Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

Truyện ngắn vui CHUYỆN Ở TRUNG ƯƠNG

CHUYỆN Ở TRUNG ƯƠNG
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Không có mô tả ảnh.

tng Tô lò dò sang nhà lão Cốc. Tay ông cầm tờ báo mới. Ông cẩn thận đi trên con đường bê tông giữa làng vì trời mưa rêu mọc lên nên hơi trơn. Tuổi cao như ông mà trượt ngã xuống mặt đường cứng như đá thế này dập não thì nguy. Dọc đường ông gặp người làng ai cũng có vẻ vội. Sắp tết rồi mọi người lo kiếm tiền để sắm tết. Cái dịch tả lợn châu Phi chết tiệt tràn về làm làng ông lợn toi gần hết, giá thịt lợn tăng cao, cả tháng nay ông toàn ăn cá. Cá cũng tốt, bổ cho xương khớp nhưng lâu rồi không có miếng lòng lợn, bát tiết canh cũng thấy nhơ nhớ.
Lão Cốc-nhà thơ Cốc Vũ đang gật gù đi đi, lại lại ở sân. Chắc là lão này đang mơ màng rong ruổi tâm hồn theo tiếng gọi của «nàng thơ». Sợ làm mất thi hứng của lão Cốc ông Tô định quay ra. Lão Cốc chợt bừng tỉnh nhìn thấy ông Tô vội chạy ra đón. Ông Tô bảo :
- Định sang ngồi trò chuyện với ông một chút…
- Mời ông vào nhà. Để tôi đi pha ấm chè ngon hai ta vừa nhấm nháp vừa đàm đạo nhé.
Ông Tô đi vào nhà. Lão Cốc vừa pha trà vừa hỏi:
- Ông đọc báo có tình hình gì mới và hay không?
Ông Tô bảo :
- Tình hình thì lúc nào chả mới, nhưng hay thì ít mà dở thì nhiều ông ạ!
Lão Cốc hỏi :
- Tại sao lại thế?
- Thì báo chí, mạng xã hội bây giờ mở ra là thấy toàn chuyện tiêu cực, tham nhũng thôi...
- Thì… tham nhũng nhiều càng phải chống nhiều ông ạ!
Đến lượt ông Tô băn khoăn lo lắng :
- Liệu chống có thành công không? Tôi thấy cái bọn buôn chổi đót, nuôi lợn, chạy xe ôm xây biệt thự nguy nga, mùa nhà đất ở Hà Nội rồi cho con cái sang Mỹ, Cannada du học vẫn nhởn nhơ tồn tại đấy thôi…
Lão Cốc ngắt lời ông Tô:
- Nhất định sẽ thành công ông ạ! Bọn ấy rồi cũng sẽ bị trả giá… - Lão Cốc nói vẻ khẳng định và thuận mồm đọc luôn một khổ thơ lão vừa sáng tác:
"Quan tham ơi hỡi quan tham
Chúng bay rồi sẽ cả đàn ra ma,
Ăn nhiều vàng bạc đô-la,
Cuối cùng cũng sẽ tan cửa, nát nhà mà thôi… ".
Ông Tô có vẻ bi quan :
- Chưa chắc ông ạ! Mấy ngày hôm nay theo dõi xét xử vụ án khủng tại "Bộ tê… tê… tê… tê" tôi thấy buồn quá…
- Sao lại thế! Cái tay cựu "Tê trưởng" ấy bị đề nghị tử hình cơ mà?
Ông Tô lý giải:
- Đấy là đề nghị thôi. Lúc tuyên án có thể giảm xuống đấy!
- Tại sao lại thế?
- Thì gia đình ông ta giúp khắc phục được 2/3 số tiền thì theo luật án sẽ giảm từ tử hình xuống chung thân. Thụ án chung thân một thời gian do "cải tạo tốt" sẽ được giảm án, ân xá, đặc xá…
- Nhưng 3 triệu đô-la đều là tiền nhận hối lộ cơ mà?
Ông Tô có vẻ hiểu biết:
- Ông ấy nhận hối lộ 3 triệu đô-la nếu nộp lại sẽ bị tịch thu toàn bộ và vẫn phải lĩnh án tử hình. Vì thế, đầu tiên ông ta khai cho con gái. Nếu con gái nói đã cầm tiền tham nhũng của bố thì cũng sẽ bị truy tố và bị đi tù, thế nên khi ra tòa ông ta mới phản cung, khai lại là đã "tiêu hết rồi, không nhớ là tiêu vào việc gì?". Thật nực cười, tiêu đến 60 tỷ mà không nhớ đã mua cái gì thì có mà bị thần kinh chập mạch ông ạ. Anh em mình tiêu 6 trăm ngàn đến 1 triệu đồng cũng còn nhớ mãi nữa là. Vậy mà ông ta tiêu đến 60 tỷ đồng lại không nhớ gì thì lạ thật…
Lão Cốc cũng thấy khó hiểu:
- Hay là ông ta bị mất trí nhớ đột xuất?
- Không phải đâu ông ạ! Đấy là "chiến thuật cứu mạng" vẫn giữ được tiền đấy ông ạ! Theo luật, nếu ông ta tiêu tán mất số tiền nhận hối lộ mà "gia đình giúp khắc phục" được 2/3 số tiền ấy thì ông ta sẽ thoát án tử hình. Thực ra số 2/3 của gia đình ấy vẫn là trong 3 triệu đô-la ông ta đã nhận hối lộ (Đây chỉ là chuyện "lấy mỡ nó rán nó" thôi). Thế là có phải ông ta vẫn còn sống và giữ lại được 1 triệu đô-la không?
- Thế đúng là tinh vi thật. Theo tôi, dù nộp lại bao nhiêu vẫn cứ tử hình mới công bằng ông ạ!
- Luật của ta rất "nhân văn" nhưng cũng còn kẽ hở như thế đấy!
- Đúng thế! Thảo nào mà bà vợ ông "cựu bộ trưởng số hai" khai trước tòa là chồng nhận hối lộ 200 ngàn đô-la nhưng không mang về nhà. Vô lý, một đống tiền như thế mà không cho vợ, đem cho gái thì có mà vợ nó "cắt chim" luôn ấy chứ… he he…
- Khai như vậy để cho kín nhẽ. Số tiền khắc phục là tiền của gia đình đã bán nhà, bán tài sản riêng có từ đời ông cha chứ không phải là tiền tham nhũng thì mới thoát mức án cao nhất…
Lão Cốc trầm ngâm một lúc lâu rồi thủng thẳng nói:
- Quả là cán bộ trung ương có khác. Họ làm ra luật nên hiểu chỗ nào luật còn kẽ hở để khi cần sẽ chui qua ông ạ! Chả thế mấy ông cán bộ chuyên buôn chổi đót, nuôi lợn, chạy xe ôm dành tiền làm biệt thự, cho con đi du học nước ngoài rồi ăn chơi phè phỡn không bị làm sao cũng chính nhờ chui qua được kẽ hở của pháp luật như thế đấy!
Ông Tô cũng gật gù:
- Mong sao trung ương cũng sẽ biết để bịt kín những kẽ hở này không cho bọn tham nhũng sâu mọt luồn lách chui qua, thoát chết…
Nói xong, ông Tô nâng chén chè lên uống một ngụm nhỏ. Vị chè Tân Cương hôm nay sao mà đắng ngắt trong miệng…
Hà Nội, ngày 21-12-2019

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2019

Truyện ngắn vui ĐẾN CHUYỆN Ở XÃ

ĐẾN CHUYỆN Ở XÃ
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Không có mô tả ảnh.

Lão Cốc từ nhà ông Tô về đến cổng thì lại gặp thằng Bất phóng xe từ nhà đi ra. Nó có vẻ vội vã suýt nữa thì đâm vào lão Cốc ở chỗ ngoặt. Lão Cốc phải nhảy bổ xuống rãnh mương để tránh nó. May mà con mương nông và không có nước. Lão Cốc cáu:
- Mày đi đâu mà phóng nhanh, phóng ẩu thế! Tý nữa thì cán gãy mẹ mất chân tao rồi?
Thằng Bất cũng hốt hoảng. Nó dừng xe vội vàng nhảy xuống cái mương cạn đỡ lão Cốc đứng dậy. Nó dìu bố lên đường. Hai bố con ngồi bệt xuống vệ đường nghỉ chút. Thằng Bất vừa thở vừa nói:
- Con lên xã có việc gấp bố ạ!
- Mày… là cái thằng phụ hồ vớ vẩn thì có việc gì mà lên xã hả?
- Hì… con là thợ xây nên lãnh đạo xã mới cần chứ!
Lão Cốc đe:
- Thế có việc gì? Đừng nói với tao là gây rối làm mất trật tự công cộng để xã gọi lên cảnh cáo đấy nhé!
- Làm gì có chuyện ấy! Bọn thợ xây chúng con lên xã là để xây dựng công trình mới cho xã đấy chứ!
- Công trình gì mà cần đến bọn thợ xây vặt vớ vẩn chúng mày hả?
Thằng Bất giải thích :
- Bọn con được xã gọi lên nhận một công trình mới, xây cái nhà tắm nóng lạnh cho các vị lãnh đạo. Cán bộ xã bây giờ sau giờ làm việc đi sau khi đánh cầu lông, chơi ten-nít về mà không có cái khoản “nóng-lạnh” là không tắm táp nổi đâu?
Lão Cốc ngạc nhiên:
- Cán bộ cấp xã bây giờ cũng sang thế cơ à?
- Ối bố không biết đâu. Cán bộ xã bây giờ không dép cao su lội ruộng hướng dẫn nhân dân sản xuất, tay cầm cây mạ, bông lúa, củ khoai như ngày xưa nữa đâu. Cán bộ xã bây giờ com lê, áo dài, kính đen, mồm ngậm thuốc lá, xì gà, hết giờ làm việc là đi chơi thể thao, rồi đi nhà hàng ăn uống, hát karaoke. Làm việc toàn bằng máy vi tính, ai-phon, ai-pat bố nhé!
Lão Cốc gật gù:
- Đúng là thời đại 4.0 có khác... Nhưng mà tao đọc báo, xem mạng cũng thấy khối chuyện bi hài của cán bộ xã đấy!
- Những chuyện gì thế hả bố?
- Thì chuyện hai ông cán bộ quân sự xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu nhậu xong đánh nhau bóp cổ nhau suýt chết đấy!
- He... he... thì là rượu nó bóp cổ nhau đấy bố ạ! Còn đã cùng là cán bộ xã với nhau ai lại làm thế chứ?
Lão Cốc cũng cười:
- Hì... hì... cũng còn nhiều chuyện nữa như bí thư và phó chủ tịch xã Hợp Thành, Triệu Sơn, Thanh Hóa trong giờ làm việc đánh bài ăn tiền ngay tại trụ sở đấy!
- Chắc là làm việc căng thẳng quá họ giải trí chút thôi bố ơi!
- Thế còn ông cán bộ văn hóa xã Phú Nhuận, huyện Phú Tân, Cà Mau đưa người tình vào nhà nghỉ bị lộ do “thao tác” mạnh quá cô người tình bị ngất xỉu thì cũng là “giải trí” đỡ căng thẳng do làm việc à?
- Chuyện này thì là “chuyện sinh hoạt nhỏ” thôi bố ạ. Phê bình nghiêm khắc cho họ sửa chữa là OK thôi...
- Vậy còn cái ông cán bộ xã phường gì đó ở Bắc Giang vào nhà nghỉ bị gái nó “cắt mất chim” thì là thế nào? Rồi cũng ở một xã ở huyện U Minh, Cà Mau cán bộ xã ăn nhậu, ký nợ hơn 50 triệu đồng không chịu trả chủ quán nó mang xăng đến dọa đốt trụ sở xã nữa?
Thằng Bất bí quá không biết trả lời thế nào. Nó chống chế:
- Bố đúng là biết lắm chuyện ở xã quá... nhưng con phải đi đây kẻo anh em trong kíp thợ họ chờ và cán bộ xã họ lại nhắc nhở là không nhiệt tình với việc của xã chứ chúng con biết làm công trình cho xã có mà đến Tết cũng chả thanh toán được bố ạ!
Nói xong, thằng Bất phóng cái xe máy cũ đi mất. Đi được một lúc lâu thì lại nó phành phạch phóng xe về. Nó dựng vội cái xe ở giữa sân nhà rồi hổn hển nói:
- Bố đã biết chuyện gì chưa?
- Chuyện gì? - Lão Cốc đang cắt tỉa cây cảnh ở sân hỏi lại.
Thằng Bất mặt mũi vẫn còn tái đi nói tiếp:
- Xã ta phen này thì đi đứt hết rồi…
- Lại có chuyện gì thế?
- Con vừa từ trên trụ sở uỷ ban xã vội chạy ngay về đây để báo cho bố biết một tin nóng bỏng đấy! Công an vừa đọc lệnh bắt tạm giam rồi!
- Bắt ai?
- Bắt chủ tịch xã ta!
Lão Cốc hỏi thêm:
- Sao ông ấy lại bị bắt?
- Thì nghe nói là vì chuyện khai khống diện tích giải phóng mặt bằng làm đường, xây dựng khu công nghiệp để nhận tiền đền bù, rồi cả chuyện bán đất… Nghe đâu tham nhũng, thất thoát đến ngót chục tỷ đồng đấy!
- Thế cơ à…
Lão Cốc giật mình với thông tin động trời mà thằng Bất vừa thông báo. Thằng Bất mãi mới bình tĩnh kể lại toàn bộ nội dung câu chuyện cho có đầu, có đũa. Cụ thể là khi nó đang gặp anh chánh văn phòng để nhận việc xây công trình nhà tắm “nóng-lạnh” cho lãnh đạo xã thì thấy có hai chiếc xe công an chạy thẳng vào sân trụ sở uỷ ban xã. Một chiếc xe chở người, một chiếc xe chuyên dùng để chở tù nhân, can phạm. Mấy anh công an vừa xuống xe liền đi vào thẳng phòng ông chủ tịch xã. Họ đọc lệnh bắt, lệnh khám xét phòng làm việc và nhà riêng của ông chủ tịch. Các cán bộ của xã bấy giờ mới ngã ngửa người ra. Hóa ra ngay từ khi có dự án mở rộng đường quốc lộ, xây dựng khu công nghiệp tại đây thì đã có ngay một dây chuyền tham nhũng hình thành ở xã. Ông chủ tịch, bà cán bộ tài chính, ông cán bộ địa chính đã cấu kết với ban giải phóng mặt bằng để kiếm chác. Họ khai khống diện tích cần giải phóng mặt bằng để nhận tiền đền bù chia nhau. Họ còn bớt xén cả tiền đền bù của bà con nhân dân trong xã. Không những thế, bọn họ còn kiếm mỗi người mấy xuất đất tái định cư nữa.
Kể xong câu chuyện, thằng Bất ngồi bết xuống thềm lau mồ hôi. Lão Cốc cũng đứng lặng đi một lúc rồi ậm ừ mới bảo:
- Lại là “chuyện thường ngày ở xã” ấy mà...
Hà Nội, ngày 17-12-2019

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

Truyện ngắn vui CHUYỆN THƯỜNG NGÀY Ở HUYỆN

Không có mô tả ảnh.

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY Ở HUYỆN
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Gần trưa, lão Cốc mới sang nhà ông Tô. Một tháng nay lão đi dự trại sáng tác văn nghệ trên đỉnh núi Tam Đảo nên có nhiều chuyện muốn phô với ông giáo. Hơn nữa, hôm qua lão vừa sáng tác xong một bài thơ mới với tựa đề “Quê hương ta đẹp quá” muốn sang nhờ ông Tô góp ý. Lão Cốc còn có nhiều chuyện muốn tâm sự cùng ông Tô vì được đi trại sáng tác của hội văn học nghệ thuật tỉnh đúng là như “cá trong ao tù được bơi ra sông lớn”.
Ở trại sáng tác lão Cốc vô cùng ngưỡng mộ nhiều nhà văn, nhà thơ của tỉnh nhà. Có ông nhà thơ là cán bộ về hưu mười năm mà năm nào cũng dành dụm lương hưu in riêng hẳn một tập thơ. Có cụ nghệ sĩ ngày nào cũng sáng tác ra một bài thơ, một năm trừ những ngày ốm mệt cũng có đến hơn ba trăm bài thơ. Có ông giám đốc doanh nghiệp ban ngày chỉ đạo sản xuất, làm chủ bao nhiêu máy móc công nhân, ban đêm làm bạn với “nàng thơ”, sáng tác không ngừng nghỉ. Sách của ông đầu tư nhiều tiền in bìa cứng chữ mạ vàng rất đẹp.
Sau đợt tham gia trại viết, lão Cốc được các bạn trại viên tặng mấy chục cuốn sách. Hôm về đến bến xe huyện lão suýt bị công an và phòng thuế bắt vì nghi ngờ là đi... buôn sách. May mà lão còn giữ được cái giấy mời tham gia trại sáng tác văn học nên mới thoát tội buôn lậu. Lão Cốc chả có sách để tặng các bạn cùng trại sáng tác. May lão có hơn chục bản photocopy bài thơ được giải khuyến khích của báo văn nghệ tỉnh để tặng lại họ. Chuyện đi trại viết của lão Cốc thật là thú vị...
Lão Cốc vừa ra đến cổng nhà thì gặp thằng Bất, con lão phóng xe máy về. Lão ngạc nhiên hỏi nó:
- Mày nói đi làm phu hồ ở trên huyện cơ mà. Sao hôm nay về sớm thế?
Thằng Bất trả lời:
- Toi rồi... toi hẳn rồi bố ạ!
- Toi là toi cái gì?
Thằng Bất cười nhăn nhở:
- À... là cái ông chủ nhà mà chúng con đang xây ấy... toi luôn rồi!
- Sao lại toi? Ông ấy bị đột quỵ à?
- Không... ông ấy vẫn khỏe như vâm ấy bố ạ.
- Thế sao lại toi?
- Là thế này... - Thằng Bất vừa lau mồ hôi trên mặt vừa nói: - Căn biệt thự của ông ấy đang đổ bê tông sàn tầng 3 thì công an ập đến đọc lệnh niêm phong. Ông ấy bị bắt tạm giam rồi...
- Nhưng hôm trước mày chả bảo ông ấy là phó chủ tịch huyện cơ mà?
- Thì... đúng như vậy... nhưng con nghe nói ông ấy bán đất, chiếm đất công nên mới bị tóm đấy bố ạ!
Lão Cốc băn khoăn:
- Nhưng vừa mới hôm qua tao còn thấy ông ấy lên truyền hình của tỉnh nói về đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng, xây dựng xã hội ngày càng tươi đẹp cơ mà?
- Ối... đấy là “chuyện thường ngày ở huyện” bố ơi. Hôm nay là gương sáng, là điển hình, là người tốt việc tốt không chừng ngày mai lại là... là tội phạm chính hiệu đấy...
Lão Cốc lại nhăn mặt:
- Hừ... mày nói như vậy là không ổn... Người ta phải rèn luyện, phấn đấu mãi mới trở thành “điển hình” được chứ? Cứ như mày thì ai là cán bộ cũng xấu, cũng tiêu cực cả à?
- Con không nói ai là cán bộ cũng tiêu cực... nhưng cán bộ tiêu cực bây giờ như là “chuyện thường ngày ở huyện” và rất lạ bố ạ!
- Lại “chuyện thường ngày ở huyện”. Huyện thì chuyện gì mà chả là chuyện thường ngày. Mà có chuyện gì lạ hả?
Thằng Bất cười hề hề:
- Thì đấy thôi... Bố đọc báo, nghe đài chả thấy chuyện cái ông Tuấn gì đó làm đến cấp phó chủ tịch hội đồng nhân dân huyện ở Tây Ninh, có đến hai cái ô tô riêng mà vẫn nghèo hơn cả bà lao công quét rác ngoài đường nên mới được nhận “nhà tình nghĩa” đấy. Ông này còn khai gian để nhận cả trợ cấp chất độc da cam nữa chứ!
Lão Cốc nói vẻ khinh thường:
- Sao lại có loại người vô liêm sỉ thế nhỉ?
- Còn nhiều chuyện lạ nữa ở huyện bố ạ!
- Là những chuyện gì thế?
- Là chuyện ở huyện Cao Phong, Hòa Bình, có ông gì đó bị truy nã 26 năm rồi mà vẫn lọt lưới còn chui vào tổ chức, ngoi lên làm đến chức vụ chánh văn phòng một cơ quan cấp huyện đấy...
Lão Cốc trố mắt nói:
- Ghê thế cơ à? Tay này mà cho vào hoạt động trong ngành tình báo có khi được đấy!
- Thế cũng chưa ăn thua gì đâu bố nhé! Chuyện cái ông Xướng, chánh tòa án huyện Minh Hóa ở tỉnh Quảng Bình mới thật là ghê răng nhất bố ạ!
- Ông ta nhất là nhất như thế nào?
- Thì... ông ấy giữa ban ngày ban mặt, trong giờ hành chính dám tụt quần... đụ nhau với nhân viên nữ ngay tại trụ sở cơ quan tòa án thì chả nhất là gì... he... he... he...
Lão Cốc ngạc nhiên:
- Sao tay này liều thế nhỉ?
Thằng Bất gật gù nói:
- Thì ông ấy tên là Xướng thì lúc nào cũng phải được sung... sướng chứ?
Lão Cốc lắc đầu bảo:
- Thôi, những "chuyện thường ngày ở huyện" của mày nghe chán lắm. Tao sang nhà ông Tô chơi đây!
Lão Cốc-nhà thơ Cốc Vũ đi ra ngoài cổng. Thằng Bất cố nói với theo:
- Bố có làm thơ ca ngợi thì cứ ca ngợi chung chung thôi bố nhé! Đừng ca ngợi đích danh ai tốt, ai hay, lỡ ngày mai họ phạm tội là hỏng bét mất luôn một bài thơ đấy... he... he...
Thằng Bất nói xong phá lên cười ha hả. Lão Cốc lẩm bẩm: “Đúng toàn là những chuyện thường ngày ở huyện” chả nên... thơ trữ tình một chút nào mà toàn là thơ trào phúng thôi!!!
Hà Nội, ngày 12-12-2019

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

Truyện ngắn vui CHÁN LẮM ÔNG GIÁO Ạ

CHÁN LẮM ÔNG GIÁO Ạ
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Không có mô tả ảnh.

Lâu rồi ông Tô không gắp lão Cốc. Có lẽ đến cả tháng nay rồi. Nghe nối lão Cốc-nhà thơ Cốc Vũ được hội văn nghệ tỉnh mời đi dự trại sáng tác văn chương gì đó ở mãi tít trên tận đỉnh núi Tam Đảo mây gió mịt mù. Lão này vừa rồi lại mới được giải khuyến khích thơ châm biếm của báo văn nghệ tỉnh. Thơ thẩn của lão ngày càng tiến bộ, hay hơn. Nghe nói có ông nhạc sĩ trên huyện đang phổ nhạc một bài thơ của lão ấy nữa.
Không có lão Cốc ông Tô cũng thấy buồn. Nhưng khi ông vừa pha xong ấm chè thì lão Cốc bất ngờ xuất hiện ở cổng. Đi cùng lão còn có một anh ăn mặc chỉnh tề tay xách cái cặp có vẻ là cán bộ. Ông Tô chưa kịp hỏi thì lão Cốc đã nói to:
- Chán lắm ông giáo ạ!
- Có chuyện gì thế? Ông vừa mới đi trại về à! Sáng tác được nhiều thơ ca không?
Lão Cốc xua tay :
- Thơ thẩn quan trọng gì! Chán là chán ở cái khác cơ!
- Sao lại chán ? Ông vẫn nói cuộc đời luôn nên thơ, nên nhạc cơ mà?
- Vậy có chuyện gì, ông nói ngay xem nào?
Lão Cốc vừa đón chén nước chè vừa chỉ người đi cùng nói:
- Đây là thằng Bản, cháu họ xa của tôi. Nó là kỹ sư chủ một doanh nghiệp xây dưng công trình lớn ở trong nam. Vừa rồi nó về thăm quê, thấy con đường trục chính của xã ta nhỏ hẹp và xuống cấp quá muốn tài trợ để mở rộng và nâng cấp thật đẹp…
Ông Tô xuýt xoa:
- Thế thì tốt quá, quý hóa quá rồi… con em đi làm ăn xa thành đạt về trợ giúp cho quê hương phát triển thì còn gì bằng?
Lão Cốc lắc đầu:
- Nhưng chán lắm ông giáo ạ! Nó xin tài trợ 100% số vốn đầu tư nhưng lãnh đạo xã ta kiên quyết không nhận…
Ông Tô trố mắt ngạc nhiên :
- Sao lại lạ thế?
Thằng Bản, cháu họ lão Cốc cũng băn khoăn :
- Cháu cũng không hiểu tại sao ông giáo ạ! Cháu đã làm việc với lãnh đạo xã và thông báo với họ rằng xã chỉ việc làm thiết kế tuyến đường, cử người tham gia giám sát chất lượng công trình, còn thì việc lo vật liệu và thi công công ty của chúng cháu sẽ đảm nhận toàn bộ. Xong xuôi sẽ bàn giao và bảo hành lâu dài con đường cho xã. Vậy mà không hiểu vì sao mà họ không chịu nhận…
- Tại… tại là anh làm cho họ con đường mà không đưa cho họ… tiền để họ tự làm hiểu không?
Thằng Bất, con lão Cốc vừa bước vào cổng vừa nói. Ông Tô, lão Cốc và thằng Bản đều ngạc nhiên không hiểu. Thằng Bất cười cười nói tiếp:
- Anh làm rồi bàn giao cho họ con đường giữa xã trị giá 5 tỷ đồng là anh làm… hại họ ghê lắm đấy!
Ông Tô càng ngạc nhiên :
- Tại sao lại vô lý thế?
- Đoạn đường này theo cháu được biết xã ta đã dự tính chi khoảng 10 tỷ đồng, trên hỗ trợ 5 tỷ, còn lại huy động nhân dân đóng góp khoảng 5 tỷ, sang năm sẽ khởi công. Họ nghĩ mãi mới ra một dự án để... chén. Vậy mà đùng một cái anh Bản từ đâu mò về nói đoạn đường này chỉ cần chi 5 tỷ đồng là làm được, và lại đứng ra trực tiếp thi công cho họ, vậy thì có phải là đã "cướp cơm" của họ không hả? Họ phải được trực tiếp đứng ra làm cơ… có làm thì mới có ăn chứ! Anh cứ thử đưa cho họ 5 tỷ tiền mặt xem họ có nhận không?
Ông Tô, lão Cốc và thằng Bản đều cùng ồ lên: "Thì ra thế!".
Thằng Bất nói thêm:
- Bây giờ ở đâu mà chả thế! Chán lắm ông giáo ạ. Cháu còn đọc báo thấy ở dưới thủ đô nước ngoài họ tài trợ 100% và đứng ra là sạch sông Tô Lịch mà họ cũng còn không nhận nữa cơ mà. Họ định lấy 160 tỷ tiền ngân sách để dẫn nước sông Hồng rửa sông Tô Lịch đấy! Có làm, có chi thì mới…
Thằng Bất bỏ lửng câu nói nhưng ông Tô, lão Cốc đều gật gù có vẻ hiểu. Lão Cốc lẩm bẩm trong miệng :
- Đúng là nhiều chuyện chán lắm ông giáo ạ?
Ông Tô cũng bảo:
- Đúng là chán thật!
Hà Nội, ngày 9-12-2019

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

THƯƠNG LẮM CAO BẰNG - thơ

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, ngoài trời

THƯƠNG LẮM CAO BẰNG
Hành quân lên với Cao Bằng
Tiếng đàn tính cứ rộn ràng bước đi
Say trong câu lượn, câu sli
Gặp em xuống chợ cùng về Hòa An
Đức Long, Mỏ Sắt, Nà Giàng
Đường lên Pác Bó, Sóc Giang thêm gần…
Chập trùng thế núi, lòng dân,
Biên cương cháy bỏng mùa xuân năm nào
Lại gặp em giữa chiến hào
Áo chàm, áo lính cùng nhau ngăn thù
Chiến tranh lửa đạn mịt mù
Nỗi đau biết đến bao giờ cho nguôi?
Cao Bằng thương lắm em ơi!
Máu dân, máu lính đẫm nơi tuyến đầu
Cây đàn tính tẩu còn đâu
Lời then uất nghẹn từng câu căm hờn
Bạn tôi nằm lại núi non
Mẹ già chờ đợi mỏi mòn quê xa…
Cao Bằng ai đã từng qua
Quê em anh cứ ngỡ là quê anh!
Hà Nội, 17-2-2019

HÀ GIANG MẾN YÊU ƠI - thơ

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, hoa và cận cảnh

HÀ GIANG MẾN YÊU ƠI
Lên Hà Giang gặp lại rừng
Con đường mở giữa chập trùng núi non,
Bao người lính áo rách sờn
Mà tình đồng đội vẫn còn vẹn nguyên,
Cơn mưa rừng cứ triền miên
Cho măng vầu đắng mọc lên khắp đồi,
Bắc Quang tôi gặp em rồi
Tiếng khèn Mông níu lòng người hằng đêm.
Con đường mỗi lúc dài thêm
Ai xuôi sông Bạc về miền Vĩnh Tuy,
Gian lao anh chẳng ngại gì
Má hường em có phai đi giữa rừng?
Hà Giang nỗi nhớ rưng rưng
Một thời trai trẻ đã từng qua đây
Rừng xanh vẫn mãi xanh cây
Tóc bao người lính hôm nay bạc rồi...
Hà Giang ơi,
Hà Giang ơi...
Hà Nội, tháng 8-2018

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

LÊN MIỀN TÂY BẮC - thơ

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang ngồi và ngoài trời

LÊN MIỀN TÂY BẮC
Cùng về Yên Bái em ơi
Xanh thăm thẳm một khoảng trời miền Tây,
Điệu xòe chưa kịp cầm tay,
Núi non Văn Chấn những ngày gian lao.
Mưa rừng áo lính bạc màu
Chặt cây, dựng lán biết bao nhọc nhằn
Ruồi vàng, vắt, muỗi, đói ăn
Tuổi xuân chiến sĩ đại ngàn rụng rơi,
Tà De nghe tiếng em cười
Khe Hiền mong gặp lại người tôi mong?
Ngòi Lao dòng nước xanh trong
Khỏa trần em giữa mênh mông núi rừng
Chuyến bè xuôi thác ngập ngừng
Ước gì nước chảy ngược dòng phía em
Dùng dằng như lạ, như quen
Một miền Tây Bắc-một miền nhớ thương…
Hà Nội, tháng 7-2016

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019

NHỚ THÁI NGUYÊN - thơ

Trong hình ảnh có thể có: núi, cỏ, ngoài trời và thiên nhiên

NHỚ THÁI NGUYÊN
Nhớ quê em kỷ niệm xưa
Sông Công, núi Cốc nắng mưa một thời,
Đại Từ bát ngát chè ơi
Đường lên Định Hóa xanh trời cọ xanh,
Cái thời mặc áo chiến binh
Mà tôi lại ngỡ quê mình Thái Nguyên
Gặp người mà chẳng nên duyên
Sông Cầu chảy lạc về miền dân ca,
Đường lên đèo Khế bao xa
Lối xưa, bóng cũ mờ nhòa trong sương
Một bông hoa nở bên đường
Cho tôi gặp lại sắc hương của rừng…
Hà Nội, 14/5/2015

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Truyện ngắn CHUYỆN MỘT NGƯỜI THẦY

CHUYỆN MỘT NGƯỜI THẦY
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Nhận được điện của Hằng báo tin thầy Lâm mệt nặng, tôi cố thu xếp rút ngắn chuyến công tác để có thế ra Bắc sớm hơn. Nhưng cũng phải gần một tuần sau tôi mới về đến Hà Nội. Ném vội hành lý vào nhà, tôi vớ xe máy phóng đến ngay nhà thầy. Hằng mở cửa đón, tôi hỏi ngay:
- Thầy thế nào rồi?
Hằng vừa giúp tôi đưa xe vào khoảng sân hẹp vừa nói, mắt đỏ hoe:
- Từ tối qua đến giờ thầy lúc tỉnh, lúc mê, chả còn nuốt nổi thìa sữa nữa!
Tôi vội vã theo Hằng vào nhà. Thầy Lâm nằm thiêm thiếp trên chiếc giường cá nhân trong căn phòng nhỏ, giữa bốn bề là sách. Tôi quỳ xuống cạnh thầy. Hai bàn tay tôi nắm lấy tay thầy. Tay thầy hơi lạnh, không còn ấm như mọi khi. Tôi khẽ gọi:
- Thầy ơi... con... An đây...
Thầy Lâm vẫn nằm lặng yên. Nhưng tôi cảm thấy bàn tay thầy khẽ động đậy trong tay mình. Tôi biết thầy đã nghe thấy tiếng tôi gọi. Hằng vẫn sụt sịt đứng bên cạnh. Tôi hỏi:
- Sao không đưa thầy vào bệnh viện?
Hằng lau mắt:
- Chúng em đã đưa thầy vào viện. Nhưng sau một tuần thầy cứ dứt khoát đòi về. Mấy hôm nay bệnh tự dưng bệnh thầy nặng thêm.
- Thế thuốc thang cho thầy bây giờ thế nào?
- Mấy anh chị học trò của thầy là giáo sư bác sĩ ở bệnh viện vẫn đến theo dõi, tiêm thuốc cho thầy. Các anh chị ấy cũng vừa mới về xong, lát nữa sẽ lại đến...
Tôi lặng nhìn thầy. Thầy nằm yên trên giường. Đôi mắt của người nhắm nghiền như đang ngủ. Mái tóc của thầy bạc trắng như bông, trắng hơn bui phấn đời người. Nét mặt thầy thanh thản như chưa hề có những cơn đau đang âm ỉ trong cơ thể. Có lẽ thầy hiểu. Cả cuộc đời gắn bó với bao lớp học trò như chúng tôi, con đò của thầy chở bao nhiêu chuyến sang sông nay đã đến lúc phải cập bến nghỉ ngơi, giã từ sóng gió. Nhìn thầy, tôi chợt nhớ lại khi còn là học trò của thầy. Nhớ về kỷ niệm những ngày xanh.
Đó là những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc. Khi ấy tôi vừa lên lớp 8. Thời đó, lớp 8 là lớp đầu của cấp ba. Thầy Lâm vừa là chủ nhiệm vừa dạy lớp tôi môn toán. Thầy là người Hà Nội gốc. Hình như thầy có chuyện gì trục trặc về gia đình nên xin lên miền núi quê tôi dạy học. Thầy đem theo đứa con gái nhỏ. Hai bố con thầy ở một gian nhà nhỏ trong khu tập thể. Bé Hằng khi ấy mới năm sáu tuổi đang chuẩn bị vào lớp 1. Tính thầy Lâm rất nghiêm khắc nên chúng tôi không thích thầy lắm. Nhất là tôi lại là một đứa lười học, hay trốn tiết đi bơi ngoài sông hoặc lang thang ra thị trấn. Giờ toán của thầy đúng là một cực hình. Văn thì tôi chả kém mấy ai nhưng lại rất rốt môn toán. Đã thế thầy Lâm lại hay gọi tôi lên bảng. Bị nhiều điểm kém môn toán nên tôi rất lo, nhất là khi chi đoàn đang bồi dưỡng để kết nạp tôi vào đoàn. Học kém sẽ không đủ tiêu chuẩn để trở thành đoàn viên. Ngày ấy không là đoàn viên thì đi bộ đội cũng khó chứ đừng nói gì là vào đại học, cao đẳng. Tôi cũng đã cố tập trung học môn toán. Nhưng sự thông minh không phải cứ cố là có được ngay.
Bài kiểm tra giữa học kỳ môn toán thường là hệ số hai. Được một điểm khá, hay điểm giỏi tức là có hai điểm khá, hai điểm giỏi, khi chia trung bình nó kéo các điểm kém khác lên. Ấy thế mà bài kiểm tra giữa học kỳ một tôi lại làm không tốt. Bài làm tẩy xoá, sửa chữa be bét. Lúc hết giờ so sánh với các bạn giỏi trong lớp thì tôi làm sai gần hết. Chợt nảy ra một sáng kiến. Tôi liền đem đề bài đi tìm anh Bái. Anh Bái là anh họ tôi học trên một lớp. Anh rất giỏi môn toán. Kỳ thi học sinh giỏi toán toàn tỉnh anh đoạt giải nhì. Tôi nhờ anh giải cho các bài toán trong đề kiểm tra giữa học kỳ. Anh làm một loáng là xong. Tôi ngồi chép lại thật sạch sẽ. Buổi chiều, tôi lân la gần nhà thầy Lâm. Nhìn thấy bé Hằng đang thập thò ở cửa, tôi vẫy vẫy tay khẽ gọi:
- Hằng... Hằng... ra đây anh bảo!
Vừa trông thấy tôi, bé Hằng đã lon ton chạy ra ngay. Con bé rất thích tôi vì tôi hay gấp cho nó khi thì cái chong chóng, lúc thì con châu chấu bằng lá dừa hoặc con thuyền bằng giấy.
Bé Hằng tíu tít:
- Anh An ơi! Hôm nay anh gấp cho em con chim bồ câu nhé!
Tôi bẹo má nó thì thào hỏi:
- Bố có ở nhà không?
- Bố em vừa đi "ọp an ám iệu ồi" (họp ban giám hiệu rồi).
Bé Hằng nói líu cả lưỡi. Tôi bảo:
- Thế thì tốt! Nhưng anh không có giấy để gấp...
- Bố em có ối... - Con bé khoe. Tôi bảo:
- Để anh vào nhà xem có tờ giấy nào bỏ đi lấy gấp đồ chơi cho em nhé!
Bé Hằng gật đầu. Tôi lẻn nhanh vào phòng thầy Lâm. Chả khó khăn gì, tôi tìm thấy tập bài kiểm tra toán thầy đang chấm dở để trong ngăn bàn. May quá, bài của tôi thầy chưa chấm đến. Tôi nhanh chóng đổi ngay bài làm vừa nhờ anh Bái giải giúp vào tập bài kiểm tra. Xong xuôi, tôi khép cửa và kéo bé Hằng ra mãi ngoài góc sân trường. Bé Hằng cứ luôn miệng giục đòi: "Anh gấp bồ câu cho em... anh gấp bồ câu cho em...". Tôi lúng túng, kiếm đâu ra giấy để gấp đồ chơi cho nó bây giờ. Bé Hằng sốt ruột ngúng nguẩy trực khóc. À đây rồi, tờ giấy bài kiểm tra làm sai đánh tráo khi nãy còn gấp nhét trong túi quần. Tôi lấy tờ giấy ra vuốt phẳng, xé đôi rồi gấp cho bé Hằng chiếc thuyền và con chim bồ câu.
Bài kiểm tra giữa học kỳ ấy tôi được điểm chín. Bọn con trai lười học trong lớp đều tròn mắt bái phục. Thầy Lâm biểu dương tôi trước lớp rồi nói thêm: "Thầy mong rằng em sẽ tiếp tục cố gắng nhiều hơn để giữ vững kết quả học tập của mình". Tôi thấy yên tâm vì thầy không phát hiện ra trò láu cá, gian lận của mình. Nhưng tôi cũng hơi hoảng vì nếu những bài kiểm tra tiếp theo lại bị điểm kém thì biết ăn nói thế nào với các bạn cùng lớp. Thế là tôi chú ý chăm chỉ học tập hơn. Tôi cũng thường xuyên đến nhờ anh Bái hướng dẫn thêm cho môn toán.
Một hôm, thầy Lâm tìm tôi bảo:
- Bé Hằng bị mệt, dỗ mãi không chịu ăn cơm, nó cứ đòi thầy đi tìm anh An đến gấp cho cái chong chóng mới chịu ăn.
- Thưa thầy! Hết buổi học em sẽ đến ngay ạ!
Tôi đáp. Hết giờ học tôi đến ngay phòng thầy Lâm. Bé Hằng đươc mấy thứ trò chơi thích quá, tay cầm cái chong chóng làm bằng lá dừa ăn liền hai lưng bát cơm. Từ đó tôi hay đến chơi với bé Hằng và cũng thấy bớt ngại thầy Lâm nghiêm khắc, khó tính. Thầy Lâm cũng tranh thủ kèm cặp hướng dẫn tôi thêm về môn toán. Đến cuối học kỳ một, lực học môn toán của tôi khá lên hẳn. Điểm kiểm tra đều từ bảy trở lên. Thỉnh thoảng, tôi còn được chín điểm môn toán.
Chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng khắp miền Bắc. Trường chúng tôi sơ tán vào trong rừng sâu. Bé Hằng vào học lớp 1. Nhiều hôm thầy Lâm bận lên lớp hoặc đi họp, tôi giúp thầy đưa đón bé Hằng đi học. Thầy coi tôi như con, tận tình chỉ bảo, nhắc nhở tôi học tập. Tôi cũng rất quý thầy và bé Hằng. Ngày ấy cuộc sống rất khó khăn. Quê tôi thường thiếu đói khi giáp hạt. Nhiều bữa thầy lấy cớ là bé Hằng không chịu ăn nếu không có anh An đến chơi để giữ tôi ở lại ăn cơm. Sau này tôi mới hiểu thầy thương tôi nhà nghèo, ăn uống thiếu thốn, nhiều bữa chỉ có sắn thay cơm. Mỗi khi đem tem phiếu ra mậu dịch mua được chút thịt cá tươi là thầy đều tìm cách giữ tôi ở lại ăn cơm.
Gần hết năm học lớp 8, tôi được kết nạp vào đoàn. Hôm làm lễ kết nạp cho tôi thầy Lâm vui lắm. Thầy đưa cả bé Hằng đến. Sau lễ kết nạp bé Hằng tặng tôi một bó hoa rừng. Giữa năm lớp 9, lúc này chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc tạm ngưng. Trường lại chuyển về thị trấn. Tôi còn nhớ hôm đó là ngày nghỉ, khu nhà tập thể giáo viên vắng vẻ. Tôi đến thăm thầy Lâm và bé Hằng. Đi tới gần phòng thầy ở cuối dãy nhà tập thể thì tôi nghe tiếng kêu khóc của bé Hằng. Tôi vội chạy vào. Thầy Lâm đang nằm dưới sàn nhà. Bé Hằng đang cuống quýt lay gọi bố. Thầy bị một cơn đau đột ngột. Thầy có tiền sử bị bệnh tim. Thấy tôi, thầy cố thều thào bảo:
- Đừng... sợ... thầy... kh...ông việc gì đâu. Cứ để thầy nằm yên một lúc. Thuốc thầy để ở ngăn tủ trên, An lấy cho thầy...
Tôi chạy vào góc phòng mở tủ tìm thuốc. Lúc kéo ngăn tủ ra tìm lọ thuốc tôi chợt thấy một cái thuyền và con chim bồ câu giấy cũ kỹ để ở trong hộc tủ. Tôi cầm lên xem và giật mình sửng sốt nhận ra chính là cái thuyền và con chim bồ câu tôi đã gấp cho bé Hằng bằng tờ giấy bài kiểm tra môn toán giữa học kỳ năm lớp 8 làm sai mà tôi đã đánh tráo. Thì ra ngay từ ngày ấy, thầy đã biết tôi đổi bài kiểm tra. Nhưng thầy đã không đưa tôi ra kiểm điểm trước lớp. Thầy có một cách khác để giúp tôi tiến bộ, học tập tốt hơn. Đó là cách của một người thầy luôn độ lượng, bao dung.
Tôi để chiếc thuyền và con chim giấy vào chỗ cũ rồi đem thuốc ra cho thầy…
*
Năm tháng qua đi, hết chiến tranh, thầy Lâm chuyển về dạy học tại thủ đô. Nghỉ hưu, thầy đi dạy tại lớp học tình thương cho trẻ em đường phố. Thầy vẫn dõi theo mỗi bước trưởng thành của các lớp học trò chúng tôi. Với tôi, thầy luôn có một sự quan tâm đặc biệt. Khi biết tôi trưởng thành thầy mừng lắm. Bé Hằng ngày ấy giờ cũng đã là một tiến sĩ, một nhà khoa học. Thầy đã một mình nuôi con khôn lớn và dạy dỗ bao lớp học trò nên người. Một mình thầy cô đơn với chiếc giường cá nhân. Nhưng bên thầy có bao lớp học trò vững bước, trưởng thành.
Bây giờ thì thầy nằm đó thanh thản trong tĩnh lặng. Là người chèo lái, thầy đã chở bao nhiêu chuyến đò tri thức sang sông cho chúng con nên người. Chúng con biết ơn thầy mãi mãi thầy ơi!
Hà Nội, 20-11-2008

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

Truyện ngắn vui MỘT CHUYỆN Ở LÀNG

MỘT CHUYỆN Ở LÀNG
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Không có mô tả ảnh.

Khu giãn dân đầu làng ngày càng phát triển mạnh mẽ trở thành một khu phố hẳn hoi. Bây giờ làng không còn độc nhất một quán thịt chó của mụ Béo nữa mà có thêm hẳn ba, bốn nhà hàng thịt chó đặc sản quê hương rất hoành tráng. Thêm mấy quán karaoke nhạc xập xình ầm ĩ suốt ngày. Đêm đến, nhiều lần trưởng thôn, công an xóm phải đi nhắc nhở họ mới chịu tắt nguồn tiếng động để cho dân làng ngủ nghỉ. Trong khu giãn dân ấy cũng xuất hiện nhiều ngành nghề phi nông nghiệp như sửa chữa xe máy, hàn xì cơ khí, sản xuất đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ, nước lọc đóng chai, làm bột giặt, bánh kẹo… Chất lượng thì chả biết thế nào nhưng các loại hàng hóa này đều được đem đi tiêu thụ khắp vùng.
Một bữa, công an, phòng thuế, hải quan ập vào cơ sở sản xuất của lão Ngũ, một «doanh nhân» mới nổi lên ở làng. Họ bắt được một lô một lốc những loại hàng giả do cơ sở này sản xuất như rượu, bánh kẹo, mỳ chính giả, kém chất lượng. Lập tức lão Ngũ chủ cơ sở sản xuất bị bắt tạm giữ. Hàng hóa giả, kém chất lượng bị tịch thu đem đi tiêu hủy. Biên bản được lập ngay tại chỗ. Giữa lúc các cơ quan chức năng đang tiến hành khám xét, lập biên bản thì ông chủ tịch xã cũng đến để chứng kiến. Ông chủ tịch xã chỉ mặt ông chủ làm hàng giả cảnh cáo:
- Đấy! Nhắc nhở mãi, ông có chịu nghe đâu. Bây giờ bị bắt quả tang rồi không còn kêu oan gì nữa nhé ?
Lão Ngũ, chủ xưởng sản xuất chắc buổi sáng vừa làm mấy li “cuốc lủi” rồi nên tỏ vẻ bất cần. Lão ta ngất ngư thủng thẳng bảo:
- Bắt giữ, tịch thu hàng hoá của tôi là các ông rất vô ơn!
- Tại sao lại là vô ơn ? Ông đừng có nói bậy mà tội nặng thêm đấy…
Anh công an cảnh cáo. Lão Ngũ vẫn bình tĩnh hỏi lại:
- Thế chức năng của ngành công an, phòng thuế, hải quan rồi cả chính quyền các cấp nữa là gì hả?
- Là… là… bảo vệ pháp luật, là để trừng trị những kẻ coi thường pháp luật như ông đấy hiểu không?
Ông chủ tịch xã nghiêm khắc nói. Lão Ngũ cười ngặt nghẽo:
- Đấy… đấy… tôi nói các ông rất vô ơn với các nhà sản xuất chúng tôi là ở chỗ ấy đấy…
Nghe lão Ngũ nói các anh cán bộ công an, phòng thuế, hải quan và ông chủ tịch xã bực lắm. Ông chủ tịch bực bội quát:
- Gô cổ tên làm hàng giả ngoan cố, nói năng bừa bãi này lại!
Lão Ngũ xua xua tay bảo:
- Khoan hãy gô cổ... Cho tôi nói thêm câu này nữa để toàn thể dân làng đều biết đúng là cán bộ các ông là một bọn vô ơn...
Ông chủ tịch xã hậm hực:
- Vô ơn thế nào?
Lão Ngũ lè nhè:
- Thì... cho tôi hỏi thêm nhé! Nghề của các ông là làm công tác quản lý xã hội, chuyên đi bắt tội phạm, chống lại bọn chuyên sản xuất, tiêu thụ hàng giả như chúng tôi. Giả sử bây giờ... không còn bọn tội phạm, bọn làm hàng giả nữa thì... thử hỏi các ông còn có việc gì nữa mà làm hả… hả…? Các ông sẽ thất nghiệp, sẽ về vườn đuổi gà cho vợ hiểu không? Vậy nên, tôi nói các ông… vô ơn quả không sai. Nhờ có bọn vi phạm chúng tôi các ông mới có việc làm, mới có lương bổng, mới được thăng quan, tiến chức, mới có các khoản “thu hoạch” bỏ túi hằng ngày ăn uống, đem về cho vợ con… có đúng không… đúng không... đúng không? Ai trả lời cho tôi đi?
Mọi người đều ớ ra trước lý lẽ của lão chuyên sản xuất hàng giả. Lão Cốc, ông Tô và trưởng thôn Trần Kính đứng chứng kiến sự việc cũng thấy bí không trả lời được câu hỏi của lão Ngũ. Lão Cốc liền kéo ông Tô bỏ về. Họ đi được một quãng xa vẫn nghe tiếng lão Ngũ gào to: “Người ta đã tạo công ăn việc làm cho mà lại chả biết ơn, chả biểu dương khen thưởng thì thôi lại còn khám xét, bắt bớ… hơ... hơ... hơ... Ới bà con dân làng ơi ra đây mà xem bọn vô ơn này... này... hơ... hơ...”.
Đúng là cùn đến thế là cùng!
Hà Nội, Ngày 11/11/2019

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2019

Truyện ngắn vui VIÊN GẠCH CHỮ NHO

VIÊN GẠCH CHỮ NHO
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời

Sau khi phá một phần cái gò hoang con đường vào làng được nắn thẳng băng trông thật đẹp. Thế nhưng cũng kể từ ấy đoạn dường qua cái gò hoang này rất hay xảy ra tai nạn. Xe máy đâm vào nhau, đâm vào trâu bò và người đi bộ nhiều lần. Vụ nào nhẹ thì hỏng xe, vỡ đầu mẻ trán, vụ nào nặng thì phải đưa lên tỉnh, về Hà Nội cấp cứu. Chưa có người chết nhưng đã có người bị tàn phế. Dân làng có người bảo: “Cái gò hoang này rất linh thiêng phá hủy nó là hại chết cả làng rồi!”. Bà con trong làng hoang mang. Trưởng thôn Trần Kính lại phải họp làng để làm công tác tư tưởng cho nhân dân.
Tại buổi họp, lão Phúng chuyên làm nghề cúng bái mới giải nghệ xin có ý kiến trước. Lão ấy ậm è nói:
- Cái gò hoang đầu làng ta là linh thiêng lắm! Khi còn bé nhiều đêm tôi đi bắt ếch còn gặp các thần linh, ma quỷ hiện hình hội họp ở ấy đấy...
- Bậy... bậy... làm gì có chuyện thần linh, ma quỷ gì ở cái mả tên quan tham ấy! Ông đừng có mà tuyên truyền chuyện mê tín dị đoan nhé?
Lão Cốc đứng bật dậy to tiếng bác bỏ lời lão Phúng thầy cúng. Trưởng thôn Trần Kính cũng nhắc nhở lão chuyện hay tung tin ma quỷ gây hoang mang trong làng. Lão thầy lúng túng ngồi xuống im bặt không dám nói gì thêm nữa. Thằng Nhỡ thì ấp úng lên tiếng:
- Hay... hay đúng là cái gò ấy do bọn Tàu ngày xưa chúng chôn giấu vàng bạc, bị chúng yểm bùa... Hôm đào đất phá gò làm đường tôi thấy có rất nhiều viên gạch khắc chữ nho đấy!
Lão Cốc lại đứng bật dậy nói:
- Mày trẻ ranh biết gì chữ nho với chữ nhiếc...
Thằng Nhỡ tự ái vùng vằng vặc lại:
- Vậy... ông có biết chữ ấy là chữ gì không?
Lão Cốc khẳng định:
- Đó là chữ “cứt”... tao đã mang một viên có in chữ rõ nhất sang hỏi cụ đồ Thảo là người giỏi chữ nho nhất vùng ở làng bên rồi...
- Tại sao lại là chữ “cứt”...?
Nhiều người nhao nhao lên tiếng hỏi lại. Lão Cốc chậm rãi giải thích.
- Do làng ta ngày căm ghét ông quan này tham nhũng, hay vơ vét ức hiếp dân lành, làm tổn hại đến thanh danh, truyền thống của làng xã, bị triều đình phế truất nên đã đề ra một quy ước chẳng thành văn là ai đi qua khu gò mả bia mộ của ông ta “buồn thì lên gò phóng uế, thích thì dừng lại chân bia mà đái”. Ai không buồn đại, tiểu tiện thì phải nhặt phân trâu, bùn đất đá vứt lên gò, ném vào bia. Người lạ khi vào làng cũng phải làm như thế. Nhiều người đi qua tìm kiếm mãi không có gạch đá để ném vào tấm bia và gò mộ. Một lão nông nhà ở đầu làng mới nghĩ ra một cách để làm kinh tế. Ông ấy mở một cái lò làm gạch ở ngay đầu làng. Các viên gạch ông ấy làm ra chỉ nhỏ bằng nửa viên gạch thường, rất vừa với tay người cầm. Trên mặt từng viên gạch đều in một chữ “cứt”. Loại gạch có khắc chữ nho này không dùng để xây nhà mà chỉ để bán cho những người đi vào, đi ra khỏi làng ta, mỗi người một viên, ai mua nhiều cũng được. Họ mua để dùng "viên gạch cứt" để ném lên gò đất có bia mộ tên quan tham ấy đấy...
Mọi người ồn ào bàn luận về câu chuyện hoàn toàn bất ngờ của lão Cốc. Thằng Nhỡ cố vớt vát nói thêm:
- Là... là hồi còn bé tôi có nghe ông nội tôi nói cái gò đầu làng ta bị bọn Tàu nó yểm bùa. Bọn Tàu thâm lắm... đến bây giờ nó còn “yểm” một con “quái vật bằng bê tông” khổng lồ, dài loằng ngoằng từ Hà Đông đến Cát Linh ở ngay giữa thủ đô đấy...
Ai đó nói thêm:
- Nó cũng yểm cả một cái lưỡi bò to tướng ngoài biển Đông nữa chứ...
Trưởng thôn Trần Kính nói:
- Chuyện yểm bùa ở đầu làng ta là hoàn toàn không có. Còn những chuyện khác, nhất là chuyện bảo vệ chủ quyền “bất di bất dịch” của chúng ta ở biển Đông thì bà con phải tin tưởng vào sự mềm dẻo khôn khéo, tuân thủ luật pháp quốc tế của cấp trên, bình tĩnh không nên kích động, hoặc manh động mà bàn tán, phát ngôn bừa bãi, xuyên tạc lung tung, làm rối thêm tình hình...
- Nhưng... nhưng... khi có thằng hàng xóm nó đang mài dao định đánh ta mà ta cứ ngồi yên không buộc lại dây cung, kiểm tra lại lẫy nỏ à?
Thằng Nhỡ cố cãi, trưởng thôn Trần Kính nghiêm khắc:
- Phải cảnh giác nhưng cần phải có kỷ luật hiểu không?
Thằng Nhỡ ngồi xuống. Mồm nó còn lủng bủng một câu gì đó.
Ông Tô được mời phát biểu. Ông đứng dậy bình tĩnh nói:
- Không có chuyện ma quỷ, không có chuyện yểm bùa hoặc thần giữ của gì đâu. Vì con đường chúng ta nắn thẳng, lại trải nhựa phẳng lì nên đám thanh niên thường phóng xe máy rất nhanh, không làm chủ tốc độ. Khu vực này trẻ con lại hay thả rông trâu bò nên rất dễ gây ra tai nạn. Tôi đề nghị trước hết làng ta nên làm biển báo giảm tốc độ, xe máy ai phóng nhanh, phóng ẩu sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Mà điều này cần đưa vào quy định hương ước của làng ngay. Về lâu dài chúng ta nên làm hai con mương, trồng cây thành hàng rào hai bên đường ngăn không cho trâu bò đi lại nghênh ngang trên đoạn đường vào làng, các gia đình nên quan tâm giáo dục con em mình khi đã đi xe máy thì không được uống rượu bia thì nhất định tai nạn sẽ không xảy ra nữa...
Ý kiến của ông Tô được nhiều người tán đồng ủng hộ. Trưởng thôn Trần Kính cũng thấy hợp lý nên triển khai cho dân làng thực hiện. Quả nhiên thời gian sau đó đoạn đường qua khu gò mả hoang không còn xảy ra tai nạn nữa. Phần còn lại của khu gò mả hoang đầu làng được cải tạo thành một khu trồng cây và hoa rất đẹp...
Hà Nội, ngày 5-11-2019