CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 2
Ghi chép của Trọng Bảo
2-Hành quân áp sát đường biên
Khoảng đầu tháng 8-1978, đơn vị chúng tôi nhận lệnh rời Ngân Sơn, Bắc Cạn hành quân lên Cao Bằng. Đại đội thông tin chúng tôi do trung úy Lộc, một giáo viên Trường Sĩ quan Thông tin phụ trách tổ chức hành quân. Chúng tôi vượt lên đèo Cao Bắc, đèo Gió, dốc Tài Hồ Sìn. Ngày đi đêm nghỉ. Sau hai ngày cuốc bộ, leo đèo dốc chúng tôi đến Bế Triều, Hòa An, Cao Bằng là nơi đóng quân của sở chỉ huy Sư đoàn 346.
Đại đội tập huấn thông tin giải thể. Tôi cùng Hà Trung Lợi và Nguyễn Văn Đam được điều động về trung đội thông tin Tiểu đoàn 3. Lúc này, Tiểu đoàn 3 đang đóng quân ở xã Đức Long, huyện Hòa An. Tôi được bổ nhiệm làm tiểu đội trưởng tiểu đội vô tuyến, Hà Trung Lợi làm tiểu đội trưởng hữu tuyến, Nguyễn Văn Đam là tiểu đội trưởng truyền đạt. Phạm Hoa Mùi, người Yên Sơn, Tuyên Quang đi tập huấn từ quân đoàn về được phong quân hàm chuẩn úy là trung đội trưởng trung đội thông tin của Tiểu đoàn 3. Cả bốn anh em chúng tôi đều nhập ngũ đợt 2-1975, cùng là chiến sĩ ở đại đội thông tin 17 của Trung đoàn 246. Theo lệnh của chỉ huy tiểu đoàn, chúng tôi tiến hành chọn lựa từ các đại đội bộ binh các chiến sĩ có trình độ văn hóa cao đưa về trung đội thông tin của tiểu đoàn. Tôi xuống đại đội 11 là đơn vị cũ của mình xin Nguyễn Văn Trọng, nhập ngũ 11-1976 là một chiến sĩ của tiểu đội tôi từ thời làm đường ở Hà Giang. Trọng cùng quê với tôi, trình độ văn hóa thấp, không đủ tiêu chuẩn về đơn vị chuyên môn kỹ thuật. Nhưng tôi cố tìm cách giải thích mấy lần đề nghị để chỉ huy tiểu đoàn chấp nhận điều động Trọng về trung đội thông tin. Đây có lẽ là lần duy nhất trong cuộc đời làm người chỉ huy, tôi đã "lạm dụng" quyền hạn của mình để ưu ái cho một người chiến sĩ mà tôi quý mến. Trọng là một chiến sĩ tốt, tính tình hiền lành, chịu khó. Thời gian sau nhờ sự cố gắng của mình Trọng đã được bổ nhiệm làm tiểu đội phó tiểu đội truyền đạt. Sau này chiến tranh xảy ra, khi tiểu đội trưởng hy sinh Trọng đã chỉ huy tiểu đội hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc và trực tiếp tham gia chiến đấu rất dũng cảm.
Huấn luyện ở Hòa An chưa được bao lâu tiểu đoàn chúng tôi được lệnh hành quân lên Hà Quảng, áp sát biên giới. Tình hình ngày càng thêm căng thẳng. Bọn Trung Quốc đã dồn quân lên sát đường biên thì chúng ta cũng phải có mặt bên cột mốc để sẵn sàng đánh trả nếu chúng đưa quân tràn sang xâm lược Việt Nam. Đơn vị chúng tôi hành quân theo hướng qua Mỏ Sắt lên Quý Quân, Sóc Hà (Hà Quảng). Chúng tôi ở xã Quý Quân vài ngày rồi mới chuyển lên đóng quân ở bản Nà Liền, xã Sóc Hà. Đơn vị vừa huấn luyện vừa tổ chức xây dựng công sự, trận địa. Những tháng cuối năm 1978, dọc tuyến biên giới Cao Bằng tình hình căng thẳng, nguy hiểm không khác gì những tổ ong sắp vỡ. Ta và địch đều tổ chức chuẩn bị đánh nhau ầm ĩ suốt ngày đêm. Nhưng cuộc tranh chấp biên giới nổ ra hằng ngày. Ta tiến hành rào biên giới bằng rào tre, rào nứa, bằng chông tre, chông sắt ở phía trước, giăng dây thép gai, gài mìn ở phía sau. Phía Trung Quốc cũng vậy, bọn chúng cũng rào biên giới, xây hầm hào, công sự, trận địa. Chúng tổ chức phá hủy hàng rào biên giới của ta, đẩy hàng rào của chúng sâu vào trong đất ta. Chúng nổ mìn phá đá suốt ngày đêm để xây lô cốt. Phía ta cũng ra sức chuẩn bị đối phó khi cuộc chiến tranh nổ ra. Bọn địch phá hàng rào thì chúng ta đưa dân, đưa bộ đội lên rào lại. Bộ đội mặc thường phục để cùng dân đi rào biên giới. Nhìn những đoàn xe chở chở tre, chông sắt từ phía sau lên biên giới tôi hiểu hậu phương đã phải bớt những cây tre làm nhà, chống bão, bớt sắt thép dùng đúc lưỡi cày, lưỡi cuốc để vót thành chông, rèn thành chông rào biên cương chặn giặc.
Liên tiếp những cuộc xung đột giữa hai bên nổ ra. Bọn côn đồ Trung Quốc ném đá, tấn công bằng gậy gộc, bắn cung tên vào dân ta đang rào biên giới. Ta tổ chức ném đá, đánh lại. Nhiều người dân, người lính vỡ đầu, mẻ trán, bị thương bởi các loại vũ khí thô sơ trong thời gian tiền chiến như vậy. Chiến tranh chưa nổ ra nhưng xung đột đã lan rộng. Ta và Trung Quốc đều đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu nảy lửa. Súng pháo đã lấy tầm bắn, xác định mục tiêu, đạn đã lên nòng rồi. Tôi hiểu chiến tranh đang đến rất gần. Song, tôi vẫn mong chiến tranh đừng xảy ra. Bởi nếu chiến tranh nổ ra một "cơn lũ xâm lược" vô cùng tàn khốc từ phía bên kia biên giới sẽ tràn sang tàn phá, giết chóc đến tận cùng nơi biên ải này. Những người lính phía trước chúng tôi sẽ chỉ là những người lính cảm tử quân nhỏ nhoi nơi đầu cơn lũ lớn.
Thị trấn Sóc Giang ngày ấy nhìn đâu cũng thấy màu áo lính. Người dân ở đây cũng rất nghèo, cũng còn thiếu đói. Nhưng tôi nhớ mãi một chuyện gặp ở chợ Sóc Giang. Hôm đó đơn vị chúng tôi triển khai mạng thông tin lên trận địa. Được thanh toán tiền ăn, mấy anh em trong tiểu đội kéo nhau vào chợ mua cân thịt lợn cải thiện thêm bữa ăn. Khi tôi hỏi giá, bà bán thịt lợn bảo tôi:
- Một cân bán cho dân hai mươi đồng, bán cho bộ đội chỉ lấy mười tám đồng thôi! (Không biết tôi có nhớ chính xác trị giá đồng tiền ngày ấy không?)
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Tại sao lại thế ạ?
Bà bán hàng người dân tộc cười nói rất tự nhiên:
- Chả tại sao cả! Cái gì bán cho bộ đội cũng cứ thấp hơn, rẻ hơn thế đấy!
Thì ra ở chợ có một quy định không thành văn là hàng hoá bán cho bộ đội đều thấp hơn so với bán cho người khác từ 15 đến 20%. Mà có điều lạ là chả ai phổ biến, quán triệt nhưng bà con dân tộc đem hàng ra chợ ai cũng làm như vậy. Và không ai từ chối khi bộ đội hỏi mua hàng. Quy định bất thành văn đó chính là lòng dân thương yêu bộ đội mà có. Một lần đi công tác dừng lại nấu cơm dọc đường, thấy vườn đu đủ trên sườn núi trĩu quả, tôi hỏi mua, ông chủ vườn bảo: “Chú cứ lấy mà ăn! Để lại cái hạt là được”. Thì ra ở đây dân họ bảo nhau không được bán, chỉ cho bộ đội thôi. Đu đủ chín đầy vườn bộ đội muốn ăn thì cứ lấy, ăn xong nhớ để lại cái hạt cho những cây mới tiếp tục mọc lên. Tôi còn nhớ một lần lên sát biên giới gặp một cụ già đang ngồi bên những bó chông ở bản Nà Sác, tôi hỏi: “Sao ông không đi sơ tán ạ?”, thì cụ bảo: “Chúng mày ở mãi tận dưới xuôi còn lên tận đây giữ đất, chúng tao ở đây lại bỏ đi à? Đất của mình thì mình phải ở, phải giữ bằng được chứ, sao lại bỏ đi?”. Câu nói của cụ già giản dị nhưng đó là một lẽ sống, một chân lý của người Việt ta có tự ngàn đời nay.
- Một cân bán cho dân hai mươi đồng, bán cho bộ đội chỉ lấy mười tám đồng thôi! (Không biết tôi có nhớ chính xác trị giá đồng tiền ngày ấy không?)
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Tại sao lại thế ạ?
Bà bán hàng người dân tộc cười nói rất tự nhiên:
- Chả tại sao cả! Cái gì bán cho bộ đội cũng cứ thấp hơn, rẻ hơn thế đấy!
Thì ra ở chợ có một quy định không thành văn là hàng hoá bán cho bộ đội đều thấp hơn so với bán cho người khác từ 15 đến 20%. Mà có điều lạ là chả ai phổ biến, quán triệt nhưng bà con dân tộc đem hàng ra chợ ai cũng làm như vậy. Và không ai từ chối khi bộ đội hỏi mua hàng. Quy định bất thành văn đó chính là lòng dân thương yêu bộ đội mà có. Một lần đi công tác dừng lại nấu cơm dọc đường, thấy vườn đu đủ trên sườn núi trĩu quả, tôi hỏi mua, ông chủ vườn bảo: “Chú cứ lấy mà ăn! Để lại cái hạt là được”. Thì ra ở đây dân họ bảo nhau không được bán, chỉ cho bộ đội thôi. Đu đủ chín đầy vườn bộ đội muốn ăn thì cứ lấy, ăn xong nhớ để lại cái hạt cho những cây mới tiếp tục mọc lên. Tôi còn nhớ một lần lên sát biên giới gặp một cụ già đang ngồi bên những bó chông ở bản Nà Sác, tôi hỏi: “Sao ông không đi sơ tán ạ?”, thì cụ bảo: “Chúng mày ở mãi tận dưới xuôi còn lên tận đây giữ đất, chúng tao ở đây lại bỏ đi à? Đất của mình thì mình phải ở, phải giữ bằng được chứ, sao lại bỏ đi?”. Câu nói của cụ già giản dị nhưng đó là một lẽ sống, một chân lý của người Việt ta có tự ngàn đời nay.
Chính nhờ lòng dân như vậy đã giúp chúng tôi đứng vững trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trong những trận đánh ác liệt giữ từng tấc đất thiêng liêng nơi biên giới ấy có bao người dân đã ngã xuống giữa chiến hào cùng những người lính. Từ thời phong kiến xa xưa, các vua quan nước Việt từng coi dân bản xứ nơi biên ải luôn như là những người lính tiền tiêu trấn giữ biên thùy của đất nước...
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét