Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (phần 14)


    Ảnh: Quân địch tiến vào Trà Lĩnh-Cao Bằng 2-1979

Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo
Sương mù tan hẳn. Từ trong bụi cây xấu hổ trên gò đất thấp sát bên đường chúng tôi tiến hành quan sát, theo dõi nắm quy luật đi lại của bọn địch. Trên quả đồi bên phải chỗ chúng tôi ẩn nấp, hướng từ biên giới xuống là một điểm chốt của bọn địch. Chúng tôi nhìn thấy rất rõ những cái mũ vải với ngôi sao màu đỏ của bọn chúng nhấp nhô bên cạnh những họng súng đen sì chốc chốc lại khạc lửa về hướng chân núi đá và phía bờ suối. Anh Thọ bảo tôi toài người lùi lại một chút nằm ép sau gờ đất cao để đề phòng bọn địch bắn bừa bãi lỡ dính phải một viên đạn lạc.
Bọn kiến làm tổ trong bụi cây xấu hổ bắt đầu hoạt động. Thỉnh thoảng chúng lại nổi hứng chích vào người tôi một phát đau nhói giật nảy mình mà không dám cục cựa mạnh. Trên con đường bọn địch vẫn hành quân rất đông. Bộ binh, xe tăng, xe vận tải rầm rập chạy vào đất ta. Chiến sự hình như đã tiến sâu xuống phía Hoà An nên tiếng súng nghe vọng lên xa xôi quá. Bọn địch tin chắc đã đẩy lùi quân ta xa đường biên giới sâu vào nội địa nên chúng có vẻ chủ quan. Chúng đi lại nghênh ngang trên đường cứ như là đang đi trên lãnh thổ của chúng vậy.
Đang ngoái đầu quan sát cái lối mòn nhỏ chạy dưới chân điểm chốt của địch ước lượng khoảng cách từ đường đến chân núi để xem có thể đưa đơn vị vượt qua được hay không thì anh Thọ chợt thì thào:
- Hà ơi! Nhìn kìa, có rất đông người đang đi ngược lên biên giới...
Tôi vội quay lại nhìn ra mặt đường. Một đoàn người đang đi ngược dòng quân lính địch hướng lên biên giới. Khi đoàn người rã rượi ấy tiến đến gần thì cả tôi và anh Thọ đều run lên bàng hoàng, kinh hãi. Anh Thọ khe khẽ thốt lên đau đớn: "Bọn thú vật, chúng nó dã man quá!".
Một đoàn người khoảng hơn một trăm cô gái tả tơi đang bị bọn lính giặc dẫn giải về hướng biên giới. Đó là các nữ thanh niên xung phong của ta. Cả trăm cô gái bị lột trần, không quần, không áo bị áp giải đi trong tiếng cười khả ố của bọn xâm lược. Những tiếng kêu khóc rên rỉ gọi mẹ, gọi cha thê thảm của những em gái bị bọn địch làm nhục khiến tôi thấy tim mình đau nhói. Tôi đặt tay lên cò súng. Anh Thọ vội giữ tay tôi lại. Anh nghiến răng kèn kẹt nói:
- Không được! Nổ súng bây giờ là giết các cô ấy đấy. Bọn chúng bắn chết hết các cô ấy ngay, hiểu không?
Tôi buông khẩu súng ôm mặt. Tôi không dám nhìn ra đường nữa. Nhưng dù tôi có nhắm mắt lại thì hình ảnh những cô gái trên người không còn một mảnh vải giữa vòng vây của bầy sói man rợ vừa đi vừa kêu khóc cứ hiện ra trong tôi. Tiếng khóc của các cô gái thanh niên xung phong thê thảm cứ văng vẳng mãi mặc dù họ đã bị dẫn đi xa dần, khuất hẳn sau mỏm đồi đất. Đầu óc tôi ong ong căng thẳng. Tôi thấy vô cùng chản nản, bất lực. Cơ thể tôi rã rời như sắp bị tan rữa ra thành đất bụi. Sao tự dưng tôi thấy sợ hãi và căm hận chiến tranh đến thế. Chiến tranh đã biến con người thành sắt thép, nhưng cũng biến con người thành bầy dã thú như thế. Có lẽ tất cả những tên lính giặc đã gí lưỡi lê, lột xé quần áo hãm hiếp những người con gái yếu ớt, tay không tấc sắt kia cũng có em gái, cũng có mẹ, cũng có một tình yêu đẹp. Nhưng chiến tranh đã làm cho chúng nó mất hết tính người, trở lại cái bản năng của loài cầm thú. Không hiểu rồi sau chiến tranh chúng nó sẽ sống thế nào khi bản tính con người của chúng đã mất! Chắc chắn là chúng nó sẽ sống như những con thú thực sự cho đến hết cuộc đời. Nỗi ám ảnh của chiến tranh rồi sẽ theo suốt cuộc đời nó. Ám ảnh ấy cũng sẽ theo suốt cuộc đời chúng tôi khi chứng kiến cảnh cả trăm người gái bị lột hết quần áo tả tơi đi giữa vòng vây quân thù. Sau này tôi còn được biết đơn vị nữ thanh niên xung phong ấy bị bọn địch bất ngờ tập kích. Gần như tất cả đều bị bắt, bị làm nhục. Một người con gái trong đơn vị có khẩu súng để canh gác đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Hết đạn cô sa vào tay giặc. Bọn địch thay nhau cưỡng hiếp cô bé đến chết đi sống lại. Dã man hơn chúng đã buộc cô bé trần truồng ấy ôm chặt lấy nòng pháo để làm mát súng khi bắn. Cô gái ấy co quắp cháy đen, chết khô trên nòng khẩu pháo 122ly của bọn giặc.
  Đã quá trưa. Tôi chợt thấy đói. Cái đói quằn lên trong bụng. Nhưng khi anh Thọ đưa cho nắm gạo sấy thì tôi lại không muốn ăn. Có cái gì đó đầy ứ anh ách trong bụng. Có lẽ là sự đau đớn, căm thù đã chứa chất đầy trong tôi sau khi nhìn thấy cảnh các em gái bị bọn giặc hành hạ tả tơi, co rúm, rét mướt kêu khóc thảm thiết ở nơi biên ải này mà mình đành bất lực không làm gì được.
Lại có tiếng ồn ào rậm rịch trên đường. Tôi giật thót người lo lắng nghển cổ nhìn ra mặt đường. Lần này là một toán người lôi thôi, lếch thếch cũng đang đi ngược về hướng biên giới. Họ là dân thường. Nhưng không phải là dân ta mà là dân bên phía đối phương. Họ bị bắt đi vận chuyển xăng dầu, đạn dược vượt qua biên giới phục vụ quân đội của họ. Lúc quay trở về họ tranh thủ nhổ sắn, bẻ ngô và bắt trộm trâu bò gà lợn của dân ta. Nhìn những người dân đối phương đói khát bẩn thỉu, lôi thôi, trên lưng gùi vác đủ thứ lấy được đang lôi kéo theo những con trâu, con lợn của dân ta. Tôi và anh Thọ cùng lẩm bẩm: "Mẹ kiếp! Đồ ăn cướp...". 
Có tiếng chân lịch bịch. Tôi ngẩnh đầu nhìn lên. Một con trâu mẹ và một con nghé chạy xuống sát chỗ tôi và anh Thọ đang nằm. Con trâu mẹ vừa cúi đầu gặm cỏ đã giật mình ngóc đầu lên nhìn. Nó đã trông thấy hai chúng tôi đang nằm ép mình trong bụi cây xấu hổ. Có lẽ nó ngạc nhiên không hiểu vì sao. Tôi nhìn chằm chằm vào mắt con trâu như muốm bảo nó hãy đi đi,  miệng khẽ "xuỳ... xuỳ...xuỳ..." để xua đuổi nó. Nhưng mẹ con con trâu vẫn không hiểu cứ đứng sững nhìn chúng tôi nằm ép trong bụi cây gai. Tôi lo lắng. Bọn địch trông thấy hai con trâu mà ngứa mắt lia cho một loạt đạn thì chúng tôi nguy to. Tôi vừa định thọc nòng súng ra để doạ con trâu thì bỗng đất đá tới tấp ném đến. Một người dân đối phương đang đứng trên đường ném để lùa hai con trâu đi theo đàn trâu ăn cướp được. Một hòn đá ném trúng lưng anh Thọ. Chắc là đau nên tôi thấy anh khẽ vặn người. May quá, hai con trâu lồng lên chạy theo đàn.
Đến cuối chiều sương mù lại buông xuống mù mịt. Bộ phận trinh sát của chúng tôi co cụm về gần chân núi đá. Sau khi nghe các chiến sĩ trinh sát báo cái tình hình, anh Thọ quyết định chọn lối mòn ngay dưới chân điểm chốt của địch để đến đêm đưa đơn vị vượt qua đường. Đây là một lối đi bất ngờ và có thể giữ được bí mật. Vì chỗ vượt đường quốc lộ sát vị trí chốt chặn của địch nên bọn chúng không thể ngờ hai nữa lại gần suối nước chảy ào ào sẽ át tiếng động của đoàn người vượt vây. Cũng bởi trong đội hình đêm nay bí mật vượt vây còn có gần một trăm người dân trẻ già, ốm yếu đều đủ cả.
Sau khi thống nhất ý kiến về phương án đưa đơn vị vượt đường quốc lộ, anh Thọ bảo:
- Bây giờ tao và một chiến sĩ trinh sát sẽ lên núi báo cáo tình hình với chỉ huy tiểu đoàn. Mày và thằng Tuất trinh sát tiếp tục bám đường. Khi đơn vị rút qua mày sẽ tiếp tục ở lại bên này đường chốt giữ, yểm hộ và rút theo phía sau cùng đội hình nhé!
- Rõ rồi! Anh cứ đi đi!
- Nhớ ám hiệu liên lạc là tiếng tắc kè kêu chẵn ba lần nhé!
- Vâng! Anh cứ yên tâm...
Anh Thọ và chiến sĩ trinh sát đi rồi tôi và thằng Tuất chui vào một khe đá tranh thủ chợp mắt. Khoảng nửa đêm chúng tôi sẽ trinh sát lại lối thoát một lần nữa để gần sáng đón đơn vị vượt đường. Mệt bã người và cả ngày căng thẳng nhưng tôi không sao ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là tôi lại thấy hình ảnh các em gái thanh niên xung phong không quần, không áo tả tơi lết đi trên con đường chiến tranh đầy máu và nước mắt.
Nửa đêm, tôi và Tuất lại lần ra hướng con đường quốc lộ. Chúng tôi đi dưới chân điểm chốt của bọn giặc. Hình như bọn chúng cũng đã ngủ nên không thấy bắn bừa bãi ra xung quanh nữa. Mặt đường quốc lộ cũng không còn bóng lính hay xe cộ của bọn địch qua lại. Gần sáng đơn vị vượt qua đường sẽ giữ được bí mật, an toàn. Tôi hy vọng là như vậy. Nhưng chúng tôi đã không phát hiện ra từ lúc chập tối có một chiếc xe vận tải của bọn địch bị chết máy ở giữa đoạn đường ngầm qua suối khuất ở phía sau quả đồi nơi bộ phận trinh sát chọn đưa bộ đội vượt qua đường.
Khi đội hình tiểu đoàn và nhân dân vượt qua đường gần hết thì chiếc xe vận tải của địch bất ngờ rú máy từ dưới con suối đang chảy ào ào vọt lên. Qua một đoạn cua ngắn ánh đèn pha sáng rực của chiếc xe vận tải đầy những tên lính giặc ngồi trên đã dọi thẳng vào đoàn người đang chạy qua đường. Đó là tốp cuối cùng do trung uý Tuấn, đại đội trưởng đại đội 1 chỉ huy. Tiếng súng, tiếng bọn địch hò hét rộ lên. Đạn địch từ trên quả đồi bên đường lập tức đổ xuống mặt đường như mưa. Có mấy người ngã sấp ngay trên mặt đường. Một số chiến sĩ đại đội 1 và đại đội trưởng Tuấn bị đánh bật trở lại mé bên này đường. Đang đi cuối đội hình, tôi vội nhao lên. Tôi gặp đại đội trưởng Tuấn đang nấp sau một mô đất. Không thể vượt qua đường được nữa vì bọn địch từ trên đồi đang lao xuống phối hợp với bọn ngồi trên xe vận tải chặn đường. Đường đạn của địch đan dày khắp mặt đường. Tiếng xích xe tăng địch xoang xoảng. Tôi và đại đội trưởng Tuấn quyết định dẫn số anh em chưa vượt được qua đường chạy ngược trở lại. Cũng may đại bộ phận tiểu đoàn và nhân dân đã vượt qua đường sang bên kia bờ suối lên được sườn núi bên kia an toàn.
Bọn địch tập trung hoả lực hướng về phía chúng tôi. Chúng tôi vừa nổ súng thu hút hoả lực địch vừa lùi dần về phía chân dãy núi đá nơi đơn vị vừa ém quân lúc nãy. Khi bám vào được lối mòn ngược lên đỉnh núi tôi dừng lại chờ đại đội trưởng Tuấn và các chiến sĩ đại đội 1. Bọn địch không truy đuổi mà chỉ bắn theo. Chúng tôi co cụm ở một hốc đá lưng chừng núi. Điểm lại quân số còn đúng mười bốn người, đủ các thành phần lính trinh sát, thông tin, vận tải và mấy chiến sĩ thuộc đại đội 1.
Theo điều lệnh chiến đấu của quân đội, anh Tuấn quân hàm cao nhất sẽ là người chỉ huy chung, tôi sẽ là chỉ huy phó. Kể từ đây, bộ phận của chúng tôi hoàn toàn bị tách khỏi đội hình của tiểu đoàn, độc lập chiến đấu. Và cũng kể từ đây chúng tôi bắt đầu những ngày gian khổ nhất trong vòng vây khép chặt của quân thù.
(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét