ÁM ẢNH
Tạp văn của Trọng Bảo
Tạp văn của Trọng Bảo
Câu chuyện em bé lớp 1 ngây thơ những ngày đầu tiên đến trường bị bỏ quên trên xe đưa đón phải chịu nỗi sợ hãi, đói khát và ngạt thở đến chết cứ ám ảnh mãi trong tâm trí của tôi. Tôi không tài nào viết tiếp được câu chuyện về lão Cốc và ông Tô ở cái làng quê miền núi xa xôi ấy nữa.
Cái chết của em bé bị bỏ quên trên xe đưa đón của một ngôi trường mang tên quốc tế giữa thủ đô Hà Nội là một "sự ám ảnh về ngành giáo dục" nước ta. Sự ám ảnh ấy cũng hằn sâu trong tâm trí bao nhà sư phạm chân chính, bao phụ huynh học sinh và nhân dân. Những năm gần đây, ngành giáo dục xảy ra bao nhiêu chuyện đau lòng. Những cảnh "tra tấn" trẻ em ở lớp mẫu giáo, cảnh bạo lực học đường, thầy đánh trò, trò đánh thầy, trò đánh nhau không còn hiếm hoi gì nữa. Rồi chuyện tày trời có một không hai trong lịch sử ngành giáo dục nước ta là việc những đường dây điều hành gian lận thi cử, mua bán điểm đến hàng tỷ đồng ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La; chuyện đóng góp, dạy thêm kiếm tiền khiến cho bức tranh của ngành giáo dục nước ta ngày càng thêm thê thảm. Sự xuống cấp của giáo dục khiến xã hội rất lo lắng. Bởi lẽ, giáo dục mà suy vong thì xã hội sẽ suy tàn. Ông Nelson Mandela, lãnh tụ của phong trào cách mạng Nam Phi đã rất đúng khi cho rằng muốn tiêu diệt một dân tộc, muốn phá hoại một đất nước thì hiệu quả nhất là phá hoại nền giáo dục của đất nước đó.
Người ta đã đi tìm và lý giải cho nguyên nhân sa sút của ngành giáo dục nước ta. Có ý kiến cho rằng kinh tế thị trường, đạo đức xã hội xuống cấp kéo theo giáo dục trượt theo. Có người cho rằng kinh tế khó khăn, đời sống giáo viên thiếu thốn khiến việc dạy học cũng kém dần đi. Theo tôi chưa hẳn là thế. Hãy nhìn vào lịch sử. Những năm chiến tranh khốc liệt, thiếu thốn đủ bề ngành giáo dục nước ta vẫn có những thành tựu đáng kể. Hiện nay, kinh tế nước ta đã phát triển, đời sống nhân dân có sự cải thiện, đầu tư cho ngành giáo dục tăng nhiều tại sao chất lượng lại càng ngày càng tụt thấp mãi xuống. Nguyên nhân chính là do đường lối giáo dục có vấn đề, quan niệm về dạy học có sự sai lệch. Ngày xưa, dạy học là để xây dựng một thế hệ con người có ích cho đất nước. Những con người, những học sinh đó sẽ góp phần xây dựng đất nước phát triển. Ngày nay dạy học hình như chỉ là để nhồi nhét cho đủ lượng kiến thức theo quy định của chương trình vào học sinh rồi phó mặc họ thành cái gì thì thành và nếu có thành tài thì phục vụ cho ai, ở đâu cũng được. Chính quan niệm đó đã làm hỏng không chỉ một hai thế hệ. Bộ máy giáo dục ngày càng trở nên khô cứng, thiếu tính nhân văn. Tôi chỉ xin dẫn một ví dụ nhỏ: Bao nhiêu năm rồi người đi học phải nộp học phí. Học sinh nghèo, tai nạn, khó khăn được xét giảm hoặc miễn học phí. Hai từ "học phí" tạo trong tâm trí người ta một sự yên tâm bởi có lý, có tình. Bây giờ các lãnh đạo đầu ngành giáo dục lại muốn đổi "học phí" thành "học giá" (giống như các "trạm thu giá" BOT đường bộ của ngành giao thông), tức là phải trả giá, phải mua bán kiến thức của nhà trường khi đi học. Chỉ mới nghe đã thấy quan niệm của các quan giáo dục ngày nay có vấn đề. Có lẽ cơ chế thị trường đã biến "nhà trường thành thương trường" chăng? Thế thì còn đâu tính nhân văn, tình nghĩa thầy-trò nữa? Chính cái quan điểm theo kiểu "con buôn" đã đẩy ngành giáo dục nước ta ngày càng thêm sa sút. (Xin lỗi những người làm nghề buôn bán. Tôi dùng hai từ "con buôn" ở đây là muốn nói về những người buôn gian, bán lận của thập niên sáu mươi, thế kỷ trước. Thời bao cấp ấy hàng hóa vô cùng khan hiếm, chủ yếu tuồn từ mậu dịch quốc doanh ra ngoài thị trường tự do bán kiếm lời với giá cắt cổ. Trong con mắt nhân dân ngày ấy "con buôn" có nghĩa không đẹp, không trong sáng. Bây giờ buôn bán hàng hóa nhiều, người bán tận tình, hàng síp tận nhà, hỏng hóc đổi ngay, bảo hành chu đáo). Tư tưởng giáo dục theo kiểu "con buôn" ấy đã có hậu quả tức thời, là căn nguyên của nhiều tiêu cực học đường. Hàng trăm trường đại học ra đời, các trường quốc tế khắp nơi nhưng chủ yếu là dạy cho học sinh trong nước. Cái quan niệm giáo dục ấy không chỉ có trong trường học mà nó lan ra cả xã hội. Một xã hội tràn ngập bằng cấp nhưng lại thiếu kiến thức thực hành hữu ích. Vì thế mới xuất hiện những nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ với những đề xuất sáng kiến phản khoa học như vừa qua mà tôi không muốn nhắc lại. Chính do sự xa rời mục tiêu đào tạo ra những con người phục vụ đất nước mình nên nhiều nhân tài đi du học tốn bao nhiêu tiền của nhà nước ta lại đi phục vụ nước khác, xây dựng nước khác. Có những chương trình tìm kiếm tài năng, giải thưởng hàng chục, hàng trăm ngàn đô-la, cho họ đi du học rồi họ mất hút luôn. Thôi như thế có tiếc nhưng cũng đành chịu vậy. Song, đáng buồn là nhiều người được cho đi đào tạo còn quay lại chống phá đất nước nữa. Điều ấy cũng là một nỗi ám ảnh của ngành giáo dục. Những nỗi ám ảnh ấy không chỉ riêng của ngành giáo dục mà nó có trong xã hội, có trong tôi, trong anh và trong tất cả mọi người chúng ta...
Hà Nội, ngày 7/8/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét