Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 38)

 



     TRĂNG LẠNH
       Truyện dài của Trọng Bảo

        Một chuyện rất vui đã đến với trung đội dân quân thường trực làng Hạ. Đó là đám cưới của người chỉ huy của họ với anh đại đội trưởng đại đội cao xạ. Hai người đã chính thức thông báo là sẽ tổ chức lễ cưới vào giữa tháng mười. Thời gian này cũng là mùa lúa chín. Một mùa màng trông đợi của bao người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nghe tiếng kẻng là vội vã ra đồng làm lụng, nghe tiếng bom là chui ngay vào lòng đất lánh nạn. Dân làng Hạ chờ mong mùa về sân kho của hợp tác xã vụ gặt sẽ ngồn ngộn lúa vàng. Được mùa, giá trị ngày công lao động sẽ cao, cái đói sẽ bớt đi. Ở vùng quê trung du rất nghèo này nhiều khi nỗi sợ hãi về chiến tranh không lớn bằng sự sợ hãi của những ngày giáp hạt.
          Chị Tình và anh Thức cùng lên trận địa Đồi Ma để thông báo và nhờ anh chị em trong trung đội dân quân giúp đỡ việc chuẩn bị tổ chức lễ cưới. Nhìn hai người thật đẹp đôi. Niềm hạnh phúc sáng ngời ngời trong mắt họ. Cả trung đội dân quân xúm lại chúc mừng hai người. Trong khi mọi người đều mừng vui thì cái Liên lại buồn. Nó ngập ngừng hỏi anh Thức:
           - Thế khi... cưới xong anh có đưa chị Tình về quê không ạ?
           - Thuyền theo lái, gái theo chồng! Có thế mà cũng phải hỏi! - Thằng Nam nhanh nhảu cắt lời cái Liên và nói thêm: - Chiến tranh thì chiến tranh, anh cứ phải tố chức đưa đón dâu thật đàng hoàng. Dùng xe vận tải chuyên kéo pháo để đón dâu cũng được, đi ban đêm cho an toàn, cho tụi em về quê anh một chuyến để biết biển là thế nào.
           Cái Liên bực vì bị thằng Nam ngắt lời. Nó càu nhàu vặc lại:
           - Không biết gì cũng cứ ra vẻ! Thế khi chị Tình về nhà chồng rồi, trung đội dân quân làng Hạ chúng ta mất người chỉ huy à?
           - Ừ nhỉ...
           Mọi người lúc này mới ớ người ra ngơ ngác khi nghe cái Liên nói như vậy. Anh Thức mỉm cười nhìn đám dân quân rồi bảo:
           - Yên chí! Cưới xong thì mình sẽ... xin ở rể làng Hạ cho đến khi nào hết chiến tranh mới đưa cô dâu về quê cơ!
           - Ôi thế thì còn gì bằng. Anh vẫn được cô dâu mà dân quân làng Hạ chúng em vẫn không bị mất trung đội trưởng!
           Mọi người đều vui vẻ khi nghe anh Thức nói như vậy. Thằng Nam lại làm ra vẻ hiểu biết lên tiếng an ủi anh sĩ quan cao xạ:
           - Thôi thì... anh cố gắng "nằm gầm chạn" một thời gian nhé! Chắc là bọn Mỹ cũng sắp hết sạch bom đạn rồi. Chúng nó hết bom đạn rồi thì sẽ không còn suốt ngày ầm ào bay lượn quậy phá miền Bắc được nữa. Lúc ấy anh đưa chị Tình về quê Nam Định cũng yên tâm hơn.
           - Gầm chạn quê em cũng... êm ái lắm anh ạ! - Cái Hiên nói thêm giọng đầy sự động viên, an ủi.
            Giữa lúc mọi người đang ồn ào nói cười vui vẻ thì tiếng kẻng báo động dồn dập vang lên. Tất cả xách súng lao ra trận địa. Chị Tình lập tức vào ngay vị trí chỉ huy chiến đấu. Anh Thức cũng chạy ra chỗ đặt khẩu 12ly7 để quan sát và hỗ trợ các xạ thủ thao tác súng. Một tốp máy bay Mỹ đang từ phía đỉnh núi Tam Đảo đang chúc đầu lao xuống mục tiêu cây cầu sắt. Những chiếc phản lực bay nhanh hơn tốc độ âm thanh nên nhìn thấy máy bay to lù lù mà vẫn chưa nghe thấy tiếng động. Trận địa pháo cao xã bên kia sông lập tức bẳn trả. Tốp máy bay ngóc đầu lên bay sượt về phía hạ lưu dòng sông. Nhưng chúng cũng đã kịp ném xuống một loạt bom. Mấy quả bom rơi xuống nổ dưới lòng sông, cột nước vọt lên cao hơn cả những bụi tre ven bờ. Cây cầu sắt qua sông vẫn an toàn. Hỏa lực pháo cao xạ 37ly rất mạnh và dày đặc buộc bọn chúng phải vội vàng cắt bom và ngóc đầu lên tránh đạn. Khi máy bay Mỹ đã bay xa, anh Thức chào mọi người để về trận địa. Chị Tình nhắc nhở các bộ phận kiểm tra lại trang bị, vũ khí, củng cố công sự trận địa sẵn sàng đợi lũ giặc trời quay lại.
           Chiến tranh với bao nhiêu nỗi lo âu, mất mát hàng ngày nhưng chuyện chị Tình trung đội trưởng sắp cưới khiến cho cả trung đội dân quân làng Hạ luôn luôn háo hức. Mọi người bàn nhau góp tiền mua tặng phẩm chung tặng cô dâu, chú rể. Cái Liên được giao nhiệm vụ đi làm "dân vận" đối với anh chàng đẹp trai cửa hàng trưởng bách hóa thị trấn huyện. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ một cách thật xuất sắc, mua được một chiếc phích Trung Quốc mới tinh đem về làm tặng phẩm cho đám cưới. Cái Liên và chị Nhân còn có một món quà riêng để tặng người chỉ huy của mình trong ngày vui. Đám cưới sẽ được tổ chức theo quy định đời sống mới. Lễ cưới tổ chức tại hội trường sơ tán của ủy ban xã sâu trong khu rừng cọ. Mọi người đến dự đám cưới ăn kẹo, uống trà và ca hát chúc mừng đôi uyên ương. Chị Tình đã nhờ mua trong cửa hàng mậu dịch quốc danh được mười cân kẹo chanh và năm cân bánh bích quy. Khi hai người chính thức có giấy đăng ký kết hôn thì sẽ được cửa hàng mậu dịch phân phối cho một cân chè mạn và một tút thuốc lá nhãn hiệu Tam Đảo, Điện Biên bao thường. Nếu có người quen làm ở ngành thương nghiệp, hoặc là cán bộ thì mới mua được các loại thuốc lá có bao bạc. Do tình hình chiến tranh nên đám cưới sẽ tổ chức vào buổi đêm khi máy bay Mỹ giảm tần xuất hoạt động. Khách khứa chủ yếu là bộ đội và dân quân hai đơn vị bảo vệ cây cầu sắt trên sông Phó Đáy. Cả hai đơn vị đã có sẵn phương án đảm bảo lực lượng trực chiến tại trận địa, khi đang tổ chức đám cưới nếu có báo động số anh chị em đại diện đi dự sẽ cơ động nhanh về trận địa.
          Sắp đến ngày cưới, thằng Nam và phó tiến sĩ Dương Thụy được anh chị em trong trung đội dân quân giao cho nhiệm vụ lo trang trí hội trường đám cưới của chị Tình và anh Thức. Nếu tình hình phòng không bớt căng thẳng thì đơn vị pháo cao xạ sẽ cử nhân viên văn hóa sang hỗ trợ việc trang trí. Phó tiến sĩ Dương Thụy vốn là một người có hoa tay, kẻ vẽ rất đẹp nhưng đành xin thôi việc này vì không có màu, bút vẽ và giấy tơ-rô-ki. Thằng Nam thì không cần đến những thứ đó. Chỉ với một cây kéo và mấy tờ giấy màu xanh vàng tím đỏ mua ngoài chợ đem về là nó có thể trang trí cho một đám cưới quê. Thằng Nam dùng kéo cắt giấy màu thành những hình họa tiết trang trí lên phông và các bức tường của hội trường. Đó là hình đôi trai gái đứng bên gốc cọ, bụi tre, hình chim bồ câu ngậm trái tim bay lên, hình hoa, hình lá... trông thật ngộ nghĩnh và vui mắt. Tấm phông chính trên sân khấu chuyên để dán khẩu hiệu hội nghị, lễ phát động thi đua, lễ tiễn thanh niên nhập ngũ nên dày cứng những vết hồ bột sắn và những nét chữ những lần trước dán lên bóc chưa hết. Chị Nhân và cái Liên, cái Na phải mất một buổi tối ngồi bóc lại rồi giặt rũ phơi thật cẩn thận tấm phông. Trên tấm phông này thằng Nam dự định sẽ cắt dán một đôi chim bồ câu đang bay lên mỏ ngậm một trái tim có hai chữ "hạnh phúc". Giữa tấm phông là hai chữ "T" lồng quấn quýt vào nhau. Đó là hai chữ cái đầu tên của anh Thức và chị Tình. Hai bên cạnh của tấm phông chính là hai câu thơ "Hạnh phúc non sông, hạnh phúc nhà. Thắm tình đất nước, thắm tình ta". Phía dưới là một câu khẩu hiệu quen thuộc của các đám cưới đời sống mới thời chiến "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ". Trong hội trường đã có sẵn hai khẩu hiệu viết trên tường hai bên sườn là "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt" và "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Hai khẩu hiệu này kẻ viết đã lâu nên màu chữ mờ phai, nhòe nhoẹt.
Việc cắt hình, trang trí cho đám cưới thằng Nam đều phải tranh thủ làm vào những buổi tối. Ban ngày nó còn phải cùng trung đội trực chiến hoặc canh gác phòng không trên trận địa Đồi Ma. Sau khi trang trí xong các bức tường trong hội trường, đêm trước khi lễ cưới diễn ra, thằng Nam mới cắt dán, trang trí cái phông chính trên sân khẩu. Thằng Nam đã cắt sẵn các hình trang trí theo ý định của mình để dán lên cái phông chính. Nó đã có kinh nghiệm trang trí đám cưới rồi. Đám cưới của chị Tình và anh Thức nhất định nó sẽ trang trí thật đẹp.
           Đêm trước ngày tổ chức đám cưới của chị Tình và anh sĩ quan pháo cao xạ trời lâm thâm mưa. Thằng Nam đóng kín các cửa hội trường để ánh sáng của chiếc đèn măng-xông khỏi lọt ra bên ngoài. Cái phông trắng giặt sạch đã được căng lên phẳng phiu trên sân khấu. Thằng Nam kê bàn ghế để leo lên dán các hình cắt trang trí. Cứ dán xong một hình, một nét chữ nó lại phải nhảy xuống phét hồ. Thằng Biên nói là sẽ đến giúp nó trang trí nhưng mãi không thấy đâu. Chắc là thằng này đang bận việc gì trên trận địa Đồi Ma chưa về kịp. Giữa lúc ấy thì cái Liên lại tới. Nó mang cho thằng Nam cháo để ăn đêm. Thấy cái Liên mở cửa, thằng Nam vội bảo:
          - Vào nhanh rồi đóng cửa lại. Đừng để ánh đèn hắt ra bên ngoài, công an xã họ vào nhắc nhở phê bình bây giờ!
          Cái Liên vội khép cửa. Thằng Nam lại hỏi:
          - Thằng Biên đâu! Sao tận bây giờ không thấy mặt mũi nó thế?
          - Thằng Biên bận rồi. Hình như nhà nó có ai ốm. Nó phải đưa ra trạm xá khám, mua thuốc. Mình sẽ giúp Nam làm tối hôm nay!
          Thằng Nam lủng bủng trong miệng:
          - Cái thằng này chán quá, cứ lúc nào cần là nó lại có việc bận...
           Cái Liên giúp thằng Nam phết hồ vào những hình cắt để dán lên tấm phông chính. Thằng Nam đứng trên bàn để dán, cái Liên ngồi dưới sàn nhà phết hồ vào các hình đã cắt sẵn. Lúc cúi xuống để nhận cái hình cắt trái màu tím, thằng Nam giật nảy mình. Nó hơi loạng choạng, suýt ngã. Nó vừa nhìn thấy thật gần hai bầu vú của cái Liên. Buổi tối cái Liên không mang đồ lót lại mặc cái áo rộng cổ nên cứ lồ lộ. Hai vầng trăng trên khuôn ngực của người con gái miền trung du ấy thật tròn, thật trắng và thật đẹp. Giữa hai vầng trăng ấy là hai chấm nhỏ màu hồng đầy sự quyến rũ, mê hoặc.
            Thằng Nam mãi mới dán nổi cái hình trái tim lên tấm phông. Trong đầu nó thiếu sự tập trung vào công việc. Thằng Nam vừa lo sợ lại vừa thích thú mỗi lần cúi xuống nhận các hình cắt mà cái Liên phết hồ đưa cho. Nó thấy trong lòng mình lâng lâng, ngây ngất. Thằng Nam chỉ mong cho công việc cứ thế này mãi, đừng bao giờ xong để được ngắm nhìn một tác phẩm tuyệt vời của tạo hóa. Cái Liên như không biết ánh mắt của thằng Nam đang nhìn trộm vào chỗ không được phép nhìn. Nó vui vẻ vừa làm vừa tán đủ thứ chuyện với thằng Nam.
           Khi việc trang trí vừa xong thì chị Nhân đến. Ba người cùng ngồi ăn cháo. Cháo gạo mới thật thơm và ngọt. Chị Nhân vừa ăn vừa ngước nhìn quanh phòng cưới vừa xuýt xoa:
           - Ước gì mình cũng có một đám cưới như thế này!
           Thằng Nam bảo:
            - Bao giờ chị và Liên cưới em sẽ cắt vẽ, trang trí cho thật đẹp!
            Chị Nhân nói giọng thật xa xôi và đầy sự khát khao, mong ước:
            - Nhất định như thế Nam nhé!
            Thằng Nam và cả cái Liên đều gật đầu. Đêm đã về khuya, ba người trở về làng tranh thủ ngủ một lát để sáng sớm mai lại lên trận địa. Bầu trời đêm không trăng nên rất tối tăm. Gió mùa thu ào qua cánh rừng hơi lạnh. Con đường họ đi trên sườn đồi mờ mờ ảo ảo trong ánh sáng của bom nổ, nhà cháy từ phía thị xã hắt lên. Thứ ánh sáng khiến cho lòng người ta không một chút yên tâm...

          (còn nữa)                                    Hà Nội, 11-2014 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét