Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (phần 22)

         
            
      
Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo

          Tiểu đoàn bắt đầu khôi phục, củng cố trận địa phòng ngự như trước khi xảy ra chiến tranh. Các điểm chốt, hầm hào, công sự, căn cứ hậu cần, quân y của tiểu đoàn bây giờ chỉ là những đống đất đá lổn nhổn. Trước khi rút lui về nước bọn giặc đã dùng thuốc nổ phá huỷ tất cả các công trình quân sự, kinh tế, văn hoá của ta. Bọn giặc cẩn thận tỷ mỷ đánh gãy gục từng cột điện cao thế, điện thoại, mỗi căn nhà nếu không đốt được thì chúng dùng mìn đánh sập. Chúng phá huỷ, đánh sập các hang đá, hốc núi nơi ta có thể dấu quân, làm nơi phòng thủ. Chúng còn đang tâm đánh sập hang Pác Bó nơi Bác Hồ đã, phá nát tượng Các Mác ở trong hang. Các công trình quân sự do ta xây dựng ở khu vực Sóc Giang và các điểm chốt đều bị phá tan nát hết.
          Các đại đội về lại vị trí phòng ngự của mình trước chiến tranh sửa sang lại hầm hào, công sự và tiến hành việc tuần tra canh gác. Việc đi lại đều phải bí mật, tránh để lộ liễu mục tiêu vì bọn địch thỉnh thoảng vẫn bắn bừa bãi hoặc tung thám báo sang đất ta. Đã có bộ phận chạm súng với bọn lính trinh sát của địch.
          Tôi dẫn mấy anh em trèo lên mỏm Đầu Bò vừa nạo vét lại công sự vừa cố gắng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Buổi trưa nghỉ, tôi và thằng Lâm xuống khu trường cấp 1. Lính công binh đã rà phá, gỡ hết các quả mìn gài trong sân trường còn sót lại. Gần như tất cả các lớp học đều bị phá sập. Sách vở học sinh rơi tung toé khắp các lớp. Tôi nhặt được một cuốn sách ở trong ngôi nhà đổ nát. Lần giở từng trang sách của cuốn sách giáo khoa cháy dở trong lòng tôi dâng dâng lên một nỗi buồn da diết. Bài thơ này tôi đã viết ngay tối hôm ấy.
         Trường các em bị cháy!

Truy kích địch qua đây
          Chúng tôi cùng sững lại
          Trường các em bị cháy
          Giặc vừa đốt hôm qua.

Một quyển sách lớp ba
          Ám khỏi đen nham nhở
          Tôi nhặt lên lần mở
          Từng trang sách, từng trang.

Những phép tính trẻ con
          Bốn cộng ba bằng bảy
          Lửa cháy quằn trang giấy
          Con số cuối mờ đi.

Ôi quyển sách nói gì
          Bên ngôi trường đổ nát?
          Hàng cây non lửa táp
          Vết đạn cày sân chơi.

Tôi đứng lặng cắn môi
          Nghe đâu đây trong gió
          Nghe từ trang sách nhỏ
          Tiếng các em gọi mình!           
*
          "Báo động!". Mệnh lệnh được thông báo rất nhanh. Bộ phận chúng tôi được lệnh tiếp cận bọn thám báo vì chúng tôi đang ở gần bờ suối nhất. Tôi nhét cuốn sách giáo khoa lớp 3 vào cóc ba lô vớ khẩu súng lao ra khỏi lán. Trời đã gần tối. Ra đến gần bờ suối bản Nà Sác, tôi gặp chính trị viên Hoàng, anh Thọ và các chiến sĩ tiểu đội trinh sát. Anh Thọ nói nhanh:
          - Trinh sát vừa phát hiện có bóng người lạ ở gần bờ suối bản Nà Sác gần đường biên. Dân bản Nà Sác chưa trở về nên chỉ có thể là bọn thám báo mò sang trinh sát trận địa của ta.
          Các chiến sĩ trinh sát dẫn chúng tôi nhanh chóng tiếp cận bờ suối. Chúng tôi phát hiện ra một người mặc bộ quần áo rách rưới đang đi lom khom dọc theo bờ ruộng sát con suối. Nó đang đi về hướng biên giới. Nhìn vẻ tả tơi của nó chúng tôi biết đó chắc chắn chỉ là một tên tàn quân địch. Tên giặc đã chạy đến gần đoạn suối nông nước chảy rào rào. Đây là điểm tiếp giáp giữa hai nước. Lội qua sang bờ bên kia đã là đất của chúng nó rồi. Tôi đề nghị:
          - Để chúng tôi xông ra bắt sống nó!
          - Không được! - Chính trị viên Hoàng vội ngăn lại: - Vượt qua khoảng ruộng trống bọn địch bên kia biên giới sẽ phát hiện và sẽ lập tức bắn sang ngay. Hơn nữa đám ruộng này vốn là bãi mìn chống bộ binh chưa nổ hết nguy hiểm lắm!
          - Vậy thì nó chạy thoát mất anh ạ!
          Tôi nói và nâng khẩu AK lên lấy đường ngắm. Chính trị viên Hoàng giơ tay khẽ đè nòng súng của tôi chúc xuống. Anh nói nhỏ:
          - Thôi để cho nó vượt qua suối.
          Tôi ngạc nhiên nhìn chính trị viên Hoàng. Hình như tên giặc cũng đã phát hiện ra chúng tôi. Nó nhớn nhác quay lại nhìn. Chúng tôi đang ở rất gần nó, chỉ cách một mặt ruộng rất hẹp. Nó gần như sụp hẳn người quỳ xuống mặt ruộng khi nhìn thấy những nòng súng kê trên bên kia bờ ruộng đang rê rê theo từng cử động của nó. Nó giơ hai tay lên trời như cầu xin chúng tôi đừng bắn, tha chết cho nó.
Chúng tôi vẫn im lặng không hành động theo lệnh của chính trị viên Hoàng mà chỉ dõi mắt theo từng cử động của tên giặc. Hồi lâu, không thấy chúng tôi xông ra bắt sống hoặc nổ súng, thằng giặc cứ nhìn chằm chằm về phía những nòng súng đang chĩa vào nó không dám nhúc nhích. Anh Thọ khẽ khoát tay ra hiệu. Anh khẽ "xuỳ... xuỳ..." như đang xua đuổi một con chó. Thằng giặc hiểu đối phương đã tha chết và để cho nó chạy về nước. Nó vội lồm cồm nhỏm dậy nhao người bò lên bờ ruộng lăn xuống suối. (Tiếng Việt "xuỳ... xuỳ..." gần giống với tiếng Tàu phát âm từ  "đi... đi...").
          Sang đến bên kia bờ suối rồi thằng giặc còn ngoái lại như vẫn chưa tin là nó đã được chúng tôi tha chết. Trước khi lẩn vào bụi cây rậm nó còn quay lại hướng về phía chúng tôi vái dài một cái.
          Trời tối hẳn. Thằng giặc mất hút trong bụi cây và bóng tối đang tràn đến. Chính trị viên Hoàng lệnh chúng tôi rời khỏi bờ ruộng quay về đơn vị. Trên đường về biết chúng tôi còn ấm ức thắc mắc, chưa thông về việc đã tha chết cho thằng giặc xâm lược, anh Hoàng bảo: "Cha ông ta ngày xưa có lúc còn tha chết cho hàng vạn tên xâm lược lại còn cấp lương ăn để chúng nó trở về quê hương đấy!".
 (còn nữa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét