Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

Truyện ngắn Bến sông xưa

Bến sông xưa
Truyện ngắn của Trọng Bảo
       Buổi sáng mùa đông ảm đạm. Kinh thành còn chìm lẫn trong sương sớm. Sau biến cố thất triều, phố phường chưa trở lại được cái nếp sinh hoạt cũ. Hàng quán khai môn muộn hơn. Thi thoảng có một tiếng hú và tiếng vó ngựa rần rật vút qua. Đó là đám lính chạy chiếu thư của tân triều truyền lệnh cho các bộ. Đã bao đời nay việc thay ngôi, đổi chủ thường diễn ra trong loạn ly, máu chảy. Cũng có lúc là sự chuyển giao ôn hoà. Nhưng dù là hình thức chuyển giao chế độ như thế nào thì đám vương gia cựu triều cũng lâm vào thế thất sủng, hoảng loạn, ly tán. Thiếu gì chuyện kẻ mới lên ngôi lo việc diệt trừ tận gốc rễ để phòng hậu họa. Vậy nên việc họ Hồ tiếm ngôi nhà Trần khiến đám quan lại, họ hàng thân, sơ triều cũ bàng hoàng, kinh hãi. Nhiều người phải bỏ kinh trôi dạt tứ phương.
          Lại nói về một buổi sáng mùa đông ảm đạm. Dòng Nhị Hà sóng lặng. Thuyền bè hai bờ tả hữu còn gác mái chờ sáng. Trong cái khoảng tĩnh không ấy có một con thuyền nhỏ lặng lẽ rời bến Chương Dương. Con thuyền cố tránh va chạm với những thuyền bè khác gây nên tiếng động lớn.
          Chiếc thuyền nhỏ ra đến giữa sông thì quay mũi ngược phía thượng nguồn. Nước sông chảy xuôi miết vào mũi thuyền tạo nên tiếng rào rào như xé. Chủ nhân con thuyền ấy là đôi vợ chồng trẻ. Họ rời kinh thành không hẳn vì sợ loạn ly, có lẽ là cám cảnh suy tàn của một vương triều đem lại bao nhiêu đau thương cho lương dân. Hoặc là họ chưa thích ứng được với tân triều. Có nghe chuyện Hồ Quý Ly tuy là một võ tướng nhưng có tư tưởng canh tân, mưu vãn hồi tình cảnh đất nước, song vốn dĩ là người cầu an nên Trần(1) vẫn quyết định cùng vợ rời bỏ kinh đô lên miền sơn cước tá túc. Họ đem theo một vài gia nhân, những tay chèo khoẻ mạnh. Mái chèo chém vào sóng nước tạo nên những âm thanh gọn gàng, chắc khoẻ. Con thuyền lướt đi trong màn sương sớm lạnh lẽo và ẩm ướt. Trần ngồi ở mũi thuyền, mắt đăm đăm nhìn về phía trước ước lượng từng đoạn đường sông. Chàng có vẻ suy tư, lo cho những điều bất định của ngày sau, không biết đoạn trường phía trước rồi sẽ ra sao. Nhưng rồi Trần lấy lại sự bình tâm, tin ở tuổi trẻ và lời dặn của cố nhân “hữu siêng, tất phú”.
          Chợt có hơi ấm toả ra ở phía sau lưng, Trần quay lại. Đặng Thị(2) - vợ Trần nhẹ nhàng khoác cho chồng tấm áo choàng. Nàng hỏi chồng:
          - Chàng có điều gì phải lo nghĩ? Có phải chàng ngại nơi thâm sơn, tùng cốc khó bề kiếm kế sinh nhai?
          - Ta không lo sự tồn tại bởi siêng năng thì chẳng sợ gì khó nghèo!
          - Thế chàng còn lo nỗi gì nữa?
          - Ta lo tại sự tồn sinh!... - Trần nói giọng buồn buồn, ánh mắt nhìn vô định. Đặng Thị hiểu chồng. Hai người lấy nhau đã lâu, đều trẻ trung mà mãi chưa sinh được mụn con nào. Chồng nàng lo lên vùng rừng sâu, nước độc, lao động vất vả, thiếu người nối dõi tông đường, ít nhân lực để khai sơn, phá thạch. Đặng Thị lây nỗi buồn của chồng. Nàng lặng lẽ ngồi xuống bên Trần. Một cơn gió lạnh lùa sương sớm tạt lên mặt người khiến đôi vợ chồng trẻ rùng mình. Họ càng hiểu sự tha hương và những nỗi chuân chuyên đang chờ ở phía trước.
          Con thuyền đến ngã ba Hạc Trì thì mặt trời đã lên độ một con sào. Mặt nước quang quẻ. Sóng dồi lớp lớp từ nguồn Lô, nguồn Thao tạo nên sự mênh mông của dòng sông đổ về phía hạ lưu. Một đàn hạc trắng chợt bay ngang sông, tiếng kêu thảng thốt vọng lan mặt nước. Hai vợ chồng Trần Đặng Thị sững sờ trước cảnh non nước thần tiên. Ngước lên phía thượng nguồn là núi Nghĩa Lĩnh thờ Tổ uy phong, bên tả, bên hữu là hai dãy Ba Vì và Tam Đảo trấn vững. Trần thốt lên: “Quả là một nơi ẩn cư, dụng chí”.
          Trần bảo đám gia nhân tìm bến neo thuyền, dò phong thuỷ định nơi dựng trại. Thấy địa trang Sơn Đông vốn là miền gò đồi rừng rậm bao phủ, sinh cảnh nghèo nàn chưa ai khai phá lại có vượng khí lan toả nên Trần bàn với vợ dừng chân định cư. Họ chặt cây rừng dựng buộc thành kèo cột, đắp tranh cỏ làm mái toan tính việc khai hoang, lập ấp. Nhưng buổi đầu ở chốn thâm sơn việc cấy lúa, trồng ngô khoai đâu dễ. Lúa cấy không quen thuỷ thổ nên lay lắt chẳng chịu làm đòng, hạt ngô vùi xuống đất chim chuột moi lên ăn hết. Cái đói, cái lạnh rập rình vây bủa. Nhưng bao giờ cũng vậy, bức bí cùng đường tất sinh sáng kiến. Một bữa vào rừng bẫy thú, lúc ngồi nướng thịt dưới gốc cây dọc, vun lá khô nuôi mồi lửa Trần chợt thấy những cái hạt cây bằng ngón tay khô đen cháy rần rật như nến. Đó là hạt quả dọc. Trần nảy ra ý nghĩ ép hạt dọc lấy dầu đốt thay cho mỡ lợn vốn là loại thực phẩm rất quý.
          Ép dầu dọc là một việc công phu. Hạt quả dọc được nhặt về đạp trầy vỏ, phơi ưởi cho ngót bớt nước, giã dập vỡ, đem đồ lên như đồ xôi. Khi mùi thơm nồng ngậy bốc lên là hạt dọc đã chín có thể đem ép lấy dầu. Dụng cụ để ép dầu dọc là một khung gỗ lim. Một đầu khung gỗ được chôn xuống đất thật chắc. Phía thanh xà sát đất đục một lỗ nhỏ để khóa đầu hai tấm ván ép. Thanh xà phía trên đục một rãnh dài để lắp phần trên của hai tấm ván. Hai tấm ván ép dầu dọc như một cái kẹp lớn. Hạt quả dọc đồ chín còn nóng bỏng được đổ vào bao gai gói lại gài vào giữa hai tấm ván ép. Đoạn dùng nêm chêm vào hai đầu rãnh làm hai tấm ván ép chặt vào nhau. Hạt quả dọc nóng bị ép chặt, tinh dầu thoát ra chảy xuống chậu sành. Dầu dọc sánh như mật ong nhưng sẫm hơn, toả ra mùi thơm dìu dịu. Dầu dọc cháy sáng hơn, không khét, nổ lép bép như mỡ lợn lại rất thơm, xua được âm khí.  
           Nhờ học được nghề ép dầu dọc mà cuộc sống của gia đình họ Trần ở Sơn Đông đỡ vất vả hơn. Việc ép dầu dọc thường làm vào buổi đêm để tránh nắng làm dầu hao. Ban ngày Trần gánh dầu đi bán rong khắp chốn. Một bữa, đi qua đền thờ Tây Thiên quốc mẫu(3) nổi tiếng linh thiêng Trần bèn đem dầu dọc vào cung tiến cho đền chùa. Sư cụ trụ trì bảo chàng thắp một nén nhang và lạy tạ Quốc mẫu cầu đảo. Lúc ra đến cửa thì trời đất mù mịt mưa gió, Trần xin nghỉ lại tại chùa. Đêm ấy, Trần ngủ mơ thấy có người đến bên giường bảo: “Tiên đồng giáng thế ắt sinh anh kiệt”. Trần bừng tỉnh nghĩ mãi mà vẫn chưa hiểu sự thể thế nào.    
*
          Khi chồng đi bán dầu Đặng Thị ở nhà quản bọn gia nhân ép dầu, làm ruộng. Nàng còn son rỗi nên phóng túng. Một hôm trời nắng, đi cấy ở ruộng về, nàng ra sông Lô tắm. Nước sông trong xanh, nhìn như thấu đáy. Cá tôm lao xao, có con nhảy vút lên khỏi mặt nước khi nàng dìm mình xuống nước. Một toà bảo tháp thiên nhiên ẩn hiện. Dòng nước mát tràn ứ dập dềnh. Thít chặt dải yếm, nàng thoả sức vẫy vùng. Sau khi lặn ngụp đã thích, Đặng Thị bơi về phía bờ. Chợt nàng thấy dòng sông như nghiêng đi. Những cuộn sóng cuộn tròn từ phía giữa sông lăn về phía bến. Đặng Thị ngỡ ngàng nhìn ra. Một con giao long trồi hẳn lên mặt nước quẫy đảo, vảy rồng lấp lánh, sắc khí, hương thơm lan toả khắp mặt sông. Thoạt đầu Đặng Thị hoảng sợ. Sau nàng thấy bình tĩnh lại. Con giao long tạo nên những làn nước như búi dây vô hình quấn riết quanh người nàng. Ngực nàng như bị xiết chặt, dải yếm đứt tung. Nàng cảm nhận được sự mơn man khắp da thịt, có một sự xâm nhập kỳ lạ vào cơ thể. Nàng thấy đê mê, bồng bềnh không trọng lượng tưởng sắp tan biến vào dòng nước.
          Hồi lâu dòng sông Lô lặng sóng. Con giao long biến mất. Lạ quá, trời sập tối. Bóng tối như tấm lụa đen che chở cho nàng về sơn trại tránh mọi con mắt tò mò của sinh linh trên bến, dưới thuyền.
          Sau bận ấy Đặng Thị thụ thai. Trần mừng lắm. Đặng Thị sinh hạ được một cậu con trai khôi ngô. Trần nhớ chuyện gặp mộng ở đền Mẫu quốc bèn đặt tên con là Hãn, lót thêm chữ Nguyên. Nguyên Hãn(4) lớn lên có sức khoẻ hơn người, lại thông minh sáng dạ, vợ chồng Trần Đặng Thị mừng lắm. Nguyên Hãn giúp bố mẹ chăn trâu, kiếm cá và phụ gánh dầu dọc đi bán. Từ bé Nguyên Hãn đã thích tập kiếm cung, võ thuật lại giỏi bơi lội, đi dưới nước như đi trên cạn. Một hôm ngồi trên bến Đông Hồ câu cá, Nguyên Hãn chợt trông thấy giữa dòng nước xiết một xác người trôi dạt lập lờ. Không do dự, Nguyên Hãn ném cần câu lao xuống nước kéo cái xác vào bờ. Đó là một người con gái trẻ bị chết trôi. Nguyên Hãn đưa cái xác lên chôn cất cẩn thận trên bãi cao. Sau khi đắp điếm mồ mả xong xuôi, cảm thương không muốn để tử nữ vô danh Nguyên Hãn bèn đặt cho nàng một cái tên là Duy để ghi lên bia mộ. Nguyên Hãn chắp tay cầu khấn: “Nàng phận bạc, gặp nạn thiệt thân! Ta chẳng cứu được người, chỉ đắp được cho nàng một nấm mồ. Về sau nếu ta có gặp sự rủi ro, mong nàng phù hộ…”.
          Chuyện tưởng thế là thôi nhưng sau này khi đầu quân tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, một trận bị giặc Minh vây hãm, dùng chó săn truy đuổi Nguyên Hãn phải chui trốn trong hốc cây bồ đề. Khi đàn chó săn đánh hơi sục đến Nguyên Hãn nhẩm khấn gọi tên người con gái chết trôi năm xưa. Bỗng đâu có một con cáo trắng từ trong hốc cây chạy vọt ra dụ đàn chó săn hung dữ đuổi theo. Nhờ vậy mà Nguyên Hãn thoát chết.
          Lại nói thêm về thuở thiếu thời, Nguyên Hãn thường giúp cha mẹ làm ruộng, cuốc nương. Chàng vẫn thường cày cuốc ở khu gò đất hoang gần nhà. Một hôm, Nguyên Hãn đào được một thanh sắt dài, trông từa tựa như lưỡi gươm, đem về cất vào góc nhà. Đêm đến thấy ánh sáng lấp lánh từ thanh sắt toả ra. Đoán là báu vật, Nguyên Hãn giữ gìn cẩn thận, lựa những buổi đêm rỗi việc đem ra mài ở hòn đá lớn cạnh Vụng Tó. Hòn đá mài gươm mòn vẹt đi còn thanh sắt lộ hình lưỡi gươm sáng quắc và sắc như nước. Một lần đi bán dầu qua bến đò sông Phó Đáy đoạn qua làng Phú Hậu gặp lúc lão hàng chài kéo lưới từ dưới sông lên nhặt được cái chuôi gươm, Nguyên Hãn liền đổi ba gáo dầu dọc lấy cái chuôi đem về lắp vào lưỡi gươm vừa khít. Chàng thích lắm luôn đeo thanh gươm bên mình. Một tối Nguyên Hãn đi đặt đó đơm cá, nửa đêm kiểm tra các lờ, đó đều đầy tôm cá nhưng sáng ra thì đã rỗng không. Nghi có trộm, chàng liền để ý đi rình. Đêm sau từ chỗ nấp, chàng thấy có bóng người cao lớn lần tìm những lờ, đó của mình lấy tôm cá ra nhai sống. Nguyên Hãn ập đến rút gươm ra dọa. Trong đêm tối lưỡi gươm toả ra một thứ ánh sáng xanh lạnh sắc. Người kia hoảng sợ khụy xuống không chạy nổi. Thì ra đó là một con ma có dáng hình, mặt mũi kỳ quái. Con ma sợ hãi van nài:
          - Ngài nhờ có gươm thần nên mới bắt được tôi. Nay nếu được tha tội, tôi xin biếu ngài một cái áo. áo này có trăm cái cúc, nếu cài đủ sẽ có sức tàng hình không ai nhìn thấy được.
          Nguyên Hãn nhận cái áo. Quả là nó có thể giúp con người tàng hình. Chàng gọi nó là ma y. Cái áo của con ma đã giúp Nguyên Hãn nhiều lần thoát nạn hiểm nghèo, lập công lớn, chém đứt lìa đầu tướng giặc Liễu Thăng trong trận đánh ở quan ải Chi Lăng sau này.
          Khi Nguyên Hãn mười tám tuổi thì cha mẹ đều chết. Nguyên Hãn dẫn hơn một ngàn quân lặn lội từ miền Sơn Đông, Lập Thạch(5) vào Lam Sơn, Thanh Hoá giúp Lê Lợi lập nghiệp. Nguyên Hãn được Lê Lợi trọng dụng bởi tài năng quân sự xuất chúng, cầm quân bách trận, bách thắng, được giao trọng trách đứng đầu hàng quan võ, cùng ngồi trong trướng với chủ soái bàn việc kín…
Khỏi phải nhắc lại những công danh của Nguyên Hãn, bởi sự ấy mọi người đều rõ.
    *
          Một sáng, cũng phải đến hơn một năm sau ngày lập quốc, Hoàng đế thiết triều với dáng vẻ mệt mỏi. Những năm khởi nghiệp nếm mật, nằm gai, đói rét khiến nhà vua suy kiệt sức lực, lại buồn chuyện Quận vương(6) bậy bạ, lộng quyền, lo lắng bọn Văn Xảo(7) vốn gốc rễ Kinh Lộ sau này có chí khác. Giữa lúc đó thì Nguyễn Trãi dâng biểu tâu việc ghi danh các vị khai quốc công thần để lưu truyền muôn thuở. Liếc thấy tên Nguyên Hãn được viết ở cột nhất, nhà vua chau mày. Khi Nguyễn Trãi lui xuống, nhà vua cầm cây bút lông chấm mực gạch một nét, xoá tên Nguyên Hãn trong bản danh sách công thần. Nguyễn Trãi nhác thấy rùng mình, đổ mồ hôi hột như có cơn gió lạnh chạy dọc sống lưng. Nguyên Hãn đứng ở xa thì bỗng tối tăm cả mặt mũi tựa có ngọn roi quất ngang mặt. Cố ngước lên nhìn nhà vua, Nguyên Hãn kinh ngạc chợt nhận ra dung nhan thật của Hoàng đế thái tổ. Giữa lúc ấy lại nghe như có tiếng nói vang vọng bên tai: “Đế Việt Vương chi tướng, bất khả đồng diệc lạc” (Nhà vua có tướng mạo như Việt Vương, không thể cùng hưởng yên vui, sung sướng được).
          Vậy nên mặc dù được Lê Lợi trọng dụng, Nguyên Hãn vẫn có ý quy hưu. Trước việc Nguyên Hãn cáo quan về vườn nhà vua mừng lắm, coi như bớt một mối lo hậu họa. Nhà vua hạ chiếu cho Nguyên Hãn từ quan về quê, đòi mỗi năm phải về kinh chầu một lần. Hơn mười năm bôn ba chinh chiến, Nguyên Hãn vẫn để vợ con ở Sơn Đông làm ruộng, ép dầu dọc…
Nguyên Hãn về đến bến đò sông Lô thì gặp một cụ già tóc râu trắng như cước chặn lại hỏi:
          - Gươm báu đâu rồi?
          - Ta đã trao cho chủ soái rồi!
          - Thế còn ma y?
          - Cũng đưa để nhà vua lập nghiệp!
          Cụ già nghe vậy lắc đầu thở dài không hỏi thêm nữa và buông áo để Nguyên Hãn đi. Nguyên Hãn đi vài bước quay lại đã không còn thấy cụ già đâu nữa. Nguyên Hãn về làng xây phủ đệ, đóng thuyền đánh cá lại hay tụ tập bạn sơn tràng bàn việc điền viên. Bọn gian thần trong triều vốn căm ghét Nguyên Hãn bởi bản tính cương trực nên mượn cớ ấy để dèm pha khiến nhà vua thấy lòng dạ bất yên. Nhà vua hạ chiếu cho triệu Nguyên Hãn về kinh. Khi nghe quan khâm sai truyền chỉ, lại thấy các lực sỹ xá nhân đao kiếm hầm hè đứng đen trên chiến thuyền đậu ở bến sông Nguyên Hãn liền dặn dò đám gia nhân việc hậu sự, từ biệt vợ con. Ra đến bến sông, Nguyên Hãn ngửa mặt lên trời than:
          - Tôi với vua cùng mưu việc cứu dân, lập quốc! Nay khi việc lớn đã thành, nhà vua sớm quên chuyện đồng cam cộng khổ, lại mưu bức hại tôi. Xin trời cao thấu tỏ!
          Khấn xong cười ha hả mà bước xuống thuyền. Đấm quân binh lấm lét nhìn Nguyên Hãn. Thuyền ra đến giữa sông thì neo lại. Quan khâm sai bảo:
          - Nhà vua ghi nhớ công lập quốc nên cho ngài được chết toàn thây!
          Đoạn sai tứ nhị lực sĩ trói Nguyên Hãn lại. Nguyên Hãn mặt không biến sắc mặc cho bọn lực sĩ bắt trói. Đám lực sĩ  dùng dây thừng xiết cổ để giết chết Nguyên Hãn. Chúng ra sức kéo hai đầu dây. Vòng dây thừng thít chặt cổ mà Nguyên Hãn mãi vẫn không chết. Ngài vẫn cười ha hả mà nói:
          - Ta là con cháu của giao long làm sao giết nổi?
          Đám quan quân, lực sĩ vung gươm đao định chém, Nguyên Hãn bảo:
          - Để ta tự trầm!
          Nguyên Hãn vùng vẫy, dây trói đứt lả tả. Ngài vẫn cười ha hả nhưng nước mắt thì lại trào ra giàn giụa đỏ tươi như máu. Bỗng giông gió nổi lên mù mịt. Cả một đoạn sông Lô ầm ầm tiếng sét nổ, sóng nước cuồn cuộn, thuyền bè chao đảo, tôm cá nhao lên. Đám quan quân triều đình vô cùng hoảng loạn. Nguyên Hãn bước ra mạn thuyền gieo mình xuống dòng sông sâu.
          Một lúc sau, trời trở lại quang quẻ, sóng nước bình yên. Quan quân triều đình trông thấy một con giao long đang từ từ chìm xuống đáy sông, sóng nước trào lên ngầu đỏ.
          Khi Nguyên Hãn nhảy xuống sông tự sát cũng là lúc vua Lê đang ngồi cùng đám cận thần uống rượu. Nâng ly rượu lên định uống, nhà vua chợt kinh hãi nhìn thấy ly rượu của mình đỏ rực màu máu. Nhà vua lập cập buông rơi cái ly. Ly rượu vỡ tan, màu đỏ tràn loang trên nền điện. Hoàng đế buột miệng thốt lên: “Ta chót nghe theo lời sàm tấu vu cáo đã gây nên họa lớn cho Nguyên Hãn mất rồi!”.
*
          Đêm đã về khuya. Sương lạnh ngưng tụ thành giọt rơi lộp bộp ngoài sân.
Câu chuyện của cụ thủ từ Đền Thượng vẫn còn dài. Tôi lặng lẽ ghi chép và cảm nhận sự linh nghiệm như vẫn còn hiện hữu. Ngoài bến Đông Hồ sóng sông Lô vỗ vào bờ đều đều tạo nên những âm thanh day dứt mãi đến muôn đời.
Cụ thủ từ chợt ngừng câu chuyện và bảo tôi: “Thôi chú đi nghỉ đi! Mai là ngày chính giỗ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, nghe nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ về thắp hương cùng dân làng Sơn Đông tưởng nhớ người xưa. Hai vị danh tướng ấy tuy âm dương cách biệt nhưng hình như có sự đồng cảm với nhau đấy chú ạ…”.
                                                                 Lập Thạch 12-2006
-----------
Chú thích:
(1)- Tức Trần Án, bố Trần Nguyên Hãn.
(2)- Tức Đặng Thị Hoàn, mẹ Trần Nguyên Hãn.
(3)- Thuộc khu vực núi Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
(4)- Tức Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, nhân vật trong truyện ngắn dã sử này.
(5)- Thuộc tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay.
(6)- Thái tử Tư Tề, do tính khí ngông cuồng sau bị phế xuống làm thứ dân.
(7)- Tức Phạm Văn Xảo, người nổi tiếng văn thơ và tài năng quân sự ở Thăng Long…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét