Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

Truyện thiếu nhi CHUỒN CHUỒN BAY THẤP

CHUỒN CHUỒN BAY THẤP 
Truyện thiếu nhi của Trọng Bảo

Không có mô tả ảnh.

Cái My đứng tựa cửa nhìn ra sân. Những con chuồn chuồn đang bay rất thấp. Vậy là trời sắp mưa. Cái My chợt nhớ tới bà nội và mẹ. Khi còn sống bà hay bảo: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa”. Bà gọi bé My vào nhà ngay kẻo mưa ướt dễ bị cảm. Năm My lên sáu tuổi thì bà mất. Nó còn nhớ bữa theo mẹ ra thăm mộ bà trời âm u, chuồn chuồn bay rất thấp. Mẹ vẫn cứ lúi húi vun đất đắp mộ cho bà, My phải nhắc mẹ. Hai mẹ con vội vã thắp hương cho bà rồi về thế mà dọc đường vẫn bị mưa ướt. My càng không quên hôm ra đắp mộ cho mẹ chuồn chuồn cũng bay thấp nhưng nó không về. Mặc cho mưa rơi ướt sũng cả người My vẫn ngồi bên cạnh mộ mẹ không muốn về. Mẹ nó mất do tai nạn giao thông. Chiều hôm đó bố đèo mẹ lên thị trấn để vay tiền sửa nhà lúc về thì gặp mưa. Bố vội phóng xe vội vã chạy tránh mưa nên va phải phía sau một chiếc xe tải. Mẹ nó văng ra đập đầu xuống mặt đường. Vào đến bệnh viện thì mẹ mất. Bố bị thương nặng phải điểu trị mấy tháng liền mới khỏi.
Gần hai năm sau, bố lấy dì Tân. Ban đầu dì đối xử với My cũng không có gì ghê gớm lắm. Nhưng từ khi sinh cu Bi thì dì chẳng bao giờ còn ngó ngàng đến cái My nữa. Dì chỉ chú ý đến nó khi cần nó bế cu Bi. Dì không cho My đi học thêm để còn ở nhà chăm sóc cu Bi lại đỡ tốn tiền học. Bố cũng không phản đối. Từ ngày bị ngã xe bố cũng ốm yếu luôn nên chả dám quyết điều gì. Nhất nhất mọi việc bố đều nghe theo sự sắp đặt của dì.
Một hôm hai chị em ở nhà. Cu Bi khóc đòi chị bắt cho một con chuồn chuồn để chơi. Cái My phải để em ngồi trên thềm ra vườn xem có con chuồn chuồn nào đậu ở luống đậu đũa không. Khi My vừa tóm được đuôi một con chuồn chuồn thì nghe tiếng cu Bi khóc thét lên. Nó hốt hoảng chạy vào. Cu Bi bị ngã lao đầu xuống sân, sứt trán máu chảy ướt cả mặt. Cái My sợ quá gào to gọi chú Tuyên hàng xóm sang cứu. Chú Tuyên không ở nhà. Cái My vội bế xốc em lên chạy ra cổng. Giữa lúc đó thì dì về. Dì giằng lấy cu Bi rồi thẳng tay tát mạnh vào mặt nó mấy cái. Dì ôm cu Bi chạy ra trạm y tế xã. Cái My tối tăm mặt mũi. Nó lảo đảo ngã sấp xuống, đầu đập mạnh vào bậc thềm. Cái My ngất đi. Nó tỉnh lại được là nhờ những hạt mưa lạnh tạt vào mặt.
Sau bận ấy dì càng ghét nó. Những lúc bố đi vắng không có cơn cớ gì dì cũng đánh nó. Mỗi lần cái My bị đánh cu Bi đều khóc thét lên:
- Mẹ… đừng đánh chị My… để chị bắt chuồn chuồn cho cu…
Đêm ngủ cu Bi cũng mê sảng khóc: “Mẹ đừng… đánh… chị… My… đừng… đánh… chị… My…”.
Cái My ngày một gầy yếu. Nó cắn răng chịu những trận đòn của dì mà không hé răng, không kêu khóc. Nó luôn mặc quần áo dài để bố về khỏi nhìn thấy những vết thâm tím do bị đánh. Nhưng trong khi bố nó suốt ngày say rượu không biết gì thì cô Hiên nó lại biết. Cô Hiên là em gái ruột của bố. Cô đang công tác ở trên tỉnh. Cô phóng xe máy về giữa lúc trời đang nắng nóng oi bức. Cô đỗ xe ngay giữa sân rồi nhào vào nhà. Không chào anh trai đang ngồi uống nước ở xa-lông, cô lôi cái My đang ngồi học ở gian bên cạnh ra giữa nhà. Vừa vạch áo nó ra cô vừa gào lên:
- Anh nhìn đi… nhìn đi… anh để con bé nó khốn khổ thế này à! Anh có còn là bố nó nữa không?
Bố My lúng túng. Gần đây bố cũng nghe chuyện dì ghẻ, con chồng nhưng cũng không ngờ cái My lại bị đánh đập, đối xử quá tàn tệ đến thế.
Cô Hiên kiên quyết:
- Lần này tôi về tôi sẽ đưa cái My đi ở với tôi!
- Thôi thì tùy cô… tôi… tôi… cũng không còn đủ sức lo cho nó nữa rồi.
Cô Hiên kêu cái My gấp quần áo để đi với cô luôn. Bố cũng bảo nó đi với cô cho đỡ khổ. Cái My ngần ngừ:
- Con chờ dì và em về đã!
- Dì và em sang bên ngoại chiều mới về, chờ làm gì?
Bố gàn. Cái My mếu máo:
- Nhưng con đã hứa với em là chiều nay sẽ bắt cho nó một con chuồn chuồn để chơi bố ạ! Chiều em về không có nó sẽ khóc và giận con…
- Vớ vẩn! Nó còn bé biết gì. Thôi hai cô cháu đi đi, chuồn chuồn bay thấp là trời sắp mưa rồi đấy!
Cái My đi theo cô Hiên. Ngồi sau xe của cô ra đến giữa cánh đồng cái My vẫn ngoảnh lại chùi mắt và khe khẽ nói: “Đừng giận chị cu Bi nhé! Nhất định chị sẽ về bắt cho em một con chuồn chuồn ớt thật đẹp để em chơi!”.
Hà Nội, 17/8/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét