Thời trai trẻ
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Dễ đến ngót bốn mươi năm rồi gã mới về làng.
Một đời phiêu bạt quê người, làm dân ngụ cư tứ xứ trong lòng gã luôn luôn có cái cảm giác tha hương. Quê hương bây giờ quang cảnh xưa cũ không còn nữa. Nhưng khi vừa bước chân lên bến sông quê, nhìn thấy cây gạo già sù sì, mốc meo trong lòng gã chợt thấy nao nao. Đất phù sa dưới chân râm ran như nhận ra bàn chân gã đã từng qua đây hơn ba mươi năm trước. Bến sông làng nhộn nhịp hơn xưa. Đám thanh niên vác cờ trống qua sông lên thị xã cổ vũ bóng đá. Lũ con gái đã đến tuổi hay “đi đêm” bê chậu quần áo ào xuống bến. Không ai biết gã là ai. Phải đến hơn chục năm sau khi gã rời làng ra đi chúng mới sinh ra nên làm sao mà biết gã. Cũng có mấy cô cậu tò mò nhìn ông già mặt mày khô héo đang dò dẫm leo lên dốc. Chắc họ nghĩ gã là một kẻ hành khất qua đường.
Về đến đầu làng, gã dừng lại quan sát. Không thấy dấu tích ngôi miếu cổ và cây duối già ở đâu. Có lẽ chỗ cây duối và ngôi miếu chính là cái nhà văn hoá của làng bây giờ. Một con đường thẳng tắp, láng xi măng chạy xuyên qua làng. Đây chính là con đường khấp khểnh những mô đá, bụi cây chạy dọc hai xóm ngày xưa mà gã hay đi về. Làng xóm thay đổi nhiều quá, chả còn nhận ra nhà nào nữa. Gã định tìm và nhà thằng em họ nhưng không biết lối nào mà lần. Gã tần ngần rồi dừng lại đánh tiếng hỏi một bà đang hái rau muống ở đám ruộng bên đường:.
- Cụ ơi! Cho tôi hỏi nhờ một tý!
Bà già dừng tay ngẩng mặt lên.
- Ơ… ơ….
Cả gã và người đàn bà đều há mồm rồi kêu lên. Họ đều nhận ra nhau. Gã lúng lúng chào không thành tiếng. Mãi gã mới sực nhớ và hỏi:
- Cô… cô… À… bà… bà cho tôi hỏi lối vào nhà chú Tiết?
Người đàn bà cũng ấp úng mãi mới trả lời:
- Đi… đi… thẳng đến chỗ ngôi nhà hai tầng kia rẽ trái là đến.
Gã ậm ừ trong cổ “vâng… vâng…” rồi quýnh quáng bước đi. Người đàn bà cứ đứng sững mãi giữa ruộng rau nhìn theo hút lão. Từ khoé mắt nhăn nheo của bà ứa ra một giọt lệ.
*
Ông em họ gã vừa bưng mâm lên vừa bảo:
- Mời bác ăn cơm rồi nghỉ sớm cho đỡ mệt đi đường xa thế!
Gã nhìn mâm cơm đầy những thức ăn ngon. Quả là bây giờ khác ngày xưa nhiều quá. Ngày gã còn ở làng cơm độn sắn chả đủ ăn. Ngày ấy gã là thằng thanh niên to khoẻ nhất làng. Khi gánh bùn vớt từ dưới ao lên đổ ruộng mỗi gánh của gã đều từ bảy tám mươi cân trở lên. Ông thư ký đội sản xuất lần nào ghé vai nhắc nửa gánh bùn của gã để cân đều méo cả mặt vì nặng. Đi gánh lúa cũng vậy. Có hôm gã chất lúa nặng quá gãy cả đòn gánh phải dùng bằng đòn ống mới chịu nổi. Gã làm khoẻ nhưng ăn cũng khoẻ. Mỗi bữa gã phải ăn hết năm đến sáu lạng gạo. Ngày ấy chỉ có cơm là chủ yếu, thức ăn chả có gì. Có tinh bột lèn chặt dạ dày là tốt lắm rồi. Bây giờ nhìn mâm cơm ú ụ những món ngon, gã lại bùi ngùi nhớ ngày còn ở làng. Ông em họ giục:
- Bác ăn đi rồi nghỉ sớm…
Lão đắn đo một lúc rồi hỏi:
- Lúc nãy tôi gặp bà Sâm ở đầu làng… Bà ấy hiện nay thế nào chú nhỉ?
- Bà ấy sống một mình ở cuối làng.
- Thế con cháu của bà ấy làm gì?
Ông em họ trố mắt nhìn gã lộ vẻ ngạc nhiên và hơi bực tức. Nhưng rồi chợt nhớ ra là gã đã biệt tăm gần bốn chục năm nay mới về làng nên ông dịu lại. Ông bảo:
- Bà ấy làm gì có chồng mà có con cháu…
- Thế…
- Thế gì! Tại bác mà bà ấy nhỡ nhàng, khốn đốn vậy.
- Tại tôi…
Ông em họ lại lộ vẻ bức xúc:
- Thì tại cái vụ bác với bà ấy nên…
Gã đặt đôi đũa xuống mâm. Miếng thịt gà đang nhai trong miệng gã bã ra, nhạt thếch. Gã ngượng ngập nhìn ông em họ. Nét mặt gã sạm đi, nhăn nhúm. Trong đầu gã câu chuyện từ ba mươi tám năm trước chợt hiện lên.
Ngày ấy gã khoẻ như trâu. Ăn uống kham khổ, làm việc quần quật mà sinh khí trong người gã cứ rừng rực chỉ chực phì ứa ra. Sáng nào ngủ dậy gã cũng phải thay giặt cái quần lót ướt nhoe nhoét. Gã luôn luôn thấy bức bối, ham muốn. Nhìn đám con gái xắn cao quần tận bẹn, căng mông cúi người vớt, đập bèo hoa dâu là trong đầu gã lại nghĩ đến nhiều chuyện hấp dẫn.
Trong đám con gái làng ngày ấy cô Sâm tuy không đẹp nhưng có nhiều nét hấp dẫn đến mê mẩn gã. Là một thôn nữ mà cô có nước da trắng như bột lọc. Bộ ngực của cô nở nang, tròn trịa nhìn đến đau nhức cả hai mắt. Gã cứ phừng phừng như đang bị sốt mỗi khi nhìn thấy cặp đùi trần tròn trịa và trắng mịn của cô Sâm. Gã cứ hình dung về phía trên cặp đùi ấy như thế nào. Một lần gã ngồi sinh hoạt đoàn phía sau cô Sâm. Gã chả nghe được câu nào của anh bí thư chi đoàn đang phổ biến nghị quyết. Trong đầu gã chỉ nghĩ đến thân hình tròn lẳn, hấp dẫn của cô Sâm đang ngồi ở hàng ghế phía trước. Đột nhiên một trận gió mạnh thổi tắt phụt chiếc đèn trên bàn chủ toạ. Không cưỡng lại được, gã liền thò tay luồn qua nách cô. Khi bàn tay gã vừa kịp chạm vào một bầu vú to tròn căng mềm mại đầy sự hấp dẫn thì Sâm đẩy tay gã ra chuồi người đứng bật dậy. Cô biết ngay thủ phạm vừa sờ soạng mình là ai nhưng không dám kêu vì sợ và xấu hổ.
Sau lần ấy cô luôn tìm cách tránh xa gã. Nhưng gã không để cô yên. Gã luôn tìm cách để sát lại gần Sâm. Chi đoàn lao động gây quỹ mua tặng phẩm tặng đoàn viên nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Mọi người bàn lên núi chặt củi bán. Lên đến rừng thấy gã kè kè bên mình Sâm sợ lắm. Cô phải luôn đi sát đám con gái. Thế mà cũng không tránh khỏi một lần hơi châm chân khuất sau gốc cây cổ thụ cô đã bị gã bóp mạnh trên ngực. May mà ngày ấy con gái toàn đeo loại “phụ tùng” cứng như nắp ấm nhôm nếu không thì cô bị thâm tím hết ngực.
Trên đường về Sâm càng hoảng vì mình sức yếu, với gánh củi độ bốn mươi cân mà cứ bị tụt lại phía sau. Thấy gã dừng lại như có ý chờ cô tái mét mặt, tim đập thình thịch. Hai chân Sâm líu díu bước không nổi khi lên dốc. Gã dừng lại bên lối đi. Sâm lập cập đi đến. Gã nhấc luôn gánh củi trên vai cô đặt lên vai mình. Hai vai hai gánh củi mà gã cứ đi phăm phăm. Sâm cầm con dao chặt củi cứ phải chạy gằn mới kịp gã. Về đến gần làng Sâm bảo:
- Trả lại tôi gánh củi đi…
- Hừ… thêm một đoạn nữa, đến đầu làng đã…
Đến đầu làng, gã đặt gánh củi của Sâm xuống. Cô chờ gã bước đi mấy bước mới dám đến nhấc gánh củi của mình lên vai.
Sau mấy bận không thấy Sâm phản ứng quyết liệt nên gã càng lấn tới. Nhưng dù sao cũng chỉ là quờ quạng bên ngoài. Lúc thì chạm ngực, lúc xoa lưng, véo sườn Sâm. Gã càng thấy bức bối muốn biết sau lần vải quần áo những bí mật của người con gái như thế nào. Chính sự nghĩ ngợi, hình dung làm cho gã thêm nhiều buổi sáng ngủ dậy phải đi giặt quần lót. Gã quyết tâm phải đạt đến mục địch cuối cùng của mình.
Thời cơ giúp cho gã làm việc ấy là một buổi trưa trên bãi ngô vắng vẻ ven sông. Sâm mải cắt cỏ quên mất đã quá trưa. Khi cô giật mình ngẩng lên nhìn thì bãi sông đã vắng ngắt. Mọi người đã vượt qua đê về làng. Sâm cuống quýt vơ vội những đống cỏ non vừa cắt ấn vào quang gánh. Cô chưa kịp nhấc gánh cỏ lên vai thì có tiếng loạt soạt từ trong bãi ngô đang trổ cờ cao vút đầu người. Gã bất ngờ xuất hiện ngay trước mặt Sâm. Cô hốt hoảng khi nhìn thấy ánh mắt thèm muốn của gã. Sâm hất gánh cỏ khỏi vai định bỏ chạy. Nhưng cô chỉ chạy được vài bước đã nằm gọn trong vòng tay to khoẻ của gã. Cô trằn người quẫy đạp vùng vẫy. Nhưng cô làm sao mà thoát khỏi vòng chắc chắn như cái đai thùng của gã. Gã đè nghiến cô xuống rãng ngô. Gã giật đứt tung hàng cúc áo ngực Sâm. Cái cooc-xê lật ra. Gã nhìn như hút hồn vào cặp vú to tròn với đôi nhũ hoa màu đỏ sẫm. Sâm van vỉ xin gã buông tha cho cô. Nhưng tiếng kêu của cô hốt hoảng, lập cập tuyệt vọng. Bàn tay của gã lần xuống phía dưới. Sợi chun quần của Sâm đứt phựt. Cả hai lăn lộn thêm một lúc nữa. Sâm bất lực nằm im khi gã đã đặt được cái muốn đặt vào vị trí. Chỉ cần gã rướn người lên một cái là cô sẽ mất tất cả. Cô bưng mặt khóc nức nở rồi đột nhiên gào lên: “Ôi mẹ ơi!”.
Nghe tiếng cô gọi mẹ gã sững lại. Cả người gã co rúm như bị điện giật. Gã lật người lăn sang một bên nhỏm người dậy ngơ ngác nhìn Sâm. Sâm cũng ngồi dậy. Gã lẩm bẩm: “Sâm về đi!”. Sâm lảo đảo đứng dậy. Rồi cứ thế một tay túm cạp quần, một tay giữ ngực áo, cô vừa khóc vừa chạy lên bờ đê. Có ai đó nhìn thấy cô như vậy vội kêu cứu. Rồi tiếng người hô hoán, hò hét loạn xạ trên bờ đê. Đám người cầm gậy gộc, xẻng cuốc lao xuống bãi ngô để bắt kẻ hiếp dâm.
Nhưng trong khi đám người vây bắt hung thủ này đang mải xúm xít hau háu mải nhìn tang vật là chiếc cooc-xê màu đỏ vướng trên thân cây ngô thì gã đã lặn sâu xuống đáy sông nhao sang bên kia bờ…
*
Mấy ngày liền sau đó gã không dám bén mảng về làng.
Gã lẩn trốn chui lủi ở khu vực bãi tha ma Gò Mả, nơi dân làng vẫn đồn đại là có ma nên ít người dám lai vãng, kể cả ban ngày. Buổi sáng, khi còn tối đất, gã đã rời khỏi chỗ nằm ngủ là ngôi mộ xây cất bằng xi măng chui vào bụi cây xấu hổ ven đường nghe ngóng tình hình. Đám đàn bà con gái đi chợ sớm bàn tán râm ran về câu chuyện của gã ở bãi ngô. Những tiếng cười hi hí không dứt khi họ nhắc đến chuyện nhặt được cái cooc-xê màu đỏ bị dứt đứt dây đeo của cô Sâm. Chiếc cooc-xê ấy hiện nay đang được công an xã giữ cẩn thận làm vật chứng.
Qua câu chuyện của họ, gã biết là công an đang truy tìm mình ráo riết. Chỉ cần gã ló mặt về làng là sẽ bị tóm cổ đưa đi tù ngay. Xã đang ra sức phấn đấu giữ danh hiệu 10 năm quyết thắng thế mà lại xảy ra chuyện động trời như vậy.
Vậy là gã không thể về làng được nữa rồi. Gã chui ra khỏi bụi cây xấu hổ quay trở lại khu tha ma Gò Mả.
Nằm lăn ra cái rãnh láng xi măng của ngôi mộ gã chợt thấy đói cồn cào. Ba ngày rồi gã chưa có được một bữa nào ra hồn. Bữa thì mấy củ khoai sống, bữa dăm củ sắn luộc gã thó được trong bếp nhà lão Ngạn ở cuối làng. May chiều hôm qua, có một người chết ở làng bên đưa đến chôn ở khu Gò Mả, khi những người đưa ma về hết gã đi qua chỗ ngôi mả mới vớ luôn được bát cơm, quả trứng họ đặt cúng trên nấm đất vừa đắp. Mẹ kiếp! Chắc là bát cơm và quả trứng cúng này từ hôm trước nên nguội lạnh, ám toàn mùi hương khói, gã ăn vào thấy bụng cứ lâm râm đau mãi. Gã phải tuốt một nắm búp ổi non nhai nuốt vào mới thấy cơn đau đơ đỡ.
Không ngờ chuyện trở thành nghiêm trọng đến thế. Gã lẩm bẩm: “Đã đã xơ múi được quái gì đâu ngoài việc nhìn thấy thật gần bộ ngực trần tuyệt đẹp của cô Sâm, thế mà họ truy sát mình ghê thế!”.
Hôm ấy, khi cô Sâm kêu khóc và đột nhiên gọi mẹ khiến gã giật mình, bừng tỉnh. Cơn dục vọng trong người gã xẹp ngay xuống. Gã thảng thốt nhớ đến mẹ. Mẹ vốn là một người đàn bà đẹp, con nhà giàu. Mẹ gã do bị thất tiết với một anh học trò trên tỉnh nên phải lấy bố gã-một kẻ phàm phu, tục tử. Bố gã chuyên làm nghề ba toa, mổ lợn ở phố chợ. Bố gã ngày ấy cũng to khoẻ như gã bây giờ. Mẹ gã lại yếu ớt, mỏng manh, “lá ngọc cành vàng” làm sao mà đáp ứng nổi. Nhiều đêm mẹ gã phải bỏ chạy ra ngoài hè ngồi. Bố gã lao ra lôi mẹ vào buồng. Mẹ gã khóc lóc, van xin thảm thiết nhưng bố nào có tha. Khi đã lớn, hiểu mọi chuyện gã thương mẹ lắm. Gã còn nhớ nhiều bận mẹ không chịu nổi đã định dắt gã bỏ trốn. Nhưng rồi chẳng biết đi đâu, mẹ gã lại đành cắn răng chịu đựng. Cuộc đời mẹ gã là những tháng ngày lao dịch trên giường ngủ cho đến tàn lực, kiệt sức. Mẹ gã chết do mắc bệnh lao vì làm việc quá sức và chịu đựng những sự dày vò triền miên của ông chồng ba toa. Có lẽ vì thế mà khi cô Sâm bất ngờ gọi mẹ mà đã ngăn chặn được hành động cưỡng bức của gã. Nhưng mọi việc đã toé loe hết cả lên sau chuyện xảy ra trên bãi ngô. Bây giờ nghĩ lại, gã mới thấy ân hận vì hành động của mình. Gã nghĩ hay là về làng đầu thú. Nhưng gã lập tức gạt ngay ý định dại dột ấy. Vì ra đầu thú gã sẽ vào tù là cái chắc…
Cơn đói tiếp tục hành hạ gã. Gã chui ra khỏi khu Gò Mả um tùm những cây sim, cây mua và lau sậy. Cũng do đói quá và mải đào bới tìm kiếm mấy củ khoai lang, nhổ mấy khóm sắn trên bãi đất cạnh khu Gò Mả mà gã không chú ý có những tốp người đang giả vờ đi chăn vịt, đi thăm đồng lặng lẽ tiến dần về phía bãi tha ma. Họ đã phát hiện ra nơi ẩn nấp của gã. Vòng vây đã khép kín. Khi gã đang nhồm nhoàm nhai một củ khoai lang sống thì đám công an và dân quân xông đến. Gã vừa kịp nhỏm dậy thì đã bị mấy người lao vào quật ngã. Họ dùng đòn ống và gậy gộc giằn ngửa gã ra đám đất nhão nhoẹt. Gã cố sức giãy giụa kháng cự lại. Nhưng một mình gã chống lại làm sao được cả đám đông. Họ trói nghiến gã lại như trói một con lợn chuẩn bị giết thịt. Mấy người gào lên vẻ đắc chí:
- Phen này thì mày có chạy đằng trời cũng đừng hòng mà thoát!
- Hừm… hừm…
Gã gầm gừ. Miếng khoai lang sống chưa kịp nuốt nghẹn tắc trong cổ họng.
Đám người hỉ hả giong gã về làng. Theo lệnh ông công an xóm, họ quàng lên người gã cả mấy gốc sắn gã vừa nhổ trộm và dẫn gã đi bêu khắp làng. Cả làng náo nhiệt lên như có hội. Tất cả đổ xô ra xem bắt được kẻ hiếp dâm. Trẻ con reo hò rồng rắn đi theo đoàn người dẫn giải gã. Gã chẳng nhìn ai. Mặt gã lầm lầm, lì lì vẻ bất cần đời. Sau khi đi một vòng quanh làng, gã được đưa về sân kho của đội sản xuất số 1. Tại đây gã được thông báo đã bị khai trừ khỏi đoàn, buổi chiều sẽ bị dẫn lên giao cho công an huyện xử lý. Gã bị tạm giam vào gian kho vẫn dùng để chứa phân hoá học ở góc sân. Gian nhà ẩm thấp hôi hám đầy muỗi gián.
Buổi trưa, trên chỗ nhà kho chứa thóc đám dân quân và công an tổ chức ăn mừng. Hợp tác xã vừa kéo lưới đánh cá ở cái ao công hữu đã thưởng cho họ mấy cân cá mè. Đám người ăn uống ồn ào. Mãi quá trưa, ông công an xóm mới đem đến cho hắn một loa cơm và cái đầu cá toàn xương là xương. Gã được cởi trói để ăn cơm. Gã vồ lấy loa cơm và lấy và để. Gã đói đến mềm người ra rồi. Ăn hết loa cơm đầy gã vẫn thấy đói. Ông công an xóm định trói gã lại để khoá cửa nhà kho thì gã đòi đi tiểu. Ông gí nòng súng CKC vào lưng gã dẫn ra phía sau nhà kho. Ông cảnh cáo gã đừng có mà tìm cách chạy trốn thêm nặng tội. Gã lừng khừng mở khuy quần. Và, nhanh như chớp, gã né người sang bên, tay phải túm nòng súng kéo lên phía trước, tay trái quại luôn một đấm ngược về phía sau. Ông công an bị kéo lao người về phía trước. Một tiếng nổ rất đanh phát ra đồng thời với tiếng kêu rú lên đau đớn của ông công an xóm. Quả đấm như trời giáng của gã làm ông công an gãy mất mấy cái răng cửa. Ông ta xiết cò là theo phản xạ. Viên đạn CKC cày xuống mặt đất tung bụi. Ông công an vội buông khẩu súng ôm lấy cái mồm đầy máu.
Nghe tiếng súng nổ và tiếng kêu cứu, đám dân quân, công an vội vứt bát đũa lao đến. Tiếng người hô hoán ầm ĩ:
- Tù… tù… nhân… trốn mất rồi…
- Bắt… bắt lấy nó…
- Báo… báo động! Gõ kẻng báo động ngay!
Mọi người chạy ra phía sau nhà kho. Ông công an xóm vẫn ôm chặt mồm ú ớ. Ông chỉ tay ra phía bờ sông. Mọi người rầm rập đuổi theo hướng tay ông công an chỉ. Tiếng kẻng báo động nổi lên dồn dập. Bóng gã mất hút trong bãi ngô cao vút đầu người. Mọi người lao xuống bãi ngô. Nhưng họ làm sao mà nhanh bằng gã. “Tũm” một tiếng, gã đã mất hút dưới dòng nước sông đang cuồn cuộn chảy. Khi đã xuống nước rồi thì gã như biến thành con cá, đừng hòng kẻ nào bắt được gã nữa.
Từ hôm ấy, gã bắt đầu một cuộc sống tha hương. Gã lên thành phố rồi ngược lên biên giới phía bắc. Gã làm thuê, làm mướn kiếm ăn. Nhưng ngày ấy đi đến đâu cũng phải có căn cước, giấy giới thiệu, giấy chứng nhận, ở đâu cũng phải đăng ký tạm trú nên gã rất khó mà ở yên một chỗ. Gã đã phải mấy lần trốn chạy sự truy tìm của công an. Gã đã nghĩ đến chuyện vượt giới tuyến trốn vào miền Nam . Nhưng đi bằng cách nào gã nghĩ mãi không ra. Một hôm ngồi vạ vật ở một ga xép thấy một đoàn bộ đội hành quân vào miền Nam chiến đấu gã chợt nảy ra một tính toán táo bạo. Chả khó khăn gì, gã đã lấy trộm được một chiếc ba lô của đoàn chiến sĩ đang đứng ngồi la liệt trên sân ga.
Mặc bộ quần áo Tô Châu mới tinh vào gã có vẻ chững chạc như một anh bộ đội thực sự. Rồi ba lô trên vai, ngụy trang trên lưng, gã trà trộn vào đoàn quân đang tiến về phương Nam . Ai hỏi, gã đều nói là bị lạc đang đi tìm đơn vị. Các chiến sĩ trẻ vui vẻ mời gã ăn chung nắm cơm, chia cho gã vài phong lương khô 701. Họ rất thích gã bởi tính tình gã vui vẻ, cởi mở. Đặc biệt là họ mê giọng kể chuyện hấp dẫn của gã. Không cần mở sách, gã nhưng có thể đọc một cách vô cùng diễn cảm từng chương hồi của truyện Tây du ký hoặc Tam quốc diễn nghĩa. Một chiến sĩ trẻ bảo gã:
- Hay là anh đừng đi tìm đơn vị cũ nữa, xin vào đơn vị này với bọn em luôn. Đằng nào cũng chả vào Nam chiến đấu.
- Liệu như thế có được không?
- Được chứ! Xin vào miền Nam chiến đấu ai lại ngăn cản, trừ khi anh xin vào đơn vị lui trở về hậu phương thôi.
Nghe vậy, gã tưởng cứ đi theo các đơn vị quân đội dù khó khăn gian khổ nhưng nhất định sẽ vào được miền Nam . Gã không biết là quân đội có kỷ luật rất nghiêm khắc, quản lý bộ đội rất chặt chẽ. Một kẻ trà trộn như gã không thể đi theo bất cứ đơn vị nào vượt giới tuyến vào miền Nam nếu không có quân số, biên chế rõ ràng. Gã lại chẳng có bất cứ một thứ giấy tờ tuỳ thân nào. Vào đến tuyến lửa Quảng Bình, gã bị quân pháp bắt giữ. Họ đưa gã trở lại phía sau để xác minh. Dọc đường trở lại hậu phương, trong một trận máy bay địch bắn phá nhà ga anh bộ đội dẫn giải gã bị thương nặng. Gã cõng anh đến một trạm cấp cứu rồi trút bỏ quân phục trở lại làm một kẻ lang thang làm thuê nay đây, mai đó. Khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng thì việc gã vào Nam chả khó khăn gì nữa. Rồi cuộc đời lang bạt kiếm sống ở chốn phương Nam mấy chục năm trời đã giúp gã có một gia đình, có một cơ nghiệp. Hai thằng con gã cũng đã nên người. Nhưng gã cứ luôn canh cánh một nỗi nhớ quê hương.
Gã đã trở về làng sau gần bốn mươi năm tha hương như thế.
*
Ăn cơm xong ông em họ bảo gã:
Ăn cơm xong ông em họ bảo gã:
- Bác mệt cứ ngủ trước, em đi họp thôn đây!
- Có việc gì mà phải họp cả buổi tối thế?
- Họp bàn ngày mai khai móng xây “nhà đại đoàn kết” cho bà Sâm!
- Bà ấy chưa có nhà à?
- Căn nhà của bà ấy xập xệ lắm rồi, không xây lại thì mùa mưa bão năm nay khó mà trụ được nữa. Vì còn thiếu tiền nên phải họp vận động bà con đóng góp giúp bà ấy thêm một ít nữa…
- Vậy à! Chi phí xây nhà cho bà ấy khoảng bao nhiêu?
- Dự tính xây ba gian nhà cấp bốn hết độ gần ba chục triệu.
Gã đặt vội chén nước xuống bàn quờ tay với cái túi cũ kỹ của mình để ở góc tràng kỷ. Gã mở túi rút ra một cọc tiền toàn loại năm trăm nghìn đồng đưa luôn cả cho ông em họ và bảo:
- Cho tôi xin đóng góp một chút. Tôi muốn tạ lỗi với bà ấy…
Ông em họ trợn mắt nhìn gã. Thì ra gã là một tên hào phú thực sự. Gã ăn mặc lôi thôi như một kẻ hành khất là để che mắt bọn trộm cướp trấn lột khi mang một số tiền lớn đi đường. Ông em họ nghiêm nét mặt bảo:
- Bác cất ngay tiền đi! Bác tưởng bà ấy sẽ nhận số tiền này của bác à! Hừ… chuộc lỗi… Bác định chuộc lỗi thế nào! Với bấy nhiêu tiền liệu bác có chuộc nổi tội lỗi của mình đã gây ra với cuộc đời bà ấy không? Bà ấy cả đời cô quạnh, không lấy được chồng, không con cái cũng chỉ vì một lỗi lầm thời trẻ của bác đấy, hiểu không!
Gã sững sờ trước lời lẽ của ông em họ. Tay gã cầm tập tiền run run. Ông em họ đi rồi gã vẫn ngồi bần thần, ngơ ngác. Gã hiểu, sai lầm từ thời trai trẻ ấy của mình chẳng bao giờ còn có thể sửa chữa được nữa.
Hôm sau, ngôi nhà đại đoàn kết của bà Sâm được khai móng. Trong số người đến làm giúp có một ông già hì hục bê xếp gạch ở mãi ngoài góc vườn. Chả mấy người biết ông ta là ai. Buổi trưa, bà Sâm làm vài mâm cơm đạm bạc mời những người đến “làm mải” bữa khởi công. Khi mọi người gọi nhau vào mâm thì ông ta lặng lẽ đi ra phía cổng. Vừa định bước qua rãnh nước để đi tắt về nhà ông em họ thì ông ta nghe tiếng có người nói:
- Ông ở lại ăn bát cơm làm mải đã!
Gã giật mình quay lại nhìn thấy bà Sâm đang đứng sau bụi chuối bên lối đi. Dáng bà khô héo xiêu xiêu trong gió bấc...
Hà Nội, tháng 2-2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét