Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Truyện ngắn GÃ HOẠN LỢN (phần cuối)


                      
          
            Gã hoạn lợn
            Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Sau buổi tối mưa to gió lớn sấm chớp ầm ầm ấy kỹ sư Khoa càng thêm quyết tâm xin chuyển vùng công tác. Anh làm đơn xin về một huyện vùng núi cao của tỉnh Hà Giang. Đơn của anh đã được gửi lên cơ quan tổ chức chính quyền. Hàng ngày đến cơ quan anh tránh không gặp cô Thoa. Cô Thoa vẫn chằm bặp, lượn lờ quanh anh. Anh cũng hạn chế việc làm thêm cuối giờ để tránh gặp phải tình huống oái oăm như hôm trước. Cô Thoa bắt đầu đi học đại học tại chức vào các buổi chiều tối thì anh thấy yên tâm hơn khi ở lại làm thêm.
          Một hôm, ông trưởng phòng lại gọi kỹ sư Khoa lên gặp. Anh mừng thầm vì nghĩ đơn xin chuyển công tác của mình đã được trên chấp nhận. Nhưng khi nhìn thấy vẻ mặt buồn bã của ông trưởng phòng thì anh hơi chột dạ. Ông trưởng phòng hỏi:
          - Cậu và cô Thoa có chuyện gì phải không?
          - Không ạ!
          - Không là không thế nào! Cô ấy đang “kiện” cậu kia kìa!
          - Kiện cái gì ạ!
          - Tao… tao… cũng không rõ! Chỉ thấy ông chủ tich tỉnh gọi điện cho tao nói gần, nói xa có ý đe rằng cậu mà “bỏ của chạy lấy người” là chết cả nút hiểu không?
          - Sao thế ạ! Em và cô ấy chỉ là cấp trên với nhân viên thôi, không có việc gì đâu, bác cứ yên tâm!
          Ông trưởng phòng lắc đầu vẻ ngán ngẩm:
          - Thôi! Cậu về đi, nhớ là phải hết sức cẩn thận đấy, làm trái ý cô Thoa… à… à… làm mếch lòng cấp trên là hỏng bét mọi sự đấy!
          - Em chả việc gì phải sợ ai cả…
          Kỹ sư Khoa đáp rồi định đi. Chợt nhớ ra anh quay lại hỏi:
          - Việc em xin chuyển công tác giải quyết đến đâu rồi ạ!
          - Chuyển với chiệc cái gì… khéo mà hỏng hết rồi hiểu không?
          Ông trưởng phòng lắc đầu. Kỹ sư Khoa không hiểu hết cái lắc đầu của ông. Anh vốn là một người sống vô tư, đơn giản, chưa hiểu hết những phức tạp trong cuộc đời. Sau bận anh mắng thậm tệ cô Thoa vì tội lơ là công việc, nhất là chuyện hay ăn mặc hở hang vào phòng anh khi vắng người thì mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn. Nhất là khi Vân-người yêu của anh lên thăm gặp đúng lúc cô Thoa đang ở cơ quan. Vân gặp cô Thoa ngoài cổng cơ quan. Vân hỏi thăm và tự giới thiệu là vợ sắp cưới của kỹ sư Khoa. Hôm ấy cô Thoa bỏ việc đi đâu mất là cả phòng nông nghiệp nháo nhào vì không có nước sôi pha chè. Và cũng không hiểu sao sau lần Vân lên thăm anh thì có tin đồn anh quan hệ “lằng nhằng” với cô nhân viên chuyên đun nước ở cơ quan đang bị kiểm điểm. Thế là Vân ngãng ra. Tình yêu của hai người nhạt dần rồi tan luôn. Kỹ sư Khoa cũng không hiểu tại sao lại có cái tin đồn ác ý ấy. Có lẽ chỉ có cô Thoa là hiểu. Cô Thoa đã gặp anh nói bóng nói gió về việc anh sẽ lên làm trưởng phòng nông nghiệp huyện nếu chấp nhận lấy cô ấy. Và, chỉ có như vậy hoặc thôi việc chứ không có chuyện chuyển vùng công tác. Khi đã rõ mọi chuyện, kỹ sư Khoa quyết định bỏ việc ở phòng nông nghiệp huyện.
          Về làng, kỹ sư Khoa cũng chưa biết làm gì để kiếm sống. Ruộng đất đã chia hết cho nông dân. Mẹ anh chỉ có một sào ruộng khoán, cày cấy năng xuất có hơn hẳn thời hợp tác xã thì cũng chỉ đủ cho một miệng ăn. Kỹ sư Khoa đành vác mai đi đào đất thuê cho mấy ông chủ lò gạch thủ công ngoài bãi sông. Một hôm ngồi nghỉ cùng mấy ông bà gánh đất thuê ở lò gạch thấy họ bàn nhau việc tìm thợ về thiến mấy con lợn để nuôi vỗ béo thì kỹ sư Khoa chợt nhớ ra mình chính là dân chuyên ngành thú y, chăn nuôi. Anh nhận sẽ giúp họ việc thiến lợn. Quả là kiến thức học ở trường đại học của anh vẫn còn có tác dụng. Sau lần thiến giúp đàn lợn của mấy ông bà cùng làm thuê ở lò gạch thủ công, nhiều người biết tiếng tìm đến mời anh. Thế là kỹ sư Khoa quyết định sắm sửa một bộ đồ nghề hoạn lợn. Anh rong ruổi khắp vùng với chiếc thòng lọng buộc dọc theo cái khung xe đạp và túi đồ nghề hoạn lợn đeo bên hông. Anh thiến lợn, cả chó, trâu bò nữa. Anh còn kiêm cả việc chữa chạy cho động vật nhất là lợn, trâu, bò ốm nhiều trường hợp thành công nên rất có uy tín trong vùng. Ngày ấy nhiều khi người ốm cũng không sợ bằng lợn ốm. Người bỏ ăn một ngày không sao, lợn bỏ máng một bữa là vợ chồng con cái đã lo méo mặt.
           Nghề hoạn lợn cũng lắm chuyện buồn vui. Có lần vừa cất tiếng rao: “Hoạn… lợn…ơ…” thì một thằng thanh niên gọi kỹ sư Khoa dừng lại ra bộ nghiêm mặt bảo: “Ông là loại người gì mà dã man như vậy hả? Nó là loài động vật đã khổ lắm rồi, có mỗi một “cái ấy” để sướng mà ông cắt mất! Thật vô nhân đạo quá! Tôi mà có quyền tôi ra lệnh hoạn hết những tên hoạn lợn...”. Rồi một hôm đến làng nọ có mất cô vừa nhìn thấy anh đã nhao nhao: “Chúng em đang đi tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình đây, đề nghị anh đi cùng. Nếu có ông nào không nghe tuyên truyền thì anh lập tức “xử lý cái ấy” tại chỗ giúp tụi em nhé!”. Nói xong, các cô cười ré lên.
           Kỹ sư Khoa không thèm chấp bọn thanh niên. Anh vẫn lang thang qua tháng ngày trên con đường hoạn… lợn. Và như thành định kỳ hàng tháng, anh đều cố gắng đi qua làng Xuân Nội bên kia sông Đáy một lần. Trước khi vào làng anh mua cân đường, hộp sữa và ít hoa quả. Anh vào một ngôi nhà giữa làng. Có một người đàn ông đang ngồi trên chiếc xe lăn ở thềm. Vừa nhìn thấy anh ông ta đã hỏi, miệng méo đi nói rất khó khăn:
          - Ẫn… i… oạn… ợn… à…? (Vẫn đi hoạn lợn à?)
          - Vâng!
          - Ó… iếm… ủ… ăn… ông…? (Có kiếm đủ ăn không?)
          - Em vẫn kiếm được đủ sống bác ạ!
          - Ế… ì… ốt…! (Thế thì tốt!).
          Ông già đó bị tai biến mạch máu não nên nói năng rất khó khăn.
          Kỹ sư Khoa mở túi lấy ra cân đường, hộp sữa rồi ngồi xuống bân cạnh ông già xoa nắn chân tay cho ông. Nét mặt anh ngậm ngùi. Ông già chớp chớp mắt nhìn anh rồi bảo: “Ần… au… ến… ơi… ông… ải… oà… áp… ì… á…”.  (Lần sau đến chơi không phải quà cáp gì nhá!). Kỹ sư Khoa gật đầu để ông già yên tâm. Anh ngồi chơi với ông một lát rồi chào ông để đi.
           Ông già bị tai biến mạch máu não ấy không phải là ai khác. Đó chính là ông trưởng phòng nông nghiệp huyện ngày trước. Mấy tuần trước khi về nghỉ hưu thì ông bị tai nạn. Hôm ấy ông chủ trì buổi họp phòng để “tự kiểm điểm nghiêm khắc” về việc trong cơ quan xảy ra chuyện quan hệ nam nữ bất minh (mà việc này ông cũng không rõ sự thể là như thế nào) và để xảy ra vụ cung cấp nhầm giống “ngô không hạt” cho bà con nông dân. Việc kiểm điểm là từ trên chỉ đạo xuống. Khi đang họp kiểm điểm thì ông nhận được một bì công văn hoả tốc. Mở công văn ra xem ông liền đứng dậy. Tay ông run run. Ông chưa kịp đọc thì tờ giấy tuột khỏi tay rơi xuống đất. Ông cúi người giơ tay định nhặt tờ giấy đang nằm lăn lóc dưới đất thì chúi người ngã lao luôn đầu xuống nền nhà. Mọi người nhốn nháo xô ngay đến định đỡ ông ngồi dậy. Anh bác sĩ thú ý vội vàng ngăn lại. Anh đoán ra ngay là ông bị đột quỵ, tai biến mạch máu não. Ông là người có tiền sử huyết áp cao. Phải để nguyên ông nằm yên ở dưới đất sơ cứu rồi gọi bác sĩ chuyên khoa đến xử lý, đưa đi bệnh viện. Nhờ sơ cứu đúng cách như vậy mà ông còn sống và không bị hôn mê như một số bệnh nhân đột qụy khác.
            Khi trưởng phòng được đưa đi bệnh viện rồi mọi người mới tìm nhặt tờ công văn ông đánh rơi xuống đất lúc nãy lên xem. Hoá ra đó chính là tờ quyết định đề bạt cô Thoa giữ chức quyền trưởng phòng nông nghiệp huyện khi ông trưởng phòng sẽ nghỉ hưu vào đầu tháng tới. Cô Thoa đã tốt nghiệp loại giỏi đại học tại chức ngành trồng trọt.
            Khi biết tin ông trưởng phòng bị tai biến mạch máu não rồi về nghỉ hưu kỹ sư Khoa thường ghé thăm mỗi khi đi hoạn lợn rong qua quê ông. Ông trưởng phòng tỏ ra rất vui mỗi khi anh đến thăm. Có lẽ anh là người mà ông đã nhận ra ngay kể sau lần bị đột quỵ. Có nhiều người quen mà hỏi mãi ông mới lờ mờ nhận ra là ai. Những người dưới quyền ông trước đây chả thấy ai đến thăm ông bao giờ. Đời là vậy. Khi còn đương chức lắm kẻ vây quanh, khi đã thất sủng chẳng ai ngó tới. Người ta phù thịnh, chả ai phù suy. Khi đã về hưu thì tiệt nhiên chả ai còn nhòm ngó đến nữa. Tình đồng chí thường là rất nhạt. Tình đồng nghiệp thì chỉ có khi còn công tác. Chỉ có tình người là bền vững thì thời buổi này lại rất hiếm.
            Rời khỏi nhà ông trưởng phòng cũ kỹ sư Khoa vừa đạp xe vừa suy nghĩ mãi về điều ấy. Quành qua một khúc ngoặt chiếc xe đạp tồng tộc của anh phóng xuống một đoạn dốc cua của con đường đất đỏ ven đồi bạch đàn. Khi nhận ra có một chiếc ô tô con rất xịn đang đỗ ở bên đường thì đã quá gần. Anh cố miết cả hai chân xuống mặt đường mà không phanh nổi. Chiếc xe đạp đang đà đổ dốc đâm mạnh vào phía sau cái ô tô con. Kỹ sư Khoa ngã lăn ra mặt đường. May mà anh không việc gì. Anh lồm cồm ngồi dậy. Cánh cửa xe ô tô bật mở. Một tiếng quát:
           - Đi đứng kiểu gì thế! Mắt mù à?
           - Tôi… tôi…
           Tài xế chiếc xe con là một thanh niên còn trẻ. Hắn ta lao ngay về phía sau xe túm tay kỹ sư Khoa rồi chỉ vào đuôi chiếc xe con sừng sộ:
            - Mù à? Nhìn đây này! Xước một vết sơn rồi phải đền cho tôi ngay!
            Kỹ sư Khoa nhìn thấy một vết xước nhỏ trên đuôi chiếc xe con bóng lộn. Anh lập cập:
            - Vâng… vâng… tôi… xin…
            - Biết vết xước này phải sửa mất bao nhiêu không hả?
            - Không…
            - Ít nhất là mười triệu! Đưa tiền đây!
            Kỹ sư Khoa hốt hoảng:
            - Những mười triệu! Tôi lấy đâu ra… mà chỉ xước một tý thế này…
            - Không có tiền thì về đồn công an!
            Tên lái xe vẫn hùng hổ. Kỹ sư Khoa vã mồ hôi vì lo lắng. Giữa lúc đó thì có tiếng một người đàn bà lên tiếng can:
            - Thôi! Để cho anh ta đi đi…
            - Nhưng… - Tên lái xe miễn cưỡng buông anh ra.
            Kỹ sư Khoa nhìn về phía người đàn bà. Anh giật mình nhận ra đó là cô Thoa, nhân viên dưới quyền của anh khi còn là cán bộ của phòng nông nghiệp huyện. Cô Thoa bây giờ đã là phó giám đốc sở nông nghiệp tỉnh. Cô đang trên đường đi xuống cơ sở để kiểm tra tình hình sản xuất nông lâm nghiệp. Cô Thoa định hỏi thăm nhưng lại thôi. Kỹ sư Khoa đã ngồi lên yên cái xe đạp tồng tộc. Một tay anh cầm cái thòng lọng bắt lợn vừa bị văng ra. Cái thòng lọng chĩa ra phía trước đu đưa trông như một cái giá treo cổ nghiêng nghiêng.
            Kỹ sư Khoa lại đạp xe đi tiếp trên còn đường đất đỏ vắng bóng người qua lại. Chiếc xe con của bà phó giám đốc sở nông nghiệp từ phía sau phóng vụt qua. Bụi đỏ cuốn lên mù mịt trùm lấp cả người và xe của gã hoạn lợn lang thang…
            Tái bút: Câu chuyện về gã hoạn lợn xin được dừng lại ở đây. Hy vọng sẽ đem đến cho bạn đọc một ý nghĩa gì đó về cuộc sống thông qua cuộc đời một con người mà tôi đã biết. Tất nhiên gã hoạn lợn là nguyên mẫu của truyện ngắn này cuộc đời có khác hơn, khá hơn so với nhân vật. Nhưng chưa chắc trong cuộc đời thực gã có được những giây phút tuyệt vời như gã hoạn lợn trong câu chuyện của tôi… (Trọng Bảo).

                                                                     Hà Nội, tháng 3-2012
  

1 nhận xét:

  1. Gửi Phạm Minh Tâm: Cám ơn bạn. Mời bạn ghé thăm một blog nữa của tôi. Đây mới là nơi lưu chữ nhiều bài viết, truyện ngắn và tiểu phẩm, tản văn... Địa chỉ là: lienson.vnweblogs.com
    Chúc bạn một ngày vui vẻ!

    Trả lờiXóa