hiện hữu quanh đây, trên mảnh đất biên cương này. 
             Tôi bước ra khỏi lán ngước nhìn lên bầu trời. Có một cơn giông đang cuồn cuộn phía chân trời. Mây đen vần vũ trên những đỉnh núi lởm chởm nơi biên thuỳ.
          (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét