Chân trời xa
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Thằng Mẫn len lén quay vào nhà. Nó đứng lặng hồi lâu nhìn em gái đang nằm co quắp trên giường. Con em vừa ngủ thiếp đi, vệt nước mắt còn hằn trên má. Ba gian nhà trống toang, trống toàng, quạnh quẽ. Mẹ nó vẫn đang lầm lũi nấu cám lợn dưới bếp. Còn bố nó giờ này chắc lại đang la cà ngoài quán rượu sau khi hất đổ mâm cơm của mấy mẹ con nó.
Thằng Mẫn lần trong túi áo lấy ra một tờ giấy bạc năm nghìn đồng. Nó gấp lại thật nhỏ đặt vào tay bé Mận rồi khẽ khẽ gập mấy ngón tay của em nắm lại giữ chặt để tờ giấy bạc khỏi rơi và đề phòng bố nhìn thấy. Bé Mận mơ ngủ gọi mẹ. Thằng Mẫn khe khẽ vuốt má em một cái rồi lách cửa đi ra.
Trời vẫn còn se lạnh. Bàn chân trần của thằng Mẫn giẫm vào những hạt cơm rơi vãi trên sân nhem nhép. Trong căn bếp nhỏ, bóng mẹ nó chập chờn méo mó in trên vách. Nó muốn gọi mẹ một tiếng trước khi ra đi nhưng không dám. Nó sợ mẹ sẽ không cho nó bỏ nhà đi như thế.
Thằng Mẫn quyết rời quê ra thành phố kiếm tiền. Nó không thể chịu đựng được mãi cái cảnh bố nó suốt ngày say rượu, hành hạ mẹ và anh em nó. Trận đòn chiều nay của bố càng thôi thúc nó phải ra đi. Nó biết khi không tìm thấy nó, mẹ và em chắc sẽ hoảng sợ lắm. Nhưng ý chí của nó đã quyết. Nó cắn chặt môi lầm lũi bước ra cổng.
Chiều nay, đội dịch vụ thủy nông bơm hút nước hồ Chằm đổ lên đồng chống hạn. Khi nước hồ gần cạn, cả làng ào xuống hôi cá. Cá thả thì người ta đã vớt hết, hồ chỉ còn lại một ít cá hoang. Đám đông quần thảo mò cá làm bùn sục ngầu lên. Lũ cá rô, cá trạch, cá trê ngoan cố chui sâu dưới bùn cũng phải ngoi cả lên. Thỉnh thoảng, một con cá bị dồn đuổi giẫy đành đạch là cả đám đông lại hò hét xúm đến tranh cướp nhau. Ai nấy đều lấm lem bùn đất. Thằng Mẫn bất ngờ tóm được một con cá quả to. Con cá giẫy đành đạch. Đám người xông đến. Thằng Mẫn bị xô đẩy ngã dúi dụi úp mặt xuống bùn. Nhưng nó kiên quyết không chịu buông con cá. Ngón tay cái của thằng Mẫn thọc vào miệng con cá quả, ngón chỏ móc vào mang nó giữ chặt. Răng con cá nghiến vào ngón tay nó đau điếng. Có tiếng người quát:
- Thằng Mẫn bắt được con cá rồi! Để cho nó đem lên bờ.
Mọi người bấy giờ mới chịu tản ra tiếp tục mò cá. Thằng Mẫn như vừa chui lên từ bùn đất. Quần áo nó sũng bùn. Nó ôm con cá quả lao lên bờ. Con cá có dễ phải đến hai cân. Nó giẫy giụa làm ngón tay thằng Mẫn bật máu.
Con cá ấy thằng Mẫn bán được năm mươi nghìn đồng. Nó vui lắm. Thế là ngày mai sinh nhật bé Mận, nó sẽ có tiền mua cho em một bộ quần áo mới. Mai lại đúng là phiên chợ, nó sẽ dẫn em gái ra thị trấn. Em Mận thích bộ quần áo nào, Mẫn sẽ mua cho em bộ đó. Bộ quần áo trẻ con chỉ khoảng ba, bốn chục nghìn. Nếu còn thừa tiền nó sẽ mua kem hai anh em cùng ăn. Hay là sẽ mua cho em một cái váy. Bé Mận đang học mẫu giáo. Hôm trước, đi học về nó phụng phịu nói với anh: “Em không có váy, nên cô giáo ứ cho vào tốp múa!”. Thằng Mẫn thương em lắm. Từ khi mới sinh ra em đã chịu khổ. Mẹ đau ốm thiếu sữa. Bố thì mất việc lại ra vào rượu chè, nghiện ngập lấy đâu tiền mua quần áo đẹp cho các con. Bé Mận chưa được một ngày sung sướng. Còn nó - thằng Mẫn nghĩ - nó dù sao thì cũng có những ngày vui vẻ, đủ đầy. ấy là khi bố nó đang còn là công nhân kỹ thuật cao của một công ty liên doanh với nước ngoài. Cái công ty ấy có một nhà máy to ở ngay đầu làng, chuyên sản xuất các loại ti-vi, tủ lạnh. Bó nó lương cao. Mẹ nó là giáo viên trường tiểu học. Thằng Mẫn được chiều chuộng, nâng niu. Quần áo chưa cũ đã bỏ. Giầy dép chưa mòn đã cho. Khi còn học lớp mẫu giáo nó đã muốn gì được nấy. Học lên cấp một, nó được bố mẹ đón đưa, mỗi lần đạt điểm giỏi đều được thưởng tiền.
Nhưng rồi nhà nó dần dần sa sút. Sa sút ấy lại bắt nguồn chính từ sự đủ đầy, tăng trưởng. Cái công ty liên doanh sản xuất ti-vi, tủ lạnh càng làm ăn phát đạt, doanh thu, lãi xuất ngày càng cao. Tất nhiên, lương thưởng của công nhân cũng tăng lên. Dần dần người ta quên đi những đồng tiền Việt lẻ. Những tờ trăm, tờ chục USD cũng trở thành quen quen trong ví người Việt Nam. Khi đời sống kinh tế phát triển ắt xuất hiện các loại dịch vụ. Dịch vụ từ thị trường công cộng tiến dần vào tư gia. Dịch vụ thường là tốt. Nó làm cho cuộc sống con người khá hơn, tốt hơn, nhàn hạ hơn, hoàn thiện hơn. Nhưng cũng có những loại “dịch vụ” thì lại làm cho con người ta suy đốn, đời sống xã hội lụi tàn đi.
Xung quanh cái nhà máy nửa xã hội chủ nghĩa, nửa tư bản chủ nghĩa đầu làng xuất hiện nhiều loại dịch vụ mà người nông dân lần đầu tiên mới được biết. Đó là các loại dịch vụ mát xa, karaôkê, tắm nóng lạnh, "cà phê… đen" - tức là nơi người ta ngồi uống cà phê trong bóng tối.
Sẵn tiền trong tay, nhiều người dần quen với các loại dịch vụ. Là công nhân kỹ thuật bậc cao, bố thằng Mẫn luôn rủng rỉnh tiền trong túi. Bố nó cũng thử rồi đâm ra nghiện các loại dịch vụ. Từ tắm nóng lạnh sau ca đến mát xa, karaôkê. Thường là vậy. Dịch vụ là một ngành công nghiệp không sản sinh ra vật chất mà chỉ tiêu tốn vật chất. Nó chuyển hóa tiền bạc của tầng lớp người này sang những người khác. Đừng vội khoe lương cao, bổng hậu, hãy cứ thử qua các loại “dịch vụ” rồi sau hãy nói.
Số tiền hàng tháng bố đưa cho mẹ ít dần. áo quần của thằng Mẫn cũ dần. Bữa sáng trước kia nó đòi phở là có phở, muốn trứng vịt lộn là có trứng, giờ thì cơm rang cũng nhạt mỡ. Mẹ nó có bầu cũng chẳng còn tiền để bồi dưỡng thêm. Bố nó chỉ đưa đủ tiền ăn hàng tháng. Chút tiền ăn ấy rồi cũng không còn. Mẹ nó hỏi mới biết bố nó ham các loại dịch vụ quá nên tiêu tốn sạch lương, thưởng. Bố nó ăn cắp linh kiện vật tư của nhà máy đem bán để có tiền bao các cô trong quán đèn mờ. Bảo vệ nhà máy phát hiện, bố nó bị đuổi việc. Thế là nguồn sống nhà nó chỉ còn trông vào mấy trăm nghìn đồng tiền lương giáo viên bậc tiểu học của mẹ. Khi sinh bé Mận, mẹ nó ốm hậu sản tưởng chết. Bố nó đã không giúp được gì lại còn sinh ra nghiện ngập, rượu chè. Cả ngày bố la cà ngoài quán. Suốt ngày bố nó say. Lúc nào bố về nhà cũng chỉ là để tróc nã vợ con tiền uống rượu. Các thứ đồ đạc trong nhà dần dần đội nón ra đi hết. Mẹ nó khổ lắm. Ăn uống thiếu thốn chả đủ sữa cho con bé Mận bú. Nhiều lần mẹ nhịn đói đi dạy, thiểu lực, ngã khụy xuống ngay trên bục giảng. Bé Mận năm tuổi mà bé loắt choắt. Nó chưa một lần có được manh áo đẹp. ít khi thấy nó cười. Cứ mỗi khi nhìn thấy bố về nhà là nó sợ chết khiếp. Nhiều lần nó chứng kiến cảnh bố mẹ giằng xé nhau, hất đổ mâm cơm đang ăn. Có lần sợ quá, nó chui vào đống rơm trốn rồi thiếp đi, mẹ và anh tìm mãi mới thấy.
Ngày mai là bé Mận tròn sáu tuổi. Thằng Mẫn thương em lắm. Năm mươi nghìn đồng bán cá nằm trong túi áo nó. Nghĩ đến lúc bé Mận mặc cái váy mới cong tay múa, thằng Mẫn lại thấy rộn rực trong lòng. Nó co chân nhảy tưng tưng vào ngõ. Chợt có tiếng quát:
- Thằng kia đứng lại!
Thằng Mẫn giật bắn người nhận ra tiếng bố. Nó ấp úng:
- Bố! Có việc gì ạ?
- Việc gì à? Đưa ngay tiền cho tao!
- Tiền nào ạ?
- Tiền… tiền… mày vừa bán con cá lúc chiều cho bà Nụ hiểu không?
- Nhưng đấy là tiền của con chứ!
- Của mày à?
Bố nó sấn lại túm lấy cổ nó. Thằng Mẫn giẫy giụa. Nó cố giữ chặt túi áo. Bố nó nghiến răng giật tay nó ra. "Xoạc"- vạt áo rách toạc. Thằng Mẫn vẫn nắm chặt tờ giấy bạc. Bố nó thì cố bẻ, cạy mấy ngón tay nó ra.
- A… thằng này láo… Dám cắn tao hả?
- Bốp! - Một cái tát khiến thằng Mẫn loạng choạng, mắt nổ đom đóm. Nó ngã dúi dụi xuống rãnh nước. Tờ năm mươi nghìn rơi ra. Bố nó nhặt tờ bạc giơ lên nhìn rồi cười ha hả. Thằng Mẫn van vỉ:
- Bố ơi! Con xin bố! Bố đừng lấy tiền của con… Tiền ấy con dành mua cho em Mận bộ quần áo mới. Ngày mai là sinh nhật em năm tuổi…
- Sinh nhật với chả sinh nhiệc! Vẽ chuyện, vớ vẩn mãi quen…
Bố nó vừa lẩm bẩm, vừa khật khưỡng đi ra cổng. Thằng Mẫn ngồi thẫn thờ bên vệ đường. Cái tát của bố còn đau ê ẩm nhưng nó không khóc. Nhưng nghĩ đến em gái thì nước mắt nó ứa ra giàn giụa. Thế là ngày mai bé Mận không có quần áo mới rồi.
Thằng Mẫn uể oải chống tay đứng dậy. Nó thất thểu bước về nhà. Nhìn mảnh bát và những hạt cơm vương vãi khắp sân, nó biết bố nó vừa mới về nhà xong. Thằng Mẫn vội đi tìm em. Bé Mận đang ngồi thu lu ở góc thềm vẻ mặt hoảng sợ. Mẹ nó thì đang thái rau lợn dưới bếp. Thằng Mẫn bế em vào nhà. Nó lau nước mắt cho em rồi hỏi:
- Em có đói không?
Con bé gật đầu rồi thỏ thẻ:
- Bố hất đổ nồi cơm rồi anh ạ.
- Anh đi mua bánh mỳ cho em ăn nhé!
- Anh cho em đi với nhé!.
Thằng Mẫn dắt em ra ngoài đầu làng mua cho em cái bánh mỳ một nghìn. May còn sáu nghìn đồng bán mớ cua, cá vụn thằng Mẫn lận ở tay áo xắn lên nên bố nó không biết. Bé Mận ăn hết cái bánh mỳ thì hai mắt díu lại buồn ngủ. Thằng Mẫn bế em lên giường, vỗ vỗ vào lưng dỗ dành nó ngủ. Con bé cứ nắm chặt tay anh. Chờ em ngủ hẳn, thằng Mẫn mới gỡ tay mình ra. Nó lặng lẽ nhìn em gái. Ước mơ mua cho em một bộ quần áo mới đã không thành, nhưng ý chí, quyết tâm bỏ nhà ra đi của thằng Mẫn đã chín. Nó nhè nhẹ xoa má em một cái rồi quả quyết bước ra cửa. Nhưng khi ra đến sân, giẫm vào những hạt cơm nhem nhép, sực nhớ ra còn năm nghìn đồng trong túi, nó liền quay lại. Ngày mai là sinh nhật của bé Mận.
*
Thằng Mẫn ra đến đầu làng thì trời bắt đầu mưa phùn. Có lẽ là mưa xuân. Đường làng láng ướt. ánh điện nhạt nhòa hắt ra từ những ngôi nhà ven đường. Trời còn lạnh. Thằng Mẫn cố khép vạt áo lại. Cái áo bị bố giật rách toạc không đủ ấm. Thằng Mẫn rảo bước. Chợt có tiếng gọi:
- Mẫn ơi đứng lại… dì bảo!
Thằng Mẫn ngạc nhiên dừng lại. Nó nhận ra bóng dì Miên đang đuổi theo. Thằng Mẫn và dì Miên cùng tuổi, cùng học lớp 5. Hai đứa cứ mày, tao quen rồi. Đây là lần đầu tiên Miên xưng "dì" với nó. Thằng Mẫn ấp úng:
- Dì ạ!
- Định… đi hả Mẫn?
- Vâng… cháu…
- Này cầm lấy! Có tiền mà đi tàu hoả!
Dì Miên vừa nói vừa dúi vào tay thằng Mẫn tờ bạc mười nghìn đồng. Dì Miên cởi cái áo ấm cũ đang mặc khoác lên người thằng Mẫn nói thêm: “Trời vẫn còn lạnh lắm đấy!". Thằng Mẫn “vâng” một tiếng rồi lý nhí: “Chào dì… cháu đi!” Nó biết dì Miên cũng khổ lắm. Ông trẻ bên ngoại mất, dì còn nhỏ mà đã phải lao động, tần tảo như người lớn.
Thằng Mẫn bước qua cái cổng làng có cây đa cổ thụ, rễ rủ loà xòa. Nó nhìn về hướng thành phố xa xa. Một quầng sáng đùng đục hắt lên bầu trời. Nó cũng chưa biết mình sẽ làm việc, kiếm tiền ra sao ở cái nơi đô hội ấy. Nó sẽ làm nghề nhặt rác, đánh giầy, hay bán báo. Làm gì cũng được. Nhưng nhất định nó sẽ phải có tiền để mua cho bé Mận một bộ quần áo mới. ý nghĩ ấy thôi thúc nó đi tới một chân trời xa...
Tháng 6-2005
Truyện hay!Thương chúng nó quá anh à!
Trả lờiXóaGửi Trần Nhã My: Đúng là những đứa bé thật đáng thương khi người lớn sa ngã.
Trả lờiXóaChúc em một ngày tốt lành, vui vẻ!