Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ 27-7, trang Văn học thứ Sáu của Báo QĐND số ra ngày 27/7/2012 đăng truyện ngắn HÔM NAY TRỜI NHIỀU GIÓ này. Xin chân thành cảm ơn BBT báo QĐND (Trọng Bảo)
HÔM NAY TRỜI NHIỀU GIÓ
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Hai mẹ con đi chợ từ rất sớm. Bé Thương được mẹ cho đi chợ thì thích lắm. Lẽ ra hôm nay nó phải đến lớp mẫu giáo. Nhưng cô giáo bị ốm nên nó phải nghỉ học. Không thể để con bé ở nhà một mình, cái ngôi nhà khuất sau làng toàn bọn nghiện hút lảng vảng nên chị đành cho nó cùng ra chợ.
Mẹ quẩy gánh rau muống đi trước. Con bé lon ton chạy theo sau. Chân nó ngắn nên chốc chốc chị lại phải dừng lại chờ nó. Con bé cố chạy cho kịp để mẹ khỏi phải chờ. Nó biết gánh rau của mẹ nặng lắm. Hôm qua mẹ đã mất cả buổi chiều để hái từng ngọn, bó từng mớ thận cẩn thật. Nó hỏi: "Sao mẹ không lấy liềm cắt cho nhanh ạ!". Chị bảo: "Rau cắt bằng liềm đem ra chợ người ta chê không mua con ạ!". Nó lại hỏi: "Sao thế ạ?". Chị lại phải giải thích cho nó là rau muống cuối vụ đã kém mơn mởn mà lại dùng liềm cắt cọng rau hay bị vỡ, chẻ ra, ngọn to ngọn nhỏ lẫn lộn, nhiều khi có cả cỏ nên thường rất khó bán. Con bé có vẻ hiểu. Nó thương mẹ lắm. Mới năm tuổi nhưng nó biết mẹ vất vả. Bố đi làm ăn xa, quanh năm đảo về vài luợt. Mọi công việc đồng áng ở nhà đều do một mình mẹ nó đảm đương. Không biết bố làm ăn thế nào nhưng nó thấy có lần mẹ phải vét gần hết cái bồ lúa nhỏ mang ra chợ bán đưa tiền cho bố nó đem đi.
Từ nhà ra đến chợ hơn một cây số. Con bé đã mỏi chân lắm rồi. Chị động viên: "Con có mệt không! Cố gắng lên! Lúc về mẹ sẽ không để con phải đi bộ nữa". Con bé gật đầu ra vẻ không mệt để mẹ yên tâm. Đến chợ chị tìm mãi mới có một chỗ trống để đặt gánh xuống. Hai mẹ con ngồi giữa gánh rau muống.
Từ nhà ra đến chợ hơn một cây số. Con bé đã mỏi chân lắm rồi. Chị động viên: "Con có mệt không! Cố gắng lên! Lúc về mẹ sẽ không để con phải đi bộ nữa". Con bé gật đầu ra vẻ không mệt để mẹ yên tâm. Đến chợ chị tìm mãi mới có một chỗ trống để đặt gánh xuống. Hai mẹ con ngồi giữa gánh rau muống.
Trời bắt đầu trở gió. Gió bắc từng đợt bất ngờ tràn về. Một bà mua mớ rau nhìn thấy con bé ngồi thu lu thì mắng chị:
- Hôm qua không xem thời tiết trên ti vi à? Đưa con ra chợ mà để nó ăn mặc phong phanh thế!
Chị ấp úng. Nhà chị thì làm gì có ti vi mà xem. Tối nào chị cũng phải đưa con bé Thương đi sang nhà hàng xóm xem nhờ chương trình thiếu nhi. Khi con bé về nhà ngủ rồi chị mới một mình hì hụi ngồi gọt, nạo sắn để ngày mai phơi cho kịp nắng.
Đến giữa buổi chợ mà gánh rau muống chị mới bán được vài mớ. Thấy hàng hoa bên cạnh có người vừa mua vừa nói chuyện chị mới sực nhớ hôm nay là ngày rằm. Mùng một, ngày rằm ở quê bây giờ người ta cũng thường cũng bái, tổ chức ăn uống vì thế ít người mua rau muống. Chị ôm chặt con bé vào lòng cho nó đỡ rét và hỏi:
- Con đói rồi phải không?
Nó gật đầu. Chị bảo:
- Để mẹ sang hàng bên cạnh mua cho con cái bánh rán.
- Mẹ cứ bán hết rau đi đã...
Con bé gàn mẹ. Chị lần túi áo. Mới chỉ có hai nghìn đồng của bà mua rau lúc nãy. Chị mua cho con hai cái bánh rán. Con bé đưa lại cho mẹ một cái. Mẹ cũng chưa ăn gì lại gánh rau nặng từ nhà lên chợ. Chị xoa đầu đứa con gái nhỏ hiếu thảo và nói:
- Con cứ ăn đi kẻo đói. Mẹ không đói đâu. Bán được hết rau hôm nay mẹ sẽ khao con một bát bún riêu cua đồng thật ngon.
Con bé nuốt nước miếng. Nó cầm cái bánh rán ăn nhỏ nhẻ như muốn tận hưởng hết cái vị ngon của bánh. Cái bánh còn nóng, vỏ đường bọc bên ngoài ròn tan, ngọt lịm.
Phiên chợ vẫn ồn ào. Người qua người lại nói cười râm ran. Một vài bà cầm mớ rau của chị lên xem chê rau già, không ngon, rồi đi.
Trời mỗi ngày một gió to hơn. Gió giật phành phạch mấy tàu lá cọ che trên quán chợ. Chị khẽ rùng mình. Chị lo cho con gái bị lạnh. Nhưng chưa bán hết gánh rau hai mẹ con chưa về được. Chị lo lắng nhìn lên bầu trời. Buổi sáng lúc hai mẹ con đi ấm áp. Bầu trời còn có mấy ngôi sao muộn lấp lánh. Thế mà bây giờ mây kéo về sám xịt. Gió bắc thổi ào ào. Mưa lắc rắc. Nhiều người đi chợ đã nháo nhác ra về.
Giữa lúc ấy thì phía cổng chợ có tiếng người hò hét, kêu cứu. Tiếng ai đó quát to vẻ hốt hoảng: "Chạy... chạy... đi! Một thằng điên... nó cầm dao xông vào chợ đấy...". Mấy bà quẳng cả rổ rau bỏ chạy.
- X... u... n... g... p... h... o... n... g....
Tiếng chân chạy rầm rập. Chị hốt hoảng ôm chặt lấy con lùi lại.
- Bắt... bắt... lấy... tước ngay con dao của nó... nguy hiểm quá...
Tiếng nhiều người gào lên. Nhốn nháo. Xô đẩy, đạp nhau mà chạy. Đúng là vỡ chợ.
Một người đàn ông mặc độc một cái quần đùi "bà bô", tay cầm con dao chọc tiết lợn lao về phía dãy hàng rau hô to: "Xung... phong... xung... phong...".
Anh ta vừa chạy vừa hô vang. Thỉnh thoảng anh lại nằm xuống bò lê dưới rãnh nước bùn bẩn lều phều những cọng rau, rác rưởi và vảy cá. Con dao trong tay anh chém xỉa lung tung. Mọi người hốt hoảng chạy rạt ra. Chị ôm con gái rúc vội vào một góc quán. Người đàn ông lao đến chỗ gánh rau của chị phạt lia lịa. Những mớ rau bị chém làm đôi, làm ba, tơi tả.
Anh ta vừa chạy vừa hô vang. Thỉnh thoảng anh lại nằm xuống bò lê dưới rãnh nước bùn bẩn lều phều những cọng rau, rác rưởi và vảy cá. Con dao trong tay anh chém xỉa lung tung. Mọi người hốt hoảng chạy rạt ra. Chị ôm con gái rúc vội vào một góc quán. Người đàn ông lao đến chỗ gánh rau của chị phạt lia lịa. Những mớ rau bị chém làm đôi, làm ba, tơi tả.
Một người bảo vệ chợ lựa thế lao vào quật ngã và tước được con dao của anh ta. Mấy người nữa ập vào đè nghiến anh ta xuống nền đất nhoe nhoét những bùn đất. Họ dùng dây trói chân, trói tay anh ta lại như trói một con lợn. Anh ta vẫn luôn mồm hò hét: "Các... đồng... chí... xung... phong... xung... phong...". Một người đàn bà đầu tóc tả tơi từ đâu hớt hải chạy đến xoa xoa vào đầu anh ta vẻ an ủi. Anh ta dịu dần. Mọi người giúp người đàn bà đưa anh ta đi. Các hàng quán lại trở lại bán hàng. Tiếng nói cười lại râm ran như chẳng có gì xảy ra. Chị và con gái lúc này mới hoàn hồn. Con bé mặt mũi vẫn còn tái nhợt. Nghe mọi người lao xao nói chuyện chị mới biết đó không phải là một người điên. Anh ấy là một thương binh sọ não mới chuyển về ở thị trấn. Vì trời bất ngờ trở gió nên làm anh bất ngờ phát bệnh. Lúc phát bệnh anh cứ nghĩ là mình đang xung trận đánh giặc. Anh lao vào chợ, cướp được con dao của bà bán thịt lợn ở cổng. May mà không chém vào ai. Nghe mọi người nói, chị thấy thương xót cho người thương binh ấy. Chị nhặt những mớ rau muống bị chém tơi tả cho vào rổ để đem về. Bà bán bánh cuốn ở dãy đối diện đi sang đưa cho chị cái bao tải bảo:
- Cho hết vào đây, tôi mua cho mà về...
Chị ngạc nhiên:
- Rau nát cả rồi bà mua làm gì ạ?
- Mang về chăn nuôi! Còn ba chục mớ phải không. Mỗi mớ ba trăm đồng như vẫn bán. Đây mười nghìn, cho con bé một nghìn mua kẹo nhé!
Chị lí nhí cảm ơn bà bán bánh cuốn rồi quẩy quang gánh dắt con gái ra cổng chợ. Bé Thương nắm chặt tay mẹ. Nó bước đi lập cập vẻ lạnh và vẫn còn sợ.
Đang đi chợt bé Thương níu tay mẹ bảo:
- Mẹ ơi dừng lại đã...
- Gì thế con?
- Có một thằng bé...
- Thằng bé nào?
Chị nhìn theo tay con gái. Có một thằng bé đang ngồi phệt ở gốc cây cạnh đống rác. Mặt mũi nó nhem nhuốc. Nó ngồi lẫn giữa các bao rác. Nó đang khóc. Thấy hai mẹ con chị đến gần nó mếu máo: "Đừng trói bố cháu... đừng trói bố cháu...". Thì ra nó là con của người đàn ông vừa cầm dao lao vào chợ lúc nãy. Bé Thương moi từ trong túi áo ra cái bánh rán bé xíu đưa cho nó bảo:
- Em ăn đi...
Thì ra nó vẫn để dành cái bánh phần mẹ. Thằng bé cầm cái bánh nín khóc. Hai mẹ con chưa biết làm thế nào thì thấy người đàn bà đầu tóc tả tơi lúc nãy đang nhớn nhác tìm gọi con. Thằng bé nhận ra mẹ. Nó đã chạy theo mẹ ra chợ tìm bố. Khi được mẹ bế đi nó còn ngoái lại nhìn cái Thương mãi. Cái Thương bảo mẹ: "Chú thương binh lúc nãy khổ quá mẹ ạ! Chú ấy bị người ta đè xuống chỗ bùn bẩn để trói... Con thương chú ấy lắm!".
Hai mẹ con ra khỏi chợ. Chị bảo tìm một hòn đá cho cân để gánh con khỏi phải đi bộ. Bé Thương không chịu. Nó nói vẫn đi được. Hai mẹ con băng qua con đường trống giữa cánh đồng. Gió càng mạnh. Chị nhặt được một cái áo ni-lông loại hai nghìn bị rách toạc của những người đi xe máy vứt đi khoác cho con đỡ rét.
Bóng hai mẹ con như hai cái chấm nhỏ liêu xiêu giữa cánh đồng.
Hôm nay sao trời nhiều gió thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét