Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

Ghi chép CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 1

CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 1
Ghi chép của Trọng Bảo 

1-Lật cánh sang hướng Cao Bằng

Đầu năm 1978, chúng tôi vẫn là bọn lính làm kinh tế mở đường ở giữa rừng già Bắc Quang, Hà Giang. Cuộc sống giữa rừng gian khổ. Làm việc thì nặng nhọc mà ăn uống thì thiếu thốn. Cánh lính thời sau chiến tranh tả tơi trên công trường đào đất, phá đá. Nhưng dù sao không còn cảnh đạn bom, chết chóc vẫn còn sung sướng gấp vạn lần những lớp cha anh những năm trước cả tháng trời hành quân trên dãy Trường Sơn vào nam đánh giặc. Cũng còn đỡ hơn những đồng đội hiện đang đối mặt gian khổ chết chóc với bọn giặc Pôn Pốt ở biên giới Việt Nam - Campuchia.
Tôi còn nhớ chính trị viên đại đội tôi ngày ấy tên là Thấu. Ông này gầy gò, dáng vẻ khắc khổ, ve áo mang quân hàm trung úy bạc phếch. Một hôm, trong buổi sinh hoạt chính trị ông ấy nói với chúng tôi: "Chúng ta đang hăng hái lao động xây dựng đất nước nhưng cũng phải luôn luôn tư thế sẵn sàng cầm lại khẩu súng để chiến đấu chống lại bọn phản động quốc tế...". Chúng tôi ngỡ ngàng tự hỏi nhau: "Lại có bọn phản động nào thế?". Hồi ấy, tôi chỉ là một hạ sĩ, tiểu đội trưởng, quanh năm sống giữa rừng sâu núi thẳm đào đất làm đường nên tình hình chính trị cũng lờ mờ, chả biết thế nào. Chúng tôi đoán là đơn vị sẽ chuyển quân vào phía biên giới Tây Nam tham gia chiến đấu chống bọn Pôn Pốt. Nhưng rồi dần dà rồi chúng tôi cũng hiểu rõ "bọn phản động quốc tế ấy" lại chính là ông bạn lớn ở gần kề phương Bắc, nơi mà trong lịch sử hàng ngàn năm qua từng có nhiều đội quân xâm lược hùng hổ kéo sang nước Đại Việt tàn phá, cướp bóc, giết chóc. Vậy là bây giờ chúng lại dập rình một lần nữa sắp tràn sang nước ta.
Quê tôi ở Vĩnh Phúc. Những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ nơi đây là chiến trường của không quân Việt Nam và không quân Mỹ, cũng là nơi nhận "bom thừa, đạn dư" của bọn giặc trời. Máy bay địch thường tập kết trên đỉnh núi Tam Đảo trước khi lao xuống đánh phá Hà Nội. Khi bị máy bay ta truy kích không tặc Mỹ thường ném bớt bom đạn xuống quê tôi để quần đuổi nhau với máy bay ta. Tên lửa, rốc-két bắn không trúng nhau cũng lao xuống đất. Bom ném ở Hà Nội, Việt Trì không hết máy bay Mỹ cũng trút xuống đây trước khi bay ra biển. Trong những năm tháng ấy các đơn vị quân đội Trung Quốc kéo về đóng quân tại các khu rừng lá cọ phía sau nhà tôi, nơi cánh trẻ con chúng tôi thường đem trâu bò đến chăn thả. Họ sang để giúp Việt Nam đánh Mỹ. Các đơn vị quân đội Trung Quốc tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Việt Trì, tham gia xây dựng các công trình quốc phòng và nhiều việc gì khác nữa mà bọn trẻ con chúng tôi không thể biết. Chúng tôi vẫn đưa trâu bò vào khu rừng cọ sau nhà chăn thả. Các quân nhân Trung Quốc thường tặng chúng tôi huy hiệu Mao Trạch Đông và họa báo tiếng Hoa. Có bữa tôi được tặng mấy cái huy hiệu liền. Họa báo thì dùng bọc sách vở rất tốt. Các chiến sĩ quân đội Trung quốc ngày ấy vẻ rất hiền lành, luôn luôn tươi cười thân thiện với trẻ em Việt Nam. Hằng tuần, trong doanh trại quân đội Trung Quốc đều tổ chức chiếu phim cho bộ đội của họ và nhân dân Việt Nam xem. Các buổi chiếu phim đều có thuyết minh tiếng Việt. Họ chiếu các bộ phim truyện như Bạch Mao nữ, Thượng Cam Lĩnh, Cuộc chiến đấu trong đường hầm và các phim tư liệu về lãnh tụ vĩ đại. Ngày ấy, quê tôi chưa có điện, không có các phương tiện thông tin giải trí gì, hệ thống loa truyền thanh công cộng thì tậm tịt nên chúng tôi chỉ mong có chiếu phim trong doanh trại bộ đội Trung Quốc để đi xem. Khi máy bay Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt dân làng chúng tôi phải ở trong lán sơ tán cả đêm. Cô em gái tôi đang đêm phát bệnh đau bụng dữ dội bố mẹ tôi phải bế nó sang doanh trại quân đội Trung Quốc xin thuốc được các chiến sĩ lập tức đưa ngay vào bệnh viện dã chiến của họ cấp cứu, chữa trị... Đó là những người lính Trung Quốc mà tôi đã gặp, đã biết từ khi còn là một đứa trẻ chăn trâu. Họ rất đáng trân trọng, vì họ sang giúp chúng ta đánh Mỹ. Còn tới đây chúng tôi sẽ gặp những tên lính Trung Quốc xâm lược, chắc chắn rằng khuôn mặt chúng sẽ rất khác khuôn mặt thân thiện của cha anh chúng ngày nào…
Giữa năm 1978, đơn vị chúng tôi nhận được lệnh chuyển quân, lật cánh sang hướng Cao Bằng. Đại đội 7 của chúng tôi lúc này đang ở Vĩnh Tuy hành quân về chỗ gần bờ sông Bạc là nơi cơ quan tiểu đoàn bộ đóng quân. Chúng tôi tạm trú tại các nhà của các bộ phận cơ quan tiểu đoàn bộ chờ xe vận chuyển quân lên đón. Hằng ngày chúng tôi làm công tác chuẩn bị. Thực ra chả có gì mà phải chuẩn bị. Đời lính chỉ có chiếc ba lô cóc trên vai với vài bộ quần áo cũ sờn, có lệnh là đi, thế thôi. Chúng tôi giao lại cuốc xẻng, nhận thêm súng AK, đổ đầy bao gạo và vào rừng kiếm một ít củi khô bó lại buộc vào ba lô để nấu ăn dọc đường. Thế là chuẩn bị xong để lên đường.
Thấy chúng tôi đi lại lộn xộn trong khu doanh trại của tiểu đoàn bộ, chính trị viên tiểu đoàn, thượng úy Hoàng quốc Doanh bắt gặp quát:
- Mấy thằng chúng bay liệu hồn đấy, vài hôm nữa trở thành lính chiến rồi mà còn vô kỷ luật như lính làm đường là không được đâu!
Chúng tôi cười:
- Thủ trưởng cứ yên tâm! Đánh nhau thì đánh, càng đỡ phải bụng đói cồn cào vẫn phải đào đường, phá đá! Khổ lắm...
Anh Doanh dịu giọng:
- Cuộc chiến này cũng chưa biết sẽ thế nào đâu... Chúng mày phải chuẩn bị tư tưởng cho tốt nhé!
- Thủ trưởng đừng lo...
Tôi đáp vậy nhưng cũng thấy hơi lo lắng. Tôi mới chỉ biết chiến tranh qua những ngày còn nhỏ đi sơ tán tránh máy bay của giặc Mỹ oanh tạc miền Bắc. Năm tôi đang học lớp 9 thì chứng kiến trận Mỹ ném bom, bắn rốc-két xuống khu xưởng sửa chữa xe tăng của bộ đội gần nơi trường cấp 3 sơ tán. Lần này, không biết chiến tranh có xảy ra thật hay không.
Xe chở chúng tôi chạy xuôi Tuyên Quang, qua Sơn Dương rồi sang Thái Nguyên. Lúc xe qua Đại Từ là nơi đóng quân của Trung đoàn 246 thời tôi mới nhập ngũ. Đến Ngân Sơn, Bắc Cạn thì đoàn xe dừng lại. Đây là vị trí đóng quân mới của trung đoàn. Chúng tôi làm lán trại ngay ở khu nghĩa địa, kê ván bên mộ chí ngủ cùng những người đã chết. Là lính làm kinh tế nhưng những ngày ở Ngân Sơn thật khốn khổ, lao động, luyện tập vất vả nhưng mỗi bữa chỉ có hai nắm mỳ luộc đen thui. Tôi chẳng bao giờ quên cái bữa bị nôn thốc nôn tháo vì bột mỳ bị dính dầu hỏa làm bánh cố ăn nuốt không nổi phải nhổ ra. Bữa ấy không có chút gì vào bụng nên tôi cầm khẩu súng chạy lên dốc đói quá hoa mắt ngã lăn xuống giao thông hào… Cũng tại Ngân Sơn tôi được điều động về tiểu đoàn 2, biên chế vào đại đội tập huấn tiểu đội trưởng thông tin. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 là đại úy Trần Ngánh. Ông này nổi tiếng là nghiêm khắc và nóng tính, nhưng cũng là một cán bộ chỉ huy chiến đấu giỏi. Ông Ngánh mới mất cách nay mấy năm. Trước đó, khi gọi điện cho tôi ông nói vẫn khỏe vậy mà mấy tháng sau đã ra đi mãi mãi. Cùng về đại đội tập huấn nghiệp vụ thông tin còn có Nguyễn Văn Đam cùng quê Lập Thạch, Vĩnh Phúc, Hà Trung Lợi quê ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Tôi và Nguyễn Văn Đam cùng nhập ngũ một ngày và cùng huấn luyện chiến sĩ mới ở Lâm Thao, Phú Thọ dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, nơi ngự nghỉ của các Vua Hùng…
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét