Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

Truyện ngắn vui THẾ LÀ CÔNG CỐC

THẾ LÀ CÔNG CỐC
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Trong hình ảnh có thể có: chim, thực vật, ngoài trời, thiên nhiên và nước

Cuộc họp bàn việc chống ô nhiễm của làng kết thúc mà không tìm ra được biện pháp nào có tính kha thi. Trưởng thôn Trần Kính rất lo lắng vì tình hình ô nhiễm ngày càng tăng. Đi trên đường làng bây giờ phải mang băng khẩu vì mùi hôi thối bốc lên, nhất là những ngày nắng nóng. Con mương thủy lợi chảy quanh làng ngày xưa nước trong mát. Mùa hè trẻ con tha hồ mà vùng vẫy, tắm mát. Thế mà bây giờ con mương ấy đen kịt, đặc quánh và bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Nước thải chăn nuôi, nước thải của các hộ làm nghề thủ công trong làng đổ xuống biến con mương thành đen kịt.
Trưởng thôn Trần Kính chạy ngược chạy xuôi tìm các xử lý ô nhiễm trong làng. May sao có thằng cháu làm cán bộ trên tỉnh môi giới, dẫn lối mời được một đoàn cán bộ viện nghiên cứu môi trường về làng. Sau khi khảo sát đoàn cán bộ quyết định sẽ giúp làng xử lý ô nhiễm con kênh thủy lợi. Họ đang có một công trình nghiên cứu về chống ô nhiễm. Con kênh của làng sẽ được trồng một loại tảo, nuôi một loại vi khuẩn để xử lý nước. Họ sẽ miễn toàn bộ chi phí cho làng vì đây đang là một thử nghiệm.
Các thử nghiệm nuôi trồng tảo và vi khuẩn chống ô nhiễm tại con mương làng đem lại kết quả khả quan. Con mương quanh làng trong dần, tôm cá bắt đầu bơi tung tăng. Hằng ngày dân làng kéo ra bờ mương xem các thí nghiệm và vui chơi giải trí, không còn phải bịt mũi vì mùi hôi thối nữa. Vậy mà một buổi sáng cả làng bỗng nhốn nháo, xôn xao. Ông Tô đang tập thể dục ở sân định chạy ra đầu làng xem sao thì bà Tô hớt hải chạy về gọi to:
- Ông chạy ra ngay mà xem... thế là công cốc rồi ông ơi!
- Có việc gì thế? Mà bà chưa đi chợ à?
- Tôi vừa ra đến đầu làng thì biết chuyện vội chạy về bảo ông ra mà xem...
- Xem chuyện gì thế?
- Xem chuyện... công cốc ông ạ!
- Chuyện công cốc là chuyện gì? Sao hôm nay bà cứ ấp a ấp úng thế?
- Là... là cái chuyện chống... chống ô nhiễm ấy...
Ông Tô bảo:
- Thôi bà ở nhà trông các cháu. Để tôi ra xem sao...
Ông Tô nói rồi đi ngay. Ra đến đầu làng ông Tô thấy bà con đang nhốn nháo xúm đen xúm đỏ ở hai bên bờ mương. Ông Tô vội len vào thì lão Cốc kéo lại bảo:
- Thôi xem làm gì! Về nhà tôi làm ly rượu đi!
- Vậy chuyện là thế nào?
- Thì... cái công trình chống ô nhiễm môi trường của cái viện môi trường trở thành công cốc rồi ông ạ!
- Tại sao lại thế?
- Đêm hôm qua có thằng nào đó nó đổ xuống mương một thùng thuốc diệt cỏ, thuốc độc gì đó mà các loại tảo, vi khuẩn làm sạch dòng nước ô nhiễm và cả tôm cua, cá ốc đều chết sạch rồi. Nước mương lại đen thui, thối um, ông còn xem làm gì nữa?
- Thằng nào ở đâu đến làm hại làng ta thế hả? Phải tìm ra và trừng trị thích đáng ngay.
Lão Cốc cười hề hề:
- Làm gì có thằng nào ở đâu đến đây? Là dân ở làng ta đấy!
- Ông nói thế nào chứ! Tại sao dân làng ta lại tự phá hoại làng ta. Xử lý được ô nhiễm thì cả làng ta đều có lợi, đều vui mừng chứ. Đây chắc chắn là người ngoài đến phá?
Lão Cốc lại cười:
- Ông đúng là chả hiểu gì cả! Thằng nào ở làng khác rỗi hơi mà đem thuốc độc đến phá làng ta. Chỉ có người làng ta mới làm như vậy thôi...
Ông Tô vẫn không tin là người làng mình lại tự hại chính mình như thế. Lão Cốc lại phải giải thích:
- Có những người trong làng ta không muốn con kênh này hết ô nhiễm vì sẽ không có lợi cho họ. Khi con kênh còn ô nhiễm thì họ còn có lợi, còn làm ăn, còn kiếm tiền được chứ!
- Sao lại lạ thế?
- Thì họ chăn nuôi, làm nghề thủ công... nước thải, chất thải cứ xả thẳng ra mương. Mương thối cả làng cùng ngửi nhưng họ lại có lợi. Nếu con mương sạch họ mà xả nước bẩn vào sẽ bị phát hiện, bị phạt ngay. Thế nên họ mong cứ ô nhiễm, cứ bẩn vẫn hơn ông ạ!
- Thì ra thế...
Ông Tô chán nản lắc đầu. Lão Cốc nói thêm:
- Ông đừng hy vọng là làng mình sẽ hết ô nhiễm, sẽ hết bẩn. Hết ô nhiễm, hết bẩn thì họ ăn gì. Các cụ vẫn bảo "đục nước béo cò" nước có bẩn, có đục, có ô nhiễm thì mới "béo cò" được chứ? Không riêng gì làng ta mà xã ta, huyện ta, tỉnh ta và cả nước ta nữa đều có những chuyện như thế này đấy ông ạ?
Thấy ông Tô có vẻ chưa hiểu, lão Cốc nói tiếp:
- Ông đọc báo thì biết rồi đấy, Hà Nội mời cả chuyên gia tận bên Nhật Bản sang xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, kết quả rất tốt, sắp thành công rồi thế mà có người còn cho tháo nước Hồ Tây vào làm trôi mất hết kết quả thí nghiệm đấy!
- Sao lại có chuyện "người làm, người phá" thế nhỉ?
- Thì... làm cho sông Tô Lịch trong sạch, hết ô nhiễm thì họ còn kiếm ăn gì được nữa? Cứ để sông Tô Lịch bẩn thì họ mới kiếm ăn được chứ! Sông còn ô nhiễm thì hằng năm mới có kinh phí chống ô nhiễm chứ. Sông trong sạch rồi thì lấy đâu ra nguồn kinh phí ấy nữa? Họ ăn là ăn ở cái nước luôn bẩn ấy đấy. Mà tôi được biết không phải chỉ có lần này mà nhiều lần rồi các nhà khoa học, những người có tâm huyết muốn xử lý ô nhiễm, cứu sông Tô Lịch đều bị họ dùng cách ấy để phá hoại kết quả thí nghiệm. Họ tháo nước một phát là toi mất hàng tỷ đồng đấy?
Ông Tô chép miệng:
- May mà làng ta được tài trợ chứ không thì chết?
- Những thí nghiệm ở làng ta cái viện môi trường kia cũng mất khối tiền mà vẫn thành công cốc đấy ông ạ! Đúng là "kẻ làm, người phá" chuyện ở xứ ta không biết còn tiếp diễn đến tận bao giờ?
Hà Nội, 19-7-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét