Những lá thư
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Được tin dì Vân ốm, Hạnh vội xin nghỉ phép để về thăm. Hạnh đến lớp mẫu giáo đón con. Chỉ kịp gọi điện báo cho chồng biết rồi Hạnh dẫn con ra ga lấy vé tàu về quê. Hạnh mua vài thứ hoa quả để về thắp hương cho ông bà ngoại. Hai mẹ con về đến con đê làng thì trời đã xế chiều. Bờ đê trải nắng vàng óng ả. Bé Thương cứ chạy lon ton đuổi theo những con cào cào có đôi cánh xanh đỏ bay vù vù từ ruộng lúa đang gặt lên triền đê. Nó rất thích mỗi khi được mẹ cho về quê ngoại để được bà Vân dẫn ra vườn hái bưởi, bắt con bươm bướm.
Dì Vân và mẹ Hạnh là hai chị em ruột. Ông bà ngoại chỉ có hai người con gái. Ngày xưa ở quê con gái thường lấy chồng sớm. Mẹ thường kể với Hạnh là khi mẹ đã là một thiếu nữ thì dì Vân mới mười ba tuổi. Dì thường mặc một chiếc quần cộc nâu cưỡi trâu ra đồng cùng đám con trai chơi đánh trận giả. Ông ngoại mắng: “Sao mày chả mọc ra một cái chim cho bố có người chống gậy!”.
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Được tin dì Vân ốm, Hạnh vội xin nghỉ phép để về thăm. Hạnh đến lớp mẫu giáo đón con. Chỉ kịp gọi điện báo cho chồng biết rồi Hạnh dẫn con ra ga lấy vé tàu về quê. Hạnh mua vài thứ hoa quả để về thắp hương cho ông bà ngoại. Hai mẹ con về đến con đê làng thì trời đã xế chiều. Bờ đê trải nắng vàng óng ả. Bé Thương cứ chạy lon ton đuổi theo những con cào cào có đôi cánh xanh đỏ bay vù vù từ ruộng lúa đang gặt lên triền đê. Nó rất thích mỗi khi được mẹ cho về quê ngoại để được bà Vân dẫn ra vườn hái bưởi, bắt con bươm bướm.
Dì Vân và mẹ Hạnh là hai chị em ruột. Ông bà ngoại chỉ có hai người con gái. Ngày xưa ở quê con gái thường lấy chồng sớm. Mẹ thường kể với Hạnh là khi mẹ đã là một thiếu nữ thì dì Vân mới mười ba tuổi. Dì thường mặc một chiếc quần cộc nâu cưỡi trâu ra đồng cùng đám con trai chơi đánh trận giả. Ông ngoại mắng: “Sao mày chả mọc ra một cái chim cho bố có người chống gậy!”.
Dì Vân vốn đã nghịch lại chẳng hề sợ sệt điều gì. Ngày ấy ở quê đất còn rộng, người thưa thớt, đường làng cây cối rậm rạp. Làng xóm đã ít nhà lại chưa có điện sáng như bây giờ. Những câu chuyện ma thường được người lớn kể lại làm bọn trẻ con sởn cả tóc gáy. Buổi tối đố đứa nào dám ra đường chơi đùa. Mỗi khi phải đi sinh hoạt đoàn, mẹ Hạnh vẫn phải rủ dì Vân đi cùng. Mẹ cũng đã kể cho Hạnh nghe cả chuyện đi gặp người yêu phải mất cái kẹp tóc mới mua để em gái chịu ngồi canh chừng ở gần đó đợi đưa về. Vì thế chuyện tình của chị, dì Vân đều biết hết. Ngày còn là thiếu nữ, mẹ yêu say đắm một người con trai làng bên. Hai người quen nhau trong một lần cùng đi làm thuỷ lợi. Mẹ Hạnh thường rủ dì Vân cùng đi sang làng bên. Con đường nối giữa hai làng phải qua một bãi tha ma lính Pháp tử trận ở Việt Nam. Dân làng vẫn bảo lũ lính lê dương chết trận không biết lối về quê hương bản quán nên thường hiện hình để tìm bắt con gái đẹp về làm vợ. Người ta nói đêm đêm vẫn thường gặp những bóng ma Tây cao lớn, mắt xanh lè đi đi lại lại vật vờ trên bờ đê. Mẹ rất sợ ma nhưng đến tối vẫn muốn sang làng bên. Dì Vân trở thành một người lính cận vệ tin cậy của chị gái. Dì hình như sinh ra đã cứng bóng vía. Trẻ con lúc mới đẻ mà tràng hoa quấn cổ ba vòng thì gan lỳ phải biết. Dì Vân là một người như thế. Hạnh cũng biết chuyện tình của mẹ ngày ấy bị gián đoạn bởi cuộc chiến tranh. Người yêu lên đường nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu, mẹ đã đợi chờ qua mấy năm nhưng mãi chẳng có thư nào gửi về. Rồi lại có tin người ấy đã hy sinh. Lấy chồng, mẹ Hạnh rời quê lên thành phố. Bố Hạnh được điều động đi nhận công tác tại một cơ quan nghiên cứu khoa học ở Hà Nội.
Hơn một năm sau thì có một lá thư từ mặt trận gửi về làng. Dì Vân cứ cầm mãi lá thư gửi cho chị gái trên tay. Dì biết là có bao sự nhớ nhung, mong đợi chứa đựng trong phong thư mong manh này. Dì Vân thấy giận chị vội tin vào những lời đồn nhảm mà quên những nguyện ước của một mối tình đẹp. Khi ấy dì vừa qua tuổi mười lăm, chưa hiểu hết thế nào là tình yêu, là sự chung thuỷ. Mặc dù dì đã nhiều lần nghe được những lời ngọt ngào của chị gái và người con trai làng bên khi làm “vệ sĩ” cho họ. Lá thư của người chiến binh như lửa cháy trên tay. Dì không dám đem thư đến cho chị gái. Chị đang mang thai và sống rất hạnh phúc. Rồi chẳng biết ma sui, quỷ khiến thế nào, dì đã bóc lá thư ra xem. Đọc lá thư của người lính mà lòng dì thổn thức. Dì thương người ngoài mặt trận vẫn một lòng với người ở hậu phương. Lá thư chan chứa tình yêu và niềm hy vọng. Người lính viết: “Bởi biết rằng có em ở hậu phương chờ đợi nên anh mãi vững vàng tay súng. Nhất định anh sẽ vượt qua được hòn tên, mũi đạn để trở về với em. Anh tin rằng mình sẽ sống sót qua cuộc chiến này vì trong đời anh đã có em…”.
Đọc trộm thư của chị, dì Vân cứ suy nghĩ mãi là không thể để người lính ở nơi bom đạn ấy vô vọng. Thế là dì có thêm một quyết định nữa là sẽ thay chị viết một thư cho người ngoài mặt trận. Có lẽ tiền định cuộc đời dì bắt đầu từ đó. Lá thư gửi ra mặt trận của cô bé mười lăm tuổi ngờ đâu lại đến được với người lính. Rồi thêm một lá thư gửi về, một lá thư nữa gửi đi… Nét chữ con gái xiêu xiêu trong những lá thư ám khói đạn bom nơi chiến tuyến làm nao lòng người cầm súng. Anh quên đi cái chết đang ngày đêm cận kề để dành những phút bình yên nơi trận mạc thả lòng về với hậu phương xa xôi. Nét chữ của dì không giống lắm với nét chữ của chị gái nhưng có lẽ anh lính cũng chẳng hề hay biết. Bởi từ khi chia tay họ đã nhận được lá thư nào của nhau đâu. Người lính đã vô cùng sung sướng mỗi khi nhận được thư hậu phương.
Sau hiệp định Pari năm 1973, liên lạc giữa hậu phương và mặt trận dễ dàng hơn. Dì Vân đã quen với việc thay thế chị gái viết thư tình cho người lính. Những lá thư của dì viết ngày càng tha thiết đằm thắm, ấm áp tình cảm hơn. Đã học lên cấp 3 nhưng vóc dáng dì Vân vẫn nhỏ thó. Một lần, cô bạn ngồi cùng bàn lục cặp của dì mượn vở chép bài đã tìm thấy một lá thư tình đang viết dở. Thế là chuyện dì có người yêu khi đang là học sinh lớp 9 đã nhanh chóng lan truyền khắp lớp. Dì phải làm kiểm điểm trước chi đoàn với lời hứa là phải chấm dứt ngay “mối tình bất chính” để chuyên tâm vào việc học tập. Sau lần ấy, dì cẩn thận hơn. Không bao giờ dì còn dám đem những lá thư viết dở đến trường nữa.
Thư của người lính từ mặt trận xa xôi vẫn gửi về đều đặn. Dì Vân thấy lo lo khi bóc những lá thư ấy. Một bữa đọc thư, dì hốt hoảng khi người lính hẹn ngày về và nói về một đám cưới sau chiến thắng. Dì thấy ân hận đã lừa dối một người chiến sĩ suốt mấy năm ròng. Dì đã để anh nuôi hy vọng đi qua cuộc chiến tranh. Dì cảm thấy mình thật có lỗi. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong niềm vui đại thắng, dì cứ canh cánh một nỗi lo âu. Dì không bao giờ quên cái ngày có một người lính xuất hiện trước ngõ. Cũng đúng hôm ấy mẹ đưa Hạnh về quê. Hạnh còn rất bé.
Đang chơi tha thẩn ở sân, vừa nhìn thấy chú bộ đội, Hạnh đã nhanh nhảu:
- Cháu chào chú bộ đội ạ!
Người lính hỏi thăm cô bé:
- Cho chú hỏi, có ai ở nhà không cháu?
Hạnh khoanh tay:
- Mẹ Vi đi chợ rồi! Chỉ có dì Vân ở nhà thôi chú ạ!
Người lính giật mình thảng thốt. Sao lại thế. Người anh vẫn thương nhớ đã lấy chồng và có con lớn thế này rồi sao! Anh vừa mới nhận được một lá thư với bao lời ước hẹn thế mà. Anh lúng túng khi bé Hạnh gọi to:
- Dì Vân ơi! Có chú bộ đội đến nhà ta…
Dì Vân chạy ra. Nhìn thấy người lính dì đã hiểu tất cả. Mất hồi lâu trấn tĩnh lại, dì mời anh vào nhà. Dì lúng túng rót nước mời anh. Đôi mắt hoang mang của dì cứ nhìn cắm xuống đất. Dì rất sợ chị gái đi chợ bất chợt trở về. Dì đi vào trong buồng đem ra một cái hộp gỗ nhỏ. Dì mở hộp lấy ra một xấp thư ấp úng:
- Em gửi lại anh. Anh tha lỗi cho em đã mạo nhận chị Vi viết thư cho anh suốt mấy năm qua…
Nhìn những lá thư của mình được giữ gìn trân trọng, người lính hiểu mọi chuyện. Anh không thấy giận người đã lừa dối mình. Anh chỉ buồn. Một nỗi buồn dâng dâng lên lấp đầy trong lòng anh. Anh thấy hụt hẫng. Tiếng dì Vân vẻ cầu xin: “Anh Thuận cũng đừng giận chị Vi em nhé!”. Anh đứng dậy nói, giọng nhẹ bẫng: “Thôi! Anh về nhé!”. Dì Vân ngập ngừng hỏi: “Thế còn những lá thư?”. Anh bảo: “Em cứ giữ lấy!”.
Bé Hạnh chợt húng hắng ho. Cuối mùa thu trời đã chớm lạnh. Người lính sực nhớ. Anh mở ba lô lấy ra một múi dù hoa. Đó là món quà mặt trận anh nâng niu dành để đem về tặng người yêu. Anh đã suýt mất mạng khi bò vào tận sát hàng rào thép gai cứ điểm giặc để lấy cái dù. Anh quàng mảnh khăn dù cho bé Hạnh đỡ lạnh cổ rồi ra đi.
Đó là câu chuyện của gần ba mươi năm về trước. Giờ thì Hạnh đã nhiều tuổi hơn cả mẹ hồi ấy. Có chuyện Hạnh còn nhớ. Nhiều chuyện thì nghe dì Vân kể lại. Dì Vân giờ cũng đã gần năm mươi tuổi. Học hết cấp 3, dì thi đỗ vào trường trung cấp nông lâm của tỉnh. Tốt nghiệp dì về công tác ở phòng nông nghệp huyện đến nay. Không hiểu vì sao dì chẳng lấy chồng. Dì vẫn ở vậy trong ngôi nhà của ông bà ngoại. Hạnh còn nhớ đến tuổi đôi mươi dì bỗng đẹp lên một cách đầy quyến rũ. Nhiều chàng trai tìm đến tán tỉnh. Họ đã nói bao lời yêu thương, tốt đẹp. Nhưng dì Vân cứ thấy tình cảm của mình đối với họ trườn trượt đi như nước mưa trôi trên sườn đồi dốc đứng. Hình như bao nhiêu tình cảm, lời lẽ yêu thương dì đã dồn hết vào những lá thư tình viết thời chiến tranh mất rồi. Ông bà ngoại cứ như lửa cháy trong lòng khi mỗi năm qua đi mà dì vẫn như con thuyền không có bến. Đến tận khi họ theo nhau về với tiên tổ cũng chẳng được thấy người con gái út hạnh phúc.
Người lính trở về năm xưa cũng lẻ bóng. Anh chưa lấy vợ. Có lẽ mối tình đầu và những lá thư tình trong chiến tranh còn ám ảnh mãi trong anh. Căn nhà nhỏ của anh trên bãi sông. Một chiếc vó bè kẽo kẹt ngày đêm. Mấy lần Hạnh giở trò mối lái, tìm cách kéo hai người lại gần nhau. Lần nào dắt con về thăm dì Hạnh cũng làm cơm mời chú Thuận đến cùng ăn. Nhìn hai người lớn tuổi ấy ngồi cùng một mâm sao mà ấm áp thế. Vậy mà câu chuyện giữa họ sao cứ rời rạc và xa cách quá. Hạnh không lý giải nổi tại sao. Hôm nay trên đường về nhà dì, Hạnh cứ nghĩ, họ đã viết cho nhau những lá thư nồng nàn như vậy mà lại không thể nói với nhau lấy một lời yêu thương, không thể đến với nhau giữa đời thường. Hay những lá thư có thật ấy chỉ là ảo ảnh. Phải chăng nó giúp hai người đi qua năm tháng chiến tranh khốc liệt, đi qua tuổi trẻ nhưng lại chẳng giúp được gì cho họ trong thời bình, khi đã định tâm.
*
Hạnh và con gái về đến ngõ nhà dì Vân thì trời đã nhá nhem tối. Căn nhà vắng lạnh. Dưới bếp, chú Thuận đang lúi húi nấu cháo cho người ốm. Dì Vân bị sốt li bì đã mấy ngày. Thấy Hạnh về chú Thuận mừng lắm. Chú vội nói ngay:
- Cháu chăm sóc dì, chú ra vó bè đây!
Hạnh níu kéo mãi, chú Thuận mới chịu ở lại ăn cơm cùng hai mẹ con. Dì Vân cố gượng dậy húp lưng bát cháo. Trông dì có vẻ mệt mỏi, Hạnh thương lắm. Lại thấy chú Thuận vừa buông bát đã định đi, không đừng được, Hạnh buột miệng:
- Cháu thấy hai người nên về sống với nhau mới phải…
Chú Thuận bị bất ngờ. Chú lúng túng đặt chén nước xuống chõng. Dì Vân chống tay ngồi bật dậy mắng:
- Chuyện người lớn, trẻ con không được xen vào!
- Cháu cũng là người lớn rồi chứ bộ!
Hạnh cãi. Chú Thuận bật cười:
- Con gái nó cũng lớn tướng rồi đấy!
Mọi người cùng cười. Bé Thương sà đến túm tay bà ỏn ẻn nói:
- Bà đừng mắng mẹ cháu nữa nhé!
Hạnh được thể cứ nói luôn một mạch, hết chuyện này đến chuyện khác, néo vào cả chuyện về những lá thư hai người đã viết cho nhau ngày trước. Dì Vân và chú Thuận tuy hơi gượng gập nhưng có vẻ vui khiến Hạnh lại nuôi hy vọng.
Ở chơi nhà dì Vân mấy hôm Hạnh và con trở về thành phố. Dì Vân đã đỡ bệnh. Dì tiễn hai mẹ con ra tận bến sông. Hạnh bảo “con phải ra chào chú Thuận” và kéo cả dì Vân cùng đi. Dì Vân biết thóp cô cháu gái nhưng cũng đi theo. Chú Thuận đang kéo vó bè vội về nhà định làm cơm nhưng Hạnh nói vừa ăn ở nhà dì xong nên lại thôi. Chú đã chuẩn bị quà cho hai mẹ con Hạnh. Đó là mấy cân gạo nếp và vài ống đỗ xanh. Hạnh từ chối mãi không được. Sợ không nhận chú sẽ giận Hạnh đành đem theo. Hạnh đeo lủng củng mấy thứ quà quê của dì và của chú Thuận. Hạnh dặn dì cứ ở chơi với chú Thuận rồi đưa con xuống đò sang sông. Ngoái lại nhìn hai người đứng trước cửa căn nhà nhỏ Hạnh cứ thấy nao cả lòng.
Hạnh cứ nghĩ mãi, họ đã đi qua quá nửa cuộc đời, gian nan, ác liệt đều trải thế mà lại không thể vượt qua được chút mặc cảm để đến với nhau. Sao mỗi người cứ cố giữ cho mình một mảnh trời riêng như thế. Hạnh thầm trách chú Thuận cố chấp, trách dì Vân vô tình. Sau này Hạnh mới biết là mình nhầm. Chú Thuận đã đem từ mặt trận về một căn bệnh quái ác của chiến tranh. Cơ thể chú đã nhiễm chất độc da cam của Mỹ rải xuống chiến trường. Khi phát hiện ra điều ấy, chú không muốn kéo thêm một người nữa vào chịu chung bất hạnh. Nhất là người con gái ấy đã từng đem lại cho chú niềm vui, nguồn sống, hy vọng để vượt qua những ngày máu lửa. Còn dì Vân thì đã dành hết tình cảm cho một người. Vì thế dì cứ chờ đợi mãi ở nơi ấy…
Một hôm, hết giờ làm việc, Hạnh đón con về đến nhà, đã thấy dì Vân đang đứng đợi ở cửa. Nhìn nét mặt bơ phờ của dì, Hạnh lo lắng chào bằng một câu hỏi:
- Dì lên thăm cháu ạ?
Dì lên với các cháu vài hôm! Chú Thuận mất rồi…
- Ôi… sao… sao… lại thế ạ?
Hạnh lập cập hỏi. Chẳng kịp chờ dì trả lời, nước mắt Hạnh đã trào ra, cô oà khóc. Bé Thương đang hớn hở, thấy mẹ và bà khóc nó cũng bật khóc theo. Hạnh lúng túng mãi mới mở nổi cánh cửa. Dì Vân đặt cái túi ngồi xuống ghế. Nghe dì kể, Hạnh thấy thương chú Thuận quá. Mấy hôm trước, chú Thuận bị sốt cao. Chất độc trong cơ thể phát tác khiến chú rất mệt mỏi phải nghỉ ở nhà. Đang nằm chợt nghe phía ngoài sông có tiếng kêu cứu, chú vội tung chăn chạy ra. Có hai đứa trẻ ra sông tắm gặp chỗ dòng chảy xiết bị nước cuốn đi. Chú Thuận lao ngay xuống dòng sông đang cuồn cuộn. Chú vật lộn với dòng nước xiết đến kiệt sức mới cứu được hai đứa bé. Sau lần ấy chú Thuận càng ốm nặng thêm. Chú đã không vượt qua được.
Người ta chôn cất chú trên một cái gò đất gần bến sông. Hạnh trách dì Vân chuyện như thế mà không điện báo cho biết. Dì bảo chuyện buồn quá báo tin làm gì. Với lại lúc ấy bối rối chẳng nhớ được gì cả. Hạnh định sẽ về quê ngay để thắp hương cho chú Thuận nhưng lại thương dì vừa lên còn đang buồn, không muốn để dì ở lại một mình. Dì Vân ở chơi nhà Hạnh vài hôm thì đòi về. Hạnh xin nghỉ một buổi để về cùng.
Hai dì cháu đi trên con đường đê qua bãi tha ma mả Tây ra phía gò đất bãi sông. Hạnh bày hoa quả ra đĩa rồi đốt một thẻ hương thơm cắm lên ngôi mộ mới. Dì Vân lấy trong túi sách ra tập thư đã cũ, nét chữ trên phong bì đã nhạt màu. Đó là những lá thư dì đã viết cho chú Thuận trong chiến tranh, chú vẫn còn giữ. Sau ngày chú mất, người em họ tìm thấy khi dọn dẹp nhà cửa đã trao lại cho dì. Dì Vân châm lửa đốt những lá thư. Hạnh hỏi thì dì bảo: “Để chú ấy đem theo!”.
Một cơn gió nhẹ chợt thoảng qua, tàn lửa bùng lên như những chùm hoa cải đang nở rộ trên bờ bãi. Bến sông chiều nắng thu vàng loang trên mặt nước.
Mùa thu 2005
Một chuyện tình cảm đọng. Dì Vân là tâm điểm, nguyên nhân của cuộc tình này. Ơi những lá thư đầy thiện chí với tâm hồn ngây thơ của người con gái vô tình đã làm tan vỡ một hôn nhân. Đau, thương nhưng rất thông cảm thứ tha.
Trả lờiXóaNhân ngày 22-12 chúc Anh mạnh giỏi, Thăng Hoa với nhiều tác phẩm mới.
Gửi Xuân Thu: Cám ơn lời chúc mừng của Xuân Thu nhân ngày 22-12. Chúc XT luôn có những sáng tác mới và hấp dẫn, thú vị! Truyện ngắn này là một trong 20 truyện ngắn về thời hậu chiến mà mình đang tập hợp để "bán bản quyền" cho một công ty xuất bản sách đấy. Hy vọng kiếm chút ít nhuận bút để mua lấy ít sách tặng bạn bè...
Trả lờiXóaMình bị khựng lại... :) khi tác giả đưa màu "da cam" vào. Dù là thật đi nữa thì cũng đánh mất đi một nửa phần độc giả. Góp ý: Truyện sẽ rất hay nếu chỉ viết chung chung về người lính và kẻ ở hậu phương, dẫu Đông hay Tây đều giống nhau, không nhất thiết phải khoác áo phe này hay kia. Ở thời điểm 2012 này có lẽ các ông nên buông tha cho người dân Việt, đừng nhồi nhét chính trị và sự thù hận vào đầu độc giả. Chỉ tổ thêm phí phạm chất xám, để họ rảnh rang suy nghĩ làm gì mà góp sức cho đất nước.
Trả lờiXóaGửi Muoisau Tran: Đây là vấn đề nhân đạo, truyện ngắn này chì lướt qua chút xíu thôi. Nếu ngài đến VN những năm 2012 này sẽ thấy vấn đề "da cam" đã khiến cho thế hệ thứ ba phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề rồi. Quá khứ sẽ khép lại nhưng nỗi đau vẫn còn mãi...Đây không phải là nhồi nhét, thù hằn mà là sự thật.
Trả lờiXóaDù sao cũng rất cám ơn ngài đã góp ý!