Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Truyện ngắn Đợi mùa hoa cải năm sau (phần 1)



           

Đợi mùa hoa cải năm sau
Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Ông Mâu dẫn con gái xuống bến sông.
          Bây giờ đang là cuối mùa thu. Hoa cải nở trải một thảm vàng trên bãi phù sa non ven bờ sông. Gió thổi từ mặt nước lên hơi lành lạnh. Ánh nắng lăn dài lấp lánh trên mặt nước. Những con sóng nhỏ đuổi nhau vào bờ tạo nên những âm thanh óc ách, miên man. Cái Bông con gái ông theo bố đi xuống bến. Nó mặc cái áo dài màu thiên thanh. Tà áo dài của con bé bay bay trong gió nổi bật giữa màu vàng của hoa cải. Con bé trông thật tươi tắn. Nhìn con gái ông chợt thấy nao nao trong lòng. Ông thấy vui vì con bé càng lớn càng xinh đẹp. Nó rất giống mẹ. Nhưng ông cũng thấy lo lo, trong lòng vương vấn một nỗi ân hận. Hơn mười năm qua, ông vẫn nghĩ đến ngày này. Cái ngày mà con gái sẽ hỏi về mẹ của nó. Hơn mười năm qua ông lo lắng trước ánh mắt của con bé mỗi khi nhắc đến mẹ. Hôm nay, ông đưa con về nơi lần đầu tiên ông đã gặp người đàn bà - mẹ đẻ của con bé.
          Từ buổi tối hôm qua con bé đã bồn chồn lo lắng chuẩn bị cho chuyến đi. Nó mở tủ lôi ra hàng chục bộ quần áo mặc thử. Hết váy ngắn, váy dài lại đến quần bò, quần lửng. Cuối cùng nó chọn cái áo dài màu thiên thanh vì nó chợt nhớ có lần ông kể chuyện mẹ nó từng ước ao có một cái áo dài màu ấy. Dù biết chuyến đi chỉ là về nơi bố mẹ đã gặp nhau chứ không thể gặp được mẹ nhưng nó vẫn thấy hồi hộp, háo hức. Nó cứ nghĩ như là đang đi gặp mẹ.
          Con đường xuống bến phà bây giờ đã trải bê-tông phẳng phiu khác hẳn mười bảy năm về trước khi ông gặp người đàn bà sau này là mẹ đẻ của cái Bông. Dòng sông Hồng mùa thu hiền hòa nhưng hưu quạnh. Nước sông cạn nên thuyền bè không tấp nập như khi mùa lũ lớn.
          Ông chợt giật mình khi nhìn thấy một người đàn bà miệng bịt băng khẩu, khăn che mặt kín mít đang đẩy một cái xe thồ đầy đồ sành sứ từ dưới bến sông đi lên. Trông chị ta rất giống như người đàn bà- mẹ đẻ của cái Bông- mà ông đã gặp năm xưa.

*
          Năm ấy cũng là mùa Thu. Vợ ông từ liên bang Đức trở về. Người đàn bà lam lũ thời bao cấp ngày nào bây giờ đã khác hẳn. Vẻ giàu sang, mặc đồ đắt tiền, mùi nước hoa thơm nức cũng không che dấu hết được những nỗi cực nhọc, đôn đáo kiếm ăn nơi đất khách quê người của vợ ông. Mùi nước hoa khiến ông khó chịu. Nhưng ông Mâu càng khó chịu hơn khi thấy bà tỏ vẻ coi thường những thứ mà một thời ông và bà gắn bó như chiếc xe đạp thống nhất cọc cạch, chiếc nồi nhôm méo mó đen thui, cái rá vo gạo ám khói… Chỉ một hai ngày sau khi bà về những thứ đồ từ thời bao cấp, những kỷ vật chiến tranh của hai người đã bị thanh lý tuốt tuột cho con bé chuyên thu mua đồ cũ ngày nào cũng giong xe đạp đi qua các khu tập thể. Bà vợ ông đi siêu thị lôi về nào là nồi cơm điện, bếp ga, lò vi sóng… Những thứ mà khi ấy ông chỉ thấy quảng cáo trên ti-vi. Căn hộ tập thể của ông cũng thay đổi. Nó được tân trang lại. Bốn bức tường dày đặc những hình vẽ chim cò mà thằng con ông đã “sáng tác” từ khi còn bé tý cũng bị xoá sạch. Bà gọi thợ co trát lại rồi sơn tường chứ không quét vôi như trước. Ông Mâu thấy hụt hẫng vì sự thay đổi. Tuy vậy ông cũng mừng vì bao năm bà ấy đi xuất khẩu lao động cũng biết tích cóp đem tiền về lo cho bố con ông ở nhà. Ông vui vì kể từ nay cả nhà ông đã đoàn tụ, có vợ, có chồng cùng chăm lo cho thằng con học hành tấn tới.
          Nhưng ông đã lầm. Mấy tháng sau khi trở về nước, vợ ông lại lên đường xuất ngoại. Nhưng lần này bà không đi một mình. Bà đem cả thằng con đang học lớp 8 vẫn ở cùng ông đi theo, nói là sang bên ấy nó có điều kiện học tập tốt hơn. Thế là hai mẹ con mất hút luôn. Hơn một năm sau ông nhận được một lá thư từ nước ngoài gửi về. Đó là một tờ đơn ly hôn bà vợ ông gửi về để ông ký. Một người bạn cùng đi xuất khẩu lao động về thăm nhà được vợ ông nhờ đem về. Anh này cho biết bên ấy bà đã sống với một người đàn ông khác. Họ đã có với nhau một đứa con gái một tuổi. Thế là ông Mâu mất tất. Ông mất cả vợ lẫn con. Ông buồn suy sụp. Lão Hỗ hàng xóm của ông nghe tin cầm chai rượu lò dò sang ngật ngưỡng bảo:
          - Cần đếch gì phải suy nghĩ nhiều hả bác! Làm một chén cho nó quên hết mẹ nó cái sự đời đi bác ạ! - Lão vừa nói vừa rót rượu ra cái chén cầm sẵn theo.
          - Uống thì uống… - Ông Mâu cầm cái chén ngửa cổ dốc rượu vào miệng ực luôn một phát.
          Lão Hỗ đón cái chén rót tiếp một chén rượu và cũng ngửa cổ ực một phát. Sau mấy lần quay vòng cái chén tống, chai rượu hết veo. Lão Hỗ cắp cái chai rỗng vào nách lè nhè hát: “Đời ơi đời, sao mà bạc như vôi, sao mà đen như mực, sao mà nhục như người… Đời ơi là đời… đ… ờ… i…”.
          Lão Hỗ cũng bị vợ bỏ. Vợ lão đi theo một thằng chuyển buôn bè gỗ trên sông Hồng. Lão gà trống nuôi con bao năm trời vất vả gian lao. Vậy mà cái Lĩnh con gái lão lại phụ công của bố. Nó càng lớn cành xinh nhưng lại càng hỗn láo, không nghe lời bố. Học chưa hết phổ thông nó đã bỏ lớp theo trai đi bụi. Lão Hỗ lần mò bao nhiêu tiệm hớt tóc, sạp nhảy tìm con. Lão gặp nó ở một quán cà-phê đèn mờ. Nó không chịu theo lão trở về đi học lại còn lỉnh đi rồi nháy một con bé cùng bọn ra chèo kéo lão uống cà-phê ôm. Sau bận ấy nó biệt tăm. Nghe nói nó vào tận Sài Gòn “làm việc”.
           Một buổi tối lão đang ngồi nhâm nhi chén rượu suông thì cái Lĩnh xuất hiện cùng một thằng con trai đầu tóc bù sù, mắt trắng dã nhìn ngang liếc dọc láo liên. Nó giới thiệu đó là chồng. Thằng con trai vớ ngay chai rượu của lão trên bàn ngửa cổ tu ừng ực. Lão trừng mắt quát nó là đồ vô lễ. Nó liền rút phắt con dao nhọn chọc tiết lợn ra kề vào cổ lão. Cái Lĩnh gạt con dao của thằng kia nhăn nhở xin lỗi bố. Nó làm như vậy là để vòi xin tiền lão. Lão bảo không có tiền. Mà đúng là lão không có tiền thật. Mỗi tháng lão chỉ có dăm trăm ngàn tiền trợ cấp thương tật. Hồi tháng chạp năm 1972, là tự vệ khi tham gia cứu hộ bệnh viện Bạch Mai trong trận B52 giải thảm xuống thủ đô Hà Nội, lão bị một tảng bê-tông rơi trúng gãy chân. Sau này người ta xem xét trợ cấp hàng tháng cho lão. Số tiền ấy chả đủ cho lão uống rượu làm gì có mà để dành chứ.
           Cái Lĩnh và thằng con trai lục lọi tìm kiếm khắp ngôi nhà của lão. Thằng con trai thọc tay vào túi áo của lão Hỗ. Nó vớ được mấy chục nghìn tiền lẻ. Nó giơ lên nhìn vẻ khinh bỉ nhưng rồi vẫn nhét nắm tiền lẻ ấy vào túi mình. Đoạn nó vẫy cái Lĩnh: “Đi thôi!”.
           Hai đứa kéo nhau đi một cách vội vã. Hình như chúng nó sắp đến lúc phải nạp bổ sung hợp chất heroin vào cơ thể thì phải. Vừa ra đến cửa cái Lĩnh bỗng như nhớ ra điều gì nó liền kéo thằng con trai quay lại. Nó đến bên cái giường gỗ cũ kỹ quan sát rồi bảo thằng con trai:
          - Nâng cái giường lên!
          - Làm cái gì thế hả?
          - Thì cứ nâng lên rồi khắc biết!
          Thằng con trai nâng lật nghiêng cái giường gỗ. Cái Lĩnh lần sờ từng chân chiếc giường. Chợt nó reo to:
          - Đây rồi… cụ bô cứ giả nghèo, giả khổ mãi…
          Nói đoạn nó lôi từ phía dưới một chân giường ra một cái gói nhỏ. Nó mở cái gói rồi giơ lên hai cái hoa tai bằng vàng. Lão Hỗ nhỏm dậy ú ớ:
          - Mày… chúng… mày… là quân ăn… cướp… Đấy là của mẹ mày để lại đấy…
           Nhưng lão chưa nói hết câu thì hai đứa đã vút ra cửa biến vào đêm tối mịt mùng. Lão Hỗ boải hoải ngồi xuống. Lão đã đục rỗng một cái chân giường để cất giấu hai chỉ vàng ấy. Bao lần thiếu thốn, ốm đau nhưng lão không bao giờ nghĩ đến chuyện bán đi hai chỉ vàng. Lão định khi nào cái Lĩnh lớn lên sẽ cho nó. Khi nó còn bé tý mấy lần lão lấy ra cho nó xem. Không ngờ hôm nay nó trở về và cướp đi như thế. 
           Sau này khi nghe tin cái Lĩnh phải vào trại cai nghiện ma tuý lão Hỗ càng buồn. Lão suốt ngày say sưa cùng rượu, lấy rượu thay cơm. Đêm đêm tiếng lão Hỗ lè nhè văng vẳng trong khu nhà tập thể: “Đời ơi đời, sao mà bạc như vôi, sao mà đen như mực, sao mà nhục như người… Đời ơi là đời… đ… ờ… i…”.

(còn nữa)                                    Hà Nội, 12-2012                       
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét