Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 3)

   


            TRĂNG LẠNH
             Truyện dài của Trọng Bảo

           Ngay sau lễ truy điệu liệt sĩ, ông chủ tịch và anh xã đội trưởng chờ gặp ông Đạt, đội trưởng đội sản xuất làng Hạ để bàn công việc gấp. Hai ông cán bộ xã sốt ruột đứng đợi ở cổng nhà bà Thêm. Ông đội trưởng thì còn đang mải dài dòng kêu gọi bà con xã viên trong đội sản xuất nhanh chóng biến đau thương thành hành động cách mạng sau đó lại còn phân công người thì đi cày, kẻ đào mương, cuốc đất mãi mới xong.
            Về đến nhà nhà ông Đạt, chủ tịch xã Trần Khuông vội vớ ngay cái điếu bát để trên bàn mồi liền hai điếu thuốc lào, hóp má rít òng sọc vẻ rất ngon lành. Suốt buổi lễ truy điệu liệt sĩ Hà Quang Nghĩa ông thèm thuốc lào quá nhưng không dám bỏ ra ngoài rít thuốc như đám thanh niên. Anh xã đội trưởng không hút thuốc lào. Anh nhón tay rút một điều thuốc là Tam Đảo trong túi áo ra châm lửa.
            Sau khi thỏa mãn hơi thuốc ba người mới bắt đầu bàn công việc. Ông chủ tịch xã chợt nhớ ra liền bảo ông đội trưởng:
            - Anh sang chỗ nhà đám mời thêm trưởng công an xóm và cô Tình, bí thư chi đoàn về dự họp luôn!
            Ông Đạt lại lật đật đi ra cổng. Một lát sau ông cùng anh Kỉnh, trưởng công an, chị Tình bí thư chi đoàn làng Hạ cùng vào nhà. Họ ngồi xuống quanh chiếc bà trà cũ kỹ. Ông chủ tịch xã nhìn mọi người một lượt rồi trịnh trọng:
            - Đây là một việc bí mật quân sự! Đề nghị các ông không ghi chép, không phổ biến… - Ngừng một lúc nhìn hai người đang chăm chú nghe, ông chủ tịch hắng giọng nói tiếp: - Thời gian tới có thể giặc Mỹ sẽ bắn phá miền Bắc ác liệt hơn, hủy diệt ghê gớm hơn. Chúng đang muốn biến miền Bắc nước ta trở về thời kỳ đồ đá… Khu vực xã ta sẽ trở thành trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ vì các xe vận tải quân sự sẽ lưu thông theo quốc lộ 2C lên Tuyên Quang, sang Yên Bái để tránh phải qua cầu Việt Trì là trọng điểm, túi bom của bọn chúng. Thêm nữa nay mai xưởng sửa chữa xe tăng của bộ đội cũng sẽ được sơ tán về khu vực núi Mồng thuộc xã ta. Trước sau gì thì bọn gián điệp cũng sẽ phát hiện ra và chỉ điểm báo cho máy bay địch đến bắn phá. Vì thế, cán bộ chúng ta phải chuẩn bị tư thế sẵn sàng, không được hoang mang, dao động…
            Nghe ông chủ tịch xã phổ biến tình hình, ông Đạt rất ngạc nhiên, thắc mắc. Ông nghĩ: “Mình chỉ là cái thằng đội trưởng đội sản xuất cùng hai cán bộ cấp thấp nhất mà sao lại được dự một buổi họp quan trọng thế này nhỉ?”. Nhưng ông không dám hỏi tại sao, chỉ im lặng lắng nghe.
            Sau khi phổ biến, quán triệt tình hình, chủ tịch xã Trần Khuông bảo:
            - Bây giờ xã đội trưởng Phạm Bản sẽ bàn việc cụ thể cho đội sản xuất làng Hạ.
            Xã đội trưởng Phạm Bản mở cái xà-cột may bằng vải bạt đeo kè kè bên hông lấy ra một cuốn sổ ghi chép. Không nhìn vào sổ nhưng xã đội trưởng Phạm Bản vẫn nói vanh vách:
           - Xã ta nằm dưới đường bay của máy bay Mỹ từ trên dãy núi Tam Đảo lao xuống bắn phá thủ đô. Máy bay giặc Mỹ từ tàu sân bay bay vào đất liền thường tập kết trên bầu trời khu vực dãy núi Tam Đảo để tránh lưới lửa phòng không của ta trước khi lao xuống không kích Hà Nội. Những chiếc bị thương, bị cháy chúng cũng sẽ cố bay lên khu vực núi Tam Đảo phi công nhảy dù xuống rừng rậm dễ lẩn trốn, chờ cứu hộ… Vì thế, theo chỉ thị của cấp trên, xã ta sẽ thành lập một trung đội dân quân thường trực, sẽ được trang bị một khẩu đội 12ly7 xây dựng trận đia ở khu Đồi Ma đón lõng bắn máy bay địch bổ nhào từ Tam Đảo xuống đánh Hà Nội, đồng thời bảo vệ cây cầu sắt qua sông Phó Đáy khi con đường 2C này trở thành tuyến giao thông huyết mạch lên Tuyên quang, Yên Bái. Đơn vị dân quân cũng làm nhiệm vụ cảnh giớ, phát hiện máy bay địch từ xa và phát lệnh báo động phòng không để nhân dân kịp xuống hầm tránh trú bom đạn… - Nói một hồi dài đến đây, anh xã đội trưởng ngừng lại. Anh vớ chén nước chè nhấp một ngụm cho thanh giọng rồi trình bày tiếp: - Làng Hạ gần khu vực Đồi Ma và cây cầu sắt nhất nên lực lượng thanh niên làng Hạ sẽ là nòng cốt của trung đội dân quân thường trực vì thuận tiện việc sinh hoạt, đảm bảo hậu cần, hết giờ trực chiến là ra ruộng sản xuất được ngay, tay cày luôn bên tay súng. Làng Thượng, xóm Mới ở xa sẽ thành lập các đơn vị dân quân cơ động sẵn sàng chi viện cho các đơn vị bộ đội, vây bắt giặc lái Mỹ nhảy dù…
            Nghe phổ biến đến đây ông Đạt chợt hiểu lý do tại sao mà ba cán bộ tép riu của làng Hạ lại được tham dự cuộc họp quan trọng thế này. Ông cảm thấy hơi sợ hãi. Nếu đúng như thế thì làng ông sẽ trở thành một nơi rất nguy hiểm. Máy bay phản lực của bọn Mỹ hiện đại, tốc độ âm thanh, mấy khẩu súng bộ binh bắn lên chỉ vuốt đuôi, phủi bụi cho nó, không khéo lại làm hiệu bảo nó quẳng bom xuống xóm làng.
            Chủ tịch xã Trần Khuông rít thêm một điếu thuốc lào rồi hỏi:
            - Lực lượng thanh niên làng Hạ hiện tại thế nào?
            Chị Tình bí thư chi đoàn đáp ngay:
            - Báo cáo chủ tịch! Thanh niên làng Hạ chủ yếu là nữ. Nam giới đi bộ đội hết cả rồi ạ.
            - Nam nữ thì cũng như nhau. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Cô báo cáo cụ thể xem nào?
            - Chi đoàn có ba mươi nữ, bốn nam. Chủ yếu là học sinh mới học xong phổ thông về sinh hoạt đoàn tại địa phương. Số này có nhiều người chưa phải là dân quân...
            - Tốt! Cô lập danh sách rồi cùng với xã đội trưởng thống nhất biên chế thành một trung đội dân quân có ba tiểu đội trực chiến. Sau khi có quyết định chính thức của xã và cơ quan quân sự ta sẽ tổ chức lễ ra mắt và thực hiện nhiệm vụ ngay, tình hình cấp bách lắm rồi!
            Trưởng công an làng Hạ vội lên tiếng:
            - Cần phải loại bỏ những thanh niên chậm tiến, những đứa hèn nhát ra khỏi danh sách…
            - Đúng… cần những đoàn viên thanh niên ưu tú vào trong đội hình chiến đấu, đây là một nhiệm vụ vinh dự và thiêng liêng. Nếu làng Hạ không đủ người thì ta huy động làng Thượng và xóm Mới! - Chủ tịch Khuông lại lên tiếng.
            - Không cần đâu ạ! Làng Hạ vẫn đảm bảo quân số đủ thành lập trung đội dân quân trực chiến. Chỉ có điều là cần có ba nam giới, biên chế vào ba tiêu đội để họ canh gác ban đêm ở khu Đồi Ma. Đám con gái hay sợ ma lắm ạ.
            Ông chủ tịch phì cười:
            - Thời đại nào rồi mà còn sợ ma?
            Ông trưởng thôn giờ mới lên tiếng hỏi:
            - Làng ta thanh niên nam đi hết rồi làm gì còn ba thằng để vào dân quân?
            - Thưa bác! - Chị Tình giải thích: - Một là anh Hừng thọt chân không phải đi bộ đội, hai là thằng Nam đang học lớp tám thì bỏ học, ba là thằng Biên cháu bà Thêm mới sơ tán từ tỉnh về ở với bà ấy ạ! Thằng Nam rất gan lỳ, không sợ cái gì. Có lần đi đơm đó bắt cá đêm nó nằm trên cái mộ xây xi-măng giữa đồng ngủ cả đêm để giữ lờ cá. Đêm hôm mà bảo nó chuyển công văn qua bãi tha ma cũng được…
            Ông đội trưởng nhăn mặt:
            - Hai thằng thanh niên mới lớn thì chả nói làm gì. Còn thằng Hừng thọt thì không ổn.
            - Tại sao ạ?
            - Thằng này thọt chân không phải đi bộ đội nhưng nó nổi tiếng là trai gái, máu dê, vợ nó mấy lần không chịu nổi phải bỏ về bên ngoại. Cho nó vào bộ phận trực chiến cùng đám con gái tơ không khéo sau mấy tháng nó chả biến một trung đội thành hai trung đội đấy!
            Chị Tình vung tay lên quả quyết:
            - Bác khỏi lo, cháu sẽ quản chặt không cho anh ta làm bậy! Nếu dám thò ra là… cắt ngay…
            Xã đội trưởng Phạm Bản xua tay:
            - Thôi việc biên chế trung đội dân quân thường trực sẽ bàn thêm cho kỹ sau. Việc cuối cùng tôi xin nhắc cán bộ ở làng Hạ là phải hết sức cảnh giác. Làng Hạ bây giờ là trọng điểm của xã rồi, cần chú ý việc phòng gian, bảo mật. Vừa rồi ở chỗ đám truy điệu liệt sĩ tôi thấy có rất nhiều người lạ thế mà đám thanh niên trong làng cứ bô nói chuyện lấy được bao nhiêu bó lá ngụy trang cho đoàn xe quân sự qua làng, đào được bao nhiêu hầm hào tránh trú máy bay rồi ghê nhất là chúng kháo nhau tận mắt thấy những chiếc xe tăng trong của bộ đội to như thế nào khi đến giúp xưởng sửa chữa xe thiết giáp đào hầm, xây dựng lán trại…
             Chủ tịch xã Trần Khuông nghe vậy liền đập mạnh tay xuống bàn làm mấy cái chén nảy lên ngã lăn, nước đổ tung tóe:
             - Thế thì nguy hiểm, mất cảnh giác quá! Tại sao các cán bộ đội đội sản xuất, công an xóm không nhắc nhở họ?
             - Vẫn có nhắc nhở, quán triệt thường xuyên đấy nhưng khi vui chuyện thì bọn thanh niên chúng nó rất hay quên.
             - Công tác phòng gian bảo mật ở làng Hạ thế nào rồi?
             Nghe chủ tịch xã truy vấn, anh công an xóm liền lấy từ trong túi áo ngực ra một cuốn sổ bìa đen nhỏ bằng bàn tay. Anh mở sổ ra rồi đọc:
             - Những nhân vật rất khả nghi cần xác minh là… mụ Chuyên, người bên kia sông thường hay đem các loại hàng hóa vào làng bán như mắm tôm, cá khô, muối ăn. Mụ này rất hay la cà hỏi han đủ thứ chuyện xay ra trong làng. Người đáng khả nghi thứ hai là lão Vận. Lão này nhà ở bên bờ sông Phó Đáy, làm nghề quét chợ. Nhiều lần người ta trông thấy lão này chôn giấu vật gì đó ngoài bãi sông, đã đào lên kiểm tra chỉ toàn là những hạt nhãn, hạt vải. Rất có thể lão chôn giấu tài liệu, vũ khí bí mật… người đáng nghi nữa là một người đàn bà tên là Nhu. Chị này nhiều lần đang trưa nắng, giờ cao điểm vẫn mặc áo trắng đi lên cây cầu sắt. Nghi ngờ là để báo hiệu mục tiêu cho máy bay Mỹ ném bom xuống cầu. Đã theo dõi, kiểm tra, nhiều người nói chị này phát bệnh tâm thần do bị chồng bỏ…        
             Chủ tịch xã Trần Khuông kết luận:
             - Chuyện thành lập trung đội dân quân làng Hạ, chuyện nhân sự và chuyện phòng gian, bảo mật bàn đến đây thôi. Bây giờ tôi phải về trụ sở để báo cáo đồng chí bí thư. Xã đội trưởng Bản sẽ bàn thêm với cô Tình về tổ chức biên chế đơn vị dân quân. Khi nào có quyết định thành lập chính thức, chúng ta sẽ tổ chức buổi ra mắt thật trọng thể, hiểu chưa?
             Nói xong, chủ tịch xã Trần Khuông xốc lại chiếc xà-cột làm bằng da, đeo chiếc đài Xiêng-mao qua vai rồi bước ra cửa. Ông Đạt và anh công an xóm cũng bước ra ngoài sân để cho anh xã đội trưởng và cô bí thư chi đoàn bàn thêm. Ông Đạt dặn anh công an xóm chú tâm tìm sẵn lấy một con chó. Buổi ra mắt thành lập trung đội dân quân trực chiến thế nào cũng cần đến nó…
                                                            
           (còn nữa)                                                                    Hà Nội, 11-2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét