Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo
Nhờ có ông già Đăm mà chúng tôi vượt qua được dốc Yên Ngựa để rút lui khỏi thung lũng Kép Ké một cách an toàn. Ông già biểt có một khe đá vòng tránh điểm chốt của bọn địch trên đỉnh dốc để đưa bộ đội và dân quân rút đi.
Lại một cuộc rút chạy. Chúng tôi đã rút chạy khỏi thị trấn Sóc Giang, khỏi Lũng Mật và bây giờ là rút chạy khỏi thung lũng Kép Ké. Thoát khỏi vòng vây của quân thù, mấy anh em bộ đội chúng tôi chia tay với tốp dân quân bản Kép Ké. Anh Chấn nắm chặt tay tôi dặn:
- Các anh hết sức cẩn thận nhé!
- Vâng! Các anh chị cũng phải cẩn thận nhé!
- Hẹn gặp lại
- Hẹn gặp lại...
Bộ đội và dân quân tạm biệt nhau. Trước khi tiếp tục con đường hành quân tìm về đơn vị cũ, chúng tôi san xẻ cho anh em dân quân hai quả lựu đạn và ba băng đạn. Anh Chấn và cô Hoa chia cho chúng tôi ít ngô hạt và đậu tương rang chín làm lương khô. Tôi dặn cô Hoa hết chiến tranh là nhớ phải về trường tiếp tục học ngay. Cô bé gật đầu. Cô Hoa và anh Chấn tiễn chúng tôi một đoạn rồi quay lại. Anh em dân quân sẽ lẩn khuất trên núi đá. Họ thông thạo địa hình hang hốc ở đây nên dễ lẩn tránh bọn địch.
Chúng tôi gặp bộ phận của đại đội trưởng Tuấn ở một hẻm núi. Cũng chẳng biết đây là đâu nữa. Tình hình cũng chưa rõ thế nào. Chúng tôi vẫn chưa bắt liên lạc được với chỉ huy tiểu đoàn. Một số chiến sĩ được cử đi tìm đường là mất hút luôn, không thấy ai quay lại. Có thể họ bị bọn địch phát hiện bắn chết. Cũng có người khi đã ra đến bên ngoài vòng vây, an toàn rồi thì sợ không dám quay lại tìm bộ phận của chúng tôi nữa. Chúng tôi không tìm được đường thoát ra. Lối nào cũng chạm địch. Có lần xảy ra nổ súng, thêm hai người hy sinh.
Bộ phận của chúng tôi chỉ còn có mười người. Đại đội trưởng Tuấn vẫn là chỉ huy chung. Tôi với anh ít đi gần nhau. Khi nào thấy phía trước có thể có địch phục kích nguy hiểm thì anh cử tôi dẫn một chiến sĩ đi trước trinh sát, tìm đường. Khi bị bọn địch truy đuổi thì anh cử tôi ở lại cùng vài chiến sĩ chặn địch. Tôi cũng không tranh cãi với anh nữa mà lầm lũi chấp hành mệnh lệnh được giao. An hem đã kiệt sức và đói lắm rồi. Cơn đói hành hạ làm những cơ thể chiến sĩ tả tơi. Có ngày mỗi chúng tôi chỉ có một nắm ngô rang độ vài chục hạt nhai khô không khốc trong miệng. Chúng tôi lặng lẽ đi trong cái rét cái đói tưởng như không thể lê bước được nữa.
Đến gần một bản nhỏ chân núi thằng Lâm bảo tôi:
- Anh cho em xuống kiếm cái gì ăn nhé! Đói quá không chịu nổi nữa rồi.
- Lỡ có bọn địch phục kích thì sao?
- Thì đánh nhau một trận, chết thôi chứ cứ chịu đói thế này thì cũng đến chết khổ chết sở anh ạ!
- Thôi được! Chiều tối nay tao với mày cùng xuống bản.
- Có báo cáo với đại đội trưởng Tuấn không hả anh?
- Thôi khỏi! Ông ấy đang ở tít phía trên đỉnh núi, bây giờ mà leo lên báo cáo ông ấy có mà hết hơi chả còn sức mà xuống bản nữa. Lấy được lương thực chúng mình sẽ đưa lên cho bộ phận trên núi!
Trời chưa tối, tôi và thằng Lâm đã lần xuống bản. Bản không có một bóng người. Bà con đã chạy hết lên rừng tránh bọn địch ngay từ ngày đầu chiến tranh nổ ra. Bản lại bị bọn địch cướp bóc nên chúng tôi lần mò qua mấy nhà mà chỉ kiếm được vài bắp ngô và một bó lúa. Tôi và thằng Lâm đành quay ra phía chân núi. Qua ngôi nhà sàn sát chân núi chợt thằng Lâm khẽ kêu lên:
- Anh Hà ơi có nhiều cá quá!
- Cá ở đâu?
- Cá ở cái vũng nước dưới sàn nhà ấy!
Chúng tôi cùng lẩn nhanh vào căn nhà sàn. Bà con dân tộc thường đào một cái ao nhỏ dưới sàn rửa rau, đãi gạo để thả cá. Những con cá chép núi đỏ au lớn rất nhanh nhờ ăn cơm canh rau thừa đổ xuống. Nhìn đàn cá lượn lờ dưới vũng nước thằng Lâm bảo:
- Anh cảnh giới để em xuống bắt cá!
- Ừ! Nhanh lên, cố bắt lấy vài con nấu cháo thì tốt.
Thằng Lâm nhảy luôn xuống vũng nước. Nó dùng tay không lùa đàn cá vào góc ao để bắt. Nhưng mãi nó chẳng tóm được một con cá nào cả. Trong khi đó thì những con cá cứ nhảy loạn cả lên trong vũng nước. Tôi sốt ruột khi nghe tiếng súng rộ lên ở phía đầu bản. Tôi bảo:
- Mày lên đi, để tao quăng cho nó một quả lựu đạn rồi muốn nhặt con nào thì nhặt chứ mò mẫm mãi thế này làm sao bắt được cá!
Thằng Lâm vội vọt lên bờ. Nó ngăn tôi:
- Đừng đừng, tốn mất một quả lựu đạn. Chỉ cần bắn vài loạt đạn là lũ cá sẽ chết thôi. Hồi làm đường ở Hà Giang chúng em vẫn dùng AK bắn được cả cá ở suối đấy.
Nói xong nó mở khoá nòng. Chờ khi có một tiếng pháo của địch nổ vang lên nó liền xả một loạt đạn xuống vũng nước, chỗ những con cá đang lượn lờ túm tụm lại ở gần tảng đá. Quả đúng như nó nói. Mấy con cá chép to bị những viên đạn đập vào đá làm điếng óc nhao lên ngửa bụng bơi lờ đờ. Tôi và Lâm tóm được năm sáu con cá chép đỏ bằng bàn tay xâu vào dây rừng xách lên núi. Tôi hôm ấy còn một ít gạo chúng tôi nấu nồi cháo cá. Mọi người được một bữa tuy không đủ no nhưng quả là ngon nhất kể từ sau khi rời khỏi thung lũng Kép Ké.
Ăn xong, đại đội trưởng Tuấn gọi tôi ra một hẻm đá phê bình gay gắt về tội tự ý xuống bản, nhất là chuyện dùng súng bắn cá trong ao của dân. Tôi không cãi lại nhưng trong lòng cứ ấm ức mãi.
Sáng hôm sau, đại đội trưởng Tuấn quyết định chia số chiến sĩ làm hai bộ phận. Bộ phận của đại đội trưởng Tuấn sẽ ở lại ém trên hang đá ở sườn núi. Bộ phận của tôi gồm hai chiến sĩ sẽ tìm mọi cách vượt bằng được con đường bọn địch đang khống chế về Nguyên Bình tìm chỉ huy tiểu đoàn sau đó sẽ quay lại đón bộ phận còn đang ở trong vòng vây. Như vậy là đã đến lúc tôi độc lập chỉ huy một bộ phận đi làm nhiệm vụ. Biết là sẽ rất nguy hiểm nhưng tự dưng tôi thấy phấn chấn hẳn lên. Để lại hết số ngô hạt và đậu tương cho bộ phận ở lại, tôi dẫn Lâm và Tuất lên đường. Tôi thấy lo lắng cho hai chiến sĩ bị thương. Mấy chiến sĩ phải ở lại đều muốn đi theo tôi. Những ánh mắt nhìn tôi như trách móc vì tôi đã không chọn họ cùng đi.
Chúng tôi tụt xuống núi bám con đường quốc lộ để tìm cách vượt sang phía bên kia. Bọn địch đang đi lại dày đặc trên đường. Vì lo lắng việc vượt đường mà tôi không chú ý hướng hành quân của bọn địch. Chúng đang hành quân về phía biên giới. Lần mò cả đêm, gần sáng hôm sau, chúng tôi vượt qua được con đường một cách khá dễ dàng.
Khi trời sáng hẳn thì chúng tôi đã vượt lên được dãy núi ngăn cách giữa hai huyện Thông Nông và Nguyên Bình. Vậy là chúng tôi sắp gặp lại đơn vị cũ rồi. Khi lên đến đỉnh dốc của con đường mòn, tôi nằm lăn ra cho đỡ mệt và để thở. Bầu trời trong trẻo. Nắng lấp loá trên những gộp đá xám lạnh. Cái rét cũng đã giảm hẳn rồi tuy cơn gió vẫn còn se se lạnh.
Giữa lúc tôi đang mơ màng thì thằng Lâm đang làm nhiệm vụ cảnh giới kêu lên:
- Có một đoàn người đông lắm từ phía Nguyên Bình đang đi lên dốc!
Tôi quờ khẩu súng ngồi bật ngay dậy.
Chúng tôi hồi hộp quan sát hàng quân đang bám theo con đường mòn tiến lên đỉnh núi. Thằng Tuất chợt reo lên vui mừng:
- Quân ta!
Đúng là quân ta rồi. Tôi nhận ra cái dáng đi luôn chúi người về phía trước của trợ lý tham mưu Thọ và bước đi khoan thai của chính trị viên Hoàng ở tốp đầu hàng quân. Ba chúng tôi cùng đứng bật dậy giơ súng lên trời khua khua làm hiệu. Các chiến sĩ trinh sát đi phía trước đội hình của tiểu đoàn cũng đã nhận ra chúng tôi. Họ ào đến ôm lấy chúng tôi, tay bắt, mặt mừng. Tôi hỏi:
- Tiểu đoàn ta hành quân về đánh chiếm lại Sóc Giang hả?
- Thế bọn mày không biết à! Bọn địch tuyên bố rút khỏi nước ta từ mấy hôm trước rồi. Tiểu đoàn ta được lệnh quay về chiếm lĩnh lại thị trấn Sóc Giang đấy!
- Thế à! Bọn tao ở trong vòng vây có đài điện gì đâu mà biết. Khổ quá! Bọn địch nó đang rút lui thế mà mấy hôm trước gặp chúng hành quân, bọn tao còn tổ chức đánh một trận làm mấy thằng trong bộ phận bị chết. Biết thế thôi đừng đánh nữa có phải mấy anh em bây giờ vẫn còn sống không!
Tôi nói vẻ ngậm ngùi. Anh Thọ vỗ vỗ vào vai tôi an ủi:
- Chiến tranh ai biết thế nào mà nói trước...
Anh nắm chặt tay tôi. Tiểu đoàn trưởng Thêm, chính trị viên Hoàng cũng đã lên tới nơi. Mọi người xúm lại xung quanh ba chúng tôi hỏi han. Tôi cũng nhớn nhác nhìn mọi người. Vắng bóng mấy thằng bạn thân. Tiểu đoàn rút sang Nguyên Bình tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ khu mỏ thiếc Tĩnh Túc. Vì thế có thêm nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống ở Minh Tâm, Hoàng Tung để chặn con đường quân giặc tiến vào mỏ thiếc...
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét