BI KỊCH PHỐ
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Từ trên ban công nhà chung cư tôi thường quan sát nếp sống
của dãy nhà tự xây phía sau. Chủ nhân những ngôi nhà bốn năm tầng ấy đều là các
cán bộ cao cấp về hưu. Ngày ngày cuộc sống ở những ngôi nhà ấy diễn ra theo một
"lịch thời gian" giống hệt nhau.
Sáng sớm tinh mơ các cụ tập thể dục rồi ngồi đánh cờ ngoài
cửa đợi cơm trưa. Buổi chiều thì lại thể thao, rồi đạp xe đi đón cháu. Buổi
tối, khi ánh điện sáng lên thì nhà nào về nhà nấy. Nhà thì các con cháu vui vẻ
ồn ào, nhiều nhà chỉ có hai vợ chồng già quanh quẩn ra vào, quạnh quẽ. Con cái
lớn xây dựng gia đình kiếm được tiền lập tức mua, thuê nhà ra ở riêng cho tự
do. Thành thử nhiều ngôi nhà xây bốn năm tầng rõ to nhưng chỉ có hai ông bà già
ở. Ở những ngôi nhà này từ chập tối đến bảy giờ, bảy rưỡi thì tầng một điện
sáng. Đấy là lúc hai vợ chồng già ăn cơm. Từ bảy rưỡi đến khoảng chín rưỡi thì
đèn tầng hai sáng. Đó là lúc hai cụ lên giường nằm xem ti vi, chuẩn bị ngủ. Từ
chín rưỡi, mười giờ trở đi thì cả căn nhà tối đen, các cụ thường ngủ sớm. Mùng
một, ngày rằm thì tầng bốn, tầng năm mới có ánh sáng. Các tầng trên cùng là bàn
thờ tổ tiên, định kỳ hai ngày này trong tháng sáng đèn, thắp hương nhang.
Gần tết năm trước,
gặp tôi đang vác cành đào ngoài chợ, bà Tô - vợ một ông cán bộ cấp cao ở dãy
nhà tự xây hỏi:
- Chú đi sắm
tết à?
- Vâng! Em
mua cành đào để sáng mai đem về quê chơi tết.
- Thế à! -
Nghe tiếng bà thở dài, tôi liền hỏi lại:
- Ông bà năm
nay có về quê ăn tết không ạ?
Bà Tô lại thở
dài rồi nói:
- Còn quê đâu
nữa mà về hả chú?
Thấy tôi có
vẻ ngạc nhiên, bà Tô nói tiếp giọng buồn buồn:
- Thì... ông
nhà tôi được cấp đất ở thủ đô, tôi nghe theo ông ấy bán hết đất đai, nhà cửa,
ruộng vườn để lấy tiền xây nhà. Rồi cả nhà kéo nhau ra Hà Nội cho quây quần,
đoàn tụ. Nhưng rồi nhà thì xây to con cháu chả đứa nào nó ở cùng, bỏ không mấy
tầng, cả tháng chả ai buồn lên quét dọn. Ngày thường rồi cả ngày tết đến chúng
nó đáo qua chúc tết rồi kéo nhau đi luôn, buồn lắm chú ạ! Tôi đúng là dại quá
chú ạ. Ở quê nhà cửa bán hết bây giờ muốn về cũng chả được. Anh em thì còn đấy
nhưng tết nhất về quê ở nhà các anh, các em không phải nhà mình thì cũng như là
khách thôi, muốn ăn miếng bánh chưng, uống ngụm nước cũng ngại...
Thấy tôi tỏ vẻ
thông cảm, bà Tô lại nói:
- Tết ở Hà
Nội cũng buồn lắm chú ạ. Khu này họ về quê hết, ngày tết vắng tanh vắng ngắt,
hai vợ chồng già bưng mâm ra rồi lại bưng cất đi, chán chả muốn ăn.
Trước khi vào
chợ bà Tô còn dặn tôi: "Đừng bán nhà ở quê để đấy lấy chỗ mà đi về chú
nhá". Tôi nhìn theo bà Tô. Cái dáng xiêu xiêu theo mỗi bước chân của người
nông dân ngày nào chăm chỉ trên đồng ruộng đến giờ khó lẫn dù ở giữa chốn phố
phường. Sau này tôi còn biết thêm một chuyện buồn nữa của bà Tô.
Nguyễn Sung -
con trai bà Tô là một người sớm thành đạt. Sung được bố mẹ đầu tư cho ăn học
đến nơi đến chốn. Khi có bằng cấp, ra trường lúc đó ông Tô còn đương chức nên
Sung nghiễm nhiên trở thành công chức nhà nước trong biên chế hẳn hoi không
phải qua thi tuyển, làm hợp đồng như những bạn bè khác. Sung lấy vợ cùng cơ
quan, là con gái một sếp lớn nên việc thăng tiến, tiêu chuẩn nhà đất khỏi phải
lo. Khi con đã lớn đi mẫu giáo thì hai vợ chồng Sung không muốn ở chung
với bố mẹ nữa. Thế rồi vợ chồng con cái thằng con trai duy nhất mua nhà chuyển
ra ở khu chung cư cao cấp Mỹ Đình. Đứa con gái của ông bà Tô lại lấy chồng và
chuyển công tác tít tận miền Nam ,
thành thử ngôi nhà bốn tầng chỉ còn lại hai ông bà già. Hai cái bóng lặng lẽ
trong ngôi nhà ba tầng đồ sộ. Cánh cửa xếp tầng một thường suốt ngày chỉ hé mở
đủ một người lọt qua để đề phòng bọn trộm lẻn vào. Đứng trên ban công nhà chung
cư tôi thường nhìn ánh đèn điện tắt mở từng tầng ở nhà ông bà Tô để nhắc nhở
giờ giấc lũ trẻ con đã đến giờ uống sữa, giờ đi ngủ. Nhưng lũ trẻ con nhà tôi
mải chơi nên khi các cụ ở khu nhà tự xây phía dưới đã ngủ một giấc rồi chúng vẫn
hò reo xem ti vi, đạp xe khắp nhà.
Khi ông Tô
mất, bà vợ vẫn ở một mình. Thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy một chiếc ô tô con đỗ ở
trước cửa nhà bà. Thằng Sung đưa vợ con về thăm nhà một lúc rồi lại đi. Cánh
cửa xếp vừa mở rộng ra một lát lại thu lại như cũ.
Một dạo tôi
thấy bà Tô dậy rất sớm rồi đạp xe đi, tối mịt mới về. Tôi đoán vợ thằng Sung
sinh con thứ hai bà ra giúp việc trông nom cháu. Bẵng đi một thời gian, gặp bà
ở đầu ngõ tôi hỏi thăm. Bà Tô rơm rớm nước mắt nhìn tôi lắc đầu chỉ nói:
- Buồn lắm
chú ạ...
Nói xong, bà
xách mớ rau muống quay đi. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Lẽ ra với bà thì
những năm tháng tuổi già thế này thì còn gì hơn. Con cái thành đạt, nhà cửa
đàng hoàng. Mãi sau tôi mới biết câu chuyện của bà Tô.
Thằng Sung
con bà ngày càng làm ăn phát đạt. Nó được tham gia thẩm định, quản lý, giám sát
nhiều dự án kinh tế lớn. Dĩ nhiên trong thời buổi này đó là những vị trí béo
bở, tiền tài của cải cứ tự dưng chảy vào túi mình như nước. Phú quý sinh lễ
nghĩa. Có tiền thằng Sung đổi hết xe này đến xe khác. Ngày nghỉ vợ chồng, con
cái con thường xuyên đi du lịch thăm viếng nơi này nơi nọ quên mất cả bà mẹ già
đang ở một mình trong ngôi nhà ba tầng giữa khu tập thể. Ngôi nhà với diện tích
đất hơn năm mươi mét vuông này có giá trị không nhỏ là tài sản thừa kế bất di
bất dịch của thằng Sung. Nó dự định khi bà Tô mất đi sẽ sang tên cho người khác
gộp với số tiền kiếm được mua một biệt thự nhà vườn trong khu đô thị mới ở cho
thoải mái. Thằng Sung không thích nơi bố mẹ nó ở toàn các cụ lão thành cách
mạng về hưu thường hay soi mói mỗi khi nó đi làm bằng những chiếc xe con sang
trọng. Lần trước nó đưa vợ con về thăm mẹ để xe trước cửa nhà mà bị một thằng
oắt con nào đó cầm cục đá xiết cho một đường dọc thân xe phải sơn sửa lại mất
hơn chục triệu. Sau lần ấy vợ con thằng Sung muốn về thăm mẹ thì gọi tắc-xi
hoặc là nó đưa đến rồi ngồi ngoài trông xe không dám vào nhà.
Chuyện thằng
con bà Tô nếu chỉ có vậy thì cũng chả có gì đáng nói. Nhưng câu chuyện lại ở
khía cạnh khác.
Một lần đi dự hội thảo, thằng Sung ngồi gần một người phụ nữ
đẹp. Hai người hỏi chuyện và quen nhau. Hóa ra họ ở hai cơ quan khác nhau nhưng
cùng chung một bộ. Người phụ nữ ấy đã có chồng. Chồng chị ta là một cán bộ công
tác ở ngành ngoại giao thường xuyên vắng nhà bôn ba khắp năm châu bốn bể. Gái
một con xa chồng nên lắm khát khao. Thằng Sung và người phụ nữ xa chồng trao
đổi số điện thoại, thỉnh thoảng nhắn tin Zalo cho nhau, lâu lâu thành nghiện.
Công nghệ thông tin phát triển có cái hay, nhắn tin gọi điện Zalo vừa không mất
tiền vừa đảm bảo an toàn, bí mật. Hai người có thể trao đổi với nhau nhiều
điều... Một lần hai người cùng vào miền Nam dự một hội nghị ngành. Sau hội
nghị, hai người hẹn nhau viện lý do tách đoàn của mình để cùng nhau đi Vũng
Tàu. Chuyến đi ấy đối với hai người thật là đáng nhớ. Tại một khách sạn hơi
khuất nẻo ở Vũng Tàu hai người ở chung phòng như một đôi vợ chồng đi nghỉ mát.
Sau lần ấy họ gặp nhau thường xuyên hơn. Buổi trưa, họ rủ nhau đi ăn rồi vào
một nhà nghỉ nào đó, đầu buổi chiều mới trở về cơ quan của mình tiếp tục làm
việc. Nhiều hôm, chồng đi công cán nước ngoài người phụ nữ kéo luôn người tình
về nhà mình. Căn biệt thự tách biệt ở khu đô thị mới không sợ người quen trông
thấy. Buổi trưa con đi học, bà giúp việc già thì ở dưới bếp gọi mới được lên
phòng khách và không bao giờ dám bước lên tầng lầu nơi có các phòng ngủ nếu
không được phép. Mỗi lần trước khi gọi người tình đến người phụ nữ đều cho bà
giúp việc về sớm. Người phụ nữ ấy đẹp thật. Khác hẳn con vợ của nó mũi khoằm,
da thì đen nhẻm, cậy thế bố làm to mặt lúc nào cũng vênh lên. Với người phụ nưa
này thằng Sung được tận hưởng sự hấp dẫn ngọt ngào, quyến rũ đến mê hồn ở nước
da trắng trẻo, ở cặp vú tròn trịa nây nẩy và nhất là cái ngã ba rậm rạp luôn ẩm
ướt chờ đợi. Cơ thể người phụ nữ đài các có một sức hút thật vô cùng tận. Hai
người xoắn lấy nhau như hai sợi dây thừng bện chặt mỗi khi có dịp. Trong căn
biệt thự hai người hoàn toàn tự do. Thằng Sung có thể chơi đủ trò cùng người
phụ nữ đẹp mà không phải lo lỡ bị cài đặt camera nhìn trộm như ở trong khách
sạn, nhà nghỉ.
Một hôm,
người phụ nữ đột nhiên nổi hứng. Ngang chiều, chị ta gọi điện cho thằng Sung.
Thằng Sung cũng đang rảnh việc. Nó vội lái xe rời cơ quan phóng đi. Chiếc xe
con chạy vòng vèo một lát rồi rẽ ngoặt vào khu biệt thự cao cấp. Cánh cổng ngôi
biệt thự đẹp cuối dãy đã mở sẵn. Chiếc xe nhè nhẹ lăn bánh vào trong khuôn
viên. Vừa vào đến phòng khách thằng Sung đã lao đến ôm ngay lấy vị nữ chủ nhân
đang mặc bộ quần áo ngủ mỏng tang. Người phụ nữ vội vàng xua xua tay:
- Từ từ đã…
mụ già giúp việc còn chưa về…
- Mặc kệ mụ
ấy… sợ gì cơ chứ!
Thằng Sung
vừa nói vừa đưa bàn tay xoa xoa ngực người phụ nữ. Chị ta không mặc đồ lót, núm
vú lăn lăn trong lòng bàn tay thằng Sung. Người phụ nữ khẽ đẩy thằng Sung ra:
- Để em bảo
mụ giúp việc về đi đã… - Người phụ nữ có vẻ bực: - Mà sao mụ này lề mề chậm
chạp thế chứ. Bảo mụ ấy làm cho hai cốc nước cam tươi mà mãi vẫn chưa xong!
Thằng Sung
lầu bầu:
- Sao em
không tống cổ mụ ta đi, thuê một người còn trẻ có phải việc gì cũng nhanh gọn
không?
- Hết tháng
em sẽ tống cổ mụ này. Mụ ta vừa chậm chạp lại vừa bẩn. Hôm trước, mụ ta rửa một
nắm rau sống thôi cũng không sạch, ăn vào đau bụng muốn chết…
- Thế thì
tống khứ luôn mụ ấy đi cho gọn em ạ…
Thằng Sung
chưa nói hết câu đã nghe tiếng bước chân người ở phía sau. Nữ chủ nhà vẫn ở
trong vòng tay của thằng Sung ngoảnh lại nói:
- Để nước cam
trên bàn rồi về đi. Nhớ khép cổng lại cẩn thận nhé!
- Thưa cô
vâng ạ!
Nghe tiếng bà
giúp việc nói, thằng Sung giật mình quay phắt lại. Nó há hốc mồm ra nhìn bà già
giúp việc, mặt tái dần đi. Bà già giúp việc cũng trố mắt ra nhìn thằng Sung. Vị
phụ nữ chủ nhà không hiểu có chuyện gì vội xua xua tay:
- Thôi bà… về
đi!
Bà già giúp
việc đi rồi người phụ nữ mới hỏi thằng Sung:
- Anh quen mụ
già này à?
Thằng Sung
chưa hết vẻ bàng hoàng hoảng sợ, mặt vẫn còn tái mét. Nó buông người ngồi phịch
xuống salon miệng ú ớ mãi mới thốt nên lời:
- Là… là mẹ của
anh đấy!
*
Chuyện bà Tô
đi làm ôsin và gặp thằng con trai trong một tình huống như thế. Sau bận ấy bà
không đi làm giúp việc người ta nữa. Bà cũng không nhận số tiền hằng tháng của
vợ chồng thằng Sung đưa cho nữa. Bà lấy lý do cho các cháu ăn học để không nhận
số tiền ấy nữa. Bà cho sinh viên thuê hai phòng trên tầng ba, mỗi tháng cũng
thêm vài triệu, tằn tiện ở thành phố cũng đủ sống. Mà bà có tiêu pha gì nhiều
đâu, ăn uống không đáng kể. Với bà hai lưng bát cơm, miếng đậu phụ và vài ngọn
rau là xong bữa.
Bà Tô chết.
Đám tang ở thành phố thật hoành tráng. Tiếng nhạc hiếu trầm hùng khác hẳn tiếng
kèn đám ma ở quê. Hàng trăm đoàn đại biểu đến viếng. Chụp ảnh, quay phim nhoang
nhoáng. Vòng hoa thì nhiều không kể xiết. Đám họ hàng từ quê ra dự tang lễ
trong lòng đầy thán phục bảo nhau: “Con trai, con dâu làm cán bộ to có khác mẹ
già chết cũng mát mặt”.
Sau lễ hỏa
táng ở đài hóa thân hoàn vũ, tro cốt của bà Tô được đưa về quê an táng, xây mộ.
Sau hôm lễ tang bà Tô gặp tôi, ông tổ trưởng dân phố bùi ngùi bảo: “Thế là bà
ấy cũng được trở về quê rồi. Bà ấy chỉ mong có thế thôi anh ạ!”.
Hà Nội, tháng 4-2017
(hết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét