Tiếng sáo diều
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Thằng Hạng mặt mũi đỏ căng, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại chạy đến gọi tôi:
- Lão Câm đã vác diều ra đồng rồi! Đi thôi mày!
Tôi buông con dao đang thái bèo nhớn nhác ngó vào bếp. Mẹ tôi đang lúi húi nấu cơm chiều. Tôi xua xua tay ra hiệu cho thằng Hạng nói nho nhỏ thôi kẻo mẹ tôi nghe thấy. Đoạn, tôi túm tay thằng Hạng, hai đứa chạy tuông ra đầu ngõ.
Một đám trẻ con, người lớn đang rồng rắn đi theo sau lão Câm. Lão mặc độc một cái quần đùi nâu. Chiếc diều sáo kềnh càng lão vác trên vai. Đi sau lão là anh Cu Bân vai khoác một cuộn dây diều được vót bằng tre dẻo và dai. Tôi và Hạng nhanh chóng nhập vào đoàn người đi thả diều. Đoàn người đi về phía Nam của cánh đồng vừa gặt. Những gốc rạ đâm vào bàn chân trần đau đau, nhột nhột. Gió nồm nam lồng lộng thổi từ ngoài sông Đáy thổi vào, qua cánh đồng làng còn đẫm mùi lúa chín.
Đến gần cuối cánh đồng, lão Câm giơ bàn tay lên trời như định hướng và kiểm tra độ mạnh của gió. Đoạn lão ra hiệu cho anh Cu Bân chuẩn bị "đâm" diều, tức là phóng con diều lên trời. Muốn "đâm" được con diều sáo nặng lên bầu trời phải là một người khoẻ mạnh. Đồng thời, người giữ dây diều cũng phải khéo léo, điều chỉnh dây lèo luôn căng và phải biết kéo "nhử" cho cánh diều đón được đủ gió bay lên bầu trời.
Anh Cu Bân là người khoẻ mạnh, hiền lành thường được lão Câm giao cho nhiệm vụ "đâm" diều. Dây diều được buộc chặt vào một gốc duối già mọc trên bờ ruộng hay ven làng. Khi chiếc diều sáo đã "ăn" hết cuộn dây dài, bay lên đủ độ cao, định vị trên bầu trời thì tiếng sáo cũng ổn định.
Tiếng sáo diều vi vu trên cao vang xa khắp làng quê. Những đêm trăng sáng ngồi ở sân nhà mình thấy chiếc diều bay ngang trên đầu và tiếng sáo âm vang vào tận trong nhà khiến lòng người luôn thư thái, bình yên.
*
Lão Câm là người rất quý trẻ con. Tên thật của lão là gì đám trẻ con chúng tôi không biết. Lão sống một mình trong căn nhà tre nhỏ ở tít phía sau làng. Vì lão không nói được nên cả làng gọi lão là lão Câm. Tuy lão bị câm nhưng đôi tai của lão lại rất thính. Khi làm sáo diều chỉ thổi thử vào lỗ sáo là lão biết tiếng của nó sẽ hay, hay dở. Khi diều đã lên cao, nghe tiếng sáo hình như lão biết là độ ẩm không khí cao hay thấp, biết gió đang đổi chiều, ngày mai trời sẽ mưa, hay nắng. Lão thường ú ớ khua tay ra hiệu nhưng người làng ai cũng hiểu.
Lão Câm hay giúp bọn trẻ con chúng tôi làm những chiếc diều nhỏ. Lão lựa thanh tre, vót, uốn làm khung và phết giấy dán cẩn thận như khi làm con diều sáo lớn. Những chiếc diều lão làm giúp chúng tôi bao giờ cũng bay cao nhất. Chúng tôi cũng hay giúp lão đi tìm tre để vót dây diều, làm ống sáo. Tre dùng để vót dây diều không được già quá dễ gãy, non quá lại yếu, hay đứt. Tuỳ theo kích cỡ của diều mà vót sợi dây tre to, nhỏ. Những sợi dây diều vót bằng tre được lão Câm cuộn thành vòng cho vào nồi đồng lớn luộc từ sáu đến bảy tiếng trở nên mềm dẻo và rất bền.
Làng tôi xung quanh bao bọc bởi những bụi tre. Tre quây quanh bờ ao, bờ ruộng. Những cây tre dùng làm dây diều phải thật thẳng, thưa mắt, vỏ vây xanh đều, không sâu, kiến, không cụt ngọn. Nhà nào có cây tre được lão Câm xin làm dây diều cũng lấy làm vinh hạnh. Họ giúp lão chặt tre rồi vác về tận nhà cho lão. Sáo diều cũng được làm bằng tre. Đó là ống của những cây tre già, loại tre đanh, chắc, thịt màu đỏ nâu, khi gặp mưa gió không bị nứt nẻ, khoét làm sáo diều tiếng ấm, vang, ngân nga tha thiết như ai đang thổi giữa trời.
Tiếng sáo diều của lão Câm là ấn tượng êm ái suốt thời thơ ấu của tôi. Nó như tiếng hát thanh bình của quê hương tôi ngày ấy. Lần cuối cùng tôi được nghe tiếng sáo diều của lão Câm là một buổi chiều đầu thu. Tôi đang chuẩn bị nhập ngũ. Hôm đó tôi đang giúp mẹ dọi lại mái nhà bếp thì nghe tiếng sáo diều đột nhiên lạc tiếng. "Diều bị đứt dây rồi" - Tôi thảng thốt nghĩ. Các cụ thường nói "Diều lên mỏi cổ, diều đổ mỏi chân". Diều bị đứt dây có khi phải đuổi theo qua mấy cánh đồng mới tìm được chỗ nó bị rơi. Theo hướng cánh diều bay và tiếng sáo kêu lạc điệu, trẻ con, người lớn làng tôi ý ới gọi nhau đi "đuổi diều" (tức là đi tìm cái diều bị rơi). Tôi buộc vội mối lạt cuối cùng rồi lao ra cánh đồng.
Tôi cùng mấy người lớn và đám trẻ con đạp trên những gốc rạ, đuổi theo hướng chiếc diều đang cuốn theo đoạn dây đứt bay sang làng bên cạnh. Khi chúng tôi tìm được và hí hửng vác chiếc diều quay về thì ai đó chợt hỏi:
- Ơ! Lão Câm đâu rồi nhỉ?
- Lão ấy vẫn chạy phía sau cơ mà?
Chúng tôi ngơ ngác nhìn quanh. Lúc nãy thấy lão lật đật chạy theo, tôi còn bảo: "Lão già yếu rồi chạy theo làm gì, chúng cháu sẽ đưa chiếc diều về cho lão!".
Chúng tôi quay về làng. Chợt lại nghe tiếng người kêu cứu ồn ào ở phía bờ ngòi, nơi có những lò gạch của hợp tác xã. Tôi vội chạy ra. Tôi rẽ đám người đang xúm xít ven bờ ngòi len vào. Tôi giật mình khi nhìn thấy lão Câm tóc tai rũ rượi nằm sõng sượt im phăng phắc. Thì ra mải đuổi theo cánh diều rơi lão đã sa chân ngã xuống một cái hố sâu hoắm ngập nước người ta đào lấy đất làm gạch. Lão Câm ú ớ kêu cứu. Nhưng tiếng lão không phải là tiếng người nên đám thợ đang đóng gạch ở gần đấy không chú ý. Khi người ta phát hiện ra thì đã quá muộn mất rồi.
Ba mươi năm đã qua, ngồi viết lại truyện này, tôi vẫn thấy văng vẳng bên tai tiếng sáo diều của lão Câm dìu dặt trên bầu trời quê hương ngày nào.
Hà Nội, ngày 17-8-2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét