Mùa xuân lạnh lẽo
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Mưa phùn lất phất. Gió bấc thổi ù ù. Tôi phải giảm bớt ga giảm tốc độ xe máy cho đỡ rét buốt và đỡ bị những giọt mưa lạnh lẽo bay táp vào mặt. Cái rét khiến tôi thấy con đường về quê như kéo dài ra xa hơn.
Qua thị trấn Hương Canh tôi dừng lại ở chỗ bán đồ gốm sứ ven đường. Tôi tính mua một cái chậu nhỏ để trồng cây phong lan rừng mà anh bạn đi Điện Biên về mới cho. Đang nhấc một cái chậu đất nung lên xem thì một ông mặc bộ quần áo mưa cũ kỹ, bám bẩn đầy bùn đất tay ôm một cái bát cắm nhang cứ ngó tôi trừng trừng rồi reo lên:
- Ôi… anh Hà! Đúng là anh rồi…
- Ơ… ơ… ông… - Tôi ngạc nhiên vì ông ta biết tên mình: - Ông là… à… à… tao… tao nhận ra rồi. Mày là thằng Thứ!
- Vâng! Đúng là em đây!
- Sao mày lại lụ khụ thế này hả?
- Thì em là nông dân, quanh năm lăn lê, bò toài ngoài ruộng, khổ hơn cả thời lính tráng ấy thì làm gì mà chả lụ khụ?
Nghe nó giải thích, tôi chợt nhớ là đã ba mấy năm rồi còn gì. Thì ra trong tâm trí tôi lúc nào cũng cứ nghĩ nó còn trẻ như là ngày nhận cánh lính mới đưa lên biên giới dạo nào.
- Thế mày đi mua bát nhang đem về chuẩn bị bàn thờ tết à?
- Tết nhất gì! Em mua cái bát nhang này để đem ra mộ thằng Hào đây!
- Thằng Hào nào! Có phải thằng Hào cùng cánh lính bảy tám với mày phải không?
- Đúng là nó đấy!
- Thế đã tìm thấy và đưa nó về quê rồi à?
- Vâng…
- Mộ nó ở đâu?
- Ở gần đây thôi anh ạ!
Tôi quyết định:
- Thế thì mày dẫn tao đi thăm nó luôn nhé!
- Vâng anh đi với em! Anh em mình qua thị trấn mua ít hoa quả, kiếm lấy một cân xi-măng. Ta đem cái bát nhang này ra gắn trên mộ nó. Hôm trước, nhân dịp kỷ niệm ngày nhập ngũ em đến thăm mộ nó thấy cái bình cắm nhang bị đám trẻ con nghịch hay trâu bò phá nên đã vỡ rồi…
- Ừ…
Chúng tôi mua ít hương hoa, gói bánh quy và cân xi măng rồi ra mộ thằng Hào. Mộ nó ở chôn ở sườn một quả đồi nhỏ cạnh hai ngôi mộ khác. Đó là mộ của bố mẹ nó. Cả ba ngôi mộ đều đã được xây gạch cẩn thận. Thằng Thứ đốt một nén nhang rồi lầm rầm khấn khứa câu gì đó. Đoạn nó dùng con dao găm cũ kỹ nạy bỏ cái bát nhang vỡ gắn phía dưới mộ thằng Hào. Nó đặt cái bát nhang mới vào rồi trộn tý xi-măng gắn lại. Tôi thắc mắc là tại sao lại không đưa hài cốt thằng Hào vào nghĩa trang liệt sĩ. Thằng Thứ giải thích tại nhà nó tự ý đem nó từ biên giới về, giấy tờ không đủ nên địa phương chưa cho đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Bây giờ thì người thân nó không còn ai nên mọi giấy tờ, thủ tục vẫn chưa hoàn chỉnh. Với lại ý nguyện của bố mẹ thằng Hào muốn nó nằm bên cạnh mình ở nơi sườn đồi lộng gió này.
Châm mấy nén nhang cắm lên mộ thằng Hào và mộ của bố mẹ nó, tôi lại thấy lạnh thêm khi nhớ về những ngày đã qua ấy.
*
Cuối năm 1978. Tôi được giao nhiệm vụ đi tuyển quân ở tỉnh Vĩnh Phú, quê hương của mình. Chúng tôi nhận tân binh ở huyện Bình Xuyên. Bọn thằng Thứ và thằng Hào ở trong số tân binh chúng tôi đã nhận và đưa về đơn vị huấn luyện. Khi biên chế hai thằng ở trung đội 3, cùng đại đội với tôi. Tôi là cán bộ trung đội 1. Do đồng hương, lại quen nhau từ khi mới nhập ngũ nên hai thằng hay sang chơi với tôi. Được phân phối cân đường đỏ tôi sẻ cho mỗi thằng vài lạng pha nước uống khi đi tập về mệt nhọc.
Sau thời gian huấn luyện ở Ngân Sơn (Cao Bằng), đơn vị chúng tôi hành quân lên biên giới. Tình hình rất căng thẳng. Chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ phòng thủ ở khu vực biên giới huyện Hà Quảng. Khi chiến tranh biên giới xảy ra đơn vị chúng tôi đã đối mặt đánh nhau với bọn xâm lược ngay từ ngày đầu tiên. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt. Đến ngày thứ chín thì tiểu đoàn tôi bị bọn địch bao vây, chia cắt. Các đại đội trong đội hình tiểu đoàn đều bị nhiều tổn thất. Quá nửa quân số thương vong. Người chết, người bị thương vãn cả đội hình chiến đấu. Đạn dược, lương thực cũng đã cạn kiệt dần. Đơn vị nhận được lệnh phá vòng vây rút lui về phía sau. Đại đội chúng tôi dồn đội hình lại còn hai trung đội. Lúc nhận các chiến sĩ về trung đội mình tôi khẽ reo lên:
- Thứ đấy hả! Vẫn còn sống là tốt rồi.
Thằng Thứ thì thào:
- Thằng Hào bị thương nhẹ vào phần mềm tay trái, vẫn cầm súng đánh nhau tốt anh ạ!
- Thế nó đâu rồi?
- Nó đi bảo vệ đưa thương binh về phía sau, nửa đêm sẽ quay lên!
- Thế tốt rồi! Nhưng hai đứa về bộ phận của tao là nguy hiểm lắm, chúng mày phải thật cẩn thật đấy!
- Bộ phận của anh làm nhiệm vụ gì ạ?
- Bộ phận này có nhiệm vụ đi trước mở đường. Khi bị địch truy đuổi thì sẽ dừng lại chốt chặn địch để đơn vị rút đi.
- Chúng em sẽ cố gắng!
- Tình huống nào cũng không được bỏ chạy hiểu không?
- Anh cứ yên tâm…
Nghe thằng Thứ nói vậy nhưng tôi không thấy yên tâm chút nào. Nói là một trung đội nhưng quân số chỉ có mười bốn thằng, chỉ bằng một tiểu đội tăng cường. Súng thì sắp hết đạn, lương thực thì cạn kiệt. Nhìn những bóng người nhỏ bé xác xơ sau gần mười ngày chiến đấu, đói ăn, không ngủ, tôi cảm thấy lo lắng. Gần sáng hôm sau thì thằng Hào trở về. Nó tìm đến chỗ tôi báo cáo việc một chiến sĩ cùng đi bảo vệ đoàn tải thương binh với nó về tuyến sau đã bỏ trốn luôn theo xe thương binh không trở lại đơn vị nữa. Tôi thở dài. Thế là trung đội của tôi chỉ còn có mười ba người. “Sẽ có một thằng chết! Con số 13 sui lắm!”. “Hay là một thằng nào xin chuyển sang bộ phận khác đi!”. - Tôi nghe có tiếng thì thào bàn tán phía sau gộp đá. Tôi không mê tín nhưng cũng chợt thấy hơi xao xuyến khi nghe mấy chiến sĩ nói với nhau như vậy. Nhưng rồi tôi không thấy ai xin chuyển sang bộ phận khác cả. Anh em theo tôi đi chuẩn bị trinh sát đường và rải quân để đêm mai đưa đơn vị vượt vòng vây quân giặc.
Chúng tôi cử một tổ bám đường từ lúc chập tối. Trên đường quốc lộ bộ binh, xe tăng, xe kéo pháo của bọn địch qua lại tấp nập. Nhìn những toán quân xâm lược hăng hái rầm rập tiến sâu vào đất ta chúng tôi rất lo lắng. Không hiểu tình hình đang diễn ra thế nào. Thông tin liên lạc giữa tiểu đoàn chúng tôi và cấp trên đã bị cắt đứt hoàn toàn. Tiếng súng vẫn rền vang ở xung quanh. Có lẽ những trận đánh lớn vẫn xảy ra ở phía Nguyên Bình, Mỏ Sắt và hướng thị xã Cao Bằng.
Quá nửa đêm thì tổ trinh sát bám mặt đường trở về. Thằng Thứ vẻ mặt buồn bã, hốc hác gặp tôi báo cáo:
- Thằng Hào hy sinh rồi anh ạ!
- Nó… nó chết thế nào?
- Bọn em đang vượt sang đường thì bị địch phát hiện. Thằng Hào đi trước liền nhào sang phía bên kia đường rồi nổ súng dụ bọn địch đuổi theo. Em và thằng Sùng Mí De còn nằm dưới rãnh thoát nước phía bên này nhờ thế không bị bọn địch phát hiện. Em nhìn thấy bọn địch lôi thằng Hào ra giữa đường. Hình như lúc ấy nó đã chết rồi anh ạ! Bọn chúng soi đèn rọi vào mặt thằng Hào. Mặt nó đẫm máu, nó nằm không thấy nhúc nhích cựa quậy gì nữa!
Tôi rùng mình thấy lạnh buốt trong lòng. Tôi dặn thằng Thứ trở về vị trí của mình chờ tôi đi báo cáo tình hình với chỉ huy đại đội. Thằng Thứ bảo:
- Em và một thằng sẽ trở lại chỗ thằng Hào hy sinh. Phải tìm cách lấy xác nó đưa lên trên núi mai táng anh ạ!
- Phải hết sức cẩn thận. Đề phòng bọn địch phục kích và gài mìn để bẫy ta đến lấy xác liệt sĩ. Nhớ là cảnh giới bảo vệ, chi viện cho nhau thật cẩn thận hãy hành động nhé!
- Vâng…
Giao nhiệm vụ cho thằng Thứ xong tôi trèo lên phía bên kia dốc núi, nơi chỉ huy đại đội và đội hình của tiểu đoàn đang ém quân. Nhìn xuống con đường, bọn địch đã bớt đi lại, anh đèn xe và tiếng gầm rú của xe tăng lắng hẳn.
Khi tôi quay trở lại đã gần sáng. Trời đã tan bởt mây mù, ánh trăng sáng lờ mờ. Thằng Thứ đón tôi ở ngay lối mòn. Nó bảo:
- Đưa được xác thằng Hào lên sườn núi rồi anh ạ! Nhưng…
- Thế thì ổn rồi! Chúng ta phải khẩn trương chôn cất cho nó rồi trở về đội hình của đại đội nhận nhiệm vụ mới ngay!
Thằng Thứ im lặng. Nó dẫn tôi đến chỗ hốc đá đang để xác thằng Hào. Thằng Hào đã được gói trong một tấm tăng rách. Thằng Thứ kể nó và thằng Sùng Mí De phải cột thằng Hào lên lưng để vừa bò lên dốc núi vừa sẵn sàng đánh trả bọn địch. Thằng Sùng Mí De quê ở Hà Giang, là người dân tộc Mông có tài leo núi nhanh nhẹn như con sóc. Nó là một người chiến đấu rất dũng cảm trong những trận đánh vừa qua.
Tôi rờ rẫm sờ tay kiểm tra thi thể của thằng Hào. Chợt tôi giật mình hốt hoảng hỏi:
- Đầu của thằng Hào đâu rồi?
Thằng Thứ hổn hển nói, giọng nó nghẹn ngào xúc động:
- Bọn giặc chặt đầu nó ném đi đâu mất rồi anh ạ!
- Vậy làm thế nào bây giờ… hay…
Thằng Thứ trấn tĩnh lại:
- Phải quay lại tìm đầu nó anh ạ!
- Nhưng chúng ta chỉ còn có gần ba tiếng nữa là phải hành quân về vị trí tập kết rồi. Bọn địch sẽ đánh ác liệt vào khu vực này sáng sớm ngày mai đấy!
- Ba tiếng vẫn kịp! Để em đi…
- Thôi được! - Tôi quyết định: - Tao với mày sẽ cùng xuống chân núi một lần nữa!
Nghe tôi nói vậy, thằng Sùng Mí De liền đề nghị:
- An cho en cùn xuốn tìn an Hao vơi nhe! (Anh cho em cùng xuống tìm anh Hào với nhé!)
Thằng Sùng Mí De nói tiếng Kinh chưa sõi. Tôi đồng ý vì nó nhanh nhẹn và dũng cảm. Ba chúng tôi lại lần xuống chân núi. Tôi phán đoán chỗ thằng Hào bị địch giết phía ta-luy dương là vách núi dốc, bọn chúng không thể ném đầu nó lên trên. Nhất định bọn giặc sẽ ném đầu thằng Hào xuống phía ta-luy âm, nơi có con suối cạn. Điều khó khăn là ban đêm, ánh trăng lờ mờ không soi rõ mọi vật và việc tìm kiếm dưới lòng con suối cạn phía bên kia đường rất dễ bị địch phát hiện. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tìm cách vượt qua đường quốc lộ sang phía bên kia. Tôi bảo thằng Sùng Mí De nằm lại ở trên lề đường cảnh giới rồi cùng thằng Thứ tụt xuống suối. Con suối cạn dưới ánh trăng lổn nhổn những hòn đã tròn tròn rất khó phân biệt. Mò mẫm mãi hai chúng tôi vẫn không tìm được đầu của thằng Hào. Trời đã sắp sáng. Có tiếng gà gáy eo óc trong một bản gần đấy vọng ra. Thằng Thứ thì thào: “Làm thế nào bây giờ anh nhỉ? Nếu không tìm thấy đầu nó thì sau này về gặp bố mẹ nó em biết ăn nói thế nào!”. Tôi định động viên nó là chiến tranh biết làm sao được thì chợt nhớ đến câu chuyện mình đã từng nghe ở ngã ba Đồng Lộc có cô thanh niên xung phong bị bom Mỹ vùi mất tích nhờ một anh đọc lên bài thơ gọi hồn mà đã tìm thấy xác. Tôi liền lẩm bẩm khẽ gọi: “Hào ơi Hào/Đầu mày ở chỗ nào?/Hãy gọi cho tao một tiếng!”
Thế là vừa tiếp tục rờ rẫm dưới lòng con suối cạn tôi vừa lẩm bẩm mãi cái câu mình chợt nghĩ ra ấy: “Hào ơi Hào/Đầu mày ở chỗ nào?/Hãy gọi cho tao một tiếng!”.
Thật bất ngờ khi quờ tay vào một vũng nước giữa hai hòn đá tôi chạm tay vào mái tóc của thằng Hào. Thật linh nghiệm. Tôi khẽ kêu lên: “Thấy rồi!”. Thằng Thứ liền nhào đến. Nó đỡ cái đầu của thằng Hào lên vuốt mái tóc xuôi về phía sau rồi thốt lên: “Hào ơi! Sao mày lại khốn khổ thế này!”. Đoạn nó để cái đầu thằng Hào vào cái ba lô lép kẹp đang đeo trên lưng. Tôi và thằng Thứ bò lên mặt đường khều thằng Sùng Mí De cùng vượt đường rút nhanh lên núi. Đã có tiếng xe tăng quân giặc gầm rú ở hướng biên giới.
Bộ phận ở lại dùng xẻng bộ binh đã đào xong một cái hố nông choèn trong khe đá và đặt phần thân thể của thằng Hào xuống. Trên sườn núi đã mà khoét được một cái hố như thế này cũng thật khó khăn. Thằng Thứ cẩn thận đặt cái ba lô xuống. Nó nhẹ nhàng nhấc cái đầu của thằng Hào ra. Một thằng đỡ lấy đặt vào phần thân thể của nó rồi định gấp tấm tăng gói lại. Thằng Thứ vội ngăn:
- Khoan, để rửa mặt cho nó đã!
Thằng Thứ lấy ra cái khăn mặt và cái bi-đông đựng đầy nước suối vừa múc lúc nãy. Nó đưa cái bi-đông cho một thằng bảo đổ nước ra để vò chiếc khăn. Một người từ phía sau len lên nói:
- Để em lau mặt cho anh ấy cho!
Tôi ngạc nhiên. Đó là tiếng con gái. Tôi vừa định hỏi cô gái này ở đâu đến thì một chiến sĩ cho biết cô ấy tên là Hằng ở đơn vị thanh niên xung phong. Đơn vị thanh niên xung phong bị địch đánh tan tác, cô bé thất lạc chạy lên núi may gặp bộ đội liền xin đi theo. Cô bé thanh niên xung phong lau chùi mặt cho thằng Hào rất cẩn thận.
Chúng tôi vun đất xuống cái hố. Phải moi đất xung quanh mới đắp được cho thằng Hào một nấm mộ nhỏ, đánh dấu cẩn thận. Không có hương nhang. Không có hoa. Cô bé thanh niên xung phong khẽ khàng đặt lên nấm mộ mới đắp một cành lá xanh. Thế là thằng Hào và bao chiến sĩ trẻ nữa chưa đủ một tuổi quân đã thành liệt sĩ. Đến giờ hành quân. Các chiến sĩ lục tục trèo qua gộp đá lên con đường mòn vắt ngang lưng chừng dãy núi. Mười ba người chúng tôi, mười hai khẩu súng đã gần hết đạn, ai nấy quần áo tả tơi, người còn ba-lô, người thì buộc túm cái quần dài lại đeo sau lưng để đựng đạn và lương thực thay cho ba-lô. Hai ống quần căng ra trông giống như một nửa thân người. Cô bé thanh niên xung phong đi cuối đội hình không có súng, cũng không có cả ba-lô. Tôi đưa cho cô một quả lựu đạn. Thế là quân số bộ phận chúng tôi lại đủ mười ba.
Trời đã sáng nhưng sương mù vẫn bay mù mịt, che khuất bóng người đi. Chúng tôi lặng lẽ bám sát theo nhau trên con đường dài thăm thẳm của cuộc chiến tranh khốc liệt.
Mùa Xuân năm ấy sao mà lạnh lẽo đến thế.
Hà Nội, tháng 1-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét