Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 2)

               


         TRĂNG LẠNH
         Truyện dài của Trọng Bảo


          Chị Nhân đến nhà anh Nghĩa thì gần như cả làng Hạ đã có mặt tại đấy. Chị lách qua đám trẻ con đứng lố nhố ngoài cổng vào trong sân. Trong ngôi nhà tre lợp lá cọ cũ kỹ là đám họ hàng thân thích của liệt sĩ đang gào khóc. Bà Thêm-mẹ anh Nghĩa đang lăn lộn giữa nhà. Tóc tai bà rũ rượi. Bà quỳ dưới đất, vừa đập hai bàn tay xuống nền nhà vừa nói:
          - Ông trời ơi là ông trời! Cảnh nhà tôi đã mẹ góa, con côi thế này sao ông còn nỡ bắt nốt thằng con của tôi đi thế trời ơi là trời?
          Ông Đạt-đội trưởng đội sản xuất làng Hạ an ủi:
          - Bà ơi! Anh Nghĩa đi chiến đấu hy sinh vì nước, vì dân, không phải là do ông trời bắt đâu bà ạ!
          Bà Thêm không nghe lời ông đội trưởng. Bà vẫn cứ vừa gào khóc vừa oán trời, hận đất. Tiếng khóc của bà mỗi lúc một thêm thê thảm. Ông Đạt đành mặc kệ bà và quay ra ngoài sân. Nhìn thấy chị Nhân ông hỏi ngay:
          - Chi đoàn thanh niên đi đâu hết rồi?
          - Chúng cháu đây ạ! - Chị Tình, bí thư chi đoàn làng Hạ đang đứng ở góc sân vội lên tiếng. Ông Đạt ra lệnh:
          - Chi đoàn tổ chức làm rạp để chuẩn bị đón các đoàn đại biểu đến viếng liệt sĩ. Cử ngay mấy cô cậu làm nhiệm vụ lễ tân, đun nước, đón khách rõ chưa?
          - Vâng ạ!
          Chị Tình đáp và lập tức gọi đám thanh niên làng Hạ đến phân công đẵn tre, chặt lá cọ để làm rạp. Hai thằng thanh niên choai choai ông hai gốc cau ở góc sân nhoài người lên. Một loáng chúng đã néo được hai cây tre lên hai thân cây cau gác qua sân sang mái nhà. Đoạn chúng lao cây que lên để làm rạp. Đám con gái cặp lá cọ đưa lên che. Cái rạp dựng xong làm căn nhà đã tối lại thêm tối, chỉ nghe tiếng kêu khóc vọng ra mà chẳng thấy rõ mặt người. Nhà bà Thêm chỉ có hai mẹ con. Anh Nghĩa là con duy nhất thuộc diện tạm hoãn đi bộ đội. Bố anh là du kích bị Tây bắn chết trong trận càn “chim giẽ giun” lên vùng trung du. Khi bố chết anh vẫn còn đỏ hỏn mẹ địu đi tản cư chạy giặc mãi tận vùng Yên Sơn, Tuyên Quang. Học hết cấp ba, anh Nghĩa viết đơn bằng máu xung phong nhập ngũ. Bà Thêm khóc hết nước mắt can ngăn nhưng ý chí của anh không lay chuyển. Anh giấu mẹ cái giấy báo đi du học nước ngoài tại Liên-xô vì được ưu tiên là con liệt sĩ. Hôm anh lên đường đột nhiên có con chim lợn kêu eng éc ngay sau nhà khiến bà Thêm càng thêm lo lắng. Ngày nào bà cũng thắp nhang cầu trời khấn phật, gọi vong linh ông bà tổ tiên và chồng phù hộ cho con tránh được hòn tên, mũi đạn nơi sa trường. Vậy mà những lời khẩn cầu của bà đã không linh nghiệm, anh Nghĩa vẫn chết như bao đồng đội khác. Anh chết vì trúng bom ở khu bốn khi đang trên đường vào mặt trận. Nếu tính đúng ra thì anh chưa đủ một tuổi quân đã đủ tuổi liệt sĩ rồi.
          Tiếng khóc và tiếng kể lể thê thảm của bà Thêm khiến dân làng Hạ ai cũng bùi ngùi xúc động.
          Ông Đạt vẫn oang oang giữa nhà đám. Ông quát đuổi lũ trẻ con về đưa nhau đi sơ tán lên rừng đề phòng máy bay Mỹ vì sắp đến giờ cao điểm. Ông giục bọn thanh niên đun nước, đón khách, khênh vòng hoa. Những vòng hoa đem viếng tự làm bằng đủ các loại hoa rừng, hoa dâm bụt, hoa cúc dại mọc ở các bờ rào trong làng, bờ mương, ven đồi.
           Chị Nhân và cái Liên chịu trách nhiệm đun nước uống ở phía sau nhà. Trời lạnh nên ít người uống nước. Các đại biểu ban ngành đoàn thể đến viếng, chia buồn rất nhanh rồi đi ngay. Họ còn lắm việc và cũng ngại ở chỗ đám tang đông người khi tiếng tàu bay của giặc Mỹ đã ầm ì vọng đến. Chỉ có người làng Hạ là luôn có mặt bên tang chủ. Làng Hạ bao đời nay vẫn thế. Những lúc hoạn nạn, khó khăn vẫn xúm quanh, nhẫn nại chia xẻ với nhau. Họ sẽ còn ở nhà bà Thêm cho đến khi làm xong lễ truy điệu cho liệt sĩ Hà Quang Nghĩa.
           Khi các phích nước sôi đã được đổ đầy, nồi nước vối đã khênh vào để ở góc sân cho nguội, cái Liên liền kéo chị Nhân ra mé đồi phía xa ngồi nói chuyện. Nó bảo có một chuyện rất quan trọng. Chị Nhân và cái Liên rất thân nhau. Nhà chị và nhà Liên gần nhau, chỉ cách một rặng rào cây dâm bụt. Hầu như tối nào cái Liên cũng sang nhà chị Nhân ngủ chung. Đêm trăng hai chị em ngồi ở cầu ao cùng tán gẫu, ngắm chị hằng, nghe hết chương trình “đọc truyện đêm khuya” từ  chiếc loa truyền thanh trên ngọn cây gạo cổng nhà ông đội trưởng thì mới đi ngủ. Cái Liên cùng lớp với thằng Thứ. Hai đứa vừa mới kết thúc năm học cuối cấp ba xong.  
           Hai chị em ra đến bờ con mương nước mé đồi. Cái Liên cứ ấp úng mãi mới dám nói:
           - Có lẽ… em… bị… rồi chị ạ!
           - Bị cái gì?
           - Thì… - Cái Liên cúi mặt nhìn vội xuống bụng mình. Chị Nhân giật mình hỏi lại:
           - Thế là thế nào?
           - Thì em bị… chậm mấy ngày rồi…
           - Nhưng… làm sao lại thế hả?
           - Là tại em cả…
           - Thế với thằng nào?
           - Thì còn ai vào đấy nữa! Hắn là em họ xa đằng nhà chị đấy!
            Cái Liên ậm ừ lúng búng trong miệng. Chị Nhân biết ngay cái Liên đang nhắc đến ai. Đó chính là thằng Xuyên cùng học một lớp với cái Liên và cả thằng Thứ nữa. Hai đứa đã có tình ý với nhau từ lâu rồi. Chị Nhân ngơ ngác:
            - Thằng Xuyên cũng đã lên đường nhập ngũ từ hôm kia rồi còn gì?
            - Thì đúng vậy! Đêm trước khi lên đường hắn còn năn nỉ em “kỷ niệm” cho hắn thêm một lần nữa nhưng em không cho. Em nghe nói người sắp đi xa mà làm chuyện ấy là thường hay gặp điều sui rủi lắm.
            Con ranh này tý tuổi mà biết nhiều chuyện ghê. Nghe nó nói chị chợt nhớ tới chuyện thằng thứ sáng sớm nay ngoài ruộng bèo hoa dâu. Chị hơi đỏ mặt và chợt thấy rân rân trên ngực. Cái Liên lại hỏi:
            - Hắn đi xa rồi! Em biết làm sao bây giờ?
            - Mày liều lĩnh quá em ạ! Nhỡ mà vác bụng lên thì chết với chi đoàn, với đội sản xuất đấy!
            Cái Liên ngơ ngác nhìn chị Nhân:
            - Của… em, em muốn làm gì thì làm, có liên quan gì đến chi đoàn, đến đội sản xuất?
            Chị Nhân cốc nhẹ vào đầu cái Liên:
            - Mày còn nhớ chuyện bà Quỳnh ngày xưa chửa hoang không! Hồi ấy tao với mày còn bé tối nào chả kéo nhau ra sân kho hợp tác nghe đội sản xuất, công an xã, công an xóm họp kiểm điểm, tra hỏi bà ấy vì sao chồng chết hai năm rồi mà lại đẻ ra một thằng con út. Họ truy vấn bà ấy ngủ với ai để bắt đi cải tạo đấy.
            - Nhưng bây giờ khác rồi chị ạ!
            - Khác là khác thế nào! Nhưng mà tại sao bà bí thư chi đoàn quán triệt mãi về lẽ sống cao đẹp, thuyết trình về “tình yêu trong sáng” tại sao mày vẫn làm bậy như thế hả?
            - Thì em cũng nhớ lời của bà bí thư chi đoàn chúng ta đấy chứ! Nhưng hắn ta thì lại không chịu nhớ chị ạ!
            Cái Liên im lặng một lát rồi kể tiếp:
            - Nguyên nhân tại là cái hôm bộ đội về chiếu phục vụ dân làng Hạ bộ phim “Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt” đấy chị ạ. Hôm ấy đang xem phim thì trời đổ mưa. Bãi chiếu phim trong rừng lá cọ nên tiếng mưa rơi trên lá ào ào. Mọi người vội vàng lấy áo mưa ra che, trùm kín đầu để xem phim. Mấy tháng mới có một tối phim, lại hay đến thế. Không ai bỏ về, cũng chẳng ai biết người ngồi bên cạnh làm gì nữa vì ai cũng ni-lông trùm kín người. Em và hắn che chung một miếng ni-lông đen. Hai đứa ngồi sát vào nhau. Mỗi đứa dùng một tay giữ một góc ni-lông nâng lên cho khỏi ướt. Đang xem phim hay tự dưng hắn đặt tay lên đùi em. Em gạt tay hắn ra được một lúc hắn lại lặp lại. Khi hắn luồn được tay vào bụng thì em ngồi im, người cứng hết lại vì sợ, không phản ứng gì được nữa… Thế là hắn được đà càng lấn tới. Suốt buổi chiếu phim hôm ấy em không còn biết trên màn ảnh chuyện gì đang diễn ra nữa chị ạ!
            Cái Liên thôi không kể tiếp nữa. Chị Nhân lén nuốt khan một cái. Chị rất muốn nghe tiếp câu chuyện của nó nhưng không dám đề nghị. Mãi sau cái Liên mới kể tiếp là ngay sau buổi chiếu phim ấy hai đứa đã đưa nhau lên đồi sim đến gần sáng mới lén về nhà… Thảo nào sau buổi chiếu bộ phim “Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt” ấy chờ mãi không thấy nó về ngủ chung? - Chị Nhân nghĩ thầm. Hôm ấy chị mệt nên không đi xem phim.
            Cái Liên đang định kể tiếp câu chuyện thì trong nhà bà Thêm có tiếng ông đội trưởng oang oang kêu gọi toàn thể xã viên đội sản xuất làng Hạ hãy biến đau thương thành hành động cách mạng, ra sức thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng hậu phương lớn vững mạnh chi viện cho tiền truyến lớn đánh giặc. Vậy là lễ viếng và truy điệu liệt sĩ xong rồi. Chị Nhân vội kéo cái Liên chạy vào nhà bà Thêm để cùng chi đoàn dỡ rạp thu dọn nhà cửa. Đến đầu nhà bà Thêm, cái Liên níu chị lại nói nhỏ: “Em không sợ gì cả nhưng nếu có thế nào thì chị cũng phải bảo vệ em nhé!”. Chị Nhân gật đầu. Cái Liên khẽ mỉm cười rồi ghé tai chị thì thầm: “Lúc nào em kể tiếp chuyện của chúng em cho chị nghe!”… Chị Nhân làm bộ nghiêm nét mặt. Hai người cùng lấy lại dáng vẻ nghiêm trang trước khi bước vào sân nhà bà Thêm.                                                            
             (còn nữa)                                                                        Hà Nội, 11-2014  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét