Ngày mười bảy tháng hai năm ấy
Tạp văn của Trọng Bảo
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, cách nay vừa tròn ba mươi tư năm, tôi có mặt ở khu vực cửa khẩu Bình Mãng (Hà Quảng-Cao Bằng). Trung đội thông tin chúng tôi trú quân ở bản Cốc Vườn, cách đường biên giới chưa đầy năm trăm mét đường chim bay. Đứng trên sàn trước cửa ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc tôi nhìn rõ vị trí đặt súng 12ly7 của đối phương ở trên một mỏm núi đá ăn sâu vào đất ta. Buổi tối ngày thứ bảy (16-2-1979), chúng tôi còn chuẩn bị để ngày mai chủ nhật được nghỉ toàn đơn vị sẽ đi cuốc đất trồng ngô. Nhưng đến nửa đêm thì có lệnh báo động chiến đấu, các bộ phận nhanh chóng cơ động lực lượng lên trận địa phòng ngự. Lợi dụng đêm tối, bọn địch đã cắt phá mấy chục mét rào biên giới, lùa hàng chục con trâu sang để phát hiện vị trí các bãi mìn của ta. Trung đội thông tin tiểu đoàn 3 chúng tôi được lệnh triển khai tổ chức các hướng đảm bảo liên lạc cho các điểm chốt của bộ binh và trận địa hoả lực. Anh em đi hết, trong ngôi nhà sàn rộng thênh thang chỉ con một mình tôi và một chiến sĩ vô tuyến 2W. Suốt đêm tôi không ngủ được vì bận canh thông máy vô tuyến cho các hướng liên lạc. Gần sáng, tôi vừa chợp mắt thì giật nảy mình bởi những tiếng nổ dữ dội. Tôi bật dậy vớ vội khẩu súng, khoác ba lô lao ra cửa nhà thì nghe tiếng trung đội trưởng Mùi quát gọi:
- Bọn giặc tấn công rồi! Ra trận địa phòng ngự ngay!
- Rõ! - Tôi đáp và nhảy ào xuống khỏi sàn nhà. Người chiến sĩ thông tin 2W cũng đeo máy phóng theo. Chúng tôi vừa chạy vừa nằm ép người bò lết theo lòng mương nước, bờ ruộng trên cánh đồng trống trải để tránh đạn và chạy về vị trí chỉ huy của tiểu đoàn. Bầu trời sáng rực lên bởi những luồng lửa đạn từ phía bên kia biên giới bắn sang. Luồng đạn bay đỏ rực, xé nát cả bầu trời đêm. Tiếng đạn pháo đinh tai, chói óc, tiếng đạn 12ly7 quét ràn rạt nổ toang toác trên cánh đồng tróng trải. Tiếng người nháo nhác gào gọi nhau thảm thiết, tiếng kêu khóc hoảng loạn của những người dân chưa kịp đi sơ tán. Tiếng chó sủa, gà kêu, bò rống tan tác, vỡ đàn. Tiếng tre nứa nổ lốp bốp từ những ngôi nhà trúng đạn đang bốc cháy rần rật. Mọi thứ âm thanh, ánh sáng hỗn độn hoà vào nhau trong lửa cháy, đất đá văng, khói bụi mù mịt. Đó là ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc mà tôi đã được chứng kiến và tham gia. Cuộc chiến tranh ấy đến hôm nay vừa tròn ba mươi tư năm chẵn. Một cuộc chiến không thể lãng quên trong tâm trí của bao nhiêu người lính biên cương.
Ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt trên các hướng. Bọn địch tấn công như vũ bão. Chúng chọc thủng tuyến phòng ngự của quân ta phía Thông Nông, Trà Lĩnh. Xe tăng nhãn hiệu “bát nhất” của địch tiến rất nhanh về hướng thị xã Cao Bằng. Khu vực trung đoàn chúng tôi phòng ngự địch cũng vượt qua được phòng tuyến của tiểu đoàn 2 ở Pác Bó tiến xuống ngã ba Đôn Chương. Vậy là tiểu đoàn 3 chúng tôi nằm giữa vòng vây bốn bề của quân giặc. Đạn địch từ phía biên giới bắn thẳng xuống, pháo địch từ phía sau nã lên và hai bên sườn là bộ binh và các đơn vị đặc nhiệm, thám báo Trung Quốc ép sát. Tuy nhiên, hướng phòng ngự chính diện của tiểu đoàn 3 chúng tôi bọn địch từ bên kia biên giới tràn sang không thể tiến sâu xuống được thị trấn Sóc Giang. Bọn chúng bị chặn đứng ở khu vực chốt cây đa của đại đội 11. Hàng trăm tên địch bị tiêu diệt, hàng chục chiếc xe tăng cuả bọn chúng bị bắn cháy, Trận địa của các đơn vị lở lói tan hoang, đất đá, hầm hào bị tróc hết sau những đợt nã pháo và tấn công dữ dội của quân địch. Vậy mà sau hàng chục đợt xung phong của bọn xâm lược trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh đại đội 11 vẫn bảo vệ được chốt cây đa thứ nhất và chốt cây đa thứ hai. Song tình hình của tiểu đoàn 3 chúng tôi cũng vô cùng khó khăn, nguy hiểm trước sức ép tiến công của một lực lượng bộ binh, cơ giới đông đảo của quân xâm lược và trước sự chi viện ngày càng thưa thớt, ít ỏi dần rồi mất hẳn của cấp trên.
Đến đêm ngày 17 tháng 2, chúng tôi được lệnh chuyển vị trí chỉ huy tiểu đoàn xuống hang Huyện uỷ ở giữa thị trấn Sóc Giang. Hang nằm lưng chừng một mỏm núi đá trơ chọi giữa thị trấn. Nơi mà mấy ngày hôm sau đã diễn ra những trận đánh rất ác liệt khi quân địch từ phía sau đánh ngược lên thị trấn Sóc Giang. Chúng tôi lặng lẽ bám sát nhau đi theo lối mòn chân núi. Qua nghĩa trang thị trấn chúng tôi gặp các chiến sĩ trung đội vận tải của tiểu đoàn đang hì hục đào huyệt chôn cất liệt sĩ. Có gần mười cán bộ, chiến sĩ là những người hy sinh trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh đã được đưa về đây. Họ được gói trong những tấm vải liệm còn mới tinh, trong những túi ni-lông. Họ được vùi vào trong lòng đất. Không có hương nhang, không có hoa, chỉ có những cành lá xanh cắm lên nấm đất ướt đẫm sương đêm nơi biên giới. Những ngày sau đó khi thị trấn Sóc Giang bị quân địch chiếm, bọn chúng đã cho đào các nấm mồ của các anh chị lên để tìm vũ khí. Sau chiến tranh chúng tôi chôn cất, đắp lại mồ cho các anh chị ấy. Vậy mà đã tròn ba mươi tư năm. Khi các anh chị ngã xuống tuổi đời vừa mới mười tám, đôi mươi. Bây giờ “tuổi làm liệt sĩ” của các anh chị đã gần gấp đôi tuổi đời của mình khi ấy.
Ba mươi tư năm trôi qua, hơn một phần ba thế kỷ, nhưng năm nào đến ngày 17 tháng 2 tôi cũng đều nhớ về những người đồng đội của mình mùa Xuân năm ấy. Đó là một mùa Xuân lạnh lẽo, đau thương, cánh hoa đào rừng vương trên báng súng của những người lính trong một cuộc chiến đấu không cân sức với quân thù để bảo vệ biên giới của Tổ quốc thân yêu.
Vĩnh Phúc, 17/2/2013
(*) Mời xem diễn biến những ngày chiến tranh biên giới phía Bắc tại hướng phòng ngự của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 qua Truyện dài TRONG VÒNG LỬA, đăng trong mục "tiểu thuyết" của blog này (Trọng Bảo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét