Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Tản văn TRONG NIỀM VUI ĐẠI THẮNG

        Nhân dịp kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi xin post lại tản văn này. Tản văn đã đăng trên một số tờ báo và Website. (Trọng Bảo)


TRONG NIỀM VUI ĐẠI THẮNG
 Tản văn của Trọng Bảo

       Tôi nhập ngũ vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thuộc lớp chiến sĩ tổng động viên cho cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975. Sau một tháng huấn luyện dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ các Vua Hùng trong đội hình của Trung đoàn Văn Lang, chúng tôi được điều động về Trung đoàn 246B. Ngày ấy, nhiều đơn vị quân đội đều có hai đơn vị A và đơn vị B. Các đơn vị A thường là khung ở miền Bắc chuyên huấn luyện tân binh giao quân cho các đơn vị ở mặt trận. Các đơn vị B là đơn vị sẽ hành quân thẳng ra chiến trường tham gia chiến đấu.
       Tôi còn nhớ như in buổi lễ xuất quân tại khu đồi bạch đàn thuộc xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái. Tại lễ xuất quân, Trung đoàn 246B (tên danh dự còn gọi là Trung đoàn Tân Trào) được trao hai lá cờ có thêu dòng chữ "Quyết chiến, quyết thắng". Đó là một lá cờ đỏ sao vàng là "Quân kỳ quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam; một lá cờ nửa đỏ, nửa xanh là "Quân kỳ quyết thắng" của Quân giải phóng miền Nam.

               
Ảnh ngày mới nhập ngũ 1975  
                          Ảnh chụp ngày mới nhập ngũ năm 1975 tại Trung đoàn 246B.
                      Từ trái qua: Nguyễn Văn Đam (hy sinh), Hoàng Hùng và tác giả.
       
       Đơn vị chúng tôi nhận được lệnh khẩn trương huấn luyện và chuẩn bị sẵn sàng để lên đường bất cứ lúc nào. Những người lính thời chống Mỹ tất cả trang bị đều mang trên vai. Khẩu súng để chiến đấu, cái cuốc, cái xẻng bộ binh để đào công sự, hầm trú ẩn, làm bếp Hoàng Cầm. Cái bình tông đựng nước, cái hăng-gô để nấu cơm, đun nước uống, cái ruột tượng (bao) đựng gạo, cái võng, cái tăng (ni-lông) để ngủ giữa rừng và cáng thương binh, người ốm. Và khi hành quân không thể thiếu hai bó củi to bằng bắp chân dài độ ba bốn mươi phân để nấu nướng dọc đường. Cũng không thể thiếu một cái bao bằng ni-lông khi gặp sông suối cho tất cả ba lô, quần áo vào làm thành cái phao vượt qua sóng nước, khi lâm trận dùng làm đồ khâm liệm để chôn cất liệt sĩ.
       Nhưng đơn vị chúng tôi chưa kịp lên đường thì tin chiến thắng từ mặt trận dồn dập báo về. Trên tấm bảng tin của đại đội liên tục thông báo tin chiến thắng. Tờ báo QĐND, tờ báo Nhân dân được truyền tay nhau đọc đến nhàu nát vì ngày nào cũng có những thông tin sốt dẻo của cuộc tổng tiến công và nổi dậy.
       Chúng tôi nhận được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng vào đầu giờ chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đơn vị đang lao động. Đại đội trưởng tuyên bố: "Tất cả nghỉ để ăn mừng đại thắng". Một con lợn tạ được mổ ngay. Tại nơi đơn vị trú quân dã ngoại tiếng reo vang khắp các làng, các xóm. Mặt người già, trẻ, gái trai đều hồ hởi trước tin Việt Nam toàn thắng. Vẫn biết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dù có dài đến đâu, dù có gian khổ ác liệt đến đâu cũng sẽ đến ngày kết thúc thắng lợi. Nhưng khi đón nhận tin chiến thắng tất cả vẫn cứ thấy bàng hoàng vì bất ngờ. Có phải là sự hy sinh quá lớn nên mới có tâm trạng như vậy không. Ngày chiến thắng người người hân hoan. Đi đến đâu tôi cũng nghe tiếng hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Bộ đội hát, thanh thiếu niên diễu hành trên đường hát, các cháu nhi đồng trong lớp mẫu giáo hát... Cả nước tổ chức ăn mừng vào một ngày giữa tháng 5. Không có pháo hoa, đơn vị tôi đã tổ chức bắn từng loạt pháo hiệu (loại dùng trong diễn tập) cùng nhân dân địa phương mừng vui trong ngày đại thắng.
       Cả hàng tháng trời cái không khí chiến thắng cứ lâng lâng trong lòng mọi người như vậy. Niềm vui chiến thắng thật là bất tận. Nhưng trong những ngày vui đó, tôi bắt gặp bao bà mẹ, người chị ánh mắt thẫn thờ khi nhìn những người lính từ miền Nam trở về trên nắp ba lô cài con búp bê, tay xách chiếc khung xe đạp. Đó là những người đã tham gia giải phóng Sài Gòn. Họ là những người có thân nhân không trở về sau ngày chiến thắng. Làng tôi có bà cụ Nghĩa, chồng chết từ lúc tóc còn xanh, ở vậy nuôi con. Anh con trai duy nhất lên đường nhập ngũ. Ngày anh đi cũng là ngày cuối cùng mẹ nhìn thấy mặt con. Ngày đại thắng anh không về, chỉ có tin báo tử anh về làng với mẹ. Hàng ngày bà cụ ngồi trên bậu cửa ngơ ngác nhìn ra sân kho hợp tác xã nhìn cảnh mít tinh, liên hoan hò reo chiến thắng. Rồi có một người cha là ông Hà Khắc Bảy, ngày ngày vẫn cứ lặn lội đạp xe đi tìm hỏi tin con là liệt sĩ Hà Khắc Cử qua từng người lính vừa từ miền Nam trở về, mong sao tờ giấy báo tử và cái bằng "Tổ quốc ghi công" vừa nhận kia là một sự nhầm lẫn.
       Trong niềm vui của ngày chiến thắng là nỗi đau xót của hàng ngàn, hàng vạn gia đình có người ngã xuống trong chiến tranh. Với họ cái không khí hân hoan của ngày hội non sông thống nhất không thật trọn vẹn. Đơn vị tôi ngày ấy - Trung đoàn Tân Trào - đã góp phần rất to lớn cho đất nước đến ngày toàn thắng cũng có biết bao nhiêu người lính không trở về như thế. Trung đoàn tôi có cả trăm người ngã xuống trước khi xung trận. Họ đã không chết vì bom đạn quân thù mà nhiều người đã chết vì đói. Một trung đoàn đói lả trên dãy Trường Sơn. Một trung đoàn lang thang đi đào củ rừng, tìm kiếm từng buôn làng, gặp từng người dân để xin lương thực, vay đồng bào từng cân thóc, củ sắn, bắp ngô. Những nắm thóc nhân dân san xẻ cho đem về những người còn chút sức lực dùng đá, dùng cành cây chà dập cho vỡ vỏ trấu, nhặt từng hạt gạo nấu cháo cầm hơi cho bộ đội, ưu tiên những người ốm. Đói thế, khổ thế và cái chết gần thế song những người lính "5 em" của trung đoàn tôi không một ai bỏ ngũ, thoái lui. "5 em" tức là 5 chữ M: Măng, me, môn, mỳ (sắn) và muối - những thứ lương thực, rau rừng cầm hơi của người lính trung đoàn tôi trên dãy Trường Sơn. Nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết: "Đồng đội tôi ăn trụi những cánh rừng". Nhưng cũng chính những người lính đói lả ấy đã góp phần làm nên chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 khiến cả nước Mỹ rung chuyển. Một trong những cái tên vinh quang của Trung đoàn Tân Trào-Trung đoàn 246 chúng tôi chính là cái tên "trung đoàn cận vệ" vì từng là đơn vị bảo vệ Bác Hồ và Trung ương Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người lính trung đoàn 246 từng theo Bác Hồ đi chiến dịch, từng cùng Bác có những đêm không ngủ thương anh chiến sĩ, lo cho đoàn dân công hoả tuyến. Trong cuộc hành quân vượt dãy Trường Sơn ra mặt trận, Trung đoàn 246 còn có thêm một cái tên mà mỗi lần gặp nhau, chúng tôi vẫn không quên nhắc đến và rưng rưng nước mắt nhớ về đồng đội, nhớ về những ngày gian khổ trên chiến trường đánh Mỹ, cái tên xót xa, đau nhói trong tim mỗi người đó là "trung đoàn hai bốn... đói". Cái đói đã đi vào "truyền thống" và tâm trí mỗi người lính của trung đoàn tôi như vậy. Chúng tôi đã đi qua mọi khốc liệt của cuộc chiến tranh để đến ngày đại thắng vinh quang của Tổ quốc. 
Để đến được Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 có bao nhiêu người đã ngã xuống suốt ba mươi năm trước. Và để có được một Việt Nam sau hơ­n ba mươi năm như hôm nay cũng không thể không có những người đã tiến vào Dinh Độc Lập từ hơn ba mươi năm trước ấy.
                                                                                              
                                                                                    Hà Nội, tháng 4-2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét