Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 41)

 

 
             

        TRĂNG LẠNH
           Truyện dài của Trọng Bảo

           Hừng "thọt" thập thò mãi mới dám gõ cửa phòng làm việc của ban chỉ huy quân sự xã. Đây là lần đầu tiên Hừng "thọt" đến tận trụ sở làm việc của lãnh đạo xã Hòa Sơn tại nơi sơ tán trong khu rừng lá cọ. Người mà Hừng "thọt" đang cần gặp là xã đội phó Phạm Bản.
            Phạm Bản đang ngồi đọc tài liệu huấn luyện dân quân. Hừng "thọt" gặp xã đội phó Phạm Bản thắc mắc về những chuyện ở trung đội dân quân làng Hạ. Sau chiến công bắn rơi máy bay phản lực Mỹ việc khen thưởng, việc đề bạt người thay thế trung đội trưởng Tình đã hy sinh khiến cho đám dân quân có nhiều điều thắc mắc, không thông. Tuy thế, không ai dám kiến nghị lên trên. Hừng "thọt" quyết định trực tiến đi gặp xã đội phó Phạm Bản. Sau khi nghe Hừng "thọt" nêu những bức xúc của mình, Phạm Bản bảo:
           - Tôi cũng có việc cần lên trận địa Đồi Ma ngay bây giờ, chúng ta vừa đi vừa nói chuyện nhé!
           - Vâng!
           Hừng "thọt" đáp và đứng dậy đi ra cửa. Phạm Bản khoác cái xà-cột bạt cũ kỹ lên vai đi ra sau. Vừa đi hai người vừa trao đổi. Phạm Bản giải thích cho Hừng "thọt" việc tại sao cái Liên và chị Nhân không được khen thưởng gì trong trận chiến đấu vừa qua. Lý do là khi ban chỉ huy xã đội đưa ra để lãnh đạo xã xem xét thì có ý kiến của công an xã nêu việc chị Nhân chửa hoang vừa bị xẩy thai, cái Liên thì mới để mất vũ khí. Thế nên cả hai đều không được cấp trên tặng giấy khen và trao phần thưởng là một chiếc ca sắt tây tráng men có in dòng chữ "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Mặc dù trong chiến công bắn rơi máy bay phản lực Mỹ thì chị Nhân và cái Liên là những người rất dũng cảm. Chuyện đề bạt chức vụ cũng vậy. Ban chỉ huy xã đội dự kiến đề bạt chị Nhân giữ chức trung đội trưởng trung đội dân quân làng Hạ, cái Liên giữ chức vụ khẩu đội trưởng khẩu đội 12ly7 nhưng trưởng công an xã Vũ Sinh kiên quyết phản đối cũng vì những lý do trên. Hiện tại, trung đội dân quân làng Hạ tạm thời giao cho cái Hiên phụ trách.
            Nghe xã đội phó Phạm Bản giải thích, Hừng "thọt" vẫn chưa thông:
            - Thế thằng Nam, nó chiến đấu rất dũng cảm, giao nhiệm vụ gì cũng sẵn sàng nhận và hoàn thành, tại sao trên lại không cho nó làm khẩu đội trưởng khẩu đội 12ly7?
            - Thằng Nam đã có lệnh gọi nhập ngũ rồi!
            Xã đội phó Phạm Bản đáp gọn lỏn. Hừng "thọt" trố mắt ngạc nhiên. Phạm Bản vỗ vai hắn nói tiếp:
            - Khẩu đội 12ly7 sẽ do cậu làm khẩu đội trưởng. Từ ngày mai trên trận địa Đồi Ma sẽ tăng cường thêm một khẩu 12ly7 nữa. Sắp tới, bọn Mỹ sẽ đánh phá ác liệt hơn rất nhiều đấy!
            Hừng "thọt" giãy nảy:
             - Em chân cẳng tấp tểnh thế này làm chỉ huy sao được chứ!
            Phạm Bản thủng thẳng:
            - Để cậu làm khẩu đội trưởng là cần người trụ lại ở trận địa trong lúc bom đạn mù trời như trận vừa rồi để chỉ huy chiến đấu, không phải để khi ác liệt bỏ chạy cho nhanh nên chân cẳng tập tễnh không thành vấn đề!
           Vậy là mọi việc đã rõ ràng. Hừng "thọt" thôi không còn thắc mắc gì nữa. Nhưng hắn lại cảm thấy buồn. Hóa ra người ta vẫn còn định kiến nặng nề với những khuyết điểm của cá nhân. Khi bom đạn mù trời, sống chết sát sạt thì không ai phân biệt, cứ chiến đấu dũng cảm là được. Nhưng khi bình yên thì việc phân định công lao, chia phần chiến thắng, khen thưởng, đề bạt bổ nhiệm thì phải xem xét kỹ đến lý lịch, tiền sự, gốc tích nhân thân như thế nào. Ai đã có lỗi thì không thể có công, có phần. Đó cũng là câu chuyện của muôn thuở. Chiến tranh là thế mà hòa bình rồi cũng thế.
            Phạm Bản và Hừng "thọt" lên đến đỉnh Đồi Ma. Các chiến sĩ dân quân đang khẩn trương khôi phục lại trận địa sau trận bom. Không khí nặng nề vì trung đội dân quân làng Hạ bị tổn thất lớn sau trận đánh vừa qua nhưng không ai tỏ ra bị quan, hoảng sợ. Căn nhà hầm đã được làm lại mái. Giữa nhà kê một cái bàn nhỏ trên đặt một cái bát cắm đầy chân nhang và một lọ hoa rừng. Đó là bàn thờ chị Tình và cái Na. Vậy là từ nay trên đỉnh Đồi Ma có hai nơi để thờ những người phụ nữ. Một là bát hương trong hõm đá thờ các trinh nữ là thần giữ của ngày xưa và một là bát hương trong nhà hầm thờ các liệt nữ ngày nay.
            Sau khi kiểm tra việc củng cố lại công sự trận địa, bố trí các loại hỏa lực, xã đội phó Phạm Bản gọi thằng Nam đến. Thằng Nam đang hì hục khoét hầm trú ẩn cạnh khẩu 12ly7. Thằng Nam ngạc nhiên không hiểu có việc gì mà xã đội phó trực tiếp gọi đến nó. Thằng Nam vội quẳng cái xẻng cùn rồi chui vào căn nhà hầm. Trong hầm đã có mấy dân quân đang ngồi nghỉ giải lao ngồi uống nước ở đấy. Phạm Bản mở cái xà-cột cũ kỹ lục lọi một lúc rồi lấy ra một tờ giấy đưa cho thằng Nam. Vừa cầm tờ giấy đọc lướt qua, thằng Nam đã nhảy cẫng vì vui mừng. Đó là tờ lệnh gọi nó nhập ngũ. Thế là nó được đi bộ đội trực tiếp cầm súng vào miền Nam chiến đấu. Trong đầu nó hình dung con đường ra trận thật đẹp và lãng mạn.
            Thằng Nam định bàn giao luôn khẩu súng K44 cho trung đội dân quân để về làng chuẩn bị vì sáng sớm ngày kia nó đã phải lên huyện tập trung rồi. Nhưng Hừng "thọt" vội ngăn lại bảo:
            - Mày cứ về nhà chuẩn bị, chia tay với gia đình, anh em, bà con làng xóm. Tối mai lên trận địa Đồi Ma liên hoan với bộ phận trực chiến của dân quân một bữa rồi hẵng đi!
            Cái Liên cũng đồng tình:
            - Đúng rồi! Phải liên hoan chia tay với trung đội chứ. Hôm nay thì không kịp chuẩn bị. Tối mai lên Đồi Ma với tụi mình Nam nhé!
            - Đồng ý!
            Thằng Nam nhận lời với vẻ rất phấn khởi. Nó đang háo hức vì được gọi nhập ngũ. Thằng Nam xin phép chỉ huy trung đội về làng ngay để thông báo với gia đình chuyện nhập ngũ. Hừng "thọt" bàn với cái Hiên và cái Liên việc chuẩn bị liên hoan tiễn thằng Nam lên đường nhập ngũ. Cả bọn thống nhất làm một mâm cơm cúng chị Tình và cái Na và cũng để liên hoan tiễn chân thằng Nam luôn. Bàn bạc xong xuôi, Hừng "thọt" tập tễnh đi xuống bến sông Phó Đáy. Hừng "thọt" tìm lão Vận để kiếm thêm một con cá tươi cho bữa liên hoan tối ngày mai.
            Bữa cơm cuối cùng của thằng Nam trên trận địa Đồi Ma chỉ gồm có bộ phận canh gác phòng không và khẩu đội 12ly7. Xã đội phó Phạm Bản hứa nhưng chắc có việc bận nên không thấy lên. Mọi người ăn uống trò chuyện đến tận khuya. Có một chai rượu gạo Hừng "thọt" mang đến nên mỗi người làm một chén nhỏ. Đây là bữa liên hoan đầu tiên kể từ khi trung đội dân quân làng Hạ gặp một biến cố lớn, hai người hy sinh. Với chiến công bắn rơi máy bay Mỹ, trung đội dân quân làng Hạ được cấp trên khen thưởng lớn nhưng không ai nghĩ đến việc tổ chức liên hoan mừng công. Họ vẫn còn chưa nguôi ngoai vì sự tổn thất, mất mát trong trận đánh ấy. Những người bị thương cũng chưa ai trở lại trận địa. Chị Nhân đang tạm nghỉ ở nhà uống thuốc nam. Hai chiến sĩ khác đang ở bệnh viện vì vết thương chưa lành hẳn. Riêng phó tiến sĩ Dương Thụy thì được gia đình đưa đi mất tăm luôn ngay sau trận bom hôm ấy.
           Sau bữa liên hoan, thằng Nam quyết định ngủ lại trận địa với Hừng "thọt". Hai anh em nằm trong hầm tâm sự gần như suốt đêm. Họ đã quen những đêm thức trắng để trực chiến như vậy rồi.
           Gần sáng, thằng Nam trở dậy. Nó lay lay Hừng "thọt" nói:
           - Thôi em phải đi đây!
           Hừng "thọt" bảo:
           - Ừ! Mày đi mạnh khỏe, nhớ là khi ra trận phải thật cẩn thận đấy!
            - Vâng! Anh cứ yên tâm... Hẹn ngày chiến thắng anh em mình gặp lại nhau, lại cùng đi trực chiến trên Đồi Ma nhé!
            Thằng Nam đi rồi, Hừng "thọt" vừa ngáp ngủ vừa lẩm bẩm một mình: "Mày trở về được là may lắm rồi. Lúc mày về hết chiến tranh thì còn trực chiến, trực chót trên Đồi Ma làm cái gì nữa chứ!".
            Thằng Nam theo đường giao thông hào tụt xuống dưới chân đồi. Lòng hào giao thông mới dọn dẹp, san phẳng những chỗ nước xoáy thành rãnh nên rất dễ đi. Đã qua rằm, trời gần sáng nên trăng chưa kịp lặn. Mặt trăng không thật tròn đầy nhưng vẫn còn rất sáng. Mảnh trăng vàng treo lơ lửng mãi tận phía rừng xa. Ánh trăng mênh mông trải thảm trên cánh đồng làng Hạ cũng mênh mông.
           Thằng Nam đi đến lưng dốc thì có tiếng gọi rất khẽ ở ngã ba tuyến hào giao thông:
            - Nam ơi! Đợi mình với...
           Thằng Nam ngạc nhiên nhận ra là giọng cái Liên. Nó dừng lại chờ và hỏi:
            - Liên cũng về làng bây giờ à?
            - Không... mình... mình đi tiễn Nam một đoạn.
             Cái Liên nhô ra rất nhanh. Hình như nó đã đứng chờ ở đây lâu rồi. Cái Liên không mang theo súng. Nó mặc một bộ quần áo sáng màu, không đeo vòng lá ngụy trang. Ban đêm nên không sợ máy bay Mỹ phát hiện. Thằng Nam liền bảo:
            - Không phải tiễn đâu. Liên về ngủ đi, mai còn phải trực chiến!
            - Ngày mai Nam ra trận rồi. Mình muốn... tặng cho Nam một cái này!
            Tiếng cái Liên rất nhỏ như đang thì thào bên tai thằng Nam. Cái Liên tiến lại gần thằng Nam. Nó kéo thằng Nam rẽ vào một lối hào giao thông khác. Đó là lối giao thông hào rẽ xuống phía bến sông Phó Đáy qua phía trước sườn đồi toàn những bụi cây gai xấu hổ rậm rạp. Thằng Nam hơi giằng lại. Nó không muốn đi lối này vì phải vòng qua cánh đồng về làng Hạ hơi xa. Thằng Nam bảo:
            - Thôi chúng mình đứng đây nói chuyện một lúc rồi mình còn phải về làng chào bố mẹ để còn lên đường cho kịp thời gian giao quân.
            Cái Liên buông tay thằng Nam và đứng dựa lưng vào thành hào giao thông rồi hỏi:
            - Nam có biết chuyện gì sắp xảy ra với làng Hạ chúng ta không?
            - Không! Mà có chuyện gì ngoài việc ngày mai làng ta tiếp tục tiễn ba thanh niên lên đường nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu?
             Cái Liên nói giọng chùng xuống:
             - Ngày mai, sau khi Nam cùng mấy anh em trong làng, trong xã lên đường nhập ngũ rồi thì họ sẽ tổ chức báo tử và làm lễ truy điệu cho anh Xuyên và mấy người nữa đấy!
            - Thế à?
            - Giấy báo tử đã gửi về xã từ mấy hôm trước. Nhưng lãnh đạo xã họ muốn để bọn Nam lên đường yên tâm nên sau khi giao quân xong mới làm lễ truy điệu cho các liệt sĩ. Lần này làng Hạ có gia đình anh Xuyên, toàn xã Hòa Sơn có bốn gia đình sẽ nhận được giấy báo tử liệt sĩ...
            Thằng Nam lặng im không hỏi thêm. Cái Liên cũng lặng đi một lát rồi mới nói, giọng còn xúc động:
           - Buồn quá! Tại sao con trai làng ta cứ ra đi mà không ai trở về thế nhỉ?
           - Chiến tranh mà...
           Cái Liên thì thào:
           - Nhưng Nam nhất định phải trở về nhé!
           - Ừ... nhất định...
           Thằng Nam đáp nhưng cũng không tin ở lời mình nói lắm. Cái Liên lại thì thào bảo:
           - Đưa tay đây, mình tặng Nam cái này làm kỷ niệm...
           Thằng Nam chìa tay phải cho cái Liên. Trong đầu nó thoáng nghĩ thầm: "Chắc lại là một cái khăn mùi-xoa thêu chim bồ câu hay cái vỏ gối có thêu hoa lá và hai chữ "Quyết thắng" chứ gì!". Cái Liên cầm tay của thằng Nam nâng lên soi dưới ánh trăng. Và, thật bất ngờ, cái Liên ấp bàn tay thằng Nam vào bên ngực trái của mình. Ngực áo cái Liên đã mở sẵn khuy tự bao giờ rồi. Bàn tay thằng Nam chạm vào một bầu vú căng tròn mịn màng của người con gái cùng làng. Thằng Nam hốt hoảng định rụt tay mình lại nhưng cái Liên cứ giữ chặt ở trên ngực mình. Cái Liên hổn hển bảo:
            - Mình muốn... tặng Nam là cái này...
            Cái Liên níu thằng Nam đổ người áp chặt vào mình. Nó lần tìm và kéo nốt bàn tay còn lại của thằng Nam đặt lên bên ngực kia của mình. Sau giây phút bất ngờ, thảng thốt, thằng Nam dần lấy lại sự bình tĩnh. Lần đầu tiên nó được đặt bàn tay trực tiếp lên khuôn ngực một người con gái mềm mại, tròn căng và đẹp như thế này. Nó cảm nhận được sự kỳ diệu đang ở trong lòng bàn tay của mình. Cái Liên để yên một lúc lâu rồi lại đột nhiên gỡ bàn tay phải của thằng Nam ra vít mạnh đưa xuống phía dưới. Thằng Nam thêm một lần nữa bị bất ngờ bởi những điều nó lần đầu được biết. Bàn tay thằng Nam chạm vào một sự rối bời nhưng đầy lạ lùng, hấp dẫn đến tận cùng trên cơ thể của người con gái. Nó như mê đi... Mọi việc tiếp theo diễn ra rất nhanh. Cái Liên chủ động mọi việc. Khi thằng Nam lúng túng không biết làm như thế nào vì đối với nó đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời và hoàn toàn mới lạ. Cái Liên lại phải hạ tay xuống để trợ giúp thằng Nam định vị. Đoạn cái Liên vòng hai tay ôm thằng Nam kéo giật mạnh về phía mình. Thằng Nam thấy người như hẫng đi, chơi vơi khi đã xâm nhập trọn vẹn vào cơ thể của người con gái đẹp cùng làng.
           Sự việc diễn ra và xong rất nhanh nhưng cả cái Liên và thằng Nam đều thấy rất hài lòng thỏa mãn. Cái Liên chỉnh sửa lại quần áo rồi đi tiễn thằng Nam thêm một đoạn nữa xuống tận đầu cánh đồng làng Hạ. Trời sáng rõ, trăng đã tàn. Bình minh hồng lên ở phía chân trời. Hai đứa chia tay nhau hẹn ngày gặp lại. Một người quay lại trận địa, một người đi ra chiến trường. Đó cũng là ngày cuối cùng khi đất nước còn chiến tranh thằng Nam ở làng. Một ngày mà với nó là một kỷ niệm mãi mãi không thể nào quên...

           (còn nữa)                                   Hà Nội, 11-2014 
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét